10 cây thuốc vị thuốc nam hỗ trợ điều trị Kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều là bệnh chứng thường gặp và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhiều chị em. Sau đây là 10 vị thuốc có thể hỗ trợ điều trị chứng bệnh này.

Dec 27, 2022 - 04:31
 0  109
10 cây thuốc vị thuốc nam hỗ trợ điều trị Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều có thể có nguyên nhân không phải do bệnh lý có từ trước. Ví dụ như tiền sử gia đình có kinh nguyệt không đều, mãn kinh hoặc mới có kinh, căng thẳng về thể chất, căng thẳng về tâm lý, hút thuốc lá hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Theo Y học cổ truyền, kinh nguyệt không đều, kinh trước ngày định kỳ phần nhiều do huyết nhiệt vận hành nhanh… Bệnh liên quan đến những trường hợp vốn âm hư nội nhiệt lại hay ăn cay nóng, hoặc phẫn nộ quá mức, khí uất hóa hỏa, mà kinh trước kỳ.

Phép trị chủ yếu bổ mát huyết, bổ thủy chế hỏa… Bệnh không chữa trị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, còn gây trục trặc thụ thai, mang thai, sinh con.

Dưới đây là món ăn bài thuốc quý giúp chữa chứng huyết nhiệt kinh trước kỳ và tăng cường sức khỏe cho chị em:

1. Đậu xanh hỗ trợ điều trị kinh nguyệt không đều

Đậu xanh có vị ngọt, tính mát; tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát, giải độc, lợi ngũ tạng, dưỡng khí huyết… giúp chữa chứng huyết hư huyết nhiệt, chứng phụ nữ kinh ra trước kỳ, da khô sần…

Có thể nấu chè, nấu cháo, hầm ăn, xay bột làm bánh ăn…

2. Bí đao

Bí đao vị ngọt, tính mát; tác dụng bổ thanh phế (phổi) vị, sinh tân, hóa đàm, nhuận táo… giúp trị chứng huyết nhiệt tâm phiền khó ngủ, phụ nữ kinh trước kỳ, chứng da khô sần, miệng khô khát, tăng huyết áp…

Dùng bằng cách nấu canh với thịt vịt, chân giò, hoặc tôm, cua, cá…

3. Rau má

Rau má vị đắng tính mát; tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, mát huyết… ăn rất tốt cho phụ nữ huyết nhiệt kinh trước kỳ, chứng khí hư bạch đới, mụn nhọt, da khô sần.

Có thể nấu canh với thịt, cá, hoặc luộc, xay sinh tố…

4. Rau cần

Rau cần vị ngọt thơm ngon, mát; tác dụng thanh nhiệt, trừ phong, lợi thấp, dưỡng huyết, chỉ băng huyết… giúp trị chứng huyết nhiệt, kinh sớm kỳ, đau bụng, rong kinh, khí hư đới hạ (viêm nhiễm phụ khoa), hay bốc hỏa, đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp…

Có thể xào, luộc, nấu lẩu, xốt cà, ăn sống, xay nước uống…

5. Cải xoong

Cải xoong vị cay thơm, tính mát; tác dụng kiện tỳ, mát gan, dưỡng khí huyết… chữa chứng huyết hư huyết nhiệt, chứng phụ nữ kinh không đều có ít, da khô nám, tóc rụng, ho đàm, nhức mỏi…

Nấu canh, ăn sống, trộn giấm, xốt cà, xào thịt bò, nấu lẩu…

6. Giá đậu

Giá đậu vị ngọt tính mát; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ khát… ăn rất tốt cho phụ nữ huyết nhiệt huyết ứ, sau khi sinh ít sữa, nam nữ sinh lý yếu, đau lưng, hiếm muộn…

Dùng bằng cách ăn sống, xào, nấu canh chua, muối chua, tráng bánh xèo, xay nước uống dạng sinh tố…

7. Đậu đen

Đậu đen vị ngọt tính mát; tác dụng bổ huyết, trừ phong, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… giúp chữa phụ nữ âm hư huyết nhiệt, kinh không đều có ít trước kỳ, gầy gò, khó mập, nóng về đêm.

Dùng bằng cách nấu chè, nấu xôi, làm bánh, hoặc hầm thịt heo, thịt vịt, ba ba…

8. Mướp đắng

Mướp đắng vị đắng, tính mát, tác dụng dưỡng huyết, mát gan, giải nhiệt, sáng mắt… giúp chữa phụ nữ huyết nhiệt, nóng bứt rứt, khó ngủ, kinh trước kỳ, hết kinh sớm, đái tháo đường, mụn nhọt, táo bón… đều dùng hay. Ăn bằng cách nấu canh, nhồi thịt, xào trứng, luộc chấm nước mắm, muối chua, làm nộm hoặc xay nước uống…

9. Mía

Mía ngọt mát; tác dụng đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết, mát phế, tiêu đàm, giáng hỏa, hòa vị, tiêu phiền, dễ ngủ, lợi gân cốt… dùng rất tốt với phụ nữ huyết nhiệt, tâm tỳ hư, ăn ngủ kém, huyết nhiệt khó ngủ, nóng sốt về đêm, da khô sần, chứng liên quan tâm tỳ âm hư.

Bằng cách chẻ ăn trực tiếp hoặc ép vắt chanh uống ngày một vài ly.

10. Atiso

Atiso vị ngọt, tính mát; tác dụng thông mật, mát gan, tiêu độc, mát huyết…, giúp chữa chứng huyết nhiệt nóng về đêm, mụn nhọt, da khô ngứa, các chứng liên quan huyết nhiệt huyết táo.

Dùng bông tươi nấu canh với thịt giò heo, thịt vịt hoặc nấu nước uống như trà.

Ngoài ra, chứng huyết nhiệt nên tăng cường ăn nhóm rau củ quả như: Hoa thiên lý, rau ngót, đậu phụ, đậu đũa… hoặc thức ăn động vật bổ âm mát huyết nên ăn như lươn, ếch, trai, hến, hàu, cá chép, cá trê, cá trạch, cá đuối, cá diếc…

Nếu người mập đàm thấp nhiều thì nên tăng cường ăn vị kiện tỳ hóa thấp như: Ngải cứu, lá lốt, lá mơ lông, cải cúc, cải cay, rau nhút, rau mầm, hành tây, hành ta, rau mùi, kinh giới, tía tô, và các loại rau thơm hoặc các loại củ quả có tác dụng bổ mát… Hạn chế vị mặn cay nóng quá, thức ăn có nhiều gia vị tiêu, ớt, tỏi...

Lương y Minh Phúc

Theo skđs