Bệnh ghẻ là gì?

Bệnh ghẻ là bệnh lý không nguy hiểm, nhưng gây khó chịu và giảm chất lượng sống cho người nhiễm. Đặc biệt là ở các vị trí thường gặp: Các nếp gấp, kẽ ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ.

Jun 21, 2022 - 02:22
 0  78
Bệnh ghẻ là gì?
Bệnh ghẻ do ký sinh trùng gây ra.

Bệnh ghẻ có nguy hiểm không?

Bệnh ghẻ là bệnh lý không nguy hiểm, nhưng gây khó chịu và giảm chất lượng sống cho người nhiễm. Do cái ghẻ đào hầm về đêm nên bệnh nhân ngứa rất dữ dội gây mất ngủ. Mụn ghẻ gây mất thẩm mỹ do sang thương da gây đỏ, mụn nước, nốt sần đóng vảy và bong vảy da.

Đặc biệt là ở các vị trí thường gặp: Các nếp gấp, kẽ ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ.

Trước đây bệnh lý này thường gặp nhiều hơn do vấn đề vệ sinh. Hiện nay tuy ít gặp, nhưng thực tế lâm sàng vẫn không ít ca bệnh, ngay tại thành phố người bệnh khi đi khám bệnh mới biết mình mắc cái ghẻ. Bệnh do ký sinh trùng xâm nhập ở lớp thượng bì của da, lây lan do tiếp xúc gần, trực tiếp với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ (ngủ chung giường, dùng chung khăn, chung đồ chơi, vật dụng...)

Điều trị bệnh ghẻ thế nào?

Bệnh ghẻ có thể điều trị khỏi hoàn toàn với một vài loại thuốc. Tuy nhiên không dễ điều trị dứt điểm do không chỉ dùng thuốc mà còn cần sự tuân thủ trong lối sống. Bởi bệnh ghẻ rất dễ tái phát nếu trứng ghẻ hay cái ghẻ còn tồn tại trong nhà.

Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh. Thậm chí cả gia đình hoặc tập thể sống cùng bệnh nhân có thể cùng lúc phải điều trị cái ghẻ - nếu cần.

Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ là phát hiện sớm, điều trị sớm khi bệnh mới phát và chưa có biến chứng.

Bệnh nhân không cào gãi vì có thể gây nhiễm khuẩn, cách ly người bệnh để tránh lây lan bệnh.

Ngoài ra các đồ dùng cá nhân, quần áo, chăn, ga gối... phải được giặt sạch, phơi khô dưới nắng mặt trời, là kỹ, thậm chí có thể phải mang ra luộc.

Về dùng thuốc, có thể bôi một trong các thuốc sau:

  1. Dung dịch diethylphtalate (DEP).
  2.  Mỡ lưu huỳnh 5-10%.
  3.  Dung dịch hoặc kem mỡ permethrin 1-5 %.
  4.  Dầu benzyl benzoat 25%
  5.  Crotaminton 10%
  6.  Gamma benzen 1%

Sau khi tắm sạch bằng xà phòng thì bôi thuốc vào thương tổn ngày một lần vào buổi tối. Các thuốc này bôi liên tục 10 - 15 ngày. Tiếp tục theo dõi sau 10 - 15 ngày sau đó vì có thể có đợt trứng mới nở, bệnh tái nhiễm.

Nếu có chàm hóa cần phối hợp với các thuốc bôi có chứa corticoid. Thuốc này chỉ dùng ngắn hạn, trong 1-2 tuần.

Bệnh ghẻ có bội nhiễm (nhiễm vi khuẩn) có thể cần phối hợp với kem kháng sinh bôi tại chỗ hoặc kết hợp thuốc điều trị toàn thân:

  • Kháng sinh đường uống nếu có bội nhiễm nặng.
  • Kháng histamin để giảm ngứa.
  • Ivermectin liều duy nhất 0.15 mg/kg cân nặng cho trẻ em trên 5 tuổi và người lớn. Thuốc được dùng khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp điều trị bằng các thuốc bôi tại chỗ không hiệu quả. Để thuốc đạt hiệu quả tối đa, nên uống thuốc lúc đói, tránh ăn trong vòng 2 giờ trước và sau khi dùng thuốc.

Theo dongtayy.com