Bệnh Sâu Răng và các thuốc điều trị
Sâu răng, đặc biệt sâu có mủ gây đau đớn, không ăn không ngủ được, do đó ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh còn gây ra biến chứng nguy hiểm như như viêm nha chu, mất răng…
1. Biểu hiện của sâu răng
Sâu răng chia thành nhiều mức độ và ở mỗi mức độ bác sĩ nha khoa sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Khi mới bắt đầu bị sâu răng thì các triệu chứng không rõ ràng, thậm chí là không có triệu chứng.
Đến khi sâu răng nặng hơn, bệnh nhân bắt đầu thấy các dấu hiệu:
- Răng nhạy cảm với nóng/lạnh;
- Đau răng nhẹ khi nhai;
- Ê buốt răng với thực phẩm ngọt, chua;
- Xuất hiện các đám màu đen trên mặt răng;
- Xuất hiện lỗ thủng; đau nhức phát sốt…
- Lúc này, tình trạng sâu răng đã tiến triển có mủ.
Khi sâu răng có mủ, vi khuẩn xâm nhập qua lớp ngà răng, xâm nhập vào tủy răng và các mô nướu quanh răng, gây đau nhức kéo dài, lan rộng ra hàm, tai, sưng hạch ở cổ… Bệnh nhân thấy mệt mỏi, sốt cao, hơi thở có mùi hôi…
2. Phương pháp điều trị sâu răng
Để đánh giá tình trạng sâu răng ở mức độ nào, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định bệnh nhân chụp X.quang để kiểm tra tổn thương răng.
- Sâu răng giai đoạn sớm, chưa có tổn thương tủy, sẽ được vệ sinh răng, tiêu diệt vi khuẩn bằng laser và trám răng bằng nhựa nhựa composite (nếu sâu răng có lỗ thủng nhỏ, chưa có mủ).
- Trường hợp sâu răng đã có mủ, ăn sâu vào tủy gây viêm nhiễm, nha sĩ sẽ phải khoan bề mặt răng, dùng thuốc diệt vi khuẩn, rút hết dịch tủy rồi mới dùng vật liệu trám trám vào khoang tủy để khôi phục kết cấu của răng.
- Khi răng đã bị sâu gây viêm nặng, ổ nhiễm trùng lớn, làm tổn thương chân răng, lung lay răng không bảo tồn được, nha sĩ sẽ trích dẫn lưu mổ, làm sạch ổ nhiễm trùng, hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, sau đó là nhổ răng sâu để ngăn chặn viêm làm ảnh hưởng mô nướu và sâu lan ra răng lân cận.
3. Các thuốc trị sâu răng
- Thuốc giảm đau: Đau là lý do khiến bệnh nhân sâu răng tìm đến với bác sĩ nha khoa. Do đó bước đầu tiên trong điều trị sâu răng là sử dụng thuốc giảm đau.
Tùy thuộc nguyên nhân gây đau răng cũng như tình trạng đau, các bệnh lý kèm theo và các thuốc bệnh nhân (có thể) đang sử dụng, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau phù hợp.
+ Paracetamol: Là thuốc giảm đau phổ biến, khá an toàn nên là thuốc giảm đau được chỉ định đầu tiên để điều trị đau do sâu răng. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt nhưng không có tác dụng chống viêm. Vì thế thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giảm đau tức thời. Cơn đau sẽ quay trở lại khi thuốc hết tác dụng và nếu nguyên nhân gây sâu răng không được điều trị triệt để.
+ Aspirin: Là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhẹ đến đau vừa.
Trong điều trị sâu răng, nếu có chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân nên uống thuốc khi no để tránh tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
+ Ibuprofen: Là thuốc kháng viêm không steroid cũng được chỉ định cho tình trạng đau răng cấp do răng sâu, bệnh nướu trong thời gian ngắn. Thuốc không nên sử dụng hơn 10 ngày mà không có chỉ định của bác sĩ. Nên uống thuốc sau khi ăn no để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
+ Benzocain: Là thuốc thuộc nhóm thuốc gây tê cục bộ được sử dụng trong giảm đau và có tác dụng giảm đau răng rất nhanh sau khi thoa thuốc. Khi bôi thuốc vào nướu và răng sẽ có cảm giác tê liệt trong răng, giúp giảm đau tức thì.
Benzocain có khá nhiều hàm lượng, trong điều trị giảm đau răng, nên dùng loại dung dịch từ 2,5%. Loại đậm đặc 20% chỉ dùng tại cơ sở nha khoa. Không dùng thuốc quá 7 ngày. Sau khi thoa thuốc, không ăn, uống trong 1 giờ để tránh thuốc bị rửa trôi.
- Kháng sinh: Lựa chọn kháng sinh trị nhiễm khuẩn răng miệng dựa vào vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, đa số trường hợp cần phối hợp các loại kháng sinh họ beta lactam với metronidazol để đem lại hiệu quả cao.
+ Kháng sinh amoxicillin và phenoxymethylpenicillin là hai kháng sinh thuộc nhóm beta lactam, rất hiệu quả khi tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu, liên cầu... Do đó thường được chỉ định đầu tay với nhiễm khuẩn răng miệng.
+ Doxycycline là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin, là lựa chọn thay thế nếu bệnh nhân dị ứng với với amoxicillin. Thuốc diệt cả vi khuẩn gram (-) và gram (+), khá an toàn và không gây nhiễm độc gan mạnh cho người dùng. Tuy nhiên thuốc không nên dùng cho trẻ em, bởi có thể gây ảnh hưởng làm hỏng vĩnh viễn men răng ở trẻ.
+ Spiramycin và erythromycin là lựa chọn thay thế khi bệnh nhân chống chỉ định với các kháng sinh trên. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc gây gây trướng bụng, buồn nôn. Do đó nếu bệnh nhân dễ bị kích ứng dạ dày thì không nên dùng thuốc này.
Ngoài kháng sinh điều trị sâu răng, bệnh nhân cần sử dụng thuốc súc miệng có các chất sát khuẩn: Acid boric, kẽm sulfat, menthol, fluor...; sử dụng kem đánh răng chứa fluoride.
4. Lưu ý khi điều trị sâu răng
- Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân không uống rượu bia, không hút thuốc.
- Dùng kháng sinh phải dùng đúng liều lượng, đủ ngày.
- Sau khi điều trị khỏi, răng miệng rất nhạy cảm và dễ bị viêm trở lại. Do đó, cần chăm sóc đúng cách và tái khám theo lịch hẹn của nha sĩ.
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh để tránh làm tổn thương nướu khi chải răng.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa, máy tăm nước để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trong kẽ răng. Không dùng tăm xỉa răng.
- Không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không sử dụng có nhiều màu thực phẩm để tránh làm hỏng men răng.
BS.Nguyễn Văn Thủy
Theo suckhoedoisong.vn