Thuyền thuế, thiền thoái, phục xác, xác ve sầu (Periostracum Cicadae)

Theo Đông y, xác ve sầu có vị mặn, ngọt, không mùi, tính lạnh có tác dụng thanh nhiệt, tán phong, chống viêm, tiêu thũng, thúc sỏi

Jun 18, 2022 - 02:47
 0  111
Thuyền thuế, thiền thoái, phục xác, xác ve sầu (Periostracum Cicadae)
Thuyền thuế, thiền thoái, phục xác, xác ve sầu (Periostracum Cicadae)

Thuyền thoái là xác của con ve sầu lột bỏ vào mùa hè hoặc mùa thu. Đây là một loại dược liệu trong Đông y, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe y tế như thanh nhiệt, phong chẩn, giải kinh, tiêu viêm,… Do đó, người xưa đã dùng xác ve sầu để làm ra rất nhiều bài thuốc, cho đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền trong dân gian.

1. Tên gọi, phân loại

Tên gọi khác: Thuyền thuế, thiền thoái, phục xác, xác ve sầu;

Tên khoa học: Periostracum Cicadae;

Họ: Côn trùng.

2. Đặc điểm sinh học

Mô tả

Ve sầu là loài côn trùng hoạt động mạnh vào mùa hè. Khi ve sầu lột xác, phần xác khô của ve sầu bám chặt vào thân các gốc cây to hoặc ngay trên mặt đất. Xác ve sầu được gọi là thuyền thoái, thuyền thuế,…

Xác ve sầu khô cứng, có màu trong suốt hoặc nâu vàng, có hình dáng trông như một con ve sầu.

Kích thước của xác ve thường dài khoảng 3cm. Chân ve quặp lại, lưng có một vết rạch dọc, đầu thóp lại, bụng phồng to ra và có nhiều đốt.

Phân bố

Ve sầu là loài côn trùng phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Ve sầu sinh sống ở các cây to, hút nhựa cây lấy dinh dưỡng.

Tại Việt Nam, ve sầu phân bố ở cả ba miền, Bắc, Trung và Nam. Ve sầu sinh sống ở những cây to trong thành phố, ở làng quê và cả rừng núi.

3 Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Thân xác ve, loại bỏ chân và đầu;

Thu hoạch: Thu hoạch vào mùa hạ và mùa thu (mùa ve thay xác);

Chế biến: Người ta thường dùng thuyền thoái (xác ve sầu) để làm thuốc trị bệnh. Sau khi loại bỏ chân, cách và đầu của ve, rửa sạch đất cát bám trên xác ve, người dùng có thể chế biến theo cách sau:

  • Khuấy thuyền thoái với nước nóng, cho thêm nước tương vào nấu qua. Sau đó phơi khô để dùng;
  • Phơi khô se, sao qua cho thơm rồi dùng.

Cách bảo quản: Bảo quản ở trong hộp, lọ sạch. Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

4. Tác dụng dược lý

Theo Đông y, thuyền thoái có các dược tính sau:

  • Tiêu phù thũng;
  • Tiêu viêm;
  • Phá thương phong;
  • Phong chẩn;
  • Thấu đậu chẩn;
  • Giải kinh;
  • Tuyên phế;
  • Giải biểu nhiệt;
  • Tán phong nhiệt;
  • Thanh nhiệt;
  • Thúc sỏi.

Nhờ những tác dụng dược lý trên, thuyền thoái được dùng để tạo ra các bài thuốc chữa kinh phong co giật, điều trị viêm khí quản, cảm mạo, chữa ghẻ lở, mụn nhọt, rôm sẩy, tính tình cáu gắt,…

5. Tính, vị

Theo Đông y, thuyền thoái có tính mát lạnh, vị ngọt và mặn, không mùi, không độc.

6. Qui kinh

Thuyền thoái được qui vào các cuốn kinh như Bản thảo cương mục, kinh can, kinh phế.

7. Liều dùng

Không nên dùng thuyền thoái trong một thời gian quá dài. Liều lượng dùng ở mỗi bài thuốc có sự khác nhau. Vì vậy, người dùng nên tuân thủ liều dùng bác sĩ chỉ định.

8 Các bài thuốc

Thuyền thoái được ứng dụng trong một số bài thuốc sau:

  1. Bài thuốc chữa mụn nhọt mới phát ở vùng đầu, mặt: Chuẩn bị 20g thuyền thoái, 10g cam thảo sống, 60g sinh địa, 60g tang diệp. Người dùng sắc các nguyên liệu trên, sau đó uống để trị mụn nhọt.
  2. Bài thuốc chữa ho, cảm, mất tiếng: Chuẩn bị 3g thuyền thoái, 4,5g cát cánh, 3g cam thảo, 9g ngưu bàng tử. Sắc các nguyên liệu, uống.
  3. Bài thuốc chữa mắt đau, sưng đỏ (viêm màng kết hợp cấp): Chuẩn bị 4g thuyền thoái, 4g đăng tâm thảo, 12g kim ngân hoa, 12g thảo quyết minh, 12g long đởm thảo, 12g sinh địa,12g cúc hoa, 10g liên kiều. Sắc các nguyên liệu trên để uống chữa đau mắt.
  4. Bài thuốc chữa mụn nhọt lở loét: Chuẩn bị thuyền thoái và bạch cương, hàm lượng ngang bằng nhau. Trước tiên, người dùng tán các nguyên liệu thành bột nhuyễn. Trộn bột với giấm. Bôi thuốc ở quanh nốt mụn, để hở miệng nhọt. Khi cùi nhọt trồi ra, lấy cùi bỏ đi. Sau đó tiếp tục bôi thuốc thêm lần nữa.
  5. Bài thuốc chữa đau đầu, chóng mặt: Sao xác ve sầu, sau đó tán nhỏ. Mỗi lần uống 4g với nước ấm.
  6. Bài thuốc chữa kinh phong co giật: Chuẩn bị 3g thuyền thoái, 3g cam thảo, 3g sinh khương đại táo, 3g thiên nam tinh. Sao tất cả các nguyên liệu khô lại. Sau đó tán thành bột. Mỗi ngày chia thuốc uống từ 2 – 3 lần.
  7. Bài thuốc chữa bệnh sởi: Chuẩn bị 6g thuyền thoái, 2g cam thảo, 6g kinh giới, 4g bối mẫu, 8g liên kiều, 12g cát căn, 6g xích thược. Sắc các nguyên liệu trên với 500ml nước. Khi nước trong ấm sắc lại còn khoảng 300ml thì ngừng. Chia thang thuốc ra uống hết trong ngày.
  8. Bài thuốc chữa chứng khóc đêm ở trẻ: Chuẩn bị 7 – 9 xác ve sầu, 2 ngọn rau kinh giới. Ngắt bỏ đầu và phần chân của ve sầu. Cho nguyên liệu vào chén, chưng rau kinh giới với xác ve sầu. Lấy nước thuốc cho trẻ uống.

Trong dân gian còn có rất nhiều các bài thuốc khác từ thuyền thoái giúp chữa bệnh, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

9. Lưu ý

Khi sử dụng thuyền thoái, người dùng cần lưu ý một số điều sau:

Trường hợp phụ nữ có thai không nên dùng các bài thuốc từ thuyền thoái;

Trường hợp trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trước khi cho trẻ dùng thuốc làm từ thuyền thoái, cha mẹ nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ;

Không nên dùng thuyền thoái trong một thời gian dài;

Các bài thuốc dân gian nói chung thường có tác dụng chậm. Do đó, trong khi dùng các bài thuốc trị bệnh bằng thuyền thoái, người dùng nên kiên trì sử dụng. Nếu có dị ứng thuốc, thuốc bị phản tác dụng hoặc không nhận thấy không có tác dụng sau một thời gian dài sử dụng, hãy ngưng dùng, đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị khác.

Khi dùng thuyền thoái và các loại dược liệu khác, người dùng cần lưu ý về nguồn gốc của sản phẩm. Nên chọn dùng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, uy tín.

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan

Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ươn

Theo ydhvn.com