70 Cây Thuốc Nam Quan Trọng Trong Y Học Cổ Truyền Việt Nam

Khám phá bộ sưu tập 70 cây thuốc nam được Bộ Y Tế Việt Nam công nhận qua Quyết định số 4664/QĐ-BYT. Các loại cây thuốc này không chỉ giúp phòng và chữa bệnh mà còn là công cụ giáo dục sức khỏe cộng đồng. Tìm hiểu về các loại cây thuốc và ứng dụng của chúng trong y học cổ truyền. #CâyThuốcNam #YHọcCổTruyền #BảoVệSứcKhỏe #ChămSócCộngĐồng

Apr 25, 2024 - 10:09
Apr 25, 2024 - 20:51
 0  182
70 Cây Thuốc Nam Quan Trọng Trong Y Học Cổ Truyền Việt Nam
Danh mục 70 cây thuốc nam của Bộ Y tế
  

Nội dung chính

  • Cây Ý DĨ (Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo)

    Cây Ý DĨ (Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo)
    Hình ảnh cây Ý Dĩ

    Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo, dĩ mễ, dĩ nhân.

    Tên khoa học: Coix lacryma-jobi L., Poaceae (họ Lúa).

    Mô tả cây: Cây thảo, mọc thành bụi, cao tới 2 m. Thân ít phân cành, nhẵn, có vạch dọc, lõi xốp. Lá mọc cách, đầu thuôn nhọn, mép uốn lượn, gân lá song song, nổi rõ ở mặt dưới, mép lá sắc, bẹ lá dài và rộng, bẹ chìa nhỏ. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thành bông ở kẽ lá; hoa đực ở trên, 2-3 cái xếp lợp, ngắn màu lục nhạt; hoa cái ở dưới, hình trứng, được bao bởi lá bắc dày. Quả dĩnh, hình trứng, một mặt phảng, một mặt lồi, đáy tròn, đầu thuôn nhọn, vỏ ngoài mềm, nhẵn bóng, dễ bóc, màu xám nhạt, khi chín nâu đen rồi trắng, rất cứng; nhân màu trắng. Khi quả chín, toàn cây tàn lụi, phần gốc còn lại tiếp tục tái sinh các thế hệ cây chồi mới cho năm sau.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Nhân hạt (Semen Coicis) thu hoạch vào mùa thu khi quả đã chín già, cắt lấy quả, phơi khô, đập lấy hạt phơi khô, loại bỏ quả non, lép. Rồi xay xát thu nhân trắng, phơi hoặc sấy khô.

    Thành phần hóa học: Nhân hạt chứa tinh bột (50-79%), protein (16-19%), dầu béo (2-7%), acid amin, thiamin, coixenolid, coixol, coixan A, B, C,… Rễ chứa các dẫn chất lignan và syringyl glycerol. Ngoài ra, lá và rễ còn có chứa benzoxazolon.

    Công dụng và cách dùng: Kiện tỳ, bổ phổi, thuốc bồi dưỡng cơ thể, dùng bổ sức cho người già và trẻ em, lợi sữa cho phụ nữ mới sinh. Lợi tiểu, trị phù thũng, tê thấp chân tay co rút, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, viêm ruột thừa.

  • XUYÊN TÂM LIÊN Tên khác: Công cộng, lãm hạch liên, khổ đảm thảo

    XUYÊN TÂM LIÊN Tên khác: Công cộng, lãm hạch liên, khổ đảm thảo
    Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees (Cây Xuyên Tâm Liên)
    Tên khác: Công cộng, Nguyễn cộng, Khổ đảm thảo, Hùng bút, Lãm hạch liên
    Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees
    Tên đồng nghĩa: Justicia paniculata Burm. f.
    Họ: Ô rô-Acanthaceae
    Tên nước ngoài: Chiretta, Creat, Kariyat, Halviva (Anh), Roi des amers (Pháp)

    Đặc điểm bột dược liệu:

    Bột thân lá màu lục xám, không mùi, vị rất đắng. Thành phần gồm: mảnh biểu bì trên không mang lỗ khí và biểu bì dưới của lá mang lỗ khí kiểu trực bào; lông che chở đơn bào, vách dày; lông tiết đầu tròn, đa bào; mảnh biểu bì thân và lá có chứa các bào thạch không cuống có bề mặt sần sùi hoặc u lồi; sợi dài; mảnh mô mềm, tế bào hình đa giác; mảnh mô giậu, tế bào hình đa giác có kích thước bằng nhau; các mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch vạch.

    Phân bố, sinh học và sinh thái:

    Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới khác như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philippines,…Cây được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc hoặc mọc hoang. Cây ưa sáng và ưa mọc trên đất ẩm, sinh trưởng mạnh vào mùa xuân hè, mùa đông tàn lụi. Mùa hoa tháng 9-12, mùa quả tháng 1-2.

    Bộ phận dùng:

    Toàn cây trên mặt đất (Herba Andrographitis). Nên thu hái cây khi chưa ra hoa; loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn, rồi phơi hay sấy khô.

    Thành phần hóa học:

    Trong cây và lá chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid, ngoài ra còn có các acid hữu cơ, tanin, nhựa, đường,…Trong lá có deoxyandrographolide 0,1%, andrographolide 1,5%, neoandrographolide 0,2%, homoandrographolide, panicolide. Còn có andrographan, andrographon, andrographosterin. Rễ chứa mono-O-methylwithtin, andrographin, panicolin, apigenin - 7,4’- dimethyl ether. Toàn cây chứa 14-deoxy-11-oxoandrographolide, 14-deoxy-11,12-didehydrographolide,… và các panniculide A, B, C.

    Tác dụng dược lý - Công dụng:

    Xuyên tâm liên có tính kháng sinh mạnh đối với nhiều loại vi trùng, làm tăng khả năng thực trùng của bạch cầu, tác dụng giảm đau tương tự aspirin và làm hạ huyết áp. Xuyên tâm liên là một trong những cây thuốc được thế giới đưa vào nghiên cứu chữa bệnh AIDS. Thường dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amygdan, viêm đường tiết niệu, âm đạo, cổ tử cung, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, huyết áp cao, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt, bỏng. Dùng ngoài trị mụn nhọt, ghẻ lở và rắn cắn. Cũng được dùng để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
    * Các bài thuốc có xuyên tâm liên:
    1. Chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt do sưng tấy: Dùng 10-15g sắc uống, dùng riêng hoặc phối hợp với Kim ngân hoa, Sài đất.
    2. Chữa viêm miệng, viêm họng: Dùng vài ba lá Xuyên tâm liên nhai ngậm.
    3. Chữa viêm phổi, sưng amygdan: Dùng Xuyên tâm liên, Huyền Sâm, Mạch môn, đều 10 g sắc uống.

  • XÍCH ĐỒNG NAM (Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet)

    XÍCH ĐỒNG NAM (Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet)
    Xích đồng nam –Clerodendrum japonicum , Lamiaceae

    Tên khác: Mò đỏ, Xích đồng

    Tên khoa học: Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet. Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây bụi, cao 2 m. Cành vuông, có rãnh, có lông mịn, mắc có lằn lông nối liền 2 cuống. Lá có phiến hình tim, rộng 30 cm, không lông, mép có răng nhỏ, cuống dài 5-20 cm. Chùy hoa ở ngọn các nhánh, cao 45 cm, đỏ chói hay hồng, dài 8 mm, ống tràng cao 1,5 cm, thùy tràng 5 mm. Quả hạnh cứng lam đen, to 12 mm trên đài đồng trưởng dài 3,5 cm.

    Phân bố, sinh thái: Phân bố: Sơn la, Hà giang, Tuyên quang, Bắc giang, Bắc ninh, Phú thọ, Vĩnh phúc, Hà nội, Hòa bình, Hải phòng, Nam định, Hà nam, Ninh bình, Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên, Đà nẵng, Quảng nam. Sinh thái: Mọc nơi ẩm, độ sáng vừa phải, ở rừng thưa, thung lũng, ven rừng, ven đường đi, ở độ cao lên đến 1000 m. Ra hoa và quả từ tháng 5-11.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hoa, rễ, lá hay toàn cây (Flos, radix, folium, herba Clerodendri japonici). Rễ, lá thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ phơi khô.

    Thành phần hóa học: Lá có chứa flavonoid (apigenin-7-O-glucuronid, scutellarein-7-O-glucuronide và 4 –methylscutellarein)

    Tác dụng dược lý: Hoa có có tác dụng bổ huyết, chữa hồi hộp, mất ngủ, trĩ và xuất huyết. Rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trị phong thấp, thanh can phế, lợi tiểu, tiêu viêm, tán ứ. Lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủng.

    Công dụng và cách dùng: Cây được dùng để chữa khí hư, viêm tử cung, kinh nguyệt không đều, vàng da, mụn lở, huyết áp cao, khớp xương đau nhức, đau lưng.

  • XẠ CAN, Xạ can-Iris domestica , Iridaceae

    XẠ CAN, Xạ can-Iris domestica , Iridaceae
    Belamcanda chinensis (L.) DC. (Cây Xạ Can)

    Tên khác: Rẻ quạt, lưỡi đòng

    Tên khoa học: Iris domestica (L.) Goldblatt & Mabb. (Belamcanda chinensis (L.) DC.), Iridaceae (họ Layơn).

    Mô tả cây: Cây thảo, sống nhiều năm, thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Lá hình dải, gân song song, toàn bộ lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. Cụm hoa phân nhánh, lá bắc dạng vảy. Hoa có cuống dài, bao hoa gồm 6 mảnh màu vàng cam có đốm tía. Quả nang, hình trứng, hạt nhiều màu đen.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Belamcandae) thu hái vào mùa xuân khi cây ra nụ hoặc mùa thu khi bộ phận trên cây tàn lụi.

    Thành phần hóa học: Thân rễ có flavonoid, isoflavonoid (irisflorentin, tectorigenin, tectoridin, irigenin), stilben, benzoquinon, xanthon và triterpenoid.

    Công dụng và cách dùng: Xạ can dùng chữa viêm họng, viêm amidan, ho nhiều đờm, khản tiếng; ngoài ra còn dùng chữa sốt, tắc tia sữa, đau bụng kinh và làm thuốc lọc máu.

  • TRINH NỮ HOÀNG CUNG (Crinum latifolium L)

    TRINH NỮ HOÀNG CUNG (Crinum latifolium L)
    Trinh nữ hoàng cung hay còn gọi náng lá rộng, tỏi lơi lá rộng, tây nam văn châu lan, tỏi Thái Lan, vạn châu lan hay thập bát học sỹ (Tên khoa học: Crinum latifolium) là một loài thực vật có hoa trong họ Amaryllidaceae. Loài này được L. miêu tả khoa học đầ

    Tên khác: Hoàng cung trinh nữ, Tỏi lơi lá rộng.

    Tên khoa học: Crinum latifolium L., Amaryllidaceae (họ Thủy tiên).

    Mô tả cây: Cây thảo cao khoảng 50-60 cm, có thân hành gần như hình cầu, thân giả nhỏ, ngắn có màu hồng tím. Lá mỏng, hình dải, rộng 5-10 cm, dài 60-80 cm, mép dợn sóng, bẹ lá ở phía dưới gốc có màu hồng tím. Trụ hoa dẹt, dài 30-60 cm chỉ gồm ít (8 đến 12) hoa có mo bao quanh. Hoa có cuống ngắn, phiến hoa dài 7-10 cm; rộng khoảng 2 cm, màu trắng. Mặt ngoài cánh hoa có những sọc màu tím nhạt; chỉ nhị màu trắng.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá (Folium Crini latifolii) và hành (Bulbus Crini latifolii) thái nhỏ và phơi khô.

    Thành phần hóa họcAlkaloid (lycorin, crinin, crinamidin, augustamin…), flavonoid (astragalin, isoquercitrin…) ngoài ra trong thân rễ còn chứa các glucan.

    Công dụng và cách dùngTrị thấp khớp (giã hành, xào nóng, đắp vào khớp bị viêm), chữa mụn nhọt, abcès (giã thân hành hoặc lá đắp vào mụn nhọt cho mau mưng mủ), chữa viêm tai, đau tai (nhỏ dịch lá vào tai).

    Ở Việt Nam, lá (và thân hành) được dùng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Đã có một số công trình công bố với kết quả khá tốt.

  • TRẮC BÁCH DIỆP - Platycladus oreintalis (L.) Franco

    TRẮC BÁCH DIỆP - Platycladus oreintalis (L.) Franco
    Trắc bách- Platycladus orientalis , Cupressaceae

    Tên khác: Trắc bá, bá tử, co tổng péc (Thái)

    Tên khoa học: Platycladus orientalis (L.) Franco, (Thuja orientalis L. = Biota orientalis (L.) Endl.), Cupressaceae (họ Hoàng đàn).

    Mô tả cây: Cây nhỏ, cao vài mét, phân nhiều nhánh. Tán lá hình tháp. Các cành dẹt mang lá xếp thành những mặt phẳng thẳng đứng, song song với thân làm cho cây có dáng đặc biệt. Lá mọc đối, dẹt, hình vảy, màu lục ở cả 2 mặt. Hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực hình đuôi sóc ở đầu cành nhỏ; hoa cái hình nón tròn, mọc ở gốc cành nhỏ, khi thành quả có đường kính 1,5-2 cm, hình trứng hoặc gần hình cầu, bao bọc bởi nhiều lớp vảy dẹp màu lục, mỏ quặp ra phía ngoài, chứa 2 hạt; hạt hình trứng, vỏ ngoài cứng, nhẵn, không có cạnh, màu nâu sẫm, có một sẹo rộng màu nhạt hơn ở phía dưới. Mùa hoa tháng 4, mùa quả tháng 9-10.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Cành non (Cacumen Platycladi orientalis) và hạt (Bá tử nhân – Semen Platycladi orientalis), thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là tháng 9-11, hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong mát. Hạt thu hái vào mùa thu, đông, phơi khô, xát bỏ vảy ngoài, lấy nhân phơi khô.

    Thành phần hóa học: Lá có chứa flavonoid (rutin, quercitrin, quercetin, amentoflavon), tinh dầu (chủ yếu α-pinen, α-cedrol, limonen, α-terpinolen, caryophyllen,…). Hạt có chất béo và saponin.

    Công dụng và cách dùng: Trắc bách diệp được dùng cầm máu trong trường hợp thổ huyết, đái ra máu, tử cung xuất huyết, băng huyết, rong kinh, lợi tiểu, ho, sốt, giúp tiêu hoá. Bá tử nhân dùng chữa mất ngủ hay quên.

  • TÍA TÔ - Perilla frutescens (L.) Britt

    TÍA TÔ - Perilla frutescens (L.) Britt
    Tía tô-Perilla frutescens , Lamiaceae

    Tên khác: Tử tô

    Tên khoa học: Perilla frutescens (L.) Britt., Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thảo, thân vuông có lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình trứng thuôn nhọn ở đầu, mép lá có khía răng cưa đều, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tía, có nhiều lông. Hoa trắng hay tím nhạt mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành. Toàn cây có mùi thơm.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biếnLá (Tô diệp, Tử tô diệp – Folium Perillae), quả (Tử tô tử – Fructus Perillae), thân (Tô ngạnh – Caulis Perillae). Thu hái lá vào tháng 3-4.

    Thành phần hoá học: Lá Tía tô có các thành phần chính là tinh dầu (0,5%, chủ yếu perillaldehyd, l-perilla alcohol, limonen), flavonoid (quercetin, luteolin, apigenin, scutellarin), acid phenol (các acid caffeic, ferulic, rosmarinic), triterpenoid (acid oleanolic, acid ursolic, acid tormentid, acid corosolic), phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, campesterol), vitamin E…

    Công dụng và cách dùng: Lá trị cảm sốt, nôn mửa. Thân cành trị đau ngực, đầy bụng, nôn mửa khi có thai. Hạt dùng trị ho. Thường dùng dạng thuốc sắc.
    Cây được sử dụng chủ yếu làm gia vị, hiện cũng dùng nhiều trong thực phẩm chức năng.

    Ghi chú: Một số tài liệu cho rằng loài Tía tô sử dụng làm thuốc ở Việt nam và Trung quốc là Perilla frutescens var. crispa (Thunb.) H.Deane.

  • THIÊN MÔN ĐÔNG - Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.

    THIÊN MÔN ĐÔNG - Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.
    Thiên môn đông –Asparagus cochinchinensis , Asparagaceae

    Tên khác: Thiên môn, Thiên đông, Tút thiên nam, Dây tóc tiên.

    Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Asparagaceae (họ Thiên môn).

    Mô tả câyDây bụi leo, sống lâu năm dài 1–2 m. Rễ củ hình thoi mọc thành chùm; lõi củ có màu trắng ngà. Thân mang nhiều cành dài nhọn có 3 cạnh, hình lưỡi liềm biến đổi trông như lá gọi là diệp chi, còn lá thật thì rất nhỏ trông như vẩy. Hoa nhỏ màu trắng mọc ở nách lá, quả mọng khi chín có màu đỏ.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biếnRễ củ (Radix Asparagi) gọi là Thiên đông. Sau khi thu hái, rễ được tẩm nước cho mềm, cạo bỏ vỏ, đồ chín, rút bỏ lõi rồi phơi hoặc sấy khô.

    Thành phần hóa họcRễ củ chứa saponin steroid (sarsasapogenin, yamogenin) và các acid amin tự do (asparagin). Ngoài ra còn có flavonoid, tinh bột, đường, chất nhầy, chất khoáng.

    Công dụng và cách dùng: Thiên môn đông có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, tiêu đờm, lợi tiểu, nhuận tràng. Thường dùng Thiên môn để chữa ho, viêm họng, viêm mũi, đái tháo đường (dạng thuốc sắc), chữa mụn nhọt, viêm da có mủ, rắn cắn (giã cây tươi, đắp ngoài da); còn dùng để chữa táo bón (dạng thuốc sắc).

  • CÂY SIM - Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk

    CÂY SIM - Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk
    Cây sim (Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.) họ Sim (Myrtaceae)

    Tên khác:  Hồng sim, Đào kim phượng, Dương lê, Co nim (Thái), Mác nim (Tày), Piểu ním (Dao), Trợ quân lương.

    Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.

    Tên đồng nghĩa: Rhodomyrtus parviflora Alston.

    Họ:  Sim (Myrtaceae)

    Tên nước ngoài:  Rose myrtle, hill guava, downy rose myrtle, hill-gooseberry (Anh); myrte tomenteux (Pháp).

    Phân bố, sinh học và sinh thái: 

    Cây mọc tự nhiên và phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Indonesia, Philipin, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, sim là loài cây quen thuộc ở khắp các tỉnh vùng trung du và núi thấp. Cây đặc biệt ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc rải rác hay tập trung trên các đồi cây bụi hay đồng cỏ.

    Bộ phận dùng: 

    Lá, quả và rễ (Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti tomentosae). Lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. Quả chín hái vào mùa thu, phơi khô. Rễ thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô.

    Thành phần hóa học: 

    Quả chứa các flavon – glucosid, malvidin – 3 glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, đường và acid hữu cơ. Thân và lá có nhiều hợp chất triterpen như betullin, acid betulinic; taraxerol…

    Tác dụng dược lý - Công dụng: 

    Búp và lá sim non được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Lá còn là thuốc cầm máu, chữa vết thương chảy máu. Quả sim chín ăn được, dùng chế rượu, chữa thiếu máu lúc có mang, suy nhược khi mới ốm dậy, lòi dom, ù tai, di tinh, phụ nữ băng huyết. Rễ sim chữa tử cung xuất huyết cơ năng, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp.

  • SẮN DÂY - Pueraria montana (Lour.) Merr. var. chinensis (Ohwi) Maesen

    SẮN DÂY - Pueraria montana (Lour.) Merr. var. chinensis (Ohwi) Maesen
    Vị thuốc Sắn dây-Pueraria thomsonii , Fabaceae

    Tên khác: Cát căn

    Tên khoa học: Pueraria montana var. chinensis (Ohwi) Sanjappa & Pradeep (Pueraria thomsonii Benth.),  Fabaceae (họ Đậu).

    Mô tả cây: Dây leo có khi bò lan mặt đất. Rễ phát triển thành củ chứa nhiều tinh bột. Lá gồm 3 lá chét to, có mép nguyên hay phân ra 2-3 thùy rõ rệt. Hoa màu xanh mọc thành chùm ở nách lá. Quả đậu dài, vàng nhạt có nhiều lông.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Cát căn, Radix Puerariae) và tinh bột (Amylum Puerariae) lấy từ rễ. Rễ củ đào về, rửa sạch đất cát, cạo bỏ vỏ, cắt khúc dài 10-15 cm, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ dọc, hay cắy lát mỏng, phơi sấy khô. Cũng dùng để điều chế tinh bột Cát căn.

    Cát căn có mặt cắt màu trắng hoặc màu ngà vàng. Mặt ngoài đôi khi còn sót lại ở các khe một ít vỏ màu nâu. Mặt cắt dọc có nhiều sợi màu vàng nhạt bóng, xen lẫn với những phần có bột màu trắng, tạo thành những vân dọc. Mặt cắt ngang có vòng libe rõ. Vị hơi ngọt, mát.

    Thành phần hóa học: Trong rễ của Sắn dây có isoflavon (puerarin, daidzin, daidzein, genistin, genistein…). flavonoid, saponin triterpen, tinh bột….

    Công dụng và cách dùngCát căn dùng để chữa sốt, cảm nóng, khát nước, ban sởi mới phát, giải nhiệt. Bột sắn dây còn dùng để pha nước uống giúp thanh nhiệt, giải cảm, cầm tiêu chảy; còn dùng làm tá dược thuốc viên.

  • SÀI ĐẤT - Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.

    SÀI ĐẤT - Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.
    Sài đất- Wedelia chinensis , Asteraceae

    Tên khác: Húng trám, Cúc nhám, Ngổ núi.

    Tên khoa học: Sphagneticola calendulacea (L.) Pruski [Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.], Asteraceae (họ Cúc).

    Mô tả câyCây thảo, mọc bò, thân xanh nhạt, có lông cứng, ngắn. Lá gần như không cuống, mọc đối,  phiến lá nhỏ, hình trứng nhọn ở đầu, mép lá có răng cưa, nhiều lông nhám nhất là ở mặt dưới. Lá khi vò tươi có mùi thơm như trám. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành, hoa màu vàng, tràng hình lưỡi ở phía ngoài. Quả bế. Mùa hoa quả tháng 3-5.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây trên mặt đất (Herba Wedeliae).

    Thành phần hóa học: Thành phần hoá học của Sài đất có coumarin (wedelolacton, nor-wedelolacton), flavonoid (apigenin, luteolin, quercitrin…), saponin triterpen, triterpenoid, sesquiterpen, tinh dầu, acid phenol….

    Công dụng và cách dùng: Sài đất được dùng phối hợp trong các công thức điều trị, hỗ trợ gan, thanh nhiệt giải độc.

    Trong dân gian, Sài đất được dùng ngoài chữa nhiễm trùng, nhọt, ghẻ, lở loét ngoài da, chữa rôm sảy (dùng dạng tươi tốt hơn dạng khô). Thường giã nát đắp lên vết thương hoặc vắt lấy nước rửa vết thương.

    Ghi chú: Thường bị nhầm lẫn hoặc giả mạo bởi cây Sài lan (Tridax procumbens L. họ Cúc – Asteraceae). Tránh nhầm với loài Sphagneticola trilobata (L.) Pruski (Wedelia trilobata (L.) Hitchc) có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ được đưa vào Việt nam gần đây gọi là Sài đất ba thuỳ.

  • Cây SẢ - Cymbopogon spp

    Cây SẢ - Cymbopogon spp
    Sả – Cymbopogon citratus , Poaceae

    Tên khác: Sả chanh, hương mao

    Tên khoa học: Cymbopogon citratus (DC.) Staff.,  Poaceae (họ Lúa )

    Mô tả cây: Sả là loài cỏ sống lâu năm mọc thành bụi, rễ chùm ăn rộng kém chịu hạn và úng, cao từ 0,8-1,5 m hay hơn. Thân rễ trắng hay hơi tím, có đốt ngắn được bao bọc kín bởi các bẹ lá, tạo thành các tép sả. Lá hẹp như lá lúa, có gân chính nổi rõ, hai mặt và mép lá có lông cứng, nhám. Độ dài của lá tuỳ theo từng loài, có thể từ 0,2-1,2 m. Cụm hoa chuỳ gồm nhiều bông nhỏ không cuống, có 2 loại hoa trên cùng một cây: hoa lưỡng tính và hoa đực. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Cymbopogonis citrati), tinh dầu (Oleum Cymbopogonis citrati)

    Thành phần hóa họcTinh dầu có thành phần chính là (citral A) và neral (citral B)geranial , myrcen và các thành phần khác (nerol geraniol, citronellal, terpinolen, geranyl acetat, và methylheptenon) thay đổi tuỳ từng loại sả. Mùi đặc trưng của sả do thành phần metylheptenon có trong tinh dầu. Flavonoid (luteolin, isoorientin 2’-O-rhamnoside, quercetin, kaempferol và apiginin).

    Công dụng và cách dùng: Lá sả dùng pha nước uống cho mát và trị đầy bụng; Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, làm ra mồ hôi, chữa cảm sốt; Tinh dầu Sả dùng làm thuốc trợ tiêu hóa, xông chữa cảm sốt, khử mùi hôi tanh và xua đuổi ruồi, muỗi.

    Ghi chú: Bên cạnh loài Sả chanh, còn 1 số loài sả khác cũng được sử dụng trong đới sống. Về giá trị kinh tế của tinh dầu, Sả được chia làm 3 nhóm chính:

    1. Sả Citronelle (cho tinh dầu citronelle): Cymbopogon winterianus – Sả Java; Cymbopogon nardus – Sả Srilanka;

    2. Sả hoa hồng (Sả Palmarosa, cho tinh dầu có mùi hoa hồng): Cymbopogon martinii.

    3. Sả chanh (cho tinh dầu Lemongrass): Cymbopogon citratus; Cymbopogon flexuosus; Cymbopogon pendulus.

  • RAU SAM - Portulaca oleracea L

    RAU SAM - Portulaca oleracea L
    Rau sam- Portulaca oleracea , Portulacaeae

    Tên khác: Mã xỉ hiện.

    Tên khoa học: Portulaca oleracea L., Portulacaceae (họ Rau sam).

    Mô tả cây: Cây cỏ sống hàng năm, mọc bò. Thân màu đỏ nhạt, mọng nước, hình trụ, đường kính 1- 4 mm, phân nhánh nhiều. Lá đơn, nguyên, mọc cách hoặc mọc đối, hình bầu dục, dày, bóng, dài 2 cm, rộng 8-14 mm. Hoa mọc ở đầu cành, lưỡng tính, không có cuống hoa và cánh hoa, lá bắc hình tam giác dạng vẩy. 5 lá đài, dạng cánh màu vàng, đều. Quả nang hình bầu dục, hơi nhọn, mở bằng đường nứt ngang, trong có nhiều hạt đen bóng. Mùi đặc trưng, vị hơi chua.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Phần trên mặt đất (Herba Portulacae). Thu hái quanh năm thường vào tháng 5-7.

    Thành phần hóa học: Toàn cây giàu acid béo α-linolenic và β-caroten, ngoài ra còn có flavonoid, coumarin, monoterpen glycoside, N-trans-feruloyltyramin, dopamin, noradernaline, acid ferulic, adenosine.

    Công dụng và cách dùng: Rau sam dùng chữa lỵ trực trùng, giun kim, lở ngứa, lợi tiểu; dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với thuốc khác. Rau sam tươi giã nát dùng ngoài chữa mụn nhọt, viêm kết mạc cấp. do vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu và vi khuẩn khác. Rau sam còn dùng làm rau ăn hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu.

  • RÂU MÈO, Cây Bông bạc - Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr

    RÂU MÈO, Cây Bông bạc - Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr
    Râu mèo –Orthosiphon aristatus , Lamiaceae

    Tên khác: Bông bạc.

    Tên khoa học: Orthosiphon aristatus (Blume) Miq. (Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr.), Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thảo, cao từ 0,3-1 m, thân vuông, nhiều cành. Lá mọc đối chéo chữ thập, thuôn nhọn ở đầu, mép lá có răng cưa. Hoa màu trắng có chỉ nhị thò dài ra giống như râu mèo.

    Phân bố, sinh thái: Cây mọc hoang hay được trồng ở nhiều nơi.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá (Folium Orthosiphonis) hay toàn cây trên mặt đất (Herba Orthosiphonis).

    Thành phần hóa học: Saponin (orthosiphonin và dẫn xuất), flavonoid (sinensetin), dẫn xuất của acid caffeic (acid rosmarinic, 2,3-dicaffeoyltartaric acid…), muối kali.

    Tác dụng dược lý: Cao chiết toàn cây râu mèo có tác dụng lợi tiểu rõ, thanh nhiệt, tiêu viêm trừ thấp. Các flavonoid có trong cây râu mèo giúp lợi tiểu.

    Hoạt chất orthosiphonin và muối kali có tác dụng giữ cho các axit uric và muối urat ở dạng hòa tan, phòng ngừa được sự lắng đọng giúp ngăn ngừa tình trạng sỏi thận. Các chất sinensetin và tetramethylscutellarein có tác dụng ức chế tế bào khối u.

    Công dụng và cách dùng: Dùng làm thuốc thông tiểu trong các bệnh sỏi thận, sỏi mật, sốt ban, cúm, tê thấp, phù. Kết hợp dược liệu Kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi mật rất tốt.

  • RAU MÁ, - Centella asiatica (L.) Urban

    RAU MÁ,  - Centella asiatica (L.) Urban
    Centella asiatica (L.) Urban (Cây Rau Má)

    Tên khác: Liên tiền thảo

    Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban

    Họ: Hoa tán (Apiaceae)

    Bộ phận dùng: Cả cây

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu viêm. Chữa sốt, mụn nhọt, vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, ho, tiểu tiện rắt buốt.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng: 30 - 40g (tươi), vò nát, vắt lấy nước hoặc dạng khô sắc uống. Có thể dùng phối hợp với cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu.

  • CÂY QUÝT - Citrus reticulata Blanco

    CÂY QUÝT - Citrus reticulata Blanco
    Quýt-Citrus reticulata , Rutaceae

    Tên khác: Quyết, Hoàng quyết.

    Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco, Rutaceae (thuộc họ Cam).

    Mô tả cây: Cây gỗ nhỏ có dáng chắc và bền, thân và cành có gai. Lá đơn, mọc so le; phiến lá hình ngọn giáo hẹp, trên cuống lá có viền mép. Hoa nhỏ, màu trắng, ở nách lá. Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng cam hay đỏ cam; vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm. Hạt xanh.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến:
    Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae): vỏ quả ngoài lấy từ quả chín, phơi khô của cây Quýt; thường để lâu năm.
    Thanh bì (Pericarpium Citri reticulatae Viride): vỏ quả ngoài thu từ quả còn xanh, phơi khô.
    Quất hồng (Exocarpium Citri Rubrum): vỏ quả ngoài, đã cạo bỏ phần trắng bên trong.
    Quất hạch (Semen Citri Reticulatae): hạt Quýt.
    Lá Quýt (Folium Citri Reticulatae).

    Thành phần hóa học: Vỏ Quýt chứa tinh dầu (0,5 – 1%) và flavonoid. Thành phần tinh dầu chủ yếu gồm d– limonen (78-80 %) và linalool (15,4%). Ngoài ra, còn có một ít citral và methyl anthranylat. Flavonoid chính là hesperidin và các polymethoxyflavon (tangeretin, nobiletin…)
    Dịch của quả chứa flavonoid, đường, acid hữu cơ, vitamin C, carotenoid.
    Lá chứa 0,5% tinh dầu.
    Hạt chứa dầu béo và chất đắng (limonin).

    Công dụng và cách dùng: Trần bì dùng chữa ho, tức ngực, nhiều đờm; trúng thực, đầy bụng, đau bụng, ợ hơi, nôn mửa, tiêu chảy; còn dùng trừ thấp, lợi tiểu, giải độc cá tanh. Dùng dạng thuốc sắc.
    Thanh bì dùng chữa đau gan, tức ngực, đau mạng sườn, sốt rét.

  • PHÈN ĐEN - Phyllanthus reticulatus Poir

    PHÈN ĐEN - Phyllanthus reticulatus Poir
    Phèn đen – Phyllanthus reticulatus , Euphorbiaceae

    Tên khác: Nỗ , Tạo phàn diệp.

    Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus Poir., Euphorbiaceae (Họ Thầu dầu).

    Mô tả cây: Cây bụi, cao 2-4 m. Cành màu đen nâu nhạt, lúc đầu có lông màu xám, sau nhẵn. Lá đơn, mọc cách, phiến hình trái xoan hoặc bầu dục, đáy và đỉnh tù hoặc hơi nhọn, mặt trên hơi sẫm hơn, lúc đầu có lông sau nhẵn; cuống rất ngắn; lá kèm hình tam giác hẹp. Hoa đơn tính cùng gốc, đơn độc hoặc chùm 2-4 hoa, mọc ở kẽ lá; hoa đực có 5 lá đài, 5 nhị, 3 cái dính nhau và 2 cái rời nhau; hoa cái đài to hơn, bầu 6-12 ô, mỗi ô có 2 noãn. Quả hình cầu, chín màu đen. Hạt nâu nhạt, có đốm. Mùa hoa quả: tháng 8-10.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ và lá (Radix et Folium Phyllanthi Reticulati), rễ thu hái vào mùa thu, lá thu hái vào mùa xuân, hạ, dùng tươi hoặc phơi khô. Vỏ thân cũng được dùng, thu hái quanh năm.

    Thành phần hóa học: Alkaloid, saponin, coumarin, flavonoid (tricin, quercetin, quercetrin, rutin, kaempferol…), lignan (reticuloside A, reticulosid B..), triterpenoid, tannin, polyphenol.
    Rễ chứa octacosanol, taraxeryl acetat, friedelin, epifriedelinol, frieden-3β-ol, taraxeron, betulin, glochidonol.

    Công dụng và cách dùng: Phèn đen được dùng làm thuốc cầm máu, giảm đau, sát khuẩn, mát máu, giải độc, chữa đậu mùa, tiểu tiện khó khăn, có mủ.
    Rễ dùng trị lỵ, viêm ruột, ruột kết hạch, viêm gan, viêm thận và trẻ cam tích.
    Lá chữa sốt, lỵ, tiêu chảy, phù thũng, tụ huyết do đòn ngã, đinh nhọt, rắn cắn. Lá phèn đen dùng riêng hoặc phối hợp với lá long não, xuyên tiêu ngậm chữa chảy máu chân răng. Lá tươi nhai nuốt nước, bã đắp chữa rắn độc cắn.

  • CÂY ỔI - Psidium guajava L

    CÂY ỔI - Psidium guajava L
    Lá cây Ổi-Psidium guajava , Myrtaceae

    Tên khác: Ủi, phan thạch lựu.

    Tên khoa học: Psidium guajava L., Myrtaceae (họ Sim).

    Mô tả cây: Cây nhỡ cao 3-6 m. Thân có vỏ mỏng, trơn nhẵn, khi già bong ra từng mảng, cành non vuông, có lông mềm. Lá mọc đối, hình bầu dục, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Hoa mọc đơn độc hay tập trung thành cụm ở nách lá; cánh hoa rời màu trắng, nhị nhiều. Quả mọng hình cầu, chứa rất nhiều hột hình bầu dục. Đài hoa tồn tại trên quả.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Búp non và lá (Gemma et Folium Psidii guajavae) thu hái quanh năm, phơi khô; quả (Fructus Psidii guajavae immaturus) thu hái khi quả còn xanh, cắt thành lát, phơi khô.

    Thành phần hóa học: Búp non, lá Ổi và quả Ổi xanh có nhiều tannin, flavonoid (quercetin, guajeverin, aviculavin, leucocyanidin). Lá có tinh dầu.
    Quả Ổi chín có vitamin C, nhiều nhất ở vỏ quả ngoài

    Công dụng và cách dùng: Lá và quả Ổi non có tác dụng làm săn niêm mạc ruột, giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột.
    Lá được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, tiêu chảy.

  • CÂY NHÓT - Elaeagnus latifolia L

    CÂY NHÓT - Elaeagnus latifolia L
    Nhót là loài thực vật có hoa thuộc họ Nhót, được L. mô tả lần đầu năm 1753. Cây này được trồng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam.

    Tên khác: Cây lót, hồi đồi tử

    Tên khoa học: Elaeagnus latifolia L.

    Họ: Nhót Eleaegnceae.

    Phân bố, sinh học và sinh thái: 

    Trên thế giới có khoảng 20 loài thuộc chi Elaeagnus. Ở Việt Nam có 4-5 loài. Cây được trồng ở một số nước nhiệt đới khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, đảo Hải Nam – Trung Quốc.

    Nhót rụng lá hàng năm, cây mọc chồi mới vào đầu mùa xuân, có hoa và có quả trong cuối mùa xuân, cây nhót ưa sáng.
    Mùa hoa: tháng 3-4, mùa quả: tháng 4-5

    Bộ phận dùng: 

    Quả, lá, rễ và hoa (Fructus, Folium, Radix et Flos Elaeagani latifoliae).

    Thành phần hóa học: 

    Chứa nước 92%, protid 1,25%, acid hữu cơ 2%, carbohydrat 2,1 %, cellulose 2,3%, Ca 27 mg%, P 30 mg%, Fe 0,2 mg%. Lá chứa tanin, saponin, polyphenol.

    Tác dụng dược lý - Công dụng: 

    Chế phẩm lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn G(-), G(+) như Shigela, Shigea. Trên động vật, ức chế quá trình viêm cấp tính mãn tính. Tăng cường sức co bóp của tử cung.

    Công dụn

    Dùng quả nhót để ăn tươi hoặc nấu canh chua.

    Lá, quả dùng để chữa lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy.

    Rễ nhót chữa thổ huyết, đau họng, ngày dùng 30 g sắc uống.

    Rễ nhót nấu nước tắm trị mụn nhọt.

    Đơn thuốc chữa tiêu chảy và đi lỵ mãn tính: Quả nhót 5-7 quả, sắc uống hoặc dùng rễ nhót 40 g và 20 g rễ cây mơ sắc uống.

  • NHÂN TRẦN - Adenosma caeruleum R. Br.

    NHÂN TRẦN - Adenosma caeruleum R. Br.
    Cây Nhân trần. Tên khác: Chè cát; Chè nội; Hoắc hương núi. Tên khoa học: Nhân trần Việt Nam là Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae

    Tên khác: Chè cát, chè nội, tuyến hương

    Tên khoa học: Adenosma caeruleum R. Br.

    Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

    Đặc điểm bột dược liệu:

    Bột toàn cây mịn, màu nâu đen, có ít xơ và có mùi thơm.

    Thành phần: mảnh biểu bì lá, tế bào vách mỏng uốn lượn, mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông che chở đa bào dài. Lông tiết đầu đơn bào chân đơn bào; lông tiết đầu đa bào (4 tế bào), chân đơn bào; lông tiết chân đa bào một dãy, đầu đơn bào hình trái xoan; lông tiết đầu đa bào hình cầu. Mảnh mô mềm, tế bào hình đa giác vách mỏng. Sợi vách dày, khoang hẹp, riêng lẻ hay tập trung thành từng đám, ống trao đổi rõ hoặc không rõ. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Hạt phấn hình trứng rộng có một rãnh dọc, kích thước 25 x 17,5 µm.

    Phân bố, sinh học và sinh thái:

    Phân bố khắp các vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc

    Mùa hoa quả: tháng 4-7.

    Bộ phận dùng:

    Toàn cây (Herba Adenosmatis caerulei)

    Thành phần hóa học:

    Toàn cây Nhân trần chứa tinh dầu với hàm lượng 1% paracymen pinen limonene, cineol, anethol. Ngoài ra còn có acid nhân thơm, coumarin, một số serquiterpen và flavonoid.

    Tác dụng dược lý - Công dụng:

    Trong y học cổ truyền, Nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon, chóng lại sức. Ở Trung Quốc, Nhân trần chữa phong thấp, cốt thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do ve bọ đốt. Trong y học hiện đại, Nhân trần đã được Bộ môn Y khoa Hà nội điều trị thực nghiệm viêm gan do virus, Nhân trần được dùng dưới dạng siro, một chai 100 ml chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và tối, sau một thời gian điều trị bằng Nhân trần, bilirubin máu và hoạt độ men SGPT đều trở về mức bình thường.

  • NGŨ GIA BÌ CHÂN CHIM - Schefflera heptaphylla (L.) Frodin

    NGŨ GIA BÌ CHÂN CHIM - Schefflera heptaphylla (L.) Frodin
    cây Chân chim, Ngũ gia bì chân chim - Schefflera octophylla (Lour.) Harms

    2. Thông tin mô tả cây Chân chim, Ngũ gia bì chân chim

    Cây nhỡ cao 5-10m hay cây to cao đến 15m, có ruột xốp. Vỏ cây màu xám, cành nhỏ có lỗ bì. Lá mọc so le, có cuống dài, kép chân vịt, thường có 8 lá chét mép nguyên, hình bầu dục nhọn hai đầu, hơi thon hẹp hoặc tròn ở gốc, dài 7-17cm, rộng 3-6cm. Hoa nhỏ, màu trắng, tụ họp thành chuỳ hoặc chùm tán ở đầu cành; trên cuống phụ của cụm hoa, đôi khi có những bông hoa đứng riêng lẻ. Quả mọng, hình cầu, đường kính 3-4mm, khi chín màu tím đen, chứa 6-8 hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

    Hoa tháng 2-3, quả tháng 4-5.

    3. Thông tin mô tả Dược Liệu

    Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá. Cortex, Cortex Radicis, Radix et Folium Schefflerae Octophyllae.

    Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Đông Dương, mọc hoang, thường mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang từ 100-1500m, vùng núi từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng (Đà Lạt). Thu hái vỏ thân, vỏ rễ và rễ nhỏ vào mùa xuân, mùa thu, cạo sạch lớp vỏ bẩn bên ngoài, đồ qua, thái miếng, ủ cho thơm rồi phơi trong râm tới khô. Lá thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

    Thành phần hoá học: Vỏ thân chứa 0,9-1% tinh dầu; vỏ cành và vỏ rễ chứa saponin triterpen khi thuỷ phân cho acid oleanic.

    Tính vị, tác dụng: Chân chim có vị đắng, chát, hơi thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng và làm tan máu ứ. Dịch chiết vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh rõ rệt, chống lạnh, hạ đường huyết. Người ta xem Chân chim như vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hoá, ăn ngon cơm, ngủ ngon, làm thuốc bổ.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá thái nhỏ thành sợi, phơi khô để nấu canh cá, canh tôm. Khi nấu cá tôm chín, nêm mắm muối rồi, người ta nhắc nồi xoong xuống mới cho rau lằng vào, vì nếu nấu không thì canh rất đắng, khó ăn.

    Vỏ thân và vỏ rễ dùng chữa: 

    1. Sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng; 

    2. Phong thấp đau nhức xương, té ngã tụ máu sưng đau, tê liệt hoặc gân xương co quắp; 

    3. Viêm hạch bạch huyết cấp, viêm tinh hoàn, đàn ông liệt dương, đàn bà ngứa âm hộ; 

    4. Phù thũng; 

    5. Giải độc lá ngón hay say sắn.

    Rễ dùng làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện, thường gọi là Sâm nam hay Nam sâm.

    Lá dùng ngoài trị viêm da dị ứng, eezema, bỏng.

    Cách dùng: Dùng vỏ thân 10-20g, vỏ rễ 6-12g dạng thuốc sắc. Rễ dùng pha hoặc sắc lấy nước uống, có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm. Người ta dùng vỏ chế dạng rượu ngọt. 1ml chứa 0,2g bột dược liệu khô với tên Langtonic (chai 500ml ngày uống hai lần, mỗi lần 15-30ml) và dạng elixia (1ml chứa 2g bột dược liệu khô) với tên Langosin (lọ 150ml, ngày uống 5ml). Phụ nữ có thai không dùng được.

    Đơn thuốc:

    1. Sổ mũi, đau họng: Rễ Chân chim 15g, Cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống.

    2. Phong thấp đau nhức xương: Vỏ rễ Chân chim 180g ngâm trong 500ml rượu, hàngngày  uống 2 lần, mỗi lần 40ml.

    3. Giải độc lá ngón, say sắn: Vỏ Chân chim giã nát, sắc nước uống.

    4. Bệnh cước khí, chân sưng đau: Chân chim, Lõi thông, Hạt cau, Hương phụ, Tử tô, Chỉ xác, Ké đầu ngựa, mỗi vị 8-16g sắc uống (Nam dược thần hiệu).

  • Cây NGHỆ - Curcuma longa L

    Cây NGHỆ - Curcuma longa L

    Tên khác: Nghệ vàng, Khương hoàng, Co hem, Co khản mỉn (Thái)

    Tên khoa học: Curcuma longa L.

    Họ: Gừng (Zingiberaceae)

    Bộ phận dùng: Thân rễ (củ)

    Công năng, chủ trị: Khương hoàng (củ cái) có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, sinh cơ. Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau mạng sườn, sau khi đẻ máu xấu không ra, kết hòn đau bụng, viêm loét dạ dày, vết thương lâu liền miệng; Uất kim (củ nhánh) có tác dụng hành khí giải uất, hành huyết phá ứ, chỉ huyết, lợi mật. Chữa thổ huyết, ra máu cam, đái ra máu, huyết ứ, mạng sườn đau, viêm gan, hoàng đảm, xơ gan.

    Liều lượng, cách dùng: Khương hoàng ngày dùng 6 - 12g (dạng thuốc sắc hoặc bột), chia 2 - 3 lần; Uất kim ngày dùng 2 - 10g (dạng thuốc bột), chia 2 - 3 lần. Nghệ tươi giã nhỏ vắt lấy nước bôi vào mụn nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên các mụn mới khỏi giúp chóng lên da non làm mờ sẹo.

  • NGẢI CỨU - Artemisia vulgaris L

    NGẢI CỨU - Artemisia vulgaris L
    Ngải cứu –Artemisia vulgaris , Asteraceae

    Tên khác: Thuốc cứu, Ngải diệp.

    Tên khoa học: Artemisia vulgaris L. Asteraceae (họ Cúc)

    Mô tả cây : Cây thảo đa niên, cao 50-60 cm, thân có rãnh dọc và lông mịn. Lá mọc cách, phiến lá rộng xẻ 5 thùy, 2-3 lần, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới màu trắng tro do có nhiều lông trắng mịn. Hoa mọc thành chùm kép gồm nhiều cụm hoa đầu; mang hoa cái hoặc hoa lưỡng tính, thường là hoa cái; hoa cái tràng hình ống, cụt hoặc có răng cưa ở đầu, hoa lưỡng tính tràng hình phễu, 5 thùy, uốn cong ra phía ngoài; nhị 5. Quả bế, thuôn nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 10-12.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Phần trên mặt đất (Herba Artemisiae vulgaris) thu hái khi cây có hoa, dùng tươi hoặc phơi âm can hay sấy nhẹ tới khô. Ngải nhung: Lá được sao qua, để cho mềm, cho vào cối giã kỹ đến khi mịn như nhung là được, bỏ xơ và bột vụn. Dùng để châm cứu.

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (cineol, borneol, thuyol,…), flavonoid, tanin, acid amin (adenin, cholin).

    Công dụng và cách dùng: Chữa kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong huyết, thổ huyết, khí hư bạch đới, động thai (lưu ý liều dùng), đau dây thần kinh, phong thấp, ghẻ lở. Còn dùng làm thuốc trợ tiêu hóa chữa đau bụng, nôn mửa, làm thuốc cứu trong châm cứu. Dùng ngoài chườm nóng trị đau do sang chấn.

  • NÁNG, Lá náng, Náng hoa trắng - Crinum asiaticum L

    NÁNG, Lá náng, Náng hoa trắng - Crinum asiaticum L
    Náng- Crinum asiaticum , Amaryllidaceae

    Tên khác: Náng hoa trắng, Tỏi lơi, Đại tướng quân.

    Tên khoa học: Crinum asiaticum L., Amaryllidaceae (họ Thủy tiên)

    Mô tả cây: Cây thảo có thân giả to do các bẹ lá tạo thành. Cây cao cỡ 1 m, lá mọc từ gốc, nhiều, hình dải lớn (ngang 5-10 cm, dài có thể hơn 1 m). Cụm hoa hình tán nằm ở đầu 1 cán dài 40-60 cm mang 10-20 hoa, bao hoa hình phiến hẹp màu trắng.

    Phân bố, sinh thái: Loài cây khá phổ biến ở Châu Á. Ở Việt Nam, Náng thường mọc hoang ở những vùng ẩm mát, cũng thường được trồng làm cảnh.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Crini asiatici)

    Thành phần hóa học: Toàn cây và nhất là hành (bulbus) chứa nhiều alkaloid (lycorin, crinamin…)

    Tác dụng dược lý: Các alkaloid phân lập độc với một số dòng tế bào ung thư.

     Công dụng, cách dùng: Trị đau họng, đau răng, mụn nhọt, rắn cắn, bong gân sai gân (dạng thuốc sắc uống hoặc giã tươi đắp). Ngoài Náng hoa trắng, người ta còn dùng Náng hoa đỏ = Náng lá gươm (Crinum defixum Ker-Gawl. = C. ensifolium Roxb.) với cùng công dụng.

    Chú ý: Hành của cây Náng nếu dùng nhiều sẽ bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh… lúc ấy giải độc bằng trà đặc hay một dung dịch có chứa tanin (để làm alkaloid kết tủa).

  • MƠ TAM THỂ - Paederia lanuginosa Wall

    MƠ TAM THỂ - Paederia lanuginosa Wall
    Cây mơ lông (Paederia lanuginose Wall.)

    Tên khác: Mơ lông

    Tên khoa học: Paederia lanuginosa Wall.

    Họ: Cà phê (Rubiaceae).

    Bộ phận dùng: 

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc. Chữa lỵ trực khuẩn.

    Liều lượng, cách dùng: Lá tươi 30 - 50g, lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà, bọc vào lá chuối đem nướng hoặc áp chảo cho chín. Ngày ăn 2 - 3 lần, trong 5 - 8 ngày.

  • MỎ QUẠ, Hoàng lồ, Vàng lồ, Xuyên phá thạch - Maclura cochinchinensis (Lour.) Corn.

    MỎ QUẠ, Hoàng lồ, Vàng lồ, Xuyên phá thạch - Maclura cochinchinensis (Lour.) Corn.
    Mỏ quạ –Maclura cochinchinensis , Moraceae

    Tên khác: Vàng lồ, Hồng lồ.

    Tên khoa học: Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner. Moraceae (họ Dâu Tằm).

    Mô tả cây: Cây bụi, sống tựa, có cành dài mềm, thân có nhựa mủ trắng như sữa. Vỏ thân màu xám, có nhiều lỗ bì màu trắng. Thân và cành có nhiều gai cong quặp xuống trông như mỏ con quạ. Lá mọc so le, hình trứng thuôn 3-8 cm × 2-3 cm, gốc nhọn, nhẵn bóng ở mặt trên; cuống lá mảnh, có lông. Cụm hoa hình đầu, đơn tính, khác gốc, mọc nách lá, màu vàng nhạt. Quả nạt hình cầu, mềm, hơi cụt ở đầu, khi chín màu vàng; hạt nhỏ.

    Phân bố, sinh thái: Phân bố: khắp các tỉnh miền Bắc và Trung. Sinh thái: mọc rải rác ven rừng, bãi hoang, tràng cây bụi, nơi sáng và ẩm, trên đất sét nhiều mùn.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ, lá và quả (Radix, Folium et Fructus Maclurae Cochinchinensis)

    Thành phần hóa học: Gỗ chứa steroid (compesterol, stigmasterol) và flavonoid (morin, quercetin, kaempferol). Rễ chứa xanthon (alvaxanthon, cudraniaxanthon, cudraxanthon, gerontaxanthon). Ngoài ra cây còn chứa stilben (resveratrol, 2-3′-4-5′-tetrahydroxystilben), các phenol sterol, prenylat benzophenon, triterpen.

    Tác dụng dược lý: Morin và các phân đoạn cao chiết ethyl acetat và methanol có tác dụng kháng virus HSV-2 . Các xanthon từ rễ có tác dụng ức chế trao đổi ion Na+/H+ của tế bào cơ trơn động mạch. Ngoài ra còn có tác dụng chống loét đường tiêu hóa, hạ sốt, chống viêm gan, kháng histamin, chống co thắt, kháng nấm, kháng khuẩn, chống oxy hóa.

    Công dụng và cách dùng: Rễ được dùng trị đòn ngã, phong thấp, đau lưng nhức gối, lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu, bế kinh, hoàng đản và ung sang thũng độc. Lá có thể dùng chữa các vết thương phần mềm.

  • MẦN TƯỚI, Lan thảo, hương thảo - Eupatorium fortunei Turcz

    MẦN TƯỚI, Lan thảo, hương thảo - Eupatorium fortunei Turcz
    DƯỢC LIỆU CHỨA TINH DẦU Mần tưới-Eupatorium fortunei , Asteraceae

    Tên khác:  Hương thảo, Trạch lan, Lan thảo.

    Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turcz. (E. staechadosmum Hance.); họ Asteraceae (họ Cúc).

    Mô tả cây: Cây thảo, sống nhiều năm, thân có lông tơ, cành non màu đỏ tím, có rãnh dọc. Lá mọc đối hình dải rộng, nhọn dài ở đầu, thon hẹp ngắn ở gốc, mép lá có răng đều, lá có nhiều tuyến. Cụm hoa ngù kép, ở ngọn gồm nhiều đầu hoa, mỗi đầu hoa có nhiều hoa màu tím nhạt. Quả bế màu đen, 5 cạnh.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Eupatorii ). Thu hái toàn cây vào mùa hè, trước khi ra hoa.

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (thymol và dẫn chất), alkaloid (supinin, rinderin…), coumarin

    Công dụng, cách dùng: Trị kinh nguyệt không đều, ứ huyết sau khi sinh đẻ; chữa phù thũng, mụn nhọt; còn dùng trừ bọ gà, mạt gà, rệp, mọt, bọ chó.

  • MẠCH MÔN, Mạch môn đông, mạch đông, tóc tiên, cỏ lan - Ophiopogon japonicus (L.f) Ker-Gawl.

    MẠCH MÔN, Mạch môn đông, mạch đông, tóc tiên, cỏ lan - Ophiopogon japonicus (L.f) Ker-Gawl.
    Mạch môn-Ophiopogon japonicus , Asparagaceae

    Tên khác: Mạch môn đông, cây Lan tiên, Tóc tiên, Xà thảo lá dài

    Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker Gawl., Asparagaceae (Họ Thiên môn đông)

    Mô tả cây: Thân cỏ nhiều năm mọc thành bụi, cao khoảng 40 cm, rễ chùm, có những chỗ phát triển thành củ hình trụ, bề mặt lát cắt màu trắng, hơi trong, có lõi hẹp, mùi đặc biệt. Thân trên mặt đất ngắn. Lá hình dải hẹp, mọc chụm dưới đất. Hoa xanh nhạt tụ thành 1-3 hoa ở kẽ lá bắc. Quả mọng, màu tím đen nhạt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ (Radix Ophiopogonis japonici) đã phơi hay sấy khô, bỏ lõi.

    Thành phần hóa học: Saponin steroid (ophiopogonin A, B, C, D, H-O, ruscogenin), homoflavonoid (ophiopogonon A-D…), polysaccharid với các monomer là glucose và fructose, sterol (sitosterol, stigmasterol), các acid phenol đơn giản…

    Công dụng và cách dùng: Rễ củ dùng chữa ho khan, viêm họng, lao phổi, sốt cao, khát nước, thổ huyết, hen phế quản, khó ngủ, còn dùng để lợi tiểu và lợi sữa, điều hòa nhịp tim khỏi hồi hộp, táo bón, lở ngứa.

  • MÃ ĐỀ, Xa tiền, bông mã đề - Plantago major L

    MÃ ĐỀ, Xa tiền, bông mã đề - Plantago major L
    Mã đề –Plantago major , Plantaginaceae

    Tên khác: Xa tiền, Mã đề thảo

    Tên khoa học: Plantago major L., Plantaginaceae (họ Mã đề).

    Mô tả cây: Cây thảo, sống dai. Thân rất ngắn. Lá mọc ở gốc thành hoa thị, có cuống dài. Phiến lá nguyên, hình trứng 12 × 8 cm, có 5-7 gân chính hình cung chạy dọc theo phiến rồi đồng quy ở gốc và ngọn phiến lá. Hoa mọc thành bông có cuống dài; hoa đều lưỡng tính, 4 lá đài xếp chéo hơi dính nhau ở gốc; tràng màu nâu, khô xác, tồn tại, 4 thuỳ xen kẽ với các lá đài; bốn nhị thò ra ngoài; chỉ nhị mảnh dài gấp tràng 2 lần; bầu trên, 2 ô. Quả hộp, có 8-13 hạt, vỏ ngoài của hạt hoá nhầy khi gặp nước.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Plantaginis) Lá (Folium Plantaginis) và hạt (Xa tiền tử – Semen Plantaginis). Hái lá lúc cây sắp ra hoa hay đang ra hoa. Nếu lấy hạt thì thu hái quả già, giũ lấy hạt, phơi hay sấy khô.

    Thành phần hóa học: Toàn cây chủ yếu chứa chất nhầy; iridoid (aucubosid, catalpol); flavonoid (apigenin, quercetin, scutellarein, baicalein, hispidulin, nepitrin…). Ngoài ra còn có acid hữu cơ (acid cinnamic, p-coumaric, ferulic, cafeic, chlorogenic), carotenoid, vitamin K, C. Trong hạt có alkaloid (boschianin) và acid boschniakinic.

    Công dụng và cách dùng: Lá và hạt đều được dùng trị ho, viêm họng, viêm phế quản, viêm thận, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu, bí tiểu, tiểu ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra còn dùng viêm mắt, tiêu chảy, hen suyễn. Dùng ngoài trị dị ứng da, áp xe, bỏng… Mã đề được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp, thanh nhiệt, trừ đờm. Dùng dạng sắc phối hợp với Cỏ tranh, Râu bắp, Mía lau, Thuốc giòi. Hạt chữa táo bón, kiết lỵ.

  • LÁ LỐT, Tất bát - Piper lolot C. DC.

    LÁ LỐT, Tất bát - Piper lolot C. DC.
    Lá lốt – Piper sarmentosum, Piperaceae

    Tên khác: Tất bát

    Tên khoa học: Piper sarmentosum Roxb. (Piper lolot C.DC), Piperaceae (họ Hồ tiêu)

    Mô tả cây: Cây thảo mọc bò thành từng bụi, từng đám, sống lâu. Thân cao cỡ 40-50 cm, phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính vòng cung tỏa ra từ cuống lá. Cuống lá có gốc bẹ ôm lấy thân. Mặt trên của lá xanh bóng. Vò lá có mùi thơm nồng. Cụm hoa dạng bông đơn mọc ở nách lá.

    Phân bố, sinh thái: Mọc hoang và cũng được trồng phổ biến ở Việt Nam, nhất là những nơi ẩm ướt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Piperis)

    Thành phần hóa học: Trong lá có các thành phần bay hơi, alkaloid (sarmentamid A-C), alkylamid, lignan, các dẫn chất phenol đơn giản.

    Tác dụng dược lý: Kháng khuẩn kháng viêm, ức chế vi khuẩn.

    Công dụng, cách dùng: Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi (phối hợp với Ngải cứu, giã nát rồi chưng nóng, đắp tại chỗ), rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, giải ngộ độc nấm, chữa rắn cắn. Lá lốt còn được dùng làm gia vị

  • KINH GIỚI - Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

    KINH GIỚI - Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.
    Tên khác: Khương giới, Giả tô, Nhả nát hom (Thái), Phjăc hom khao (Tày) Kinh giới rìa, Bán biên tô, Tiểu kinh giới, Bài hương thảo. Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

    Tên khác: Khương giới, giả tô, nhả nát hom (Thái)

    Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

    Họ: Bạc hà (Lamiaceae)

    Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất (ngọn mang hoa)

    Công năng, chủ trị: Giải biểu, khu phong, chỉ ngứa. Chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa, phong trúng kinh lạc.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g (dạng khô), sắc hoặc hãm uống. Khi sao đen được dùng chữa băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, ngày dùng: 6 - 12g, sắc hoặc hãm uống.

  • KIM TIỀN THẢO - Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr.

    KIM TIỀN THẢO - Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr.
    Kim tiền thảo –Desmodium styracifolium , Fabaceae

    Tên khác: Đồng tiền lông, Vẩy rồng, Mắt trâu

    Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr., Fabaceae (họ Đậu)

    Mô tả: Cây nhỏ cao 40-80 cm, mọc bò. Thân rạp xuống, đâm rễ ở gốc rồi mọc đứng. Cành non hình trụ, khía vằn và có lông nhung màu gỉ sắt. Lá mọc so le gồm một hoặc ba lá chét, dài 2,5-4,5 cm, rộng 2-4 cm, lá chét giữa lớn, hình bầu dục gần như tròn, các lá chét bên hình nhỏ, hình bầu dục; mặt trên lá màu lục nhạt và nhẵn, mặt dưới màu trắng bạc, phủ lông mềm. Cụm hoa chùm hay chuỳ ở nách hay ở ngọn, có lông mềm màu hung, thường có lá ở gốc các hoa. Hoa màu hồng, xếp 2-3 cái một. Quả thõng, hơi cong hình cung, có ba đốt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Desmodii Styracifolii), thu hái vào mùa hè thu, dùng tươi hay phơi khô.

    Thành phần hoá học: Toàn cây có flavonoid (chủ yếu là các C-glycosid: vicenin 1, vicenin 3, schaftosid, isoschaftosid, vitexin…), saponin triterpen, alkaloid, polysaccharid…

    Công dụng và cách dùng: Kim tiền thảo thường dùng chữa sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi túi mật; bệnh mạch vành tim và mạch máu não; nhiễm khuẩn đường niệu, viêm thận phù thũng; viêm gan vàng da.

    Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.

  • KIM NGÂN - Lonicera japonica Thunb.

    KIM NGÂN - Lonicera japonica Thunb.
    Kim ngân-Lonicera japonica, Caprifoliaceae

    Tên khác: Dây nhẫn đông, chừa giang khằn (Thái), boóc kim ngằn (Tày)

    Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb., Caprifoliaceae (họ Cơm cháy). Một số loài Kim ngân khác như Lonicera dasystyla Rehd.; Lonicera confusa L.; Lonicera macrantha DC. và Lonicera cambodiana Pierre cũng được dùng.

    Mô tả cây: Dây leo bằng thân quấn dài tới 10 m, thân non màu lục nhạt, phủ lông mịn, khi già chuyển sang nâu đỏ nhạt. Lá mọc đối, hình trứng, cuống ngắn. Hoa hình ống, cuống dài, lúc mới nở có màu trắng bạc, sau đó chuyển thành màu vàng sáng. Quả mọng hình cầu, màu đen.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hoa sắp nở (Kim ngân hoa – Flos Lonicerae) của cây Kim ngân. Dược liệu là nụ hoa dài hình ống hẹp, ở đầu hơi phình to, màu vàng hơi lục đến vàng nâu; tỉ lệ hoa đã nở không quá 10%. Cành lá (Herba Lonicerae) cũng được sử dụng.

    Thành phần hóa học: Nụ hoa chứa chủ yếu là các flavonoid thuộc nhóm flavon, flavonol và glycosid (lonicerin, luteolin) và acid phenol (acid cafeic, trans-cinnamic, trans-ferulic; các dẫn chất cafeoyl quinic: acid chlorogenic, các đồng phân và các ester; các dẫn chất di-caffeoyl quinic); tinh dầu, triterpenoid, saponin, iridoid. Lá chứa iridoid loganin và secologanin.

    Công dụng và cách dùng: Đông y sử dụng Kim ngân hoa chủ yếu với công dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm; dùng trong điều trị ung nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh phát nhiệt, nhiệt độc huyết lị. Dùng dạng thuốc sắc hoặc hãm; có thể ngâm rượu làm hoàn tán.

  • KHỔ SÂM CHO LÁ - Croton tonkinensis Gagnep

    KHỔ SÂM CHO LÁ - Croton tonkinensis Gagnep
    Croton tonkinensis Gagnep, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)

    Tên khác: Khổ sâm Bắc bộ, cù đèn, co chạy đón (Thái)

    Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep.

    Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

    Bộ phận dùng: Lá và cành thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Chữa viêm loét dạ dày, tiêu hóa kém, mụn nhọt, lở loét ngoài da, viêm mũi.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 20g, sắc uống. Dùng ngoài lấy nước sắc để rửa, chữa mụn nhọt, lở ngứa.

  • KÉ ĐẦU NGỰA - Xanthium strumarium L.

    KÉ ĐẦU NGỰA - Xanthium strumarium L.
    Ké đầu ngựa-Xanthium strumarium , Asteraceae

    Tên khác: Thương nhĩ

    Tên khoa học: Xanthium strumarium L., Asteraceae (họ Cúc)

    Mô tả cây: Cây thảo sống hàng năm, cao 50-80 cm, ít phân cành. Thân hình trụ, cứng, có khía rãnh, có lông cứng. Lá mọc so le, có phiến đa giác, có thùy và răng cưa ở mép lá, 3 gân chính, có lông cứng. Cụm hoa đầu mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, màu lục nhạt, gồm 2 loại đầu; những đầu ở phía trên nhỏ mang hoa lưỡng tính, những đầu khác mang hoa cái. Quả bế đôi, hình trứng, có hai sừng nhọn ở đầu và phủ đầy gai móc.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Quả (Thương nhĩ tử, Fructus Xanthii) và phần cây trên mặt đất (Herba Xanthii). Thu hái quả khi chín phơi khô. Cây có thể thu hái quanh năm.

    Thành phần hóa học: Phần cây trên mặt đất có chứa tinh dầu, các sesquiterpen lacton, các glycosid sulphat mang độc tính: xanthostrumarin, atractylosid, carboxyatractylosid và các hợp chất phenol (acid caffeic, cynarin…).

    Quả cũng chứa sesquiterpen lacton (xanthinin, xanthumin, xanthanol); hydroquinon, cholin mang độc tính; vitamin C, iod hữu cơ và các hợp chất nhóm thiazindion.

    Hạt có chứa dầu béo, hidroquinon, xanthostrumarin.

    Công dụng và cách dùng: Quả dùng chữa đau đầu, tê thấp, mề đay, lở ngứa, mụn nhọt; còn dùng chữa đau răng, bướu cổ, lỵ.

    Phần cây trên mặt đất dùng chữa sung huyết, eczema.

  • ÍCH MẪU, Cây chói đèn, sung uý - Leonurus japonicus Houtt

    ÍCH MẪU, Cây chói đèn, sung uý - Leonurus japonicus Houtt
    Ích mẫu-Leonurus japonicus , Lamiaceae

    Tên khác: Chói đèn, Sung úy.

    Tên khoa học: Leonurus japonicus Houtt. [Leonurus heterophyllus Sweet]., Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thảo, thân có tiết diện vuông, thẳng, xốp, đường kính 0,2 – 0,8 cm, dài không quá 40 cm kể từ ngọn xuống. Mặt ngoài có nhiều rãnh dọc và lông mịn. Lá mọc đối chéo chữ thập, lá dưới gốc gần như tròn, khía răng cưa tròn, nông, càng lên cao thùy càng xẻ sâu, chia làm 3 thùy hình chân vịt, các lá trên ngọn nguyên không xẻ thùy. Mặt trên lá màu lục, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông thưa. Cụm hoa mọc vòng ở kẽ lá, tràng hoa hình môi; khi tươi có màu tím nhạt, khi khô màu nâu nhạt và thường bị rụng hết. Đài hoa hình ống chia làm 5 thùy tồn tại xung quanh 4 quả đóng. Dược liệu có mùi thơm hắc, vị đắng.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Phần trên mặt đất (Herba Leonuri); quả (còn gọi là Sung úy tử – Fructus Leonuri)

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (chủ yếu là diterpene, sesquiterpen: caryophyllane, aromadendran and cadinan), alkaloid (leonurin, stachydrin), flavonoid (rutin, wogonin), saponin…

    Công dụng và cách dùng: Ích mẫu được dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt, chữa đau bụng kinh; thường dùng phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Sung úy tử còn dùng làm thuốc thông tiểu, chữa phù thũng, thiên đầu thống (glaucom).

    Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai

  • HY THIÊM, Cỏ đĩ, Cây cứt lợn, Hy tiên - Siegesbeckia orientalis L

    HY THIÊM, Cỏ đĩ, Cây cứt lợn, Hy tiên - Siegesbeckia orientalis L
    Hy thiêm, hay còn có tên dân gian khác là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa..., là một loài thực vật thuộc họ Cúc.

    Tên khác: Cỏ đĩ, Cây cứt lợn, Hy tiên.

    Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L.

    Họ: Cúc (Asteraceae).

    Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất

    Công năng, chủ trị: Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc. Chữa đau lưng, mỏi gối, đau xương khớp, chân tay tê buốt, mụn nhọt.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng: 9 - 12g, sắc uống.

  • HUYẾT DỤ - Cordyline fruticosa (L.) Goepp

    HUYẾT DỤ - Cordyline fruticosa (L.) Goepp
    Huyết dụ – Cordyline fruticosa , Asparagaceae

    Tên khác: Phất dũ, Thiết thụ

    Tên khoa học: Cordyline fruticosa (L) A. Chev, Asparagaceae (Họ Thiên môn)

    Mô tả cây: Cây thuộc thảo, sống lâu, cao 1-2 m.C. terminalis Kunth. var  ferrea có lá đỏ cả 2 mặt và C. terminalis Kunth. var  viridis có lá một mặt đỏ, một mặt xanh. Thân mang nhiều vết sẹo của lá đã rụng, chỉ có lá ở ngọn. Lá không có cuống. Hoa mọc thành chùy dài. Quả mọng.

    Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang hay được trồng làm cảnh ở nhiều nơi.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá (Folium Cordyline) tươi hoặc phơi khô.

    Thành phần hóa học: Flavonoid (quercetin glycosid, apigenin glycosid…), saponin steroid (fruticosid H-J), anthocyan.

    Công dụng và cách dùng: Dùng làm thuốc cầm máu, trị băng huyết, thổ huyết, ho ra máu, trĩ, lỵ. Ngoài ra còn tác dụng hạ đờm, sát trùng.

  • HƯƠNG NHU TÍA - Ocimum tenuiflorum L.

    HƯƠNG NHU TÍA - Ocimum tenuiflorum L.
    Hương nhu tía – Ocimum tenuiflorum – Lamiaceae

    Tên khác: É tía, é rừng, é đỏ.

    Tên khoa học: Ocimum tenuiflorum L. (Ocimum sanctum L.), Lamiaceae (họ Hoa môi)

    Mô tả cây: Cây thảo nhỏ cao có thể tới gần 2 m. Thân vuông, non có màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá nhỏ hình trứng, dài 2-5 cm, rộng 1-3 cm, mép có khía răng cưa, hai mặt đều có lông. Hoa màu tím mọc thành bông xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 5-6 cái trên cụm hoa; đài hoa dài 3-5 mm; tràng hoa có cánh hơi lượn sóng ở mép; nhị 4, vượt ra ngoài tràng. Quả bế tư, gần hình cầu, hơi dẹt, màu nâu nhạt hoặc đỏ, có đốm đen nhỏ nằm trong đài tồn tại. Toàn cây có mùi thơm.

    Phân bố, sinh thái: Cây được trồng khắp nơi để làm thuốc.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây trên mặt đất (Herba Ocimi sancti). Thu hái khi cây có hoa. Phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô. Nếu cất lấy tinh dầu có thể dùng tươi.

    Thành phần hóa học: Toàn cây có chứa tinh dầu (khoảng 0,2‑0,3% trong dược liệu tươi), gồm hai phần có tỷ trọng nhẹ và nặng hơn nước. Thành phần chính của tinh dầu thường là Eugenol (40‑50%), có khi là methyl eugenol (50-70%) tùy theo vùng địa lý.

    Ngoài ra, cây còn chứa flavonoid, ocimumosid, coumarin (ocimarin), polysaccharid,…

    Tác dụng dược lý: Tinh dầu Hương nhu tía có khả năng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn E. coli, B. anthracis  Pseudomonas aeruginosa. Tinh dầu Hương nhu còn có tác dụng kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, trị giun sán…

    Công dụng và cách dùng: Hương nhu tía được dùng trong dân gian để hạ sốt, chữa cảm, nhất là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng, nôn mửa. Eugenol được dùng trong nha khoa kháng khuẩn, giảm đau tại chỗ và là nguyên liệu để tổng hợp vanilin.

  • HÚNG CHANH - Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.

    HÚNG CHANH - Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.
    Húng chanh – Plectranthus amboinicus, Lamiaceae

    Tên khác: Tần dày lá, thơm lông, dương tử tô

    Tên khoa học: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng (Coleus amboinicus Lour), Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thảo, có thể sống nhiều năm. Cao 20-50 cm, thân vuông mọng nước, phần sát gốc hóa gỗ. Lá mọc đối, dày, mọng nước, phủ lông trắng mịn, phiến lá hình trứng rộng, dài 3-6 cm, rộng 2-5 cm, mép khía răng tròn nhỏ, vò lá có mùi thơm đặc trưng. Hoa nhỏ, màu tím hồng, mọc thành bông ở ngọn thân và đầu cành, gồm những vòng hoa dày đặc, cách quãng nhau. Quả nhỏ, tròn, màu nâu, chứa 1 hạt. Toàn cây có lông trắng mịn và có mùi thơm. Ra hoa quả vào tháng 10-12.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá và ngọn non (Folium et Gemma Plectranthi).

    Thành phần hóa học: Tinh dầu ( thành phần chính là carvacrol  thymol). Các hợp chất khác như acid phenolic, flavonoid, monoterpen hydrocarbon, serquiterpen hydrocarbon, monoterpen oxy hóa và các este.

    Công dụng và cách dùng: Dùng làm gia vị, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi. Trị ho, viêm họng.

  • HOẮC HƯƠNG, Thổ Hoắc hương, Quảng Hoắc hương - Pogostemon cablin (Blanco) Benth

    HOẮC HƯƠNG, Thổ Hoắc hương, Quảng Hoắc hương - Pogostemon cablin (Blanco) Benth
    Hoắc hương-Pogostemon cablin , Lamiaceae

    Tên khác: Quảng hoắc hương.

    Tên khoa học: Pogostemon cablin (Blanco) Benth., Lamiaceae(họ Hoa môi)

    Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, cao 30-60 cm, gốc hóa gỗ, toàn cây có lông mịn, mùi thơm nhẹ. Thân vuông, màu xanh hay hơi nâu tím, có mùi thơm. Lá mọc đối chéo chữ thập; cuống lá dài 1-3 cm; phiến lá, hình trứng 4-6 × 2-4 cm, đầu hơi thuôn nhọn, mép có răng cưa to không đều, gân nổi rõ hình mạng, có lông ở hai mặt. Hoa mọc thành bông ở đầu cành hoặc kẽ lá, hoa nhỏ màu hồng tím nhạt; đài hoa có 5 răng, hình ống, mặt ngoài nhiều lông; tràng hoa chia 2 môi, môi trên kéo dài; nhị 4, thò ra khỏi tràng; chỉ nhị rời. Quả bế hình cầu hơi dẹt; có hạt cứng. Cây trồng ở Việt Nam hiếm thấy ra hoa và quả.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá (Folium Patchouli); tinh dầu (Oleum Patchouli). Lá thu hái khi trời ráo, loại bỏ lá sâu và già úa, phơi nắng nhẹ hay sấy khô ở 40-45 oC. Dùng lá tươi để cất tinh dầu.

    Thành phần hóa học: Lá có tinh dầu và các flavonoid (retusin, pachypodol, dimethoxyflavon, trimethoxy flavanon, dimethoxy flavanon, trimethoxyflavanon).
    Tinh dầu Hoắc hương (thường được gọi là tinh dầu patchouli) được chưng cất từ cành lá có thành phần chính là các serquiterpen trong đó quan trọng nhất là patchouli alcohol 32-38%. Ngoài ra còn có α, β, γ-patchoulen, seychellen, α-himachalen, guaien, pogoston…

    Công dụng và cách dùng: Chữa cảm sốt, cúm, nhức đầu, ăn không tiêu, đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Dùng dưới dạng thuốc hãm hay thuốc sắc.
    Tinh dầu và patchouli alcol được dùng làm chất định hương trong công nghệ mỹ phẩm (nước hoa, dầu gội, xà phòng) và trong kỹ nghệ thực phẩm (pha chế rượu mùi, thức uống).

    Ghi chú: Phân biệt với Thổ hoắc hương (Hoắc hương núi hay Xuyên hoắc hương – Agastache rugosa (Fisch et Mey) O.Kuntze, Lamiaceae (họ Hoa môi).
    Một số loài Pogostemon khác như: Pogostemon heyneanus Benth. và Pogostemon plectrantoides Desf. cũng được dùng để lấy tinh dầu.

  • HẠ KHÔ THẢO - Prunella vulgaris L

    HẠ KHÔ THẢO - Prunella vulgaris L
    Hạ khô thảo – Prunella vulgaris , Lamiaceae

    Tên tiếng Việt: Hạ khô thảo; Hầu hoa thông thường

    Tên khoa học: Prunella vulgaris L., Lamiaceae (họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thảo cao 20-40 cm, thân vuông màu tím đỏ có lông, lá mọc đối hình trứng hay hình ngọn giáo, mép nguyên hoặc hơi khía răng cưa; dài 1,5-5 cm, rộng 1-2,5 cm. Cụm hoa dài 2-6 cm gồm nhiều xim co mọc ở đầu cành. Lá bắc có mép tím đỏ; hoa nhỏ màu lam đậm hay tím nhạt, tràng đều chia 2 môi; nhị 4 thò ra ngoài tràng hoa. Quả bế nhỏ, cứng, có 4 ô.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Cụm hoa (Spica Prunellae). Thu hái vào đầu mùa hè khi cụm hoa bắt đầu ngả sang màu vàng nâu, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Cụm hoa có mùi thơm dịu, dễ nhận diện.

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (camphor…), chất đắng (prunellin), alkaloid, flavonoid (quercetin, rutin), phenolic (rosmarinic acid, caffeic acid, ferulic acid, chlorogenic acid, protocatechuic acid), saponin triterpen và steroid (β-amyrin, ursolic acid,…), polygalacerebrosid.

    Công dụng và cách dùng: Hạ khô thảo được dùng để giảm sốt, trị đau họng, làm lành vết thương, thông tiểu (dùng chung với Hương phụ và Cam thảo), trị cao huyết áp (dùng nước sắc), chữa mụn nhọt (đắp ngoài), trị tiểu đường (uống). Thường dùng dạng thuốc sắc hoặc dạng cao.

  • GỪNG - Zingiber officinale Rosc., Zingiberaceae

    GỪNG - Zingiber officinale Rosc., Zingiberaceae
    Gừng-Zingiber officinale , Zingiberaceae

    Tên khác: Khương

    Tên khoa học: Zingiber officinale Rosc., Zingiberaceae (họ Gừng)

    Mô tả cây: Thân rễ phát triển thành củ, phân nhánh xoè ra gần như trên cùng một mặt phẳng, màu vàng nhạt, mùi thơm. Lá mọc so le thành 2 dãy, không cuống, có bẹ ốp sát vào nhau tạo thành thân giả khí sinh cao đến 1 m. Phiến lá hình mác, mặt nhẵn bóng và gân giữa hơi trắng nhạt, có mùi thơm. Trục hoa xuất phát từ gốc dài cỡ 20 cm mang cụm hoa hình bông. Hoa màu vàng xanh, cánh môi màu tía với những chấm màu vàng. Nhị hoa màu tía. Quả nang (rất ít gặp).

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Zingiberis) dùng tươi hoặc khô. Thường thu hoạch khi cây sắp lụi. Đào lấy rễ củ, cắt bỏ thân lá, rễ con, rửa sạch, phơi khô. Có thể dùng dưới dạng tươi, dạng khô, sao vàng hoặc sao gần cháy tùy theo mục đích sử dụng.

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (1-3%) có mùi thơm của gừng tươi; thành phần chủ yếu là: d-camphor, b-phelandren, zingiberen, citral, borneol, geraniol.
    Phần nhựa dầu có các dẫn chất gingerol, shogaol mang lại vị cay đặc trưng của Gừng. Ngoài ra còn có các enzym protease, tinh bột.

    Công dụng và cách dùng: Trị lạnh bụng, đầy hơi, ăn uống không tiêu, đau bụng tiêu chảy, chống nôn, chống say tàu xe. Trị cảm cúm, làm ra mồ hôi, trị nhức đầu, ho mất tiếng. Gừng sao vàng chữa tay chân lạnh, nhức mỏi tê bại, tê thấp. Dùng ngoài để cứu (trong châm cứu), đánh gió.

  • GAI, Gai làm bánh, gai tuyết, trư ma - Boehmeria nivea (L.) Gaudich.

    GAI, Gai làm bánh, gai tuyết, trư ma - Boehmeria nivea (L.) Gaudich.
    Cây gai hay cây lá gai, cây tầm gai là loài thực vật có hoa thuộc họ Gai, là loài bản địa của Đông Á.

    Tên khác: Gai, Gai làm bánh, Gai tuyết. 

    Tên khoa học: Boehmeria nivea (L.) Gaudich., Urticaceae (họ Gai)

    Mô tả: Cây nhỏ, cao 1,5-2 m, gốc hoá gỗ. Cành màu nâu nhạt, có lông. Lá đơn, mọc so le, hình trái xoan, mép khía răng, mặt trên xanh, mặt dưới trắng bạc phủ lông mềm và mịn; là kèm hình dải nhọn, thường rụng, cuống lá màu đo đỏ. Rễ dạng củ, hình trụ thường cong queo, màu vàng, chứa nhiều nhựa gôm. Hoa đơn tính cùng gốc. Quả bế mang đài tồn tại.

    Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Boehmeriae), thường gọi là Trữ ma căn và lá (Folium Boehmeriae).

    Thành phần hoá học: Rễ Gai chứa chủ yếu các acid phenol (acid chlorogenic, acid cafeic, acid quinicacid protocatechuic), ngoài ra còn có flavonoid (rhoifolin, apigenin), triterpen.

    Công dụng và cách dùng: Gai thường được dùng chữa cảm cúm, sốt, sởi bị sốt cao, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận, phù thũng, ho ra máu, đái ra máu, trĩ chảy máu, rong kinh, động thai, đe doạ sẩy thai. Dùng ngoài chữa đòn ngã tổn thương, đụng dập bầm máu, sâu bọ đốt và rắn cắn.

  • DỪA CẠN, Hải Đằng, Dương giác, trường xuân hoa - Catharanthus roseus (L.) G. Don

    DỪA CẠN, Hải Đằng, Dương giác, trường xuân hoa - Catharanthus roseus (L.) G. Don
    Dừa cạn hay hải đằng, dương giác, bông dừa, bông dừa cạn, trường xuân hoa, hoa tứ quý là một loài thực vật trong chi Catharanthus thuộc họ La bố ma. Nó là cây bản địa và đặc hữu của Madagascar.

    Tên khác: Bông dừa, trường xuân hoa

    Tên khoa học: Catharanthus roseus (L.) G. Don., Apocynaceae (họ Trúc đào)

    Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,4 – 0,8 m, phân nhiều cành. Thân mọc thẳng, hình trụ, nhẵn, lúc non màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu đỏ hồng. Lá đơn, mọc đối, thuôn dài, mũi lá tù, gân lá trắng xanh. Hoa màu hồng hoặc trắng, hình ống có 5 cánh, mọc ở kẽ lá hoặc ngọn cành. Quả là 2 đại chứa 15 – 20 hạt nhỏ hình trứng, màu nâu.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Catharanthi), lá (Folium Catharanthi) thu hái quanh năm.

    Thành phần hóa học: Alkaloid dạng monomer (ajmalicin, serpentin, catharantin, vidolin, amocalin….), alkaloid dạng dimer ( vincaleucoblastin, vincristin,..). Ngoài ra còn có flavonoid, saponin, triterpen, tannin.

    Công dụng và cách dùng: Trong y học hiện đại, alkaloid vinblastin được chiết tinh khiết chữa bệnh bạch cầu; Theo kinh nghiệm dân gian, rễ Dừa cạn dùng để hạ huyết áp, an thần, giải độc. Lá cũng dùng chữa cao huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, lỵ, bí tiểu.

  • ĐƠN LÁ ĐỎ, Đơn đỏ, Đơn tía, Đơn mặt trời - Excoecaria cochichinensis Lour

    ĐƠN LÁ ĐỎ, Đơn đỏ, Đơn tía, Đơn mặt trời - Excoecaria cochichinensis Lour
    Đơn mặt trời, đơn tía, đơn đỏ, đơn tướng quân, liễu đỏ, hồng bối quế hoa hay cây mặt quỷ là loài thực vật thuộc họ Đại kích. Đây là loài bản địa Đông Nam Á và Trung Quốc.

    Tên khác: Đơn đỏ, Đơn tía, Đơn mặt trời.

    Tên khoa học: Excoecaria cochichinensis Lour.

    Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây được trồng làm thuốc, làm cảnh ở nhiều địa phương nước ta.

    Bộ phận dùng: Rễ, vỏ thân, lá.

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, giảm đau, lợi tiểu. Chữa cảm sốt, đau nhức xương khớp, kinh nguyệt không đều, áp xe vú, dị ứng, mụn nhọt, lở ngứa, ỉa chảy lâu ngày.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g, sắc uống.

  • ĐINH LĂNG, Cây gỏi cá, nam dương sâm - Polyscias fruticosa (L.) Harms

    ĐINH LĂNG, Cây gỏi cá, nam dương sâm - Polyscias fruticosa (L.) Harms
    Đinh lăng-Polyscias fruticosa , Araliaceae

    Tên khác: Cây gỏi cá, Nam dương lâm.

    Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms, Araliaceae (họ Ngũ gia bì).

    Mô tả cây: Cây bụi, thân sần sùi, mang nhiều vết sẹo do lá rụng để lại, cao 0, 8-1, 5 m. Lá kép lông chim 2-3 lần, mọc so le. Lá chét chia thùy nhọn không đềucó răng cưa ở mép lá, đáy cuống phình to thành bẹ lá.. Lá kèm dạng phiến mỏng dính hai bên bẹ lá. Cụm hoa kiểu chùm tán ở ngọn cành gồm nhiều hoa nhỏ, lưỡng tính. Lá bắc hình tam giác nhọn hợp thành tổng bao lá bắc ở gốc cuống hoa . Quả hạch dẹt mang vòi nhụy và đài tồn tại, vỏ quả màu xanh đậm có những nốt tròn.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Polysciasis) hay vỏ rễ phơi sấy khô. Rễ sau khi đào, rửa sạch đất cát, bỏ lõi, phơi hay sấy khô. Lá (Folium Polysciasis) cũng được dùng.

    Thành phần hóa học: Saponin triterpen được phân lập từ rễ và lá của Đinh lăng có cấu trúc olean như ladyginosid A (rễ và lá), zingibrosid R1 (lá), các polysciosid A, B, C, D, E, F, G, H), các polysacharid, polyacetylen.

    Công dụng và cách dùng: Dân gian dùng Đinh lăng làm thuốc bổ, chữa ho, ho ra máu, kiết lỵ, dùng để lợi sữa, thông tiểu…

  • DIỆP HẠ CHÂU, Diệp hạ châu đắng, Cây chó đẻ răng cưa - Phyllanthus urinaria L

    DIỆP HẠ CHÂU, Diệp hạ châu đắng, Cây chó đẻ răng cưa - Phyllanthus urinaria L
    Diệp hạ châu đắng – Phyllanthus amarus , Phyllanthaceae

    Tên khác: Chó đẻ thân xanh

    Tên khoa học: Phyllanthus amarus Schum. et Thonn., Phyllanthaceae (họ Diệp hạ châu).

    Mô tả cây: Thân thảo, mọc hàng năm cao từ 0,2 -0,3 m, toàn thân nhẵn, có màu xanh. Lá nhỏ hình bầu dục thuôn, đầu lá tròn, mọc so le, trông giống lá kép. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc ở kẽ lá. Quả hình cầu nhỏ, cuống dài, đính ở mặt dưới cành lá. Có vị rất đắng

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây trừ rễ (Herba Phyllanthi amari). Dùng tươi hay khô. Thu hái vào mùa hè, rửa sạch, phơi khô trong mát.

    Thành phần hoá học: Chất đắng có khung lignan: phyllanthin, hypophyllanthin, niranthin, nirtetralin, phyllteralin.
    Alkaloid: nirurine, epibubialin và isoepibubialin. Ngoài ra còn có flavonoid (4-methyl-nor quercetin), saponin và tanin.

    Công dụng và cách dùng: Được dùng trong điều trị bệnh gan giúp hồi phục tế bào gan, chữa viêm gan siêu vi B.

    Ngoài ra còn dùng trị trẻ con cam tích, phù thũng do viêm thận, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, viêm ruột, tiêu chảy, họng sưng đau.

    Ghi chú: Phân biệt với loài Phyllanthus urinaria L. có thân có màu đỏ, mũi lá nhọn, vị ít đắng hơn cũng được sử dụng làm thuốc.

  • ĐỊA LIỀN, Sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương - Kaempferia galanga L.

    ĐỊA LIỀN, Sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương - Kaempferia galanga L.
    Địa liền-Kaempferia galanga, Zingiberaceae

    Tên khác: Địa liền, Thiền liền 

    Tên khoa học: Kaempferia galanga L., Zingiberaceae (họ Gừng)

    Mô tả cây: Cây thảo sống lâu năm. Lá đơn, thường 2-3 cái mọc xoè ra trên mặt đất. Phiến lá rộng hình bầu dục, thót hẹp lại thành cuống, mép nguyên, hơi có lông ở mặt dưới. Bẹ lá hình lòng máng, ôm lấy nhau thành thân giả khí sinh. Thân rễ hình trứng gồm nhiều củ nhỏ. Hoa trắng pha tím, không cuống, mọc ở nách lá. Toàn cây, nhất là thân rễ, có mùi thơm và vị nồng.

     Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Kaempferiae) thường gọi là Sơn nại. Thu hái thân rễ vào mùa khô. Đào củ về, rửa sạch, thái phiến mỏng, xông lưu huỳnh rồi phơi khô, tránh để dược liệu bị đen và kém thơm. Do có tinh dầu nên Địa liền dễ bảo quản, ít bị mốc mọt.

    Thành phần hóa học: Thân rễ Địa liền chứa tinh dầu, để lạnh thu được phần kết tinh có thành phần chủ yếu là p-methoxyethylcinnamat chiếm 20-25%.

    Công dụng và cách dùng: Địa liền có vị cay, tính ấm, trị ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, tiêu chảy, ho gà

  • ĐỊA HOÀNG, Sinh địa hoàng - Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.ex Steud

    ĐỊA HOÀNG, Sinh địa hoàng - Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.ex Steud
    Sinh địa hoàng.Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Steud.

    Tên khác: Sinh địa hoàng.

    Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.ex Steud.

    Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

    Bộ phận dùng: Rễ củ phơi hay sấy khô.

    Công năng, chủ trị: Bổ âm, thanh nhiệt lương huyết, sinh tân dịch. Chữa âm hư, sốt về chiều, khát nước, thiếu máu, suy nhược cơ thể, tân dịch khô, phiền táo mất ngủ.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 16g, sắc uống.

  • DÂU TẰM, Dâu ta, tang - Morus alba L

    DÂU TẰM, Dâu ta, tang - Morus alba L
    Hình ảnh lá và quả Dâu tằm Morus alba, hay dâu tằm trắng, dâu tằm thường, dâu trắng, dâu ta là loài thực vật có hoa trong chi Dâu tằm (Morus) họ Moraceae. Loài này được Carl Linnaeus mô tả khoa học đầu tiên năm 1753.

    Tên khác: Dâu tằm

    Tên khoa học: Morus alba L., Moraceae (họ Dâu tằm).

    Mô tả cây: Cây gỗ nhỏ, cao khoảng 3 m, vỏ thân, cành có những nốt sần. Lá đơn, mọc so le, phiến lá hình xoan dài 5-10 cm, rộng 4-8 cm, gốc lá hình tim, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa đơn tính cùng gốc hay khác gốc, không cánh. Hoa đực mọc thành chùm hoặc gié.  Hoa cái hợp thành bông đuôi sóc hơi dài hơn rộng. Quả phức hình trụ, khi chưa chín màu trắng xanh, khi chín màu đỏ hồng chuyển sang đen, vị ngọt hơi chua.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá (Folium Mori, Tang diệp), vỏ (Cortex Mori, Tang bạch bì), cành (Herba Mori, Tang chi), quả (Fructus Mori, Tang thầm); Thu hái quanh năm. Ngoài ra, tổ bọ ngựa trên cây Dâu (Tang phiêu tiêu), tầm gửi cây Dâu (Tang ký sinh) cũng được dùng.

    Thành phần hoá học: Các thành phần chính trong lá, vỏ thân và vỏ rễ Dâu tằm là flavonoid và stilben. Ngoài ra còn có các hợp chất phenol đơn giản, coumarin, triterpenoid, carotenoid…

    Lá chứa flavonoid (morusin và dẫn xuất, kuwanon H, quercetin, quercitrin, apigenin…), stilben (resveratrol), coumarin (umbelliferon, scopoletin, scopolin), alkaloid [1-deoxynojirimycin (DNJ)].

    Vỏ rễ có các prenyl flavonoid (mulberrin (0,15%), mulberrochromen (0,2%), cyclomulberrin, cyclomulberrochromen, morusin. moracin A-M), stilben (resveratrol, oxy-trans resveratrol), coumarin (scopoletin, umbelliferon).

    Quả chứa đường, protein, tannin, carotenoid, anthocyanidin…

    Tổ bọ ngựa có protid, chất béo, calci.

    Công dụng và cách dùng: Lá dùng chữa sốt cảm, ho, viêm họng, cao huyết áp. Vỏ rễ trị hen suyễn, phù, dị ứng. Cành trị phong thấp đau nhức. Quả trị viêm gan mạn tính, thiếu máu, suy nhược thần kinh. Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại. Tổ bọ ngựa chữa di tinh, đi tiểu nhiều lần, liệt dương, trẻ đái dầm.

  • DÀNH DÀNH, Chi tử - Gardenia jasminoides J. Ellis

    DÀNH DÀNH, Chi tử - Gardenia jasminoides J. Ellis
    Dành dành còn có tên khác là chi tử, thủy hoàng chi, bạch thiên hương, mác làng cương (Tày)...(danh pháp hai phần: Gardenia jasminoides Ellis, đồng nghĩa: G. augusta)

    Tên khác: Chi tử

    Tên khoa học: Gardenia jasminoides J. Ellis, Rubiaceae (họ Cà phê).

    Mô tả cây: Cây nhỡ cao hơn 1 m, nhiều cành. Lá mọc đối hay vòng 3, hình trái xoan hay bầu dục dài, nhẵn bóng. Lá kèm mềm ôm lấy cành như bẹ lá. Hoa đơn độc, mọc ở ngọn cành, màu trắng, thơm. Quả hình trứng hay thoi, có 5 – 8 đường gờ chạy dọc theo quả làm cho quả có góc cạnh, dài 2,5 – 4,5 cm, đường kính 1 – 2 cm, mang đài tồn tại ở đỉnh. Mặt ngoài quả màu vàng cam tới đỏ nâu hơi bóng, Thịt quả màu vàng cam.. Quả có mùi nhẹ, vị hơi chua, đắng. Bên trong mang nhiều hạt hình đĩa xếp xít nhau thành khối hình cầu hay hình trứng.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Quả (Fructus Gardeniae), cũng dùng lá (Folium Gardeniae) và rễ (Radix Gardeniae).

    Thành phần hóa học: Hai thành phần chủ yếu và quan trọng nhất là iridoid glycosid (gardenosid, geniposid, genipin) và carotenoid (thành phần tạo sắc tố vàng, như crocin 1-4, crocetin, neocrocin A-J). Ngoài ra còn có các hợp chất phenol, flavonoid, terpenoid, manitol, acid hữu cơ, tinh dầu.

    Công dụng và cách dùng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, thông mật, lợi tiểu, bảo vệ gan, trị viêm gan nhiễm trùng, vàng da, viêm thận, phù thũng.

  • CÚC TẦN, Cây lức, từ bi, phật phà - Pluchea indica (L.) Less.

    CÚC TẦN, Cây lức, từ bi, phật phà - Pluchea indica (L.) Less.
    Cúc tần hay cây từ bi, lức, lức ấn (tên khoa học: Pluchea indica)[1] là loài thực vật có hoa thuộc họ Cúc.

    Tên khác: Cây lức, từ bi, phật phà (Tày)

    Tên khoa học: Pluchea indica (L.) Less.

    Họ: Cúc (Asteraceae).

    Bộ phận dùng: Rễ, lá, cành.

    Công năng, chủ trị: Phát tán phong nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu đàm. Chữa cảm mạo phong nhiệt, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, đau nhức xương khớp.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 16g, sắc uống.

    Thành phần hóa học: 

    Cúc tần chứa acid clorogenic, protid, lipid, cellulose, caroten, vitamin C, các chất vô cơ. Lá chứa dẫn chất thiophen.

    Tác dụng dược lý - Công dụng: 

    Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ.
    Lá hoặc rễ cây Cúc tần được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức, gãy xương, bong gân, sưng đau. Còn có tác dụng giúp sự tiêu hóa, chữa lỵ, viêm họng, phù thũng, tiểu ít. Có khi dùng chữa sốt rét. Dùng dạng thuốc sắc, hoàn tán, nấu xông hoặc giã đắp ngoài.

  • CÚC HOA, Kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc - Chrysanthemum indicum L

    CÚC HOA, Kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc - Chrysanthemum indicum L
    Hình ảnh hoa Cúc vàng hay còn gọi cúc hoa vàng, kim cúc (danh pháp khoa học: Chrysanthemum indicum) là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc. Loài này được Linnaeus mô tả khoa học đầu tiên năm 1753.

    Tên khác: Kim cúc, Hoàng cúc, Cam cúc.

    Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L., Asteraceae (họ Cúc).

    Mô tả cây: Cây thảo, sống một hay nhiều năm, cao 20-50 cm. Thân thẳng, nhẵn, có khía dọc. Lá bầu dục, mọc so le, phiến xẻ thuỳ sâu, mép có răng cưa không đều, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt. Cụm hoa đầu có cuống dài mọc ở kẽ lá hay ngọn cành. Quả bế.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hoa (Flos Chrysanthemi). Thu hái khi hoa nở. Xông sinh, phơi héo và ép loại bỏ nước đen rồi phơi đến khô.

    Thành phần hóa học: Thành phần chính là flavonoid (lianrin, acaciin, luteolin-7-glucopyranosid, acacetin-7-Oβ-D-galactopyranosid). Ngoài ra còn có tinh dầu (camphor, chrysanthenon, β-caryophyllen oxyd) và sesquiterpen (handelin, angeloylcumambrin, artegalasin) và carotenoid (chrysanthemaxanthin).

    Công dụng và cách dùng: Cúc hoa vàng được dùng trong dân gian giúp thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm lạnh, sốt, nhức đầu, mờ mắt, viêm mũi, bong gân, thâm tím, sưng tấy.

    Ghi chú: Một loài Cúc khác là Chrysanthemum morifolium Ramat và loài Cúc trắng Chrysanthemum sinense Sabin. cũng được sử dụng.

  • CỐT KHÍ, Cốt khí củ, Củ điền thất, Hoạt huyết đan, Tử kim long, Nam Hoàng cầm - Reynoutria japonica Houtt.

    CỐT KHÍ, Cốt khí củ, Củ điền thất, Hoạt huyết đan, Tử kim long, Nam Hoàng cầm - Reynoutria japonica Houtt.
    Hình ảnh hoa và lá cây Cốt khí củ (Tên khoa học: Reynoutria japonica) là loài thảo dược thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), được Houtt. mô tả khoa học lần đầu tiên năm 1777.

    Tên khác: Củ điền thất, Hoạt huyết đan, Tử kim long, Nam Hoàng cầm,

    Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt. (Polygonum cuspidatum Sieb), Polygonaceae (họ Rau răm)

    Mô tả cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao 1-1,50m, phân nhánh ít, có cạnh, có lóng màu nâu đỏ, có vết màu tím hồng. Thân rễ thô, to, nằm ngang, hình trụ, màu nâu đen, ruột màu vàng. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng rộng, hai mặt nháp do gân có lông và nổi rõ ở mặt dưới, chóp nhọn ngắn, gốc tròn bằng hoặc hình nêm rộng. Bẹ chìa dài 3-5mm, màu nâu, thường rụng sớm. Cụm hoa dạng chuỳ dài 3-9 cm, mọc ở nách lá. Hoa nhỏ, màu trắng lục, đơn tính, khác gốc. Quả bế, màu nâu đen, dài 4-5mm, có 3 cạnh, trong bao hoa đồng trưởng, dạng cánh.

    Bộ phận dùng, thu hái, chế biến: Rễ củ (Radix Polygoni cuspidati), thu hoạch vào mùa thu.

    Thành phần hóa học: Trong rễ có các anthraglycosid (emodin, physcion và các glucosid tương ứng), polydatin, resveratrol và các dẫn chất.

    Công dụng và cách dùng: Dùng để chữa tê thấp, đau nhức, bị thương huyết ứ, kinh nguyệt bế tắc,bụng trướng, tiểu khó. Ngoài ra còn dùng trị mụn nhọt, lở ngứa, cầm máu vết thương.

  • CỐI XAY, Giàng xay, quýnh ma, ma bản thảo, kim hoa thảo - Abutilon indicum (L.) Sweet

    CỐI XAY, Giàng xay, quýnh ma, ma bản thảo, kim hoa thảo - Abutilon indicum (L.) Sweet
    Cây cối xay (Tên khoa học: Abutilon indicum L., đồng nghĩa Sida indica L.) là một loại cây thuộc Họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Còn gọi là cây dằng xay, kim hoa thảo, ma mãnh thảo, nhĩ hương thảo. Thuộc họ Bông (Malvaceae).

    Tên khác: Giằng xay, Kim hoa thảo, Nhĩ hương thảo.

    Tên khoa học: Abutilon indicum (L). Sweet., Malvaceace (họ Bông).

    Mô tả cây: Cây nhỏ mọc thành bụi cao 1-1,5 m, sống lâu năm. Cành hình trụ, phủ lông nhỏ, mềm, hình sao. Lá mọc so le, mềm, hình tim cuống lá dài, mép khía răng, hai mặt có lông mềm, mặt dưới màu trắng xám, gân chính 5-7 lá; lá kèm hình chỉ. Hoa màu vàng, mọc ở kẽ lá, cánh hoa hình tam giác ngược hay hình nêm; nhị nhiều. Quả có tới 20 lá noãn dính nhau trông như cối xay lúa. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt. Mùa hoa tháng 2-3, mùa quả tháng 4-6.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây trên mặt đất (Herba Abutili indici), dùng tươi hay khô.

    Thành phần hóa học: Cây chứa nhiều chất nhầy, flavonoid, acid amin và một ít tinh dầu.

    Công dụng và cách dùng: Dùng làm thuốc chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, trị phù thũng.

    Cây dùng  ngoài có tác dụng chữa rắn cắn, mụn nhọt. Nhân dân dùng lá giã đắp mụn nhọt hay sắc uống để thông tiểu tiện và trị phù thũng. Ngày dùng 4-6 g. Dùng ngoài không kể liều lượng để chữa mụn nhọt.

    Ghi chú: Phụ nữ có thai thận trọng khi dùng.

  • CỎ XƯỚC, Hoài ngưu tất - Achyranthes aspera L

    CỎ XƯỚC, Hoài ngưu tất - Achyranthes aspera L
    Hình ảnh Cỏ xước, còn gọi là ngưu tất nam, thổ ngưu tất (danh pháp hai phần: Achyranthes aspera) là một loài thực vật thuộc họ Dền (Amaranthaceae).

    Tên khác: Ngưu tất nam.

    Tên khoa học: Achyranthes aspera L., Amaranthaceace (họ Rau dền)

    Mô tả cây: Cây thảo, mọc đứng, cao 20-50 cm, có khi đến 1 m, phía gốc phân nhiều nhánh đối nhau. Thân non tiết diện vuông, gốc lóng phù to, màu xanh lục, có nhiều lông trắng dài và hơi nhám; thân già cứng, tiết diện gần tròn, có lông thưa và nhiều nốt sần.  đơn, mọc đối chéo chữ thập, nhiều lông trắng dài và hơi nhám, mặt trên màu xanh lục sậm, mặt dưới nhạt hơn; mép lá nguyên, lượn sóng, đôi khi hơi tím; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, đôi khi màu hơi đỏ ở gốc. Cuống lá dài 1-1,5 cm, màu xanh lục, hình lòng máng, hơi nở rộng phía gốc. Cụm hoa gié ở ngọn cành, dài 30-40 cm, phủ đầy lông dài màu trắng. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Achyranthis asperae) đã phơi khô hay sấy khô.

    Thành phần hóa học: Saponin, alkaloid (betain, achyranthin), amino acid, steroid (stigmasterol), triterpenoid (oleanolic acid và glycoside của nó), phenolic và flavonoid.

    Công dụng và cách dùng: Cỏ xước dùng trị thấp khớp, đau lưng, nhức xương, viêm khớp, kinh nguyệt không đều, tiểu gắt; ngoài ra còn dùng trị ho, viêm phế quản, sốt rét, hen suyễn, cao huyết áp và tiểu đường.

    Ghi chú: Ngưu tất Bắc là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume), họ Rau dền (Amaranthaceae), vị thuốc này chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

  • CỎ TRANH, Cỏ tranh răng, bạch mao căn - Imperata cylindrica (L.) Beauv

    CỎ TRANH, Cỏ tranh răng, bạch mao căn - Imperata cylindrica (L.) Beauv
    Cỏ tranh (hay bạch mao (tên gốc tiếng Trung), Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Beauv.) là một loài thực vật thuộc họ Lúa (Poaceae).

    Tên khác: Bạch mao căn.

    Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Raeush.., Poaceae (họ Lúa).

    Mô tả cây: Cây thảo với thân rễ khoẻ, phát triển mạnh, cây tái sinh dễ dàng bằng thân rễ. Lá hẹp dài, gân lá song song, ráp mặt trên, nhám ở mặt dưới, mép lá sắc. Hoa tự hình chùy.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Imperatae cylindricae) còn được gọi là Bạch mao căn.
    Đoạn thân rễ có chiều dài thay đổi, hình trụ đường kính 0,2-0,4 cm có nhiều đốt mang vết tích của vẩy và rễ con. Mặt ngoài ngà tới vàng nhạt, hơi bóng, có nhiều nếp nhăn dọc. Thể chất nhẹ, hơi dai nhưng dòn ở mấu, dễ bẻ gẫy. Vị hơi ngọt.
    Thu hái quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

    Thành phần hoá học: Các dẫn chất flavan, acid hữu cơ, acid chlorogenic, đường khử.

    Công dụng và cách dùng: Rễ chữa nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp, hen suyễn.
    Hoa Cỏ tranh chữa chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu vết thương.
    Dân gian thường dùng chung Cỏ tranh với Mía lau, Râu bắp, Mã đề… làm nước mát uống để giải nhiệt, lợi tiểu.

  • CỎ SỮA LÁ NHỎ, Vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa - Euphorbia thymifolia L

    CỎ SỮA LÁ NHỎ, Vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa - Euphorbia thymifolia L
    Hình ảnh cây Cỏ sữa lá nhỏ, Euphorbia thymifolia là một loài thực vật có hoa trong họ Đại kích. Loài này được L. mô tả khoa học đầu tiên năm 1753.

    Tên khác: Cỏ sữa đất, Vú sữa đất, Thiên căn thảo.

    Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L., Euphorbiaceae (họ Thầu dầu).

    Mô tả cây: Cây cỏ rất nhỏ mọc tỏa rộng trên mặt đất, sống hàng năm, có nhựa mủ trắng. Thân màu đỏ tím, có lông trắng. Lá đơn, mọc đối, phiến hình bầu dục 0,3-0,6 × 0,3-0,4 cm, mép lá có răng cưa nhọn, màu đỏ tím, mặt dưới có lông. Cuống lá ngắn; 2 lá kèm tồn tại, dạng vẩy tam giác. Cụm hoa mọc ở nách lá hoặc ngọn cành. Quả nang, hình trụ thuôn ở đỉnh, có 3 cạnh, màu xanh tím. Hạt hình bầu dục, màu đỏ.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Euphorbiae thymifoliae). Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

    Thành phần hóa học: Terpenoid (euphorbol, campesterol, taraxerol), flavonoid (quercetin, cosmosiin), acid cinnamic (thymofolinoat A-B). Ngoài ra còn có tinh dầu (cymol, carvacrol, limonen, isopinocamphenol), tannin. Rễ có chứa taraxenol, tirucallol, và các sterol khác.

    Công dụng và cách dùng: Cỏ sữa lá nhỏ thường dùng trị lỵ trực trùng, viêm ruột, tiêu chảy, phụ nữ sau sanh thiếu hoặc tắc sữa, giã cây tươi đắp trị các bệnh ngoài da và vết thương (viêm da dị ứng, ngứa da…).

  • CỎ NHỌ NỒI, Cỏ mực, Hạn liên thảo, lệ trường, phong trường - Eclipta prostrata (L.) L

    CỎ NHỌ NỒI, Cỏ mực, Hạn liên thảo, lệ trường, phong trường - Eclipta prostrata (L.) L
    Cỏ mực, cỏ nhọ nồi hay hàn liên thảo (Tên khoa học: Eclipta prostrata) là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).

    Tên khác: Cỏ mực, Hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, mạy mỏ lắc nà (Tày), nhả cha chát (Thái)

    Tên khoa học: Eclipta prostrata (L.) L.

    Họ: Cúc (Asteraceae)

    Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất

    Công năng, chủ trị: Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận, chữa các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 12 - 20g (khô), sắc uống; 30 - 50g (tươi), giã vắt lấy nước uống, bã đắp vết thương. Có thể dùng phối hợp với các cây thuốc khác chữa chứng xuất huyết.

    Lưu ý khi sử dụng: Không dùng cho người có tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, phân sống.

  • CỎ MẦN TRẦU, Cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo - Eleusine indica (L.) Geartn

    CỎ MẦN TRẦU, Cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo - Eleusine indica (L.) Geartn
    Mần trầu hay cỏ vườn trầu, màn trầu, màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo (danh pháp: Eleusine indica) là loài thực vật xâm thực thuộc họ Hòa thảo Poaceae.

    Tên khác: Cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo, cao dag (Ba Na), hất t’rớ lạy (K’Ho)

    Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Geartn.

    Họ: Lúa (Poaceae)

    Bộ phận dùng: Cả cây

    Công năng, chủ trị: Lương huyết, thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, làm mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu. Chữa cảm nắng, sốt nóng, cao huyết áp, viêm gan hoàng đảm, dị ứng mẩn ngứa, đái khó, nước tiểu đỏ.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 12 - 16g (khô), 80 - 120g (cây tươi), đun sôi trong 15-20 phút, để nguội chắt lấy nước uống.

  • CAM THẢO ĐẤT, Cam thảo nam, thổ cam thảo, dã cam thảo - Scoparia dulcis L

    CAM THẢO ĐẤT, Cam thảo nam, thổ cam thảo, dã cam thảo - Scoparia dulcis L
    Cam thảo nam hay cam thảo đất, thổ cam thảo (Tên khoa học: Scoparia dulcis) là một loài thực vật có hoa trong họ Mã đề (Plantaginaceae). Loài này được miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753.

    Tên khác: Cam thảo đất, Dã cam thảo, Thổ cam thảo

    Tên khoa học: Scoparia dulcis L., Plantaginaceae (họ Mã đề).

    Mô tả cây: Cây thảo mọc thẳng đứng, cao 30-100 cm, có thân nhẵn hoá gỗ ở gốc và rễ to hình trụ. Lá đơn mọc đối hay mọc vòng ba lá một, phiến lá hình mác hay hình trứng có ít răng cưa ở nửa trên, không lông. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc riêng lẻ hay thành từng đôi ở nách lá. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Scopariae) thu hái vào mùa xuân hè, rửa sạch, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Khi dùng cắt ngắn. Dược liệu có vị ngọt.

    Thành phần hóa học: Cây chứa diterpenoid (acid scoparic, scoparidol..), triterpen (acid betulinic), alcaloid (các dẫn chất benzoxazinoid), flavonoid (hispidulin, sinensetin, nobiletin, apigenin, luteolin….)

    Công dụng và cách dùng: Cam thảo nam được dùng để chữa sốt, say sắn, giải độc cơ thể, chữa ho, viêm họng, ban sởi, kinh nguyệt quá nhiều. Nước hãm lá Cam thảo nam dùng làm thuốc súc miệng và ngậm chữa đau răng.

  • CÀ GAI LEO, Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh - Solanum procumbens Lour

    CÀ GAI LEO, Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh - Solanum procumbens Lour
    Cà gai leo (tên khoa học: Solanum procumbens), còn có tên khác là cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, cà bò, cà Hải Nam, cà quạnh, quánh, gai cườm[1][2], là loài thực vật thuộc họ Solanaceae.

    Tên khác: Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh.

    Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.

    Họ: Cà (Solanaceae).

    Bộ phận dùng: Rễ (Thích gia căn), dây (Thích gia đằng).

    Công năng, chủ trị: Tán phong trừ thấp, tiêu độc, giảm đau. Chữa đau nhức gân xương, ho, ho gà, xơ gan, rắn cắn.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày 16 - 20g, sắc uống.

  • BỒ CÔNG ANH, Diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, cây mũi mác - Lactuca indica L

    BỒ CÔNG ANH, Diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, cây mũi mác - Lactuca indica L
    Hình ảnh cây Diếp dại hay diếp hoang, diếp trời, bồ cóc, bồ công anh mũi mác, mót mét, mũi mác, rau mũi cày (danh pháp hai phần: Lactuca indica) là một loài cây thân thảo thuộc họ Cúc (Asteraceae), sống một năm hoặc hai năm.

    Tên khác:  Cây mũi mác, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc.

    Tên khoa học: Lactuca  indica L. họ Cúc (Asteraceae)

    Mô tả cây: Cây thảo, mọc đứng, sống một hoặc hai năm. Lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng, phiến lá xẻ thùy không đều, thùy lớn và thùy nhỏ xen kẻ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, nhọn, các lá ở giữa và trên hẹp, ngắn. Cụm hoa một đầu, tụ thành chùy, mọc ở ngọn thân và kẽ lá; phân nhánh 2-5 đầu, mỗi đầu 8-10 bông; tổng bao hình trụ ; nhị 5, vòi nhụy có gai. Quả bế, có lông màu trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh tiêu giảm.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Cả cây, thu hái vào tháng 5-7, lúc chưa có hoa, dùng tươi hay khô

    Thành phần hóa học: Trong toàn cây có: flavonoid, đường khử, chất nhựa, chất đắng, saponin.
    Trong rễ có: chất đắng taraxaxin và một ít tinh dầu, taraxol, taraxasterol, sigmasterol.

    Công dụng, cách dùng: Theo đông y, Bồ công anh có vị đắng tính hàn có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết tán kết, thông sữa lợi tiểu. Dùng làm thuốc bổ đắng, lọc máu, chữa mụn nhọt, mẫn ngứa.

  • BỐ CHÍNH SÂM, Nhân sâm Phú yên, Thổ hào sâm - Abelmoschus moschatus Medik

    BỐ CHÍNH SÂM, Nhân sâm Phú yên, Thổ hào sâm - Abelmoschus moschatus Medik
    Hình ảnh Hoa cây sâm bố chính

    Tên khác: Nhân sâm Phú yên, Thổ hào sâm

    Tên khoa học: Abelmoschus moschatus Medik. ssp. tuberosus (Span) Borss.

    Họ: Bông (Malvaceae).

    Bộ phận dùng: Rễ. Rửa sạch, ngâm nước gạo một đêm, đồ chín. Phơi khô, hoặc sấy khô.

    Công năng, chủ trị: Bổ khí, ích huyết, sinh tân dịch, chỉ khát (giảm ho), trừ đờm. Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, kém ngủ, thần kinh suy nhược, hoa mắt chóng mặt, đau dạ dầy, tiêu chảy, ho viêm họng, viêm phế quản, người háo khát, táo bón.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 10 - 12g, sắc uống.

    Kiêng kỵ: Nếu thể tạng hàn phải chích với gừng. Không dùng chung với Lê lô.

  • BÁN HẠ NAM, Cây chóc, chóc chuột, nam tinh, bán hạ ba thùy - Typhonium trilobatum (L.) Schott

    BÁN HẠ NAM, Cây chóc, chóc chuột, nam tinh, bán hạ ba thùy - Typhonium trilobatum (L.) Schott
    Hình ảnh cây Bán hạ nam hay củ chóc (Tên khoa học: Typhonium trilobatum) là một loài thực vật có hoa trong họ Ráy (Araceae). Loài này được (L.) Schott mô tả khoa học đầu tiên năm 1829.

    Tên khác: Củ chóc, Lá ba chìa, Chóc chuột, Bán hạ ba thùy.

    Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott., Araceae (họ Ráy).

    Mô tả cây: Cây thảo, cao 20-30 cm. Thân rễ (củ) hình cầu có khía ngang, nằm dưới mặt đất. Lá mọc từ củ có cuống dài pha màu đỏ tím nhạt; phần gốc loe ra thành bẹ; phiến lá xẻ 3 thùy, đầu nhọn, mép uốn lượn, gân mặt dưới lá đôi khi cũng có màu đỏ tím. Cụm hoa là một bông mo, ngắn hơn lá; mo có phần ống hình trứng, màu lục pha đỏ tím, mặt ngoài màu lục nhạt, mặt trong màu đỏ hồng, trục hoa màu hồng; phần mang hoa cái hình trụ ngắn, phần mang hoa đực dài hơn; phần cuối trục hình giùi, thẳng, gốc hơi loe rộng, hoa có mùi khó ngửi. Vị thuốc Bán hạ nam là thân rễ già được chế biến thành phiến khô; phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5-3 cm, ít khi đến 4 cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt; xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con; thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

    Phân bố, sinh thái: Cây Bán hạ nam phân bố khắp nơi từ đồng bằng đến trung du và miền núi

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizomz Typhonii trilobati). Thu hoạch thân rễ khi cây lụi, đào lấy thân rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ; đổ thành đống, ủ 7-10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài; đồ bằng hơi nước đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục); thái phiến dày 0,2-0,3 cm; phơi (hoặc sấy) đến khô; phân loại củ to (nam tinh), củ nhỏ (bán hạ) đem đồ chín.

    Trước khi dùng, Bán hạ được chế biến bằng cách ngâm với nước vo gạo, nước vôi, phèn chua hoặc tẩm Cam thảo.

    Thành phần hóa học: Alkaloid, flavonoid, hợp chất phenol. Chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học trong loài Bán hạ nam.

    Tác dụng dược lý: Bán hạ nam có nhiều tác dụng dược lý gồm tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, cầm tiêu chảy, làm lành vết thương, chống oxy hóa. Ngoài ra còn có tác dụng làm tan huyết khối và chống trầm cảm.

    Công dụng và cách dùng: Bán hạ nam được dùng chữa buồn nôn, nôn, ho nhiều đờm, tiêu hoá kém, bụng đầy chướng.

    Ghi chú: Phân biệt với loài Typhonium divaricatum (L.) Decne (củ Chóc ri, Bán hạ dại) có lá hình mũi tên, hai thùy bên ngắn hẹp, phần thùy của mo kéo dài thành mũi nhọn, cong. Cây cũng dùng với công dụng tương tự nhưng ít phổ biến hơn.

  • BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO, Cỏ lưỡi rắn hoa trắng - Hedyotis diffusa Willd

    BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO, Cỏ lưỡi rắn hoa trắng - Hedyotis diffusa Willd
    Lưỡi rắn trắng hay bạch hoa xà thiệt thảo, cỏ lưỡi rắn hoa trắng, an điền lan, bòi ngòi bò (Tên khoa học: Oldenlandia diffusa) là một loài thực vật thuộc họ Thiến thảo. Loài này được (Willd.) Roxb. mô tả khoa học đầu tiên năm 1814.

    Tên khác: Cỏ lưỡi rắn hoa trắng

    Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.

    Họ: Cà phê (Rubiaceae)

    Bộ phận dùng: Toàn cây

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm, tiêu ung tán kết. Chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm Amydal, viêm đường tiết niệu, viêm đại tràng (trường ung). Dùng ngoài chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt.

    Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 60g (khô) sắc uống. Dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ.

  • BẠCH ĐỒNG NỮ, Mò trắng, Mò mâm xôi, Bấn trắng - Clerodendrum chinense

    BẠCH ĐỒNG NỮ, Mò trắng, Mò mâm xôi, Bấn trắng - Clerodendrum chinense

    Tên khác: Mò trắng, Mò mâm xôi, Bấn trắng

    Tên khoa học: Clerodendrum chinense (Osbeck.) Mabb var. simplex (Mold.) S. L. Chen

    Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)

    Bộ phận dùng: Rễ, lá, hoa

    Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, khu phong trừ thấp, tiêu viêm. Rễ cây chữa gân xương đau nhức, mỏi lưng, mỏi gối, kinh nguyệt không đều, viêm túi mật, vàng da, vàng mắt. Dùng ngoài ngâm rửa trĩ, lòi dom. Lá cây chữa tăng huyết áp, khí hư bạch đới, Lá dùng ngoài trị vết thương, tắm ghẻ, chốc đầu. Hoa dùng trị ngứa.

    Liều lượng, cách dùng: Rễ ngày dùng 12 - 16g, sắc uống. Dùng 1 kg cành lá, rửa sạch, đun sôi với nước 30 phút, lọc lấy nước, nhỏ giọt liên tục lên vết thương hoặc ngâm vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ.

  • BÁCH BỘ, Củ ba mươi, dây đẹt ác - Stemona tuberosa Lour

    BÁCH BỘ, Củ ba mươi, dây đẹt ác - Stemona tuberosa Lour
    Hình ảnh cây Bách bộ-Stemona tuberosa Lour., Stemonaceae

    Tên khác: Dây ba mươi

    Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour., Stemonaceae (họ Bách bộ).

    Mô tả cây: Dây leo bằng thân quấn, thân nhỏ, nhẵn dài 6-8 m hay hơn. Lá mọc đối hoặc so le, phiến hình tim, gân lá hình cung chạy từ cuống lên đầu lá. Phiến lá có nhiều nếp nhăn ngang đặc sắc. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài 2-4 cm, mang 1-2 hoa to, màu vàng lục. Quả nang, hình trứng thuôn, chứa nhiều hạt. Rễ chùm gần đến 30 củ hoặc hơn.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ (Radix Stemonae) hình trụ cong queo, dài 10-20 cm, đường kính 1-2 cm. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà. Đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ ở hai đầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở 50-60 oC.

    Thành phần hóa học: Rễ củ Bách bộ có alkaloid (stemonin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, stemin, croomin oxytuberostemonin), ngoài ra còn có glucid, lipid, protid, acid hữu cơ (citric, malic, succinic…)

    Công dụng và cách dùng: Bách bộ được dùng chữa ho mới hoặc ho lâu ngày, ho gà, ho lao, viêm phế quản mạn tính. Dùng ngoài trị chấy, rận, ghẻ lở, giun kim, ngứa âm hộ.

    Ghi chú: Một số loài Stemona khác như S. pierrei Gagnep. và S. xasorum Gagnep. cũng được dùng.

  • BẠC HÀ, Bạc hà nam, nạt nặm - Mentha arvensis L

    BẠC HÀ, Bạc hà nam, nạt nặm - Mentha arvensis L
    Hình ảnh cây bạc hà

    Tên khác: Bạc hà Á, Bạc hà nam.

    Tên khoa học: Mentha arvensis L., Lamiaceae(họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thân thảo, có thể cao đến 1 m. Thân có tiết diện vuông, nhẹ, xốp, dài khoảng 20-40 cm, đường kính khoảng 0,15-0,3 cm. Thân chia đốt, khoảng cách giữa các mấu khoảng 3-7 cm, màu nâu tím hoặc xanh xám, có nhiều lông hoặc gần như không có lông. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá mọc đối, cuống lá dài từ 0,5-1,5 cm, phiến lá hình mũi mác, 3-7 × 1,5-3 cm. Đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép có răng cưa nhọn. Hai mặt lá đều có lông nhiều hay ít. Lá khô dễ vụn nát. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Bộ phận trên mặt đất (Herba Menthae), tinh dầu (Oleum Menthae), menthol tách từ tinh dầu bạc hà. Thu hoạch khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy dược liệu, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở 30-40 oC đến khô. Nếu chiết lấy tinh dầu thì dùng lá tươi hoặc hơi héo.

    Thành phần hóa học: Tinh dầu (menthol 65‑85%, menthon, iso-menthon, piperitenon oxide, carvon…), flavonoid (acacetin, eriocitrin, rutin, linarin…) và acid phenolic (acid rosmarinic, lithospermic).

    Công dụng và cách dùng: Bạc hà được dùng chữa cảm sốt, ngạt mũi, xoa bóp nơi sưng đau, sát trùng, chữa nôn, thông mật trợ giúp tiêu hóa. Menthol chữa viêm mũi, ngạt mũi (ống hít).

    Ghi chú: Không dùng cho trẻ sơ sinh vì menthol có thể ức chế hô hấp, gây ngạt thở.