Bệnh Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Việc hiểu về nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh là vô cùng quan trọng, từ đó giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cho người bệnh.
Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt thường gặp đứng hàng thứ 6 trong các ung thư ở nam giới với 301.174 ca mới mắc và 120.300 ca tử vong.
Hiện có nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt và các nhà nghiên cứu chưa xác định được rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu đều ghi nhận ung thư tuyến tiền liệt có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm: Lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, độ tuổi, màu da, béo phì...
Theo nghiên cứu, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng theo tuổi. Ung thư tuyến tiền liệt phổ biến nhất ở nam giới trên 65 tuổi. Nếu người đàn ông trong gia đình có người bị ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ có thể tăng lên.
Người béo phì được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có nhiều khả năng bị bệnh nặng và điều trị khó khăn hơn.
Ngoài ra, nam giới da đen có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt hơn những người của các chủng tộc khác.
Triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt
Rất nhiều trường hợp ung thư tiền liệt tuyến ở thể ẩn, không có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh được phát hiện bệnh tình cờ trong khi đi khám bệnh khác hoặc khám với các biểu hiện như rối loạn tiểu tiện.
Theo nghiên cứu, các dấu hiệu nghi ngờ có thể là tiểu tiện khó khăn, tiểu lắt nhắt. Ở một số người có biểu hiện nghi ngờ nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít và không nhận biết được mà qua khám sức khỏe định kỳ, các xét nghiệm phát hiện được.
Ngoài ra, tuyến tiền liệt to hơn bình thường người bệnh có thể sờ thấy một nhân cứng. Khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như rối loạn cương, tiểu tiện không tự chủ hay bí tiểu. Khi rối loạn cương khi đó bệnh nhân có thể không cương được hay không giữ được tình trạng cương đủ lâu trong QHTD. Bệnh nhân có thể phù hai bàn chân, đau nhức xương, đau tầng sinh môn.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Đa số bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện qua kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, thử nghiệm những người không có triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt là gây tranh cãi. Các nghiên cứu không đồng ý về vấn đề sàng lọc và liệu nó có lợi ích?. Nhưng một số nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, nam giới bắt đầu khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 50, hoặc sớm hơn cho những người có yếu tố nguy cơ cao.
- Xét nghiệm sàng lọc có thể bao gồm:
Xét nghiệm máu nồng độ PSA (kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt): Hiện nay nồng độ PSA để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vẫn đang còn được bàn cãi. Tuy nhiên người ta thấy rằng nồng độ PSA càng cao thì khả năng tồn tại ung thư tuyến tiền liệt càng lớn. Và ngay cả khi nồng độ PSA < 4 ng/mL cũng có một tỷ lệ nhất định mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Mặc dù vậy, để tránh chỉ định sinh thiết quá mức, Hội Niệu khoa và thận học Việt Nam (VUNA) khuyến nghị lấy mức PSA bất thường là >4ng/mL. Tỉ lệ PSA tự do/toàn phần là thông số được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng để phân biệt giữa tăng sinh lành tính và ung thư tuyến tiền liệt. Tỉ lệ này được sử dụng trong trường hợp 6 nồng độ PSA từ 4 đến 10 ng/mL và thăm khám trực tràng không có dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
Thông thường lấy mức PSA tự do/ PSA toàn phần có ý nghĩa là < 0,1. Nhằm mục đích tăng độ nhạy và độ chuyên biệt của xét nghiệm PSA, các xét nghiệm chuyên sâu như đo vận tốc PSA, tỷ trọng PSA, PSA theo tuổi.
- Siêu âm: Không phải lúc nào cũng có thể thấy được hình ảnh kinh điển của một vùng giảm âm ở ngoại vi của tuyến tiền liệt qua siêu âm. Siêu âm qua trực tràng không thể phát hiện vùng ung thư tuyến tiền liệt với độ tin cậy đầy đủ. Do đó, sinh thiết các vùng nghi ngờ không thể sử dụng như là một phương pháp thường quy để chẩn đoán. Tuy nhiên, có thể có ích khi sinh thiết thêm các khu vực nghi ngờ. Siêu âm ổ bụng có giá trị định hướng chẩn đoán, đánh giá di căn trong ổ bụng.
- Chụp cộng hưởng từ: Chụp cộng hưởng từ tiểu khung có giá trị góp phần vào chẩn đoán, định hướng cho việc sinh thiết tuyến tiền liệt. Ngoài ra còn giúp cho chẩn đoán mức độ xâm lấn của khối u vào tổ chức xung quanh và hạch vùng.
- Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính vừa cho phép chẩn đoán mức độ xâm lấn tại chỗ của khối u (T), đồng thời cho phép chẩn đoán di căn, đặc biệt là di căn hạch chậu. Giá trị chẩn đoán của chụp cắt lớp vi tính ngày càng được nâng cao nhờ vào các kỹ thuật chụp mới.
- Chụp xạ hình xương và chụp PET/CT: Chụp xạ hình xương phát hiện những tổn thương di căn vào xương: Xương cột sống, xương sườn, xương cánh chậu, xương sọ… giúp phát hiện chính xác di căn, tái phát, đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị, mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
Ngoài ra sinh thiết qua trực tràng là phương pháp được đề nghị trong hầu hết các trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt. Số mẫu sinh thiết lý tưởng là 10-12 mẫu.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Tùy từng trường hợp cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt cho thích hợp. Không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định điều trị giống nhau mà hiện nay việc điều trị cá nhân hóa để nâng cao hiệu quả điều trị, tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị cụ thể.
Các phương pháp điệu trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
1. Điều trị nội khoa: Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển. Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế, làm giảm nồng độ nội tiết nam ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam.
2. Phẫu thuật: Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi ung thư khu trú trong tuyến tiền liệt là chủ yếu.
Nguyên tắc phẫu thuật trong ung thư tuyến tiền liệt là cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh. Nạo hạch chậu từ hạch chậu bịt đến vùng chia đôi động mạch chậu chung. Nạo hạch mở rộng: đến chỗ chia đôi động mạch chủ bụng.
Các phương pháp phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn. Phẫu thuật này có nhiều loại mổ mở hay mổ nội soi; theo đường tiếp cận tuyến tiền liệt qua phúc mạc, sau phúc mạc hay qua đường đáy chậu…
3. Xạ trị: Chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Có thể chiếu xạ từ ngoài vào gọi là xạ trị ngoài,hoặc cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt . Chỉ định xạ trị phụ thuộc vào: Nguy cơ tái phát. Thời gian kỳ vọng sống thêm. Mục đích là điều trị triệt căn hay điều trị giảm nhẹ. Không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật
4. Hóa trị: Không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết. Hiện nay đối với ung thư có độ ác tính cao các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.
Theo cayboconganh.vn