Bệnh ung thư: Bác sĩ chỉ ra những dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ bỏ qua
Ung thư cổ tử cung đâu là những dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh theo Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là ra máu âm đạo bất thường.
Ra máu âm đạo bất thường, đau rát khi quan hệ, kinh nguyệt không đều là dấu hiệu sớm cảnh báo mắc ung thư cổ tử cung, cần khám sớm để loại trừ.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là ra máu âm đạo bất thường. Người bệnh có thể chảy máu vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, trong hoặc sau khi quan hệ tình dục hoặc bất kỳ lúc nào sau khi mãn kinh.
Những dấu hiệu khác như tiết dịch âm đạo bất thường với lượng huyết trắng nhiều, có màu xanh hay vàng hoặc có mủ lẫn máu. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa. Do đó, chị em phụ nữ cần đi khám để loại trừ.
Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, cơn đau sẽ tiếp tục lan xuống chân và gây ra hiện tượng sưng phù ở hai chân. Các cơn đau có thể âm ỉ hoặc buốt, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp cơ thể rò rỉ nước tiểu ngay cả khi hắt hơi, vận động mạnh, đau buốt khi tiểu tiện, tiểu tiện không kiểm soát. Ung thư cổ tử cung còn gây mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng dẫn đến chậm kinh, kinh nguyệt kéo dài, máu hành kinh có màu đen sẫm, đau khi quan hệ tình dục... Khi khối u xâm lấn bàng quang gây tiểu máu, rò bàng quang âm đạo, sút cân, mệt mỏi, nổi hạch bẹn, hạch thượng đòn...
"Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu", bác sĩ nhấn mạnh. Nếu phát hiện muộn, phác đồ điều trị vừa phức tạp vừa tốn kém, mất thời gian và nguy cơ tái phát, di căn cao hơn.
Theo bác sĩ, hầu hết trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là do nhiễm Papillomavirus (HPV). HPV có hơn 100 chủng, trong đó chủng 16, 18 có khả năng gây ung thư cao nhất. Virus HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả âm đạo, hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng hoặc tay.
Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên, nhất là trên 35 tuổi (thường gặp ở tuổi 40 đến 70). Người quan hệ tình dục dưới 17 tuổi hoặc sinh con quá sớm khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Bệnh cũng hay gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần (từ ba lần trở lên), "tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh một đến hai con". Một số nguyên nhân khác như béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, vệ sinh sinh dục kém, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài...
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa Khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết hiện nay có những phương pháp để phòng chống lây nhiễm HPV, trong đó vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên và đã có quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 3 năm một lần. Trong lối sống tình dục, bạn nên hạn chế bạn tình, sinh hoạt tình dục lành mạnh và có sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Bác sĩ khuyến cáo chị em nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 35 đến 44. Khi cơ thể xuất hiện bất thường nên đến bệnh viện để thực hiện tầm soát ngay. Các xét nghiệm HPV, tầm soát ung thư cổ tử cung rất đơn giản, nhanh chóng, chính xác và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ung thư cổ tử cung đứng thứ ba trong nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở phụ nữ, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và có khoảng 250.000 ca tử vong. Ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do căn bệnh này có thể tăng lên đến 443.000 người, gấp đôi các ca tử vong liên quan đến các tai biến sản khoa. Riêng Việt Nam ghi nhận gần 5.000 ca mắc mới và hơn 2.500 ca tử vong hàng năm.
Theo vnexpress