Những tác dụng chữa bệnh của cây đinh lăng

Sử dụng nước lá đinh lăng thường xuyên giúp điều trị 1 số bệnh như dị ứng, mất ngủ, ho lâu ngày.

Dec 31, 2020 - 00:55
 0  10
Những tác dụng chữa bệnh của cây đinh lăng

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L) Harms, hay còn được biết tới dưới cái tên: Cây gỏi cá, cây nam dương sâm,... Tất cả thành phần từ lá cho tới rễ của cây đinh lăng hoàn toàn có thể được sử dụng để bào chế thành thuốc.

Cây đinh lăng là loại cây có thân nhỏ, mịn, không có gai, có chiều cao khoảng 1 đến 1,5m. Lá đinh lăng thuộc dạng lá kép hình lông chim 2 đến 3 lần, cuống lá khá nhỏ nhưng dài. Lá đinh lăng trưởng thành có thể dài hơn 30cm, có màu xanh lục ở cả 2 mặt của lá.

Cây đinh lăng được ví như “nhân sâm dành cho người nghèo” với công dụng trong điều trị rất nhiều bệnh như: mề đay, mẩn ngứa, thấp khớp, tắc tia sữa, ho, tăng cường sinh lý… Dưới đây là một số bài thuốc hay từ cây đinh lăng:

Bồi bổ và thanh lọc cơ thể

Lá Đinh lăng tươi từ 150-200gr, nấu sôi với khoảng 1000ml nước. Sau khi sôi khoảng 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, có thể đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lấy nước thứ hai. Uống trong ngày thay nước.

Bài thuốc thông tia sữa, căng vú sữa

Rễ đinh lăng 30 - 40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng. Uống luôn 2 - 3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.

Bài thuốc chữa sưng đau khớp, làm lành vết thương: lấy lá đinh lăng giã nhuyễn đắp lên vết thương, chỗ sưng đau. Ngày xưa, khi bị chảy máu tay hay chân, các cụ cầm máu bằng cách nhai lá đinh lăng, đắp vào chỗ chảy máu rồi lấy mảnh vải buộc lại.

Bài thuốc phòng co giật ở trẻ: lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.

Bài thuốc chữa đau lưng mỏi gối: dùng thân cành đinh lăng 20 - 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.

Bài thuốc ngăn ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150 - 200g, nấu sôi khoảng 200 ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở "phích"). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5 - 7 phút chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

Bài thuốc chữa mất ngủ: Nếu bị chứng mất ngủ kéo dài, tinh thần uể oải và thiếu tập trung, hãy dùng 24g lá đinh lăng, 20g Tang Diệp, 20g lá Vông, 12g tâm sen, 16g Liên Nhục. Sau đó đổ vào 400ml nước và sắc lấy 150ml. Chia thành 2 lần uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa viêm gan: Rễ Đinh lăng 12g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.

Ngoài ra, khi sử dụng nên lưu ý tới các tác dụng phụ của cây đinh lăng. Đinh lăng là một dược liệu ít độc. Nếu sử dụng quá liều lâu dài, độc tính trường diễn thường thấy là xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, biến loạn dinh dưỡng.

Trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin nên có thể làm vỡ hồng cầu. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng khi cần thiết và dùng đúng liều, đúng cách. Càng không được dùng rễ đinh lăng với liều cao vì sẽ gây say thuốc, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy. Bạn cần tham khảo ý kiến từ các y sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng các loại dược liệu để đảm bảo an toàn.

Theo Ngày nay