Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người
Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phán xét chê bai, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan...
Phật dạy, trong mười cái ác nghiệp của con người thì cái miệng đã chiếm bốn, tức gần một nửa:
- Nói lời dối trá: chuyện không nói có, chuyện có nói không
- Nói lời hung ác
- Nói lưỡi đôi chiều, đâm thọc
- Nói lời thêu dệt, phù phiếm
Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phán xét chê bai, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.
Người xưa cũng có dạy: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê… để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.
Suốt một đời người, do thoả thích cho cái miệng mà chúng ta đã tạo không biết bao ác nghiệp. Bởi vậy mà ông bà mình thường dạy chúng ta phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
Cũng có kệ rằng:
“Trăm năm vật đổi sao dời,
Một câu quý giá muôn đời con ghi.
Mở lời trước phải xét suy,
Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là”.
Lại có thơ:
“Lời nói đổi trắng thay đen,
Thiên đàng, điạ ngục bon chen lối vào?
Trực ngôn tâm chẳng lao xao.
Giữ tâm thiền định biết bao an lành”.
Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng này hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người:
“Thần khẩu nó hại xác phàm,
Người nào nói quá họa làm khổ thân.
Lỡ chân gượng được đỡ lên.
Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”.
Cái miệng này rất tai hại, thích nuốt vào đủ của ngon vật lạ cho khoái khẩu, thích nói đủ thứ cho sướng mồm, mà chẳng hề nghĩ đến những hậu quả tai hại của nó. Biết bao bệnh tật, thậm chí dịch bệnh bắt nguồn từ những thói quen ăn uống vô tội vạ của con người. Dối trá, nói năng hồ đồ, đâm thọc và đặc biệt là nói những lời vô nghĩa, phù phiếm cũng là nguyên nhân của rất nhiều mâu thuẫn, đỗ vỡ và khổ đau.
Có một câu chuyện về một ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời, rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu và có ích.
Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông lại cũng là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm trả lời vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất, tàn ác nhất làm tan nát gia đình, xã hội lụi bại. Đúng là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
Cái miệng có thể là kẻ thù xấu xa nhưng cũng có thể là người bạn tốt nhất của mình, nếu mình biết sử dụng nó đúng cách, để nuôi dưỡng thân tâm này, để nói những lời từ ái, động viên, giúp đỡ tha nhân.
Tạo hóa sinh ra con người có hai lỗ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên. Được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức quá rồi. Hãy nhân vốn phước báu này mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo: Tu cái miệng là điều cần thiết nhất và xem như tu hơn nửa đời người rồi.
Theo Songhanhphuc