Bài thuốc từ dược liệu, vị thuốc thục địa chữa tóc bạc sớm

Theo Đông y, sự phát triển của tóc có liên quan mật thiết với huyết và hai tạng tâm, thận. Huyết đầy đủ, tâm thận hoạt động tốt, thì tóc đen mượt. Thục địa tính hơi ôn, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận; có công hiệu tư âm bổ huyết, bổ tinh, bổ tủy. Dưới đây là 4 phương thuốc từ thục địa chữa tóc bạc sớm.

Apr 22, 2023 - 02:32
 0  90
Bài thuốc từ dược liệu, vị thuốc thục địa chữa tóc bạc sớm
n khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. - Scrophulariaceae

Bài thuốc từ thục địa chữa tóc bạc sớm

1. Thang thục địa, hà thủ ô

  • Thành phần: Thục địa 15g, sinh địa 15g, hà thủ ô 30g, vừng đen 30g, đại táo 7 quả.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục 14 ngày. Dùng cho thiếu niên đã bị bạc tóc.

2. Thang thục địa, đậu đen, hạch đào

  • Thành phần: Thục địa 15g, sinh địa 15g, hà thủ ô 15g, câu kỷ tử 9g, sơn dược 9g, đậu đen 30g, vừng đen 15g, hạch đào nhân 9g, đại táo 10 quả.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, 3 tháng là một liệu trình. Dùng cho thanh niên bạc tóc.

3. Rượu thục địa

  • Thành phần: Thục địa 30g, sinh địa 30g, mạch môn đông 30g, thiên môn đông 30g, phục linh 30g, nhân sâm 30g, rượu trắng 1000ml.
  • Cách dùng: Các vị thuốc trên thái nhỏ, cho vào túi vải, buộc chặt, bỏ vào vò rượu trắng rồi đậy kín ngâm 3 ngày, sau đó nấu sôi trên lửa nhỏ đến khi rượu có màu đen, cuối cùng để yên bình rượu chờ lắng đọng ở nơi khô thoáng, 2 tuần sau là có thể dùng được.

Uống khi đói, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml. Dùng cho người râu tóc bạc sớm, chưa già đã bạc.

4. Cháo thục địa

  • Thành phần: Thục địa 15g, hà thủ ô 15g, xích tiểu đậu 30g, vừng đen 15g.
  • Cách dùng: Tất cả nấu chín nhừ, chia ăn trong ngày. Hỗ trợ điều trị âm hư, huyết hư, tóc bạc sớm.

Nguồn gốc, đặc điểm và công dụng của thục địa

Thục địa là vị thuốc từ phần thân, rễ (củ) của cây địa hoàng. Dùng tươi hay sấy khô gọi là sinh địa. Qua bào chế, sao tẩm (đem chưng và phơi nhiều lần) gọi là thục địa.

Thục địa, miếng to nhỏ dầy mỏng không đồng đều, màu đen. Chất mềm nhũn mà dai, không dễ bẻ gẫy, mặt cắt màu đen, có ánh quang, không có mùi, vị ngọt. Loại nào củ to, chất nặng, mặt cắt đen sẫm là tốt.

Thục địa tính hơi ôn, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận; có công hiệu tư âm bổ huyết, bổ tinh, bổ tủy; thích hợp với các căn bệnh gan thận âm hư, đau lưng mỏi gối, đổ mồ hôi trộm, di tinh, nội nhiệt, tiêu khát, huyết hư vàng vọt, tim đập hoảng loạn, loạn nhịp, kinh nguyệt không đều, hạ áp, mắt hoa tai ù, râu tóc bạc sớm...

Theo các nghiên cứu hiện đại, thục địa chứa các chất acid amin, vitamin A và sắt… có tác dụng trợ tim, lợi tiểu, giảm lượng đường trong máu.

Tìm hiểu thêm vị thuốc THỤC ĐỊA

Tên khoa học: 

  • Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. - Scrophulariaceae

Nguồn gốc:

  • Thục địa là rễ của Địa hoàng đã được nấu chín. Song việc chế biến Thục địa rất cầu kỳ. Ở Trung Quốc, người ta chế theo phương thức “Cửu trưng, cửu sái” tức là chín lần nấu, chín lần phơi. Còn ở Việt nam, Dược điển quy định như sau: Sinh địa rửa sạch cho vào thùng, củ to ở dưới, củ nhỏ ở trên. Cứ 90kg Sinh địa cho 10 lít rượu 40 độ. Đun to lửa đến khi sôi rồi tiếp tục đun nhỏ lửa trong 6-8 giờ cho đến cạn nước (trong khi đun cứ khoảng 1 giờ lại múc nước ở dưới nồi tưới lên trên cho củ chấm đều). Sau đó vớt ra phơi, rồi lại nấu. Làm như vậy 5-7 lần, tuỳ theo, đến khi dược liệu đen nhánh là được.

Tính vị: 

  • Vị ngọt, tính ấm,

Quy kinh:

  • Vào kinh Tâm, Can, Thận

Tác dụng:

  • Bổ huyết, tư âm, sinh tân chỉ khát.

Chủ trị:

  • Âm hư huyết hư với các chứng trạng đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể, di tinh di niệu, ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm.

Liều dùng:

  • 8-16g một ngày, có thể dùng tới 40g dưới dạng thuốc sắc hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ: 

  • Tỳ hư kém ăn, bụng đầy trướng, ỉa chảy không dùng được. Không dùng đồng thời với lai phục tử (hạt cải củ).

Tìm hiểu chi tiết vị thuốc thục địa: THỤC ĐỊA (Radix Rehmanniae glutinosae praeparata)