Bòn bon, Loòng Boong (Lansium domesticum)

Dân Quảng Nam đi làm ăn tứ chiếng giang hồ, nhắc về món ngon quê nhà là nhớ trái bòn bon. Thứ trái được mệnh danh là "Nam trân" (trái quý ở phương Nam) mùa này đang rộ.

Jul 15, 2022 - 22:22
Jul 15, 2022 - 22:28
 0  40
Bòn bon, Loòng Boong (Lansium domesticum)
Bòn bon, Loòng Boong (Lansium domesticum)

Từ Tam Kỳ, theo đường 616 khoảng 25 cây số về phía tây sẽ đến thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), mùa này bòn bon bày bán hai bên đường, trong chợ.

Nói bòn bon là đặc sản Quảng Nam nhưng chỉ có Tiên Phước và Đại Lộc mới có thứ cây này, càng lạ hơn khi ở huyện Tiên Phước chỉ mỗi đất đai của xã Tiên Châu là bòn bon mọc được, xanh tốt, cho trái ngọt suốt đời. Còn ở Đại Lộc, cây bòn bon mọc tự nhiên trong rừng, trái nhỏ và chua hơn.

Bòn bon ra hoa vào tháng tư âm lịch, từng chuỗi hoa màu trắng xen vàng lấp lánh, thơm lừng trong gió. Mùa hoa bòn bon rụng là mùa hội hè, "mùa cưới" của bọn trẻ con, chúng nhặt cánh hoa xâu thành chuỗi đeo vào cổ nhau, quý phái không thua vua chúa... Đến chừng tháng bảy bòn bon kết trái, đến tháng chín, mười là thu hoạch. Mùa bòn bon chín chỉ kéo dài chừng một tháng.

Người có vườn bòn bon nổi tiếng Tiên Châu là bà Nguyễn Thị Mão (thôn 2), hàng trăm cây bòn bon cho mỗi mùa gần chục tấn trái, các nhà lân cận không nhiều bằng cũng vài chục cây, mỗi năm bòn bon cho họ chừng mươi triệu đến vài chục triệu đồng. Với người nông dân Tiên Phước, đấy là nguồn thu nhập chính trong năm bởi ruộng rẫy ở đây khô cằn quanh năm không bao giờ cho họ nhiều đến thế...

Những cây bòn bon cao hàng chục mét, gốc to bằng cả người ôm, muốn hái được phải trèo tận ngọn... Người Tiên Phước bảo rằng ăn bòn bon ngon nhất phải trèo lên cây, nhưng cái cốt vẫn là tận tay sờ vào từng chùm quả vàng, mọng, bám đầy nhánh, chưa ăn cũng đủ no mắt rồi...

Người dân ở vùng có cây bòn bon mọc nâng niu cây lắm, ngày xưa có luật bất thành văn khi đi rừng gặp cây bòn bon nào thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Bây giờ cây bòn bon đã ở trong vườn nhà, được nhiều đời nông dân chọn giống kỹ, quả thành đặc sản mang đi khắp nơi.

Trong dân gian, có truyền thuyết rất thi vị về trái bòn bon và chúa Nguyễn. Theo truyền thuyết, vào mùa hè năm ất Mùi, Đông Cung (tức thế tử Hoàng Tôn Dương) bị quân Tây Sơn vây đánh, thua chạy vào vùng rừng núi Quảng Nam. Lương thực đã cạn, trong lúc đang đói lả thì gặp một rừng cây trái lạ, Đông Cung hái ăn thử và thấy rất ngon liền đặt tên là trái Nam Trân (trái quý ở phương nam). Do móng tay Đông Cung bấm vào, nên mọi trái bòn bon ngày nay đều có vết bầm trên ruột. Trái Loòng Boong thường có bán rất nhiều tại các chợ vùng quê Quảng Nam vào các tháng 8, 9, 10 dương lịch hàng năm.

Theo Báo Quảng Nam

Bòn Bon 

Có tên khoa học là Lansium domesticum, họ Meliaceae, bòn bon thuộc loại cây đại mộc, được thấy nhiều tại các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia.

Ngoài trái có thể ăn được thì gỗ bòn bon rất cứng, nặng và có độ đàn hồi tốt, được sử dụng trong xây dựng nhà nông thôn, còn một số bộ phận khác của cây được sử dụng trong y học dân gian.

Trái bòn bon với vị ngọt chua của cơm nạc, hột bòn bon rất đắng. Người ta đập dập hột và trộn với nước để làm thuốc tẩy giun sán và loét. Vỏ cây được sử dụng để điều trị bệnh kiết lỵ và sốt rét, điều trị các vết đốt của bọ cạp, côn trùng.

Vỏ trái bòn bon sử dụng để điều trị tiêu chảy hoặc phơi khô và đốt lên như nhang, có mùi thơm đặc trưng giúp xua đuổi muỗi, do chứa nhiều thành phần langsat. Chiết xuất từ lá bòn bon có khả năng diệt trừ lăng quăng.

Theo báo Thanh Niên

Bòn bon (Lansium domesticum)

Bòn bon (phương ngữ miền Nam), dâu da đất (phương ngữ miền Bắc) hay lòn bon (phương ngữ Quảng Nam), danh pháp hai phần: Lansium domesticum, là loài cây ăn quả nhiệt đới thuộc họ Xoan. Bản địa bòn bon là bán đảo Mã Lai nhưng nay cây này phổ biến trồng khắp vùng Đông Nam Á và Nam Á. Cây bòn bon là dạng cây trung bình, cao khoảng 10-15 m. Hoa bòn bon lưỡng tính, màu vàng nhạt mọc thành chùm (inflorescence) hay dây (raceme). Các bạn chú ý không nên nhầm lẫn với quả dâu da.

Cây kết trái hình tròn, đường kính khoảng 5 cm, vỏ dẻo. Cơm bòn bon màu trắng đục, có khi gần như trong suốt, chia thành 5-6 múi. Mỗi múi có một hột. Vị bòn bon hơi chua, khi chín thì ngọt hơn. Hột bòn bon rất đắng, khó tách khỏi cơm nên người ăn có khi nuốt luôn cả múi để tránh nhằn hột. Bòn bon chín vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10.

Tên gọi

Bòn bon có tên gọi khác nhau ở mỗi địa phương

  • Balinese: ceruring
  • Bengal: latka, bhubi
  • Miến Điện: langsak, duku
  • Cebu: buahan, lansones
  • Anh: langsat, lanzones
  • Khmer: long kong
  • Indonesia: duku, langsat, kokosan
  • Malay: langsat, lansa, langseh, langsep, duku
  • Sinhala: gadu guda
  • Philippine Spanish: lanzón (số nhiều: lanzonés)
  • Tagalog: lansones, buwa-buwa
  • Thái: langsad (quả vỏ mỏng), longkong (quả vỏ dày)

Tại Việt Nam

Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: trái nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trái trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

Theo wiki

Theo www.ydhvn.com tổng hợp