Dấu hiệu bất thường ở ngón tay giúp phát hiện ung thư phổi

Giữa hai móng tay không có khoảng trống có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi, vấn đề tiêu hóa, tim mạch.

Aug 4, 2022 - 02:46
 0  83
Dấu hiệu bất thường ở ngón tay giúp phát hiện ung thư phổi
Bệnh nhân ung thư phổi thực hiện thử nghiệm Schamroth. Ảnh: CMAJ

Người đàn ông 71 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Koga, Miyazaki, Nhật Bản, khám trong tình trạng khó thở, có tiền sử hút thuốc lá 30 năm. Bác sĩ yêu cầu ông áp hai mặt móng của hai ngón trỏ lại với nhau thì ở giữa không có khoảng trống. Từ bất thường này, bác sĩ chỉ định ông chụp cắt lớp vi tính, làm một số xét nghiệm và tìm ra một khối u ác tính ở thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật và hóa chất, 2 năm sau ông thực hiện lại thử nghiệm thì thấy khoảng trống giữa 2 móng tay xuất hiện. Ca bệnh này được bệnh viện Đa khoa Koga báo cáo trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada.

Phương pháp trên gọi là "thử nghiệm cửa sổ Schamroth", do bác sĩ tim mạch người Nam Phi Abraham Leo Schamroth phát minh năm 1976 và chứng minh trên chính mình. Theo đó, khi đặt hai móng của ngón trỏ quay lưng vào nhau, ở người bình thường sẽ xuất hiện một "cửa sổ" hình thoi. Trong khoảng 35% trường hợp mắc ung thư phổi, khoảng trống sẽ bị che lấp do đầu ngón tay bị tích tụ chất lỏng dẫn đến sưng phồng, còn gọi là "ngón tay dùi trống".

Cơ chế gây ra hiện tượng này chưa được làm rõ nhưng một số giả thuyết cho rằng khối u giải phóng các hormone tăng trưởng, gây tăng sản mạch máu, phù nề ở ngón tay. Đa phần người mắc ung thư phổi không tự nhận thấy dấu hiệu bất thường này.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết thử nghiệm Schamroth khá hữu ích trong thăm khám lâm sàng ban đầu, giúp bác sĩ có thêm cơ sở để làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi cho người bệnh. Tuy nhiên để khẳng định chính xác vẫn cần đến phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, nội soi phế quản, sinh thiết.

Bên cạnh đó, không phải 100% các trường hợp có ngón tay dùi trống đều mắc ung thư phổi. Đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác về tim mạch hoặc tiêu hóa.

Ngoài ngón tay dùi trống, một số biểu hiện khác có thể cảnh báo ung thư phổi bao gồm: ho kéo dài sau 2-3 tuần, ho ra máu, khó thở, đau ngực, khó nuốt, thở khò khè, sụt cân không rõ nguyên nhân. Nếu khối u ở đỉnh phổi sẽ gây ra một số triệu chứng như đau ở vai, cánh tay, khủy tay hoặc cổ. Khi bệnh tiến triển, các khối u đỉnh phổi có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng điển hình của hội chứng Horner như sụp mi, một mắt có đồng tử co nhỏ hơn mắt còn lại, giảm hoặc không tiết mồ hôi một bên mặt.

Bác sĩ Hưng nhận định, triệu chứng của ung thư phổi thường dễ gây nhầm lẫn sang các bệnh hô hấp khác như hen phế quản, viêm phổi, đặc biệt là di chứng hậu Covid-19. Thực tế, đã có trường hợp bệnh nhân ho nhiều, nghĩ mình mắc di chứng hậu Covid-19 nên chỉ dùng thuốc điều trị tại nhà, vài tháng sau khám lại thì ung thư phổi bước vào giai đoạn cuối. Do đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo khi có các triệu chứng hô hấp như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, gầy sút cân,... bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác.

Ung thư phổi hiện đứng thứ 2 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả hai giới. Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh, nhưng 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Những người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút. Ngay cả khi không hút thuốc, nguy cơ của cũng sẽ tăng lên nếu tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên. Các yếu tố nguy cơ khác khác bao gồm tiếp xúc với bụi amiang, phóng xạ và radon, yếu tố di truyền hoặc ô nhiễm không khí.

Theo vnexpress.net