Kỹ Thuật Trồng Cây Dược Liệu Hà Thủ Ô Đạt GACP-WHO

Hà thủ ô đỏ là dược liệu quý trong y học cổ truyền, nổi tiếng với nhiều công dụng như bổ gan thận, bổ máu, cải thiện sức khỏe, làm đen tóc và điều trị nhiều bệnh lý khác. Bài viết này cung cấp chi tiết về đặc điểm sinh thái, công dụng, cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hà thủ ô để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Sep 27, 2024 - 08:44
 0  4
Kỹ Thuật Trồng Cây Dược Liệu Hà Thủ Ô Đạt GACP-WHO
Kỹ Thuật Trồng Cây Dược Liệu Hà Thủ Ô Đạt GACP-WHO

I. Đặc Điểm Sinh Thái Và Công Dụng Của Hà Thủ Ô

1.1. Đặc điểm sinh thái:

  • Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldso. (Polygonum multiflorum Thunb.)
  • Họ: Rau răm (Polygonaceae)
  • Tên khác: Dạ giao đằng (Tày), Địa khu lình (Thái).

Mô tả: Hà thủ ô đỏ là cây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân cây mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, có màu nâu đỏ và hình dạng giống củ khoai lang. Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 5 - 8 cm, rộng 2 - 5 cm. Lá có 3 - 5 gân xuất phát từ gốc, hai mặt lá nhẵn, mặt trên sẫm bóng. Cuống lá dài khoảng 2 cm, phủ lông tơ, bẹ lá mỏng, ngắn, có lông dài. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùy phân nhánh, dài hơn lá, hoa nhỏ nhiều, màu trắng. Quả hình 3 cạnh, nhẵn bóng, nằm trong bao hoa. Mùa hoa: tháng 9 - 11; mùa quả: tháng 12.

Phân bố sinh thái: Hà thủ ô đỏ có mặt tại Trung Quốc, Bắc Lào, Nhật Bản và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây mọc nhiều ở các tỉnh vùng núi cao phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La. Các tỉnh khác ít hơn như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái.

Hà thủ ô đỏ là loại cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao, có thể chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp là các quần hệ rừng núi đá vôi, độ cao từ 1.700 m, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng từ 22 - 27°C, lượng mưa từ 1.500 - 1.800 mm. Cây thường mọc ở đất ẩm, xốp, nhiều mùn, pH từ 5 - 6,5. Hà thủ ô đỏ ra hoa quả hàng năm, phần thân leo trên mặt đất tàn lụi, hạt giống phát tán và nảy mầm vào mùa xuân - hè năm sau. Hà thủ ô đỏ có khả năng tái sinh vô tính khỏe mạnh.

Bộ phận dùng: Bộ phận sử dụng chính là rễ củ của cây Hà thủ ô đỏ.

Công dụng: Hà thủ ô đỏ có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ấm. Có tác dụng bổ gan thận, bổ máu, ích tinh, mạnh gân xương, nhuận tràng. Rễ Hà thủ ô đỏ giúp bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, mất ngủ, sốt rét kinh niên, tiểu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát, táo bón, làm đen tóc đối với người bạc tóc sớm, giảm rụng tóc. Tuy nhiên, người có huyết áp thấp và đường huyết thấp không nên dùng Hà thủ ô đỏ. Khi uống Hà thủ ô đỏ, cần kiêng hành, tỏi, cải củ.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Hà thủ ô sống tươi và khô có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thũng, chữa táo bón cho phụ nữ sau sinh hoặc người già, mụn nhọt, ghẻ lở, eczema, tràng nhạc. Hà thủ ô chế có tác dụng bổ gan thận, ích tinh huyết, giúp an thần, tăng lực trong các chứng suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, tim hồi hộp, mất ngủ, suy nhược thần kinh, còi xương, bệnh tạng rỉ dịch. Hà thủ ô còn kích thích tạo hồng cầu và bạch cầu, chữa bệnh về máu và thiếu máu.

Ở Ấn Độ, rễ Hà thủ ô đỏ được dùng làm thuốc bổ, chống bệnh scorbut và làm đen tóc. Nó còn có tác dụng đối với bệnh tăng đường máu và dùng cho phụ nữ sau khi sinh.

Rễ Hà thủ ô đỏ còn được dùng để điều trị viêm da mủ, bệnh lậu, bệnh nấm ở chân, bệnh viêm và tăng lipid máu.

II. Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc, Thu Hoạch Và Sơ Chế

1. Giống:

  • Lựa chọn cây mẹ đúng loài, cây 2 năm tuổi trở lên, sinh trưởng khỏe, không bị sâu bệnh.
  • Hạt giống: Thu hoạch vào tháng 11 - 12 khi quả chín, phơi trong chỗ râm mát 2 - 3 ngày. Tách lấy hạt, loại bỏ vỏ và tạp chất. Hạt giống có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 60%, khối lượng 1.000 hạt ≥ 1,022 g, độ sạch ≥ 90%.
  • Hom giống: Chọn cành bánh tẻ còn tươi, không bị sâu bệnh hoặc dập nát. Cắt hom dài khoảng 15 - 20 cm, có từ hai mắt mầm trở lên.

2. Thời vụ trồng:

  • Trồng vào đầu mùa mưa (tháng 3 - 4 ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tháng 5 - 6 tại các tỉnh Tây Nguyên). Thu hoạch vào cuối mùa sinh trưởng của các cây trồng từ 2 năm tuổi trở lên.

3. Đất trồng:

  • Hà thủ ô đỏ chịu úng kém, phát triển tốt ở đất cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt. Đất phải được dọn sạch cỏ dại, cày ải cho gốc cỏ chết, sau đó bừa kỹ cho đất tơi xốp. Lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 70 - 80 cm, rãnh 30 cm để tiêu nước khi trời mưa và thuận tiện cho việc chăm sóc. Cuốc hố thành 2 hàng, sâu 15 - 30 cm, kích thước 20 x 20 cm.

4. Khoảng cách trồng:

  • Trồng với khoảng cách 40 x 30 cm, mật độ trồng 83.000 cây/ha.

5. Cách trồng:

  • Sau khi làm đất, cuốc hố thành từng hàng, bón lót phân xong, phủ một lớp đất lên phân, đặt nhẹ cây xuống bên cạnh hố (không trồng trực tiếp lên phân), lấp kín gốc cây, dùng tay ấn chặt xung quanh gốc.

6. Tưới nước:

  • Nên dùng nước giếng khoan hoặc nguồn nước sạch. Tưới nước trực tiếp vào gốc cây hoặc tưới rãnh cho nước ngập mặt luống. Tưới nước đều đặn giai đoạn đầu, sau mỗi đợt bón phân, đảm bảo độ ẩm 70 - 80% để cây phát triển tốt.

7. Thu hoạch:

  • Cây được thu hoạch khi đạt 2 năm tuổi trở lên, thông thường vào tháng 12 - 1 khi cây ngừng sinh trưởng. Thu hoạch vào ngày nắng ráo, tránh ngày mưa kéo dài.

8. Sơ chế:

  • Sau khi thu hoạch, rửa sạch củ, cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ lớn bổ đôi đem phơi hoặc sấy khô.