Mỗi năm, ngành Y dùng 100.000 tấn dược liệu, giá trị trên 400 triệu USD
Cây dược liệu ở Việt Nam là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hoá mỹ phẩm. Hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD. Ngoài ra, còn số lượng lớn sản phẩm dược liệu được bán qua các kênh thương mại điện tử.
Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế), với lịch sử lâu đời về sử dụng cây dược liệu trong thực tiễn y tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, cây dược liệu ở Việt Nam là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hoá mỹ phẩm…
Hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.
Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Có thể nói, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - vốn là địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong bối cảnh sản xuất trong nước mới đáp ứng được 25% nhu cầu nguyên vật liệu của thị trường, dư địa phát triển ở thị trường nội địa còn rất lớn, chưa kể đến thị trường xuất khẩu. Tiềm năng to lớn cho một danh mục sản phẩm đa dạng là hiện hữu.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân đa dạng hóa các kênh phân phối bán hàng, tối đa chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận. Đây là một hướng đi mới để phân phối sản phẩm từ dược liệu, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm dược liệu./.
Theo viettimes