Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, phấn đấu tới năm 2020 sản lượng gỗ trong nước đạt khoảng 20 - 24 triệu m3 gỗ/năm, trong đó gỗ lớn là 10 triệu m3 /năm.

Oct 12, 2021 - 04:07
 0  20
Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Việc đẩy mạnh trồng rừng sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ về mặt phòng hộ môi trường mà quan trọng hơn là nâng cao được thu nhập cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phát triển trồng rừng sản xuất ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào kinh doanh gỗ nhỏ với các loài cây mọc nhanh, chủ yếu là Keo, Bạch đàn, Bồ đề, Mỡ,… trong khi đó nhu cầu gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, đồ xuất khẩu ở thị trường trong và ngoài nước là rất lớn. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng được một số mô hình trồng rừng gỗ lớn… nhưng hiện nay diện tích rừng trồng gỗ lớn của nước ta còn rất khiêm tốn do trồng rừng thâm canh gỗ lớn ngoài những khó khăn về chu kỳ kinh doanh dài, chậm thu hồi vốn, tính rủi ro cao thì một trở ngại rất lớn đó là các nghiên cứu chọn giống, nhân giống, kỹ thuật trồng rừng chủ yếu tập trung vào các loại keo và bạch đàn… trong khi các loài cây bản địa mọc nhanh gỗ có giá trị kinh tế cao hơn lại ít được quan tâm nên thiếu những cơ sở khoa học để quy trình hóa kỹ thuật trồng rừng cây bản địa gỗ lớn

Ở Việt Nam, Xoan nhừ được biết đến như một loài cây gỗ lớn sinh trưởng nhanh, có phân bố rộng và đa tác dụng rất thích hợp để bổ xung vào danh mục trồng rừng gỗ lớn ở nước ta. Gỗ Xoan nhừ thuộc nhóm VI, gỗ không cong vênh, lõi giác màu sắc đẹp, dễ gia công dùng làm đồ gia dụng; vỏ, lá và rễ cây được dùng để chữa bệnh. Mặc dù vậy, trong những năm qua ở nước ta Xoan nhừ vẫn chưa được coi trọng phát triển đúng với tiềm năng của nó, chủ yếu là do vẫn còn thiếu các thông tin về đặc điểm lâm học, kỹ thuật gây trồng và chăm sóc, thị trường lâm sản chưa được cập nhật,… Để góp phần giải quyết những tồn tại nêu trên, nhóm nghiên cứu do TS. Lại Thanh Hải, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Xoan nhừ (Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt. and Hill) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc” đặt ra nhằm xác định được một số cơ sở khoa học để gây trồng và phát triển cây Xoan nhừ.

Sau một thời gian triển khai, đề tài thu được các kết quả như sau:

1. Đặc điểm hình thái và phân bố: cây gỗ lớn, cao khoảng 20-35m, thân to, thẳng, đường kính có thể trên 1m. Phân bố rộng gặp nhiều ở độ cao dưới 1.000m; thích hợp nơi có nhiệt độ bình quân khoảng 22,80C, lượng mưa từ gần 1.444 mm đến gần 1.764 mm, độ ẩm không khí từ 80 – 86%, trên nhiều loại đất khác nhau.

2. Đặc điểm vật hậu: Xoan nhừ là cây rụng lá vào mùa đông, có chu kỳ sai quả hàng năm, cây ra nụ và hoa từ tháng 4 - 9, ra quả vào tháng 4 - 10, quả chín rộ vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 11.

3. Đặc điểm sinh thái: nhu cầu ánh sáng của Xoan nhừ có xu thế tăng dần theo tuổi dưới 4 tuổi cây ưa sáng nhẹ, đến 4 tuổi ưa sáng trung bình và từ 6 tuổi trở đi cây ưa sáng hoàn toàn. Khả năng chịu nóng của Xoan nhừ khá cao.

4. Đặc điểm cấu trúc: Xoan nhừ không phải là loài chiếm ưu thế sinh thái trong các lâm phần có phân bố tự nhiên. Chủ yếu ở tầng A1 và A2, ít thấy ở tầng A3

5. Đặc điểm tái sinh: khả năng tái sinh tự nhiên của Xoan nhừ dưới tán rừng kém, và chủ yếu tái sinh từ hạt, tập trung ở cấp chiều cao < 1m và một số ít dưới 2m.

6. Đặc điểm cơ lý gỗ: Gỗ có lõi, dác phân biệt về màu sắc, nhưng không nhiều và không thấy có sự khác biệt về đặc điểm cấu tạo. Gỗ có tính chất cơ lý trung bình, thớ thẳng nên có khả năng dễ gia công, chế biến, phù hợp trong sản xuất gỗ xẻ, ván mỏng (ván bóc, ván lạng) và đồ mộc.

7. Nhân giống bằng hạt: hạt trước khi đem gieo cần được xử lý bằng sôi 1000C trong 8 giờ hoặc đốt. Ở giai đoạn vườn ươm, tỷ lệ che bóng thích hợp là 50%, sau đó giảm dần. Thành phần ruột bầu tốt nhất là 88% đất vườn ươm + 10% phân chuồng hoai + 2% supe lân hoặc 83% đất vườn ươm + 15% phân chuồng hoai + 2% supe lân. Tưới nước hàng ngày vào buổi sáng với liều lượng 3-4lít/m2.

8. Nhân giống bằng hom: Xoan nhừ có thể nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Chất kích thích sử dụng phù hợp nhất là IAA 1% hoặc IBA 1,5%. Mùa vụ thích hợp nhất là tháng 6. 

9. Chọn cây trội và khảo nghiệm xuất xứ: Đã chọn được 40 cây trội tại 8 tỉnh. Xuất xứ Lào Cai (Văn Bàn) có triển vọng nhất. Tất cả xuất xứ đều có tỷ lệ sống cao, là triển vọng trong gây trồng Xoan nhừ trên diện rộng.

10. Kỹ thuật trồng: Mật độ trồng rừng không ảnh hưởng tới sinh trưởng rừng trồng Xoan nhừ; Phương thức trồng rừng có ảnh hưởng tới sinh trưởng rừng trồng Xoan nhừ; Phương thức trồng tốt nhất là hỗn giao với Keo tai tượng tỉ lệ 1:1. Phân bón lót có ảnh hưởng tốt tới sinh trưởng rừng trồng Xoan nhừ. Công thức bón lót tốt nhất là 200g super lân + 200g NPK(5:10:3) hoặc 400g super lân/cây. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học Bitadin WP nồng độ 0,5 và thuốc hóa học Ofatox 400EC nồng độ 0.2 để phòng chống sâu bênh hại Xoan nhừ.

11. Về hiệu quả kinh tế trồng rừng Xoan nhừ Lợi nhuận ròng trồng xoan nhừ với chu kỳ 10 năm dao động từ 30,7 - 38,6 triệu và lợi nhuận ròng hàng năm dao động từ 4,3 - 5,8 triệu, trung bình là 4,8 triệu/ha/năm, chỉ số IRR dao động từ 27, 9% - 31,7%. Hiệu suất trồng rừng BCR dao động từ 2,84 - 3,52, trung bình là 3,0.

Các OTC điều tra đặc điểm lâm học của cây Xoan nhừ mới chỉ tập trung vào trạng thái rừng IIIA1 và IIIA2 cũng như các ODB điều tra tái sinh nhỏ, một số chỉ tiêu cấu trúc rừng tính gộp cho các OTC. Các thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của một số nhân tố sinh thái tới sinh trưởng cây con Xoan nhừ trong vườn ươm, các thí nghiệm về mật độ trồng, phương thức trồng, bón phân là các thí nghiệm độc lập trong khi đề tài chưa có điều kiện để bố trí tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của Xoan nhừ. Thời gian theo dõi các thí nghiệm còn ngắn, nên các đánh giá kết luận mới chỉ là bước đầu, nên kết quả chưa thể hiện được đầy đủ, cần có thời gian theo dõi thêm. Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, theo dõi các thí nghiệm về xuất xứ và kỹ thuật gây trồng thêm 4-5 năm nữa để có những đánh giá một cách đầy đủ, tin cậy hơn. Hoàn thiện bổ sung các hướng dẫn kỹ thuật gây trồng đã đề xuất để đưa vào ứng dụng và phát triển trong sản xuất trồng rừng kinh tế cung cấp gỗ lớn đối với loài Xoan nhừ có giá trị này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15484/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

P.T.T (NASATI)