Pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm?

Bạn đọc Trịnh Xuân Thành ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm?

Nov 4, 2021 - 08:40
 0  92
Pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm?
Voọc chà vá chân đen xuất hiện tại khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN.

Trả lời: Điều 5, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-11-2019 của Chính phủ quy định việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như sau:

1. Hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.

2. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

3. Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

*Bạn đọc Hà Tuấn Linh ở phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc tạm đình chỉ công việc của người lao động?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 128, Bộ luật Lao động 2019 như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-viec-bao-ve-thuc-vat-rung-dong-vat-rung-nguy-cap-quy-hiem-676341