Ung thư là gì?

Các loại ung thư phổ biến nhất của Việt Nam trong cùng năm là ung thư gan (26.418 ca, chiếm 14,5% tổng số ca mắc mới), ung thư phổi (26.262 ca, chiếm 14,4%), ung thư vú (21.555 ca, chiếm 11,8%) và ung thư dạ dày (17.906 ca, chiếm 9,8%). Bốn loại ung thư kể trên chiếm hơn 50% tổng số ca mắc ung thư mới ở Việt Nam. Loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan với 20.256 ca mắc trên tổng số 98 916 bệnh nhân nam mắc ung thư trong năm. Ngược lại, loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là ung thư vú với 21.555 ca mắc trên tổng số 83.647 bệnh nhân mắc ung thư trong năm.

Dec 29, 2020 - 10:32
May 24, 2021 - 20:04
 0  47
Ung thư là gì?

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những cơ phần khác trong cơ thể (di căn). Không phải tất cả các khối u đều là ung thư, có một số khối u thuộc vào nhóm lành tính, tức là khối u không xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Một số dấu hiệu và triệu chứng của khối u ác tính bao gồm chảy máu bất thường, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, sụt cân và có những bất thường trong đại tiểu tiện. Mặc dù các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của ung thư, chúng cũng có thể có các nguyên nhân khác. Hiện nay có khoảng hơn 100 loại ung thư tác động đến cuộc sống con người.

Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 22% số ca tử vong vì ung thư. Ngoài ra còn có thêm 10% khác là do béo phì, kém ăn, lười vận động và sử dụng thức uống có cồn quá mức. Một số nguyên nhân khác của ung thư bao gồm một số dạng phơi nhiễm, tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường. Ở các nước đang phát triển, gần 20% bệnh ung thư là do phơi nhiễm với các vi khuẩn hoặc virus như Helicobacter pylori, viêm gan B, viêm gan C, virus Epstein–Barr, nhiễm virus papilloma ở người và HIV. Các nhân tố này tác động bằng cách, ít nhất là góp phần, làm thay đổi các gen trong tế bào. Thông thường, tế bào cần tích lũy một lượng không nhỏ những biến đổi về gen trước khi phát triển thành ung thư. Cũng có khoảng 5-10% bệnh ung thư là do di truyền các khuyết tật về gen từ trong gia đình. Ung thư thường được phát hiện nhờ vào các dấu hiệu và triệu chứng hoặc từ quá trình tầm soát ung thư. Những kết quả ban đầu này thường sẽ được xem xét kỹ hơn bằng phương pháp chụp ảnh y khoa và được xác nhận bằng sinh thiết.

Nhiều loại ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách không hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không uống quá nhiều rượu, ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, tiêm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nhất định, không ăn quá nhiều thịt chế biến và thịt đỏ cũng như tránh phơi nắng quá nhiều. Phát hiện ung thư sớm rất có ích, nhất là với ung thư cổ tử cung hay ung thư đại tràng. Ung thư thường được điều trị sự kết hợp của các phương pháp khác nhau như xạ trị liệu, phẫu thuật, hóa trị và điều trị đích. Quản lý đau cũng như các triệu chứng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ là thiết yếu đối với những người có ung thư ở các giai đoạn sau. Cơ hội sống còn phụ thuộc vào loại ung thư và mức độ của bệnh khi bắt đầu điều trị. Ở trẻ em dưới 15 tuổi khi tham gia chẩn đoán, tỷ lệ sống sót 5 năm ở các nước phát triển trung bình vào khoảng 80%. Đối với bệnh ung thư ở Hoa Kỳ, tỷ lệ sống 5 năm trung bình năm là 66%.

Vào năm 2015, trên thế giới có khoảng 90,5 triệu người bị ung thư. Tính đến năm 2019, mỗi năm thế giới ghi nhận thêm 18 triệu ca mắc mới.[18] Ung thư cướp đi sinh mạng của 8,8 triệu người (tỉ lệ tử vong là 15,7%). Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. Ở nữ giới, các loại phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung Trong năm 2012, khoảng 165.000 trẻ em dưới 15 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc ung thư tăng lên đáng kể cùng với độ tăng của tuổi tác và nhiều bệnh ung thư thường gặp hơn ở các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc ung thư cũng đang tăng lên do quá trình lão hóa dân số cũng như các thay đổi trong lối sống. Bệnh ung thư ước tính đã tiêu tốn khoảng 1,16 nghìn tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2010.

Phân loại ung thư

Ung thư được phân loại theo loại tế bào mà các tế bào trong khối u những điểm tương đồng, đây cũng là cơ sở để xác định nguồn gốc của khối u. Ung thư được chia thành các loại lớn gồm:

Ung thư biểu mô (Carcinoma): Ung thư có nguồn gốc từ các tế bào biểu mô. Nhóm này bao gồm nhiều loại ung thư phổ biến nhất và có chứa gần như tất cả các loại ung thư ở vú, tuyến tiền liệt, phổi, tuyến tụy và ruột kết.

Ung thư mô liên kết (Sarcoma): Ung thư phát sinh từ các mô liên kết (ví dụ như xương, sụn, mỡ, thần kinh), mỗi loại ung thư phát triển từ các tế bào có nguồn gốc từ tế bào trung mô bên ngoài tủy xương.

Ung thư bạch huyết (Lymphoma) và bệnh bạch cầu (Leukemia): Hai nhóm ung thư này phát sinh từ các tế bào tạo máu rời khỏi tủy xương và có xu hướng trưởng thành trong hạch bạch huyết và máu, lần lượt theo thứ tự.

Ung thư tế bào mầm: Các khối ung thư có nguồn gốc từ các tế bào đa năng, thường gặp nhiều nhất ở tinh hoàn hoặc buồng trứng - với tên gọi tương ứng là u tinh bào (Seminoma) và u nghịch mầm (Dysgerminoma).

Ung thư nguyên bào (Blastoma): Ung thư có nguồn gốc từ các tế bào "tiền thân" chưa trưởng thành hoặc từ mô phôi.

Trong tiếng Anh, ung thư thường được đặt tên bằng cách sử dụng các cụm -carcinoma, -sarcoma hoặc -blastoma làm hậu tố, còn từ gốc là tên cơ quan hoặc mô khởi phát ung thư trong tiếng Latin hoặc tiếng Hy Lạp. Ví dụ, ung thư nhu mô gan phát sinh từ các tế bào biểu mô ác tính được gọi là hepatocarcinoma, nếu ung thư phát sinh từ các tế bào tiền thân nguyên thủy của gan thì được gọi là hepatoblastoma, ung thư phát sinh từ các tế bào mỡ được gọi là liposarcoma. Đối với một số bệnh ung thư phổ biến, tên cơ quan sẽ được viết bằng tiếng Anh. Ví dụ, loại ung thư vú phổ biến nhất là ung thư biểu mô ống dẫn xâm lấn, được viết trong tiếng Anh là ductal carcinoma of the breast.

Trong tiếng Việt, tên gọi của một loại bệnh ung thư cụ thể thường được viết ở dạng: "tên loại ung thư", theo sau là "tên cơ quan ảnh hưởng" và có thể kèm theo tính từ chỉ tính chất của bệnh (lành tính/ác tính hoặc mãn tính/cấp tính). Chẳng hạn, bệnh "retinoblastoma" sẽ có tên trong tiếng việt là "ung thư/u nguyên bào võng mạc". Cũng có một số bệnh ung thư có cách gọi tên khác so với cách gọi tên thường gặp này, chẳng hạn như ung thư bạch cầu còn được gọi là bệnh máu trắng và "sarcoma" thường được để nguyên là "sarcoma" hoặc phiên âm thành "sác-côm" chứ ít khi được dịch thành "ung thư mô liên kết".

Các khối u lành tính (không phải là ung thư) được đặt tên bằng cách sử dụng -oma làm hậu tố với tên cơ quan là gốc. Ví dụ, một dạng khối u lành tính của các tế bào cơ trơn được gọi là leiomyoma (tên gọi phổ biến của loại u lành tính thường gặp này tại tử cung là u xơ tử cung). Có một điều dễ gây nhầm lẫn là, một số loại ung thư hay khối u ác tính lại sử dụng hậu tố là -noma (và do vậy dễ nhầm với -oma), chẳng hạn như melanoma (ung thư hắc tố) và seminoma (ung thư tinh bào).

Một số loại ung thư được đặt tên theo kích thước và hình dạng của tế bào dưới kính hiển vi, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào khổng lồ, ung thư biểu mô tế bào hình sợi và ung thư biểu mô tế bào nhỏ.

Nghiên cứu ung thư

Vì ung thư không phải là một bệnh đơn lẻ mà là một nhóm các bệnh, khả năng tồn tại một "phương thuốc trị ung thư" duy nhất không cao hơn khả năng tồn tại một liệu pháp duy nhất có thể chữa được tất cả các bệnh truyền nhiễm. Các chất ngăn hình thành mạch máu từng được cho là có tiềm năng trở thành một phương pháp điều trị "bách phát bách trúng" cho nhiều loại ung thư, song điều này là không chính xác. Thuốc ngăn hình thành mạch máu và các phương pháp điều trị ung thư khác được sử dụng kết hợp để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư.

Các phương pháp điều trị ung thư thực nghiệm được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng để so sánh phương pháp điều trị được đề xuất với phương pháp điều trị tốt nhất hiện có. Các phương pháp điều trị tỏ ra thành công ở một loại ung thư có thể được thử nghiệm với các loại ung thư khác. Các xét nghiệm chẩn đoán đang được phát triển để có thể tìm ra các liệu pháp phù hợp với từng bệnh nhân, dựa trên "hồ sơ" sinh học của họ.

Nghiên cứu ung thư tập trung vào các vấn đề sau:

Tác nhân (ví dụ: virus) và các sự kiện (ví dụ: đột biến) gây ra hoặc tạo điều kiện cho những thay đổi di truyền ở các tế bào có thể trở thành tế bào ung thư.

Bản chất chính xác của tổn thương di truyền và các gen bị ảnh hưởng bởi nó.

Hậu quả của những thay đổi di truyền đó đối với hoạt động sống của tế bào, cả trong việc tạo ra các đặc tính nổi bật của tế bào ung thư và tạo điều kiện cho các sự kiện di truyền bổ sung dẫn đến sự tiến triển của bệnh.

Việc hiểu rõ hơn sinh học phân tử và sinh học tế bào nhờ nghiên cứu ung thư đã cho ra đời các phương pháp điều trị ung thư mới kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon phát động "Cuộc chiến chống Ung thư" vào năm 1971. Kể từ đó, quốc gia này đã chi hơn 200 tỷ USD cho nghiên cứu ung thư, bao gồm nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân. Tỷ lệ tử vong do ung thư (hiệu chỉnh theo quy mô và độ tuổi của dân số) đã giảm năm phần trăm từ năm 1950 đến năm 2005.

Cạnh tranh về các nguồn lực tài chính dường như đã kìm hãm sự sáng tạo, hợp tác, chấp nhận rủi ro và tư duy nguyên bản cần thiết để tạo ra những khám phá cơ bản, các nghiên cứu rủi ro thấp với những bước tiến nhỏ được ưu tiên hơn nhiều so với nghiên cứu sáng tạo hơn, rủi ro hơn.

Các liệu pháp virus (virotherapy), sử dụng virus biến đổi để điều trị ung thư, cũng đang được nghiên cứu.

Nguồn Wiki