Cách khơi dậy tiềm năng thiên tài của mỗi đứa trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành người tài giỏi, thành công. Nếu biết nắm bắt thời điểm và có cách thúc đẩy hợp lý, trẻ sẽ đạt được những thành tựu bất ngờ.
1. Tiếp xúc thiên nhiên:
Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, từ 1-3 tuổi là thời gian não bộ trẻ phát triển nhanh nhất. Trong quá trình phát hiện tiềm năng của con, người lớn cần cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên. Đây là cách khơi dậy tiềm năng nguyên thủy nhất. Khi được gần gũi với môi trường tự nhiên, trẻ sẽ học được những kiến thức về sinh vật, các hiện tượng tự nhiên và biết cách xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ. Ngoài ra, hòa mình với thiên nhiên giúp trẻ hoàn thiện các giác quan và kích thích quá trình phát triển trí tuệ, tinh thần.
Khi hiểu được các hiện tượng tự nhiên và có cơ hội quan sát sự thay đổi của sinh vật, hứng thú học tập của trẻ sẽ tăng cao. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ quan sát và ghi lại những điều tìm hiểu được, đồng thời áp dụng một số kiến thức sách vở vào thực tế. Theo Sohu, trường tiểu học ở châu Âu rất chú trọng các hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên. Tại Mỹ, mỗi trường tiểu học có một khu vực riêng để trẻ quan sát, thực hành môn Khoa học. Đặc biệt, trước khi tốt nghiệp tiểu học, các em được tham gia khóa huấn luyện sinh tồn trong môi trường tự nhiên.
2. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử:
Hiện nay, nhiều gia đình quá lệ thuộc vào thiết bị điện tử và thường dùng điện thoại di động để "trông con". Những video sống động và trò chơi bắt mắt trên điện thoại giúp trẻ giữ yên lặng, không quậy phá. Tuy nhiên, cách nuôi con này ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển trí não của trẻ. Theo nghiên cứu, thiết bị điện tử làm giảm kỹ năng của con người, đặc biệt làm cản trở sự phát triển tiềm năng của trẻ nhỏ.
Trẻ em không nên dùng điện thoại di động quá 1 tiếng mỗi ngày. Khi rảnh rỗi, cha mẹ có thể cùng trẻ đọc sách, trò chuyện. Sách ảnh kích thích sự sáng tạo và nâng cao khả năng tập trung cho trẻ. Khi kể chuyện, người lớn có thể tạo ra một thế giới giả tưởng để con tưởng tượng. Ngoài ra, cha mẹ nên để trẻ tự tạo câu chuyện của riêng mình hoặc viết cái kết mới cho bộ truyện vừa đọc. Qua phương pháp này, trẻ có thể phát huy trí tưởng tượng của bản thân, khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ sẽ được thúc đẩy tối đa.
3. Tiếp xúc âm nhạc:
Theo Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardler - giáo sư Tâm lý học tại Đại học Harvard (Mỹ), mọi đứa trẻ sinh ra đều là một nhạc sĩ. Trẻ em yêu thích âm nhạc, muốn được hòa mình vào những âm thanh nhiều sắc màu. Giáo sư Đại học Harvard nhận định trí thông minh trong âm nhạc cho phép con người sử dụng các giai điệu để giao tiếp, thể hiện bản thân.
Nhà lý luận âm nhạc người Đức Carl Orff khuyến khích đưa âm nhạc vào cuộc sống của trẻ, kể cả khi học tập, vui chơi. Trong quá trình cảm thụ âm nhạc, cảm xúc và khả năng tưởng tượng cả trẻ sẽ được bộc lộ theo cách tự nhiên nhất. Cha mẹ có thể cho con nghe những ca khúc thiếu nhi có tiết tấu khác nhau để trẻ cảm nhận cảm xúc tác giả gửi gắm qua những bản nhạc. Ngoài ra, người lớn có thể cùng trẻ tham gia các trò chơi liên quan các bài hát để giúp trẻ vận động và kích thích tiềm năng âm nhạc.
Theo ZingNews