Lo ngại sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận gần 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố; một số địa phương đã có ca tử vong như Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.
Năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 320.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 53 trường hợp tử vong và nhiều ổ dịch ở Hà Nội, TP HCM, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện bệnh sốt xuất huyết (SHX) lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh này.
Năm nay, dịch SXH tại Việt Nam diễn biến không phức tạp như những năm trước, tuy nhiên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng năm nay mưa bão nhiều, dự báo dịch còn tăng và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Bệnh do virus dengue gây ra, đây là virus có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, còn gọi là muỗi vằn. Thông qua muỗi vằn, virus dengue được truyền từ người mang virus sang người khác. Muỗi vằn nhiễm virus 6-12 ngày sau khi hút máu và có khả năng truyền bệnh suốt đời.
Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần. Nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các típ virus còn lại.
Ông Phu cũng chỉ rõ, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH trong năm nay là do mùa Hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Trong khi tập quán tích trữ nước của người dân ở nhiều nơi chưa có thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Đáng lưu ý, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để,…
Ngoài ra, người dân còn có sự nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh SXH và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Trong khi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại chỉ ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch. Do đó, nếu người dân chỉ chú trọng tiêu diệt bọ gậy ở các ao tù, cống nước, chỗ bẩn là chưa đúng. Thay vào đó, cần lưu ý làm sạch các vùng nước, dụng cụ chứa nước sạch ngay trong nhà như lọ hoa, cốc nước, chạn bát, thậm chí ống nước.
Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Việc phun hóa chất chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Do đó việc tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy/lăng quăng là cách hữu hiệu và cần đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh.
Tuyệt đối không tự điều trị
Liên quan đến điều trị bệnh SXH, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý điều trị khi bị sốt mà phải đến các cơ sở y tế bởi nếu người bệnh mắc SXH mà không được phát hiện, điều trị kịp thời hậu quả sẽ nghiêm trọng khiến bệnh nhân nặng lên hoặc tử vong do biến chứng của bệnh SXH gây ra như: tràn dịch màng phổi, rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não...
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Tài liệu của Viện Pasteurs cho biết, virus dengue dễ dàng bị diệt khi ra môi trường bên ngoài. Các hóa chất khử khuẩn thông thường (nhóm clo hoạt, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất ôxy hóa, chất tẩy, xà phòng...) và nhiệt độ trên 56 độ C bất hoạt virus dengue chỉ trong vài chục phút. Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại lâu dài hơn (nhiều tháng, hàng năm) trong nhiệt độ âm sâu (-70 độ C). SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Đáng lo ngại là bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình cao (ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11) thường là thời điểm để muỗi vằn - véc-tơ trung gian truyền virus dengue sang người - phát triển. Điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát của dịch SXH tăng cao nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Tuy dịch SXH năm nay diễn biến không quá căng thẳng, song Bộ Y tế vẫn khuyến cáo mạnh mẽ người dân phải người dân tổng vệ sinh 2 tuần/lần để diệt lăng quăng, bọ gậy; Đậy kín các dụng cụ chứa các nguồn nước có thể làm môi trường cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi.
Cụ thể như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn các phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây, vỏ dừa, lá cây khô, nắp bia… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, muỗi lây bệnh SXH là muỗi vằn cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn thường đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong nhà và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, giếng nước, hốc cây, các đồ vật hoặc đồ chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chan, lốp xe, vỏ dừa.
Theo Đại đoàn kết
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |