Trào lưu livestream cảnh ăn đất bị chỉ trích ở Trung Quốc
Người dùng mạng Trung Quốc lo ngại trào lưu phát trực tiếp cảnh ăn đất dễ khiến người trẻ tuổi bắt chước theo và tự đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm sức khỏe.
"Hôm nay tôi ăn hoàng thổ", một người phụ nữ Trung Quốc ăn mặc đẹp đẽ, đặt cục đất vào miệng và cắn mạnh, ăn ngon lành, phát ra tiếng nhai lớn. Cảnh ăn uống này được phát trực tiếp trước cộng đồng mạng.
Theo The Paper, dù cụm từ "cạp đất mà ăn" vốn để chỉ tình trạng nghèo túng, thiếu thốn tiền bạc, một nhóm người dùng trên mạng xã hội ở Trung Quốc đang kiếm tiền từ hành vi này theo đúng nghĩa đen.
Kiếm tiền
Xuất hiện chưa lâu, tiêu đề của những video ghi lại cảnh ăn đất thường đi kèm với từ "pica" - tên của hội chứng chỉ việc người thường có sở thích tiêu thụ những chất không có giá trị dinh dưỡng như đá, đất hoặc giấy.
Nội dung của các clip này không có gì quá khác biệt so với những video phát sóng ăn uống khác khi người quay lần lượt giới thiệu món ăn, cho đồ vào miệng và phát biểu cảm nghĩ.
Tuy nhiên, sản phẩm được thưởng thức lại là những cục đất, vốn bị đánh giá chung là mất vệ sinh.
Điểm chung của những video ăn đất này là chúng thu hút một lượng người xem lớn, từ vài chục cho đến vài trăm nghìn lượt xem. Trong đó, hiện tại video được chú ý nhiều nhất có 360.000 lượt xem, BBC cho biết.
Không hiếm cư dân mạng Trung Quốc bình luận bày tỏ sự thích thú và hiếu kỳ, muốn thử cảm giác ăn đất như trong video.
"Càng xem tôi càng muốn thử xem đất có vị ra sao. Tôi nói thật đấy, chắc chắn tôi sẽ thử" là một trong nhiều ý kiến đồng tình của cư dân mạng.
Thậm chí, một số vlogger vốn ít người biết đến, bỗng chốc có lượng theo dõi lớn sau các video phát sóng cảnh ăn uống, thưởng thức đất.
Gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa
Từ các video kỳ lạ nhưng hút người xem, nhiều người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cũng ăn theo trào lưu này và rao bán nhiều loại đất khác nhau.
Ngoài đất nâu thông thường, người bán còn chào mời nhiều loại đất khác như đất trắng Tân Cương, đất hun khói, đất sét nung, đất đỏ. Mỗi loại đất lại đi kèm những dòng quảng cáo về cách thức thưởng thức sao cho đúng.
Gõ từ khóa tìm kiếm các sản phẩm liên quan tới đất, hàng loạt kết quả hiện ra, với trung bình các cửa hàng đắt khách có khoảng 200 lượt mua mỗi tháng.
Sản phẩm đất cũng rất đa dạng với hình que, hình thỏi, hình bánh quy, hình cầu. Mức giá trung bình người mua cần bỏ ra là 18 nhân dân tệ cho mỗi kg đất.
Trong phần hình ảnh của sản phẩm, nhiều khối đất được chất thành đống trong góc hoặc phơi trực tiếp trên mặt đất, thậm chí một số còn được đào ngay cạnh nhà bếp.
Chỉ một số shop khuyến cáo người dùng nên cân nhắc trước khi thử ăn. Một cửa hàng còn tuyên bố "từ chối trách nhiệm" ngay từ đầu.
Trở thành trào lưu song các video livestream cảnh ăn đất vấp phải nhiều phản đối từ cộng đồng mạng. Nhiều người dùng bày tỏ rằng dùng đất làm thức ăn là hành vi cực kỳ nguy hiểm, có thể gây khó tiêu, chảy máu đường tiêu hóa.
Hơn nữa, những video này dễ khiến các đối tượng nhỏ tuổi hơn bắt chước mà không ý thức được hết mức độ gây hại.
"Hành động như vậy có hại cho chính cơ thể người quay, còn trẻ vị thành niên lại coi đó là thứ thú vị để làm theo. Mặc dù một số vlogger có thể chỉ giả vờ nhai, những đứa trẻ khác chưa đủ khả năng nhận biết sẽ tin rằng đất ăn được và nuốt vào bụng", một người dùng thể hiện thái độ không đồng tình.
Số khác bày tỏ hành động lợi dụng người mắc hội chứng Pica để kiếm tiền là vô đạo đức.
"Về lĩnh vực tâm lý, đây là vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức của cá nhân. Một số người có nhu cầu và sẵn sàng ăn những đồ không sạch đó, chẳng hạn như ăn đất, rác, tóc. Tuy vậy, rất nhiều blogger lại sử dụng việc này để thu hút người xem, tạo sự nổi tiếng, kiếm tiền", bác sĩ Zhuang Weidong phân tích.
Trước thực tế các video livestream cảnh ăn đất xuất hiện ngày một nhiều, bác sĩ Zhuang cho hay các nền tảng trực tuyến cần tăng cường giám sát và cấm hiện tượng tương tự.
Tuy nhiên, một nhà kiểm duyệt nội dung tiết lộ những video ăn đất này hiện được thực hiện bởi một nhóm tương đối nhỏ nên chưa có yêu cầu chặn rõ ràng.
"Nếu bạn quay video ăn thủy tinh, sành sứ, chắc chắn chúng sẽ bị chặn lại. Nhưng việc ăn đất hay các loại thực phẩm khác bị coi là mất vệ sinh chưa có đủ cơ sở để bắt chúng biến mất trên mạng xã hội", người này nói.
Theo ZingNews
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |