Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae)

Bạch truật được xem là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng chữa viêm loét dạ dày, suy giảm chức phận gan, ăn chậm tiêu, nôn mửa, ỉa chảy phân sống, viêm ruột mạn tính, ốm nghén, có thai đau bụng, sốt ra mồ hôi. Cũng dùng làm thuốc lợi tiểu, trị ho, trị đái tháo đường.

Mar 15, 2021 - 20:54
 0  89
Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae)
Ảnh cây Bạch truật - Atractylodes macrocephala Koidz. Ảnh vị

Bạch truật

1. Tên gọi:

  • Tên Việt Nam / Vietnamese name:  Bạch truật
  • Tên khác / Other name:  Đông truật, Triết truật, Ứ truật, sơn khương
  • Tên khoa học / Scientific name:  Atractylodes macrocephala Koidz
  • Đồng danh / Synonym name:  Atractylis nemotoiana Arènes, Atractylis macrocephala (Koidz.).Hand - Mazz

2. Họ thực vật / Plant family:  Họ Cúc (Asteraceae)

3. Mô tả / Description:

Bạch truật thuộc loại thân thảo, sống lâu năm, có thân rễ to, mọc dưới đất. Thân thẳng, cao 0,30 - 0,80m, đơn độc hoặc phân nhánh ở bộ phận trên, phần dưới thân hóa gỗ.

Lá mọc cách, ở phần dưới của thân có cuống dài, phần trên có cuống ngắn, gốc lá rộng, bọc lấy thân. Phiến lá xẻ sâu thành 3 thùy, thùy giữa rất lớn, hình trứng tròn, hai đầu nhọn, hai thùy bên nhỏ hơn, hình trứng mũi mác, phần gốc không đối xứng. Các lá ở gần ngọn thân có phiến nguyên, hình thuôn hoặc hình trứng mũi mác, mép có răng cưa. Đầu lớn, phần dưới có một lá bắc hình lá xẻ sâu, hình lông chim. Tổng bao hình chuông, có lá bắc mỏng xếp thành 7 hàng. Lá bắc dưới nhỏ hình trứng tam giác, to dần ở phía trên. 

Cụm hoa mọc thành đầu ở đầu cành, mỗi đầu gồm nhiều hoa. Tràng hình ống, phần dưới màu trắng, phần trên màu đỏ tím, xẻ làm 5 thùy hình mũi mác, xoắn ra ngoài. 5 nhị hàn liền nhau (có nhị bị thoái hóa) chỉ nhị hình sợi dẹp. Bầu thôn mặt ngoài có lông nhung, màu nâu nhạt, đoạn trên có lông hình lông chim. Vòi hình chỉ màu tím nhạt đầu nhị xẻ thành 2 thùy nông hình đầu, mặt ngoài có lông ngắn.

Quả bế hình cầu hoặc bầu dục, thuôn, dẹp, màu xám có một chùm lông màu trắng.

Mùa hoa quả từ tháng 8 đến tháng 11.

4. Phân bố / Coverage:

Ở Việt Nam: Cây được nhập trồng vào Việt Nam; trồng ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), ngoại thành Hà Nội, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Thế giới: Triết Giang, An Huy,Hồ Bắc, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Triết Giang (Trung Quốc), Nhật Bản, Triều Tiên. Bạch truật ưa khí hậu lạnh mát quanh năm, thích hợp ở độ cao 1000-1500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm 15-18oC, lượng mưa 1800-2000mm, độ ẩm không khí 70-80%. Cây cần đất pha cát, đất feralit đỏ vàng , nhiều mùn, thoát nước.

5. Tọa độ địa lý / Geographical coordinates:

6. Diện tích vùng phân bố / Coverage acreage :

7. Bộ phận dùng / Compositions used: Thân rễ - Rhizoma Atractylodis macrocephalae, thường gọi là Bạch truật.

8. Công dụng / Uses:

Bạch truật được coi là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng điều trị các chứng bệnh đau dạ dày, bụng trước đầy, nôn mửa, ăn chậm tiêu, thấp nhiệt, tiêu chảy, phân sống, viêm ruột mạn tính, an thai trong trường hợp có thai đau bụng, ốm nghén nôn oẹ, chữa sốt trong các trường hợp sốt ra mồ hôi, phù thũng. 
Trong y học cổ truyền Nhật Bản, bạch truật được dùng làm thuốc lợi tiểu trong các trường hợp tiểu ít, tiểu buốt, di tinh, hoa mắt.

9. Thành phần hóa học / Chemical composition:

Trong thân củ bạch truật có 1,4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu gồm: acetoxy, atractylon (C16H180), atractylola (CH160) atractylenolide I, II, III, eudesmol và vitamin A. Ngoài ra còn có glycosid, inulin và muối kali atractylat (Trung Dược Học.).

Các sesquiterpen: α – eudesmol, β – eudesmol. Các dẫn chất lacton như atractynolid I, II, III.
Từ phân đoạn ái dầu của bạch truật người ta tách được Juniper camphor (Chinese Drugs of Plant origin, 1992).

Ảnh vị thuốc Bạch truật - Rhizoma Atractylodis macrocephalae

10. Tác dụng dược lí / Pharmacological effects:

  • Tác dụng bổ ích cường tráng

Trên thực nghiệm thuốc có tác dụng làm tăng trọng chuột, tăng sức bơi lội, tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào, làm tăng cao IgG trong huyết thanh, có tác dụng tăng bạch cầu và bảo vệ gan, tăng sự tổng hợp Protêin ở ruột non (Trung dược ứng dụng lâm sàng).

  • Tác dụng chống loét

Chống loét dạ dày: gây loét dạ dày thực nghiệm, tạo nên những tổn thương có bệnh sinh khác nhau. Loét Shay bằng cách thắt môn vị, có khả năng gây nên không những tình trạng ứ trệ dịch vị dạ dày mà còn gây tổn thương về mạch máu kèm theo thiếu máu nguồn gốc thần kinh thực vật. Loét bằng cách cho nhịn đói (có thể do nguồn gốc tâm lý). Loét bằng cách tiêm histamin được gây nên một phần do tăng tiết dịch vị và phần khác do tác dụng làm hư hại mạch máu bởi liều cao histamin: Bạch truật có tác dụng ức chế rõ rệt đối với loét Shay và loét do nhịn đói, không tác dụng đối với loét do histamin (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
Bạch truật có tác dụng làm giảm rõ rệt lượng dịch vị tiết ra và không làm giảm độ acid tự do của dịch vị (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

  • Tác dụng đối với ruột

Đối với ruột cô lập của thỏ, lúc ruột ở trạng thái hưng phấn thì thuốc có tác dụng ức chế, ngược lại lúc ruột đang ở trong trạng thái ức chế thì thuốc có tác dụng hưng phấn. Tác dụng điều tiết 2 chiều đó của thuốc có liên quan đến hệ thống thần kinh thực vật, do đó bạch truật có thể chữa được táo bón và tiêu chảy (Trung dược học).

  • Tác dụng đối với máu

Nước sắc và cồn bạch truật (dịch triết bạch truật bằng cồn) đều có tác dụng chống đông máu, dãn mạch máu (Trung dược học).

Glucozid kali atractylat chiết từ bạch truật có tác dụng chọn lọc trên đường huyết, đầu tiên gây tăng, sau đó gây hạ đường huyết đến mức co giật do hạ đường huyết quá thấp. Lượng glycogen trong gan chuột nhắt giảm đáng kể, nhưng lượng glycogen trong tim hơi tăng, dưới tác dụng của gluczid này, nghĩa là trong gan và máu đều có đường nhưng chỉ có tác dụng đối với đường trong máu. (Trung dược học).

  • Tác dụng lợi niệu (Tác dụng đối với thận)

Bạch truật có tác dụng lợi niệu rõ và kéo dài, có thể do thuốc có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước, tăng bài tiết natri (Học báo sinh lý số 19 - 1, 24 (3-4): 227-237), nhưng có báo cáo kết quả chưa thống nhất (Trung dược học).

Bạch truật không ảnh hưởng đối với thành phần các protein huyết thanh và chức năng bài tiết urê của thận (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

Trên súc vật thực nghiệm cho thấy bạch truật có tác dụng an thần với liều lượng nhỏ chất tinh dầu (Trung dược ứng dụng lâm sàng).

  • Tác dụng chức năng ngoại tiết của gan

Bạch truật không gây biến đổi về lưu lượng mật nhưng làm tăng 1 cách có ý nghĩa hàm lượng cặn khô trong mật và như vậy đã tăng lượng các chất thải trừ qua mật (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
Nước sắc bạch truật trên thực nghiệm chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa được sự giảm sút glycogen ở gan (Trung dược học).

  • Tác dụng kháng viêm

Rễ bạch truật có hoạt tính chống siêu vi khuẩn và chống ung thư trong thí nghiệm invitro (Trung dược học).
Hoạt tính chống viêm của bạch truật được thể hiện rõ rệt trên giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm, tương ứng với những biến đổi về mạch máu gây thoát huyết tương ở khoảng ngoài tế bào và tạo phù nề. Tác dụng này đã được chứng minh trong thí nghiệm gây phù bằng Kaolin với liều bạch truật từ 7,5g/kg thể trọng trở lên. Đối với giai đoạn bán cấp của phản ứng viêm tương ứng với sự tạo thành tổ chức hạt trong mô hình u hạt thực nghiệm với amian, bạch truật có tác dụng ức chế rõ rệt với liều từ 10g/kg thể trọng trở lên (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

  • Bạch truật có tác dụng ức chế đối với một loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
  • Tác dụng lợi tiểu, làm giảm phù đối với phù nhẹ
  • Nước sắc có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt
  • Ức chế sự đông máu. Nước sắc có tác dụng giảm khả năng máu đông trong trường hợp hoạt tính tạo fibrin trong máu tăng cao.
  • Chất atractylon trong bạch truật có tác dụng chống suy giảm chức phận gan. Bạch truật chế biến với giấm có tác dụng tăng tiết mật khi dùng uống
  • Nước sắc của bạch truật có tác dụng mạnh chống loét các cơ quan đường tiêu hoá.
  • Các chất atractylenolid I, II, III có tác dụng chống viêm và dịch chiết nước của bạch truật có tác dụng chống viêm khớp rất rõ.

Nguồn trích:

1. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I, trang 161-165)
2. Kỹ thuật trồng, sử dụng và chế biến cây thuốc, trang 41 – 50)
3. Nguyễn Tiến Bân (1979), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội.
4. Đỗ Huy Bích (1998), Tài nguyên cây thuốc Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật.
5. Viện Dược liệu (2006), Nghiên cứu phát triển dược liệu và đông dược ở Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật.
6. W.Williams, Đặng Văn Viện, Trịnh Bá Hữu (dịch), (1972), Nguyên lý di truyền và chọn lọc giống thực vật, NXB Khoa học và kỹ thuật.

11. Đặc điểm nông học / Agronomic characteristics:

12. Kiểm nghiệm / Acceptance test:

13. Bào chế, chế biến / Dosage, processed:

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản xem chi tiết tại Dược Liệu Bạch Truật

14. Sản phẩm đã lưu hành / Product stored: