Dược liệu Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz)

Bạch truật được sử dụng phần thân rễ (tức phần củ) của bạch truật làm một vị thuốc bổ khí kiện tỳ (tiêu hóa), trừ thấp hóa ứ, cầm mồ hôi và an thai.

Mar 15, 2021 - 20:40
 0  34
Dược liệu Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz)
Bạch truật (danh pháp khoa học: Atractylodes macrocephala) là loài thực vật có hoa thuộc họ Asteraceae (họ Cúc) được Koidz. mô tả khoa học lần đầu năm 1930.

Tên gọi khác:

Truật, Truật sơn kế (Bản Kinh), Sơn khương, Sơn liên (Biệt lục), Dương phu, Phu kế, Mã kế (Bản Thảo Cương Mục), Sơn giới, Thiên đao (Ngô-Phổ bản thảo), Sơn tinh (Thần Dược Kinh), Ngật lực già (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Triết truật (Tân Tu Bản Thảo Đồ Kinh), Bạch đại thọ, Sa ấp điều căn (Hòa Hán Dược Khảo), Ư truật. Sinh bạch truật, Sao bạch truật, Thổ sao bạch truật, Mễ cam thủy chế bạch truật, Tiêu bạch truật, Ư tiềm truật, Dã ư truật, Đông truật (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên khoa học:

  • Tên khoa học / Scientific name:  Atractylodes macrocephala Koidz
  • Đồng danh / Synonym name:  Atractylis nemotoiana Arènes, Atractylis macrocephala (Koidz.).Hand - Mazz
  • Họ thực vật / Plant family:  Họ Cúc (Asteraceae)

Mô tả:

Cây thảo, sống lâu năm, có thân rễ to, mọc dưới đất. Thân thẳng, cao 0.3 – 0.8m, đơn độc hoặc phân nhánh ở bộ phận trên, phần dưới thân hóa gỗ. Lá mọc cách, dai. Lá ở phần dưới của thân có cuống dài, phần trên có cuống ngắn, gốc lá rộng, bọc lấy thân. Phiến lá xẻ sâu thành 3 thùy, thùy giữa rất lớn, hình trứng tròn, hai đầu nhọn, hai thùy bên nhỏ hơn, hình trứng mũi mác, phần gốc không đối xứng. Các lá ở gần ngọn thân có phiến nguyên, hình thuôn hoặc hình trứng mũi mác, mép có răng cưa. Đầu lớn, phần dưới có một lá bắc hình lá xẻ sâu, hình lông chim. Tổng bao hình chuông, có lá bắc mỏng xếp thành 7 hàng. Lá bắc dưới nhỏ hình trứng tam giác, to dần ở phía trên. Hoa nhiều. Tràng hình ống, phần dưới màu trắng, phần trên màu đỏ tím, xẻ làm 5 thùy hình mũi mác, xoắn ra ngoài. 5 nhị hàn liền nhau (có nhị bị thoái hóa), chỉ nhị hình sợi dẹp. Bầu thôn mặt ngoài có lông nhung, màu nâu nhạt, đoạn trên có lông hình lông chim. Vòi hình chỉ màu tím nhạt đầu nhị xẻ thành 2 thùy nông hình đầu, mặt ngoài có lông ngắn. Quả bế, thuôn, dẹp, màu xám.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản:

 Bộ phận dùng:

  • Dùng thân rễ cứng chắc, có dầu thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà, củ rắn chắc có nhiều dầu là tốt.

Thu hái:

  • Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 (tiết Sương giáng đến Lập đông) là thời vụ thu hoạch. Thu hoạch quá sớm, cây chưa già, củ còn non, tỷ lệ khô thấp, hoa nhiều; thu hoạch quá nhiều thì chồi mới mọc lên, tiêu hao mất nhiều dinh dưỡng của củ. Khi thấy thân cây từ màu xanh chuyển thành màu vàng và nâu lá ở phần ngọn cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy là đúng lúc thu hoạch. Lúc thu hoạch, chọn ngày nắng ráo, đất khô, nhổ từng cây nhẹ nhàng. Sau khi nhổ, lấy dao cất bỏ thân cây đem củ về chế biến.

Chế biến:

Theo Trung Dược Đại Tự Điển:

  • Thái rửa sạch, ngâm nước 4 giờ, ủ kín 12 giờ (hay có thể đồ khoảng 4 giờ) cho mềm, thái hay bào mỏng, phơi khô (để dùng sống) hay tẩm bột Hoàng thổ rồi mới phơi khô sao vàng, hoặc tẩm nước gạo đặc sao vàng. Có khi chỉ cần thái mỏng, sao cháy.
  • Theo kỹ thuật chế biến của Trung Quốc hiện nay có hai phương pháp: Sấy khô và Phơi khô. Thành phẩm của phương pháp sấy khô gọi là Bạch truật sấy, của phương pháp sau gọi là Bạch truật phơi. Ư truật là một loại củ phơi khô.

Phơi khô: Đem củ tươi rủ sạch đất cát, cắt bỏ cây lá, đem phơi 15-20 ngày, đến lúc khô kiệt thì thôi nếu gặp phải trời mưa thì nên rải ra chỗ râm mát, thoáng gió, không nên dồn đống hoặc đóng vào sọt, nếu không củ dễ thối mốc.

Sấy khô: Đem củ đã đào về chọn lọc kỹ, đưa lên giàn sấy khô. Lò sấy thông thường mỗi lần có thể sấy được 250 củ tươi. Lúc bắt đầu sấy cần to lửa và đều, về sau khi vỏ củ đã nóng thì lửa nên nhỏ dần, sấy khô 5-6 giờ đảo trên xuống dưới, dưới lên trên, để củ có thể khô đều, sau đó lại sấy 6 giờ, đến lúc củ khô được 50% đem cắt, rửa củ cho dẹp, cắt bỏ rễ phụ, phân chia loại to nhỏ, củ to bỏ xuống dưới, nhỏ bỏ trên, để được khô đều. Sấy vậy 8-12 giờ lúc củ khô độ 70-80% đem vào sọt ủ 10-15 ngày, chờ cho nước trong giữa củ ngấm thấm ra ngoài, vỏ ngoài mềm ra, lúc này có thể sấy lại lần cuối cũng thời gian độ 24 giờ. Các nơi ở tỉnh Hồ nam, Hồ bắc sau khi sấy khô, lại đổ củ vào rổ sát cho vỏ bong sạch. Nói chung cứ 3, 5 kg củ tươi, sau khi sấy khô có thể thu được 1 kg củ khô.

Chải, rửa sạch, ủ kín cho đến mềm, thái hoặc bào mỏng 1-2 ly, phơi khô. Sau khi bào, phơi tái, tẩm nướcHoàng thổ (thường dùng) hoặctẩm mật sao vàng. Sau khi thái mỏng, sao cháy(Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Muốn có tác dụng táo thấp thì dùng sống; bổ Tỳ thì tẩm Hoàng thổ sao; cầm máu, ấm trung tiêu thì sao cháy; bổ Tỳ nhuận Phế thì tẩm mật sao.

Bảo quản:

  • Dễ bị mốc mọt, thường phơi sấy. Nếu thấy mốc thì phơi sấy ngay. Nếu phải sấy diêm sinh thì không nên sấy lâu vì sẽ bị chua.

Thành phần hóa học:

  • Humulene, b-Elemol, a-Curcumene, Atractylone, 3b Acetoxyatractylone, Selian 4(14), 7 (11)-Diene-8-One, Eudesmo, Palmitic acid (Trần Kiến Dân - Thực vật Học Báo).
  • Hinesol, b- Selinene (Phó Thuấn Mạc – Thực vật Phân Loại Học Báo).
  • 8b-Ethoxyatractylenolide II, 14-Acetyl-12-Senecioy-12E, 8Z, 10E-Atractylentriol, 14-Acetyl-12-Senecioyl-2E, 8E, 10E-Atractylentriol, 12-Senecioyl-2E-8Z, 10E-Atractylentriol, 12- Senecioyl-2E-8E-10E-Atractylentriol (Gia Hiệp Thiên Dân – Dược Học Tạp Chí (Nhật Bản)).
  • Trong rễ củ Bạch truật có 1,4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu gồm: Atractylon (C16H180), Atractylola (CH160), Atractylenolid I, II, III, Eudesmol và Vitamin A (Trung Dược Học).

Tính vị qui kinh:

  • Vị đắng, ngọt, tính ôn.
  • Qui kinh Tỳ, Vị.

Tác dụng dược lý:

 Theo Y học cổ truyền:

  • Bổ khí, kiện Tỳ, táo thấp, lợi thủy, cầm mồ hôi và an thai. Chủ trị các chứng Tỳ Vị khí hư, chứng thủy thũng, chứng đàm ẩm, chứng khí hư tự hãn và thai động.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng bổ ích cường tráng: Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng làm tăng trọng chuột, tăng sức bơi lội, tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng cường chức năng miễn dịch tế bào, làm tăng cao IgG trong huyết thanh, có tác dụng tăng bạch cầu và bảo vệ gan. Bạch truật có tác dụng tăng sự tổng hợp protein của ruột non.
  • Nước sắc Bạch truật có ảnh hưởng đến ruột cô lập của thỏ như sau. Lúc ruột ở trạng thái hưng phấn thì thuốc có tác dụng ức chế, ngược lại lúc ruột đang ở trạng thái ức chế thì thuốc có tác dụng hưng phấn. Tác dụng điều tiết hai chiều đó của thuốc có liên quan đến hệ thống thần kinh thực vật. Do đó, Bạch truật có thể chữa được táo bón và tiêu chảy.
  • Bạch truật có tác dụng chống loét. Nước sắc Bạch truật trên thực nghiệm chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa được sự giảm sút glycogen ở gan.
  • Thực nghiệm chứng minh nước sắc và cồn Bạch truật đều có tác dụng chống đông máu, dãn mạch.
  • Tác dụng lợi niệu của Bạch truật rõ và kéo dài có thể do thuốc có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước, tăng bài tiết Natri (Học báo sinh lý), nhưng các báo cáo kết quả chưa thống nhất.
  • Tinh dầu Bạch truật có tác dụng chống ung thư súc vật phát triển (Học báo Dược học).
  • Bạch truật có tác dụng hạ đường huyết.
  • Trên súc vật thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng an thần với liều lượng nhỏ chất tinh dầu.

Một số ứng dụng:

  • Trị tiêu chảy do Tỳ hư (Tiêu chảy kéo dài, người mệt mỏi, ăn kém): bài Lý trung thang: Đảng sâm 12g, Can khương 8g, Bạch truật 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.
  • Trị chứng ra mồ hôi do khí hư: thuốc có tác dụng cố biểu chỉ hãn:

Bạch truật tán: Bạch truật, Phòng phong mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 24g, sắc uống hoặc tán thành bột, mỗi lần 8 - 12g.

Bạch truật tiễn: Bạch truật, Hoàng kỳ mỗi thứ 12g, Phù tiểu mạch 20g, sắc uống.

  • Trị phù do Tỳ hư: bài Ngũ linh tán: Bạch linh, Bạch truật, Trư linh, Trạch tả, Quế chi, sắc uống.
  • Trị đau nhức khớp do phong thấp: dùng Bạch truật kết hợp Uy linh tiên, Phòng kỷ, Tang chi, có tác dụng kiện tỳ trừ thấp chỉ thống.

Chú ý:

  1. Liều thường dùng: 5 - 15g, để thông tiện dùng 60 - 120g.
  2. Trường hợp táo thấp lợi thủy thì dùng sống, nếu dùng bổ khí kiện Tỳ, chỉ hãn, an thai thì dùng sao.
  3. Thuốc có tính ôn táo nên dùng thận trọng đối với bệnh nhân âm hư nội nhiệt. Trường hợp có triệu chứng khí trệ như ngực bụng đầy tức nếu dùng Bạch truật nên gia thêm thuốc hành khí như Trần bì, Mộc hương, Sa nhân.
  4. So với Thương truật tính vị cay táo nhiều mà ít có tác dụng bổ, còn Bạch truật vị ngọt đắng, tính ôn, hơi cay nên tác dụng bổ nhiều hơn, tán dùng kiện tỳ tốt.
  5. Bạch truật tính táo, Thận kinh lại hay bế khí nên những người Can Thận có động khí cấm dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).
  6. Phàm uất kết, khí trệ, trướng bỉ, tích tụ, suyễn khó thở, bao tử đau do hỏa, ung thư (mụn nhọt) có nhiều mủ, người gầy, đen mà khí thực phát ra đầy trướng, không nên dùng (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
  7. Âm hư, táo khát, khí trệ, đầy trướng, có hòn khối (bỉ), không dùng(Trung Dược Đại Từ Điển).
  8. Âm hư hỏa thịnh, thận hư cấm dùng. Kỵ Đào, Lý, Tùng, Thái, thịt chim sẻ, Thanh ngư (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).