Bệnh tuyến giáp những loại bệnh bướu tuyến giáp thường gặp

Những bệnh tuyến giáp phổ biến như Phình giáp, bướu nhân giáp, ung thư tuyến giáp… do rối loạn nội tiết, lành tính có thể tự khỏi, nhưng ác tính cần điều trị sớm.

Jun 25, 2022 - 20:27
 0  21
Bệnh tuyến giáp những loại bệnh bướu tuyến giáp thường gặp
Bệnh tuyến giáp là bệnh lý nội tiết khá phổ biến gây ra do tình trạng bất thường về mặt cấu trúc, chức năng của tuyến giáp. Phân loại bệnh lý tuyến giáp: - Bướu giáp đơn thuần: bướu giáp đơn thuần là một bướu giáp lan tỏa, không thay đổi về nồng độ hormone giáp, không có triệu chứng của viêm giáp hay ung thư giáp.

Bướu giáp (bướu cổ, bướu tuyến giáp) là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến. Phần lớn người bệnh có bướu tuyến giáp lành tính, điều trị đơn giản nhưng cũng có thể thuộc dạng ác tính.

Phình giáp

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết), 80% bướu tuyến giáp là bướu cổ lành tính (y học gọi là bướu cổ đơn thuần hay phình giáp). Bệnh xuất hiện với tình trạng sưng lên của tuyến giáp, kích thước tăng lên bất thường. Có nhiều nguyên nhân gây ra bướu cổ lành tính như chế độ ăn thiếu iốt; rối loạn nội tiết tố nữ ở giai đoạn dậy thì, mang thai, sinh con, tiền mãn kinh; do chất kháng giáp; sự bất thường trong tổng hợp hormone tuyến giáp; tiêu chảy kéo dài; thận hư...

Bệnh này thường gặp ở nữ hơn nam giới. Bướu cổ lành tính diễn ra âm thầm và rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Khối u to xuất hiện mà không làm thay đổi đến chức năng tiết hormon của tuyến giáp. Khi bệnh tiến triển kèm theo khối u phát triển, người bệnh dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu như sờ thấy một khối u ở giữa cổ, có ranh giới rõ ràng, không dính vào da, không đau, di động theo nhịp nuốt. Khi bướu cổ to có thể gây nên tình trạng chèn ép khó chịu.

Bướu giáp nhân

Bướu giáp nhân có dạng đơn nhân hoặc nhiều nhân (bướu giáp đa nhân) lành tính. Người bệnh sẽ thấy có nhiều khối tròn đường kính từ 0,5 cm đến vài cm ở quanh cổ. Lúc này, người bệnh có cảm giác khó thở do khối u chèn ép, thậm chí khó nói, nói khàn, nói hai giọng... khi chèn ép dây thần kinh. Phù mặt, phù cổ, lồng ngực căng phồng do khối u chèn ép tĩnh mạch chủ cũng có thể xuất hiện.

Theo bác sĩ Trâm, bệnh bướu cổ lành tính và tự khỏi ở một số bệnh nhân. Khi bướu có nhân, phương pháp tối ưu nhất trong điều trị là sử dụng phẫu thuật. Phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả của phẫu thuật càng cao. Người bị phình giáp hay bướu giáp nhân đều bị chèn ép ở cổ tùy vào kích thước và vị trí của của bướu giáp. Trong số những người mắc bệnh bướu giáp có khoảng 5-10% trường hợp u ác.

Ung thư tuyến giáp

Bác sĩ Trâm chia sẻ thêm, ung thư tuyến giáp xảy ra trong 5-10% bệnh nhân có nhân giáp. Nguyên nhân do sự phân chia tế bào tuyến giáp bất thường. Hai loại ung thư bao gồm ung thư giáp biệt hóa thể nhú và ung thư nang chiếm khoảng 90% trong các loại ung thư giáp. Dấu hiệu ban đầu giống bướu cổ thông thường nên dễ bị bỏ qua.

Nếu phát hiện ung thư tuyến giáp, người bệnh cần tiến hành phẫu thuật sớm. Siêu âm sẽ thấy các biểu hiện nhân đặc, hạch, vôi hóa... Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA). Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp iốt phóng xạ, mổ nội soi hoặc mổ mở.

Bướu cường giáp

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tình trạng dư thừa này có thể do một số nguyên nhân, bao gồm cả viêm tuyến giáp hoặc bệnh Graves (bệnh bướu độc lan tỏa). Tình trạng cường giáp xảy ra gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh hoặc không đều; khó ngủ; khó chịu và lo lắng; mệt mỏi; nóng bức; đi tiêu thường xuyên, tiêu chảy; gầy sút cân, phình giáp (cổ to).

Nếu không được điều trị, bệnh Graves có thể gây nhiễm độc giáp nghiêm trọng, xảy ra nhiễm độc giáp đe dọa tính mạng (cơn bão giáp). Nhiễm độc giáp nặng kéo dài dẫn đến sụt cân nghiêm trọng kèm theo dị hóa xương và cơ, biến chứng tim, biến chứng tâm thần. Bệnh Graves cũng liên quan đến các vấn đề nhãn khoa, da và bạch cầu.

Bão giáp là một trạng thái nhiễm độc giáp phóng đại. Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân bị nhiễm độc giáp không được phát hiện hoặc điều trị không đầy đủ hay một sự kiện kết tủa chồng chất như phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật không giáp, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Bác sĩ Trâm cho biết hiện nay với liệu pháp tích cực và nhận biết sớm hội chứng, tỷ lệ tử vong do bão giáp chỉ ở mức 20%.

Phương pháp điều trị cường giáp bao gồm điều trị nội khoa bằng thuốc, liệu pháp điều trị phóng xạ bằng cách uống iốt có gắn chất phóng xạ hoặc điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật tuyến giáp.

Trái ngược với cường giáp là tình trạng suy giáp, xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone. Đây là rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, có thể khiến các quá trình trong cơ thể bị chậm lại. Các triệu chứng bệnh suy giáp bao gồm mệt mỏi, sợ lạnh, da khô, nhịp tim chậm, chuột rút, táo bón, tăng cân...

Phương pháp điều trị suy giáp thường là bổ sung hormone tuyến giáp nhằm kiểm soát các triệu chứng. Nếu suy giáp không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng tim mạch, vô sinh.

Theo vnexpress