Cây Ké Hoa Đào (Phan Thiên Hoa) – Urena lobata L. (Urena monopetala Lour., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.)

Cây ké hoa đào (Phan thiên hoa) là cây thuốc quý thuộc họ Bông, có tác dụng trừ phong lợi thấp, thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa cảm mạo, phong thấp, viêm họng, ho ra máu, kiết lỵ, viêm thận và mụn nhọt.

Aug 2, 2024 - 10:02
 0  15

Cây Ké Hoa Đào gọi là Phan thiên hoa, tiêu phan thiên hoa, nha khác mòn (Thái), bái lương, bái cúc, vái, địa đào hoa, niêm du tử, dã miền hoa.

Tên khoa học Urena lobata L. (Urena monopetala Lour., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.).

Thuộc họ Bông Malvaceae.

1. Mô tả cây

  • Cây ké hoa đào là một cây thuốc quý, dạng cây nhỡ cao chừng 1m, có cành mang mang nhiều lông mịn hình sao.
  • Lá gần tròn, đường kính 4-6cm, có khi tới 9cm, gân lá hình chân vịt, mép răng cưa và chia thùy, đầu lá nhọn, phía cuối bằng hay hơi bằng, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro nhạt có nhiều lông, dài hình sao.
  • Hoa có cánh màu hồng, mọc đơn độc hay thành đôi ở kẽ lá, đường kính chừng 1.7cm.
  • Quả hình cầu dẹt, có lông, trên có những gai hình móc, đường kính 7-8mm, hạt có vân dọc và có lông gợn ngắn.
  • Mùa hoa: tháng 6-10.

2. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây ké hoa đào mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Còn thấy mọc ở Trung Quốc, Malaixya… Người ta dùng toàn cây hoặc lá phơi khô hay dùng tươi. Thu hái tốt nhất vào các mùa hạ và mùa thu.

Bộ phận dùng: Dùng toàn cây

3. Thành phần hoá học

  • Toàn cây chứa thành phần phenol, axit amin, sterol.
  • Vỏ thân chứa pentose 21.92%, lignin chiếm 6.87%
  • Hạt chứ dầu 13-14%

4. Tác dụng dược lý

Kết quả thử nghiệm in vitro cho thấy cao chiết ethanol từ các loại rễ ké hoa đào, đặc biệt là rễ tơ thủy canh, có tác dụng ức chế enzym α-glucosidase.

  • Tuy nhiên, trên mô hình chuột bị đái tháo đường gây bởi alloxan, tác động hạ glucose huyết của rễ tơ thủy canh còn thấp hơn so với rễ tự nhiên.
  • Do đó cần có những nghiên cứu sâu hơn như gia tăng độ tuổi của rễ tơ để cải thiện hiệu quả hạ đường huyết trên chuột nhằm làm nguồn nguyên liệu trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường typ 2.

5. Vị thuốc Ké hoa đào

Tính vị: Vị cay ngọt, tính bình.

Quy kinh: 2 kinh Phế, Tỳ.

Công dụng:

  • Trừ phong lợi thấp, thanh nhiệt giải độc.

  • Dùng chữa cảm mạo phát sốt, phong thấp đau nhức, lỵ tật (bệnh lỵ), thủy thũng, lâm bệnh (tiểu tiện nhỏ giọt), bạch đới (khí hư, huyết trắng), thổ huyết, ung thũng, ngoại thương xuất huyết.

6. Liều dùng:

  • Cây tươi: 40-80g

  • Cây khô: 20-40g

Cách dùng:

  • Dùng trong sắc uống

  • Dùng ngoài giã đắp

Bài thuốc có vị ké hoa đào

Chữa cảm mạo: Dùng rễ cây ké hoa đào 24g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa viêm họng: Dùng rễ cây ké hoa đào 60g, sắc lấy nước, dùng để ngậm và súc miệng; có thể uống thêm nước sắc, liều lượng nhiều ít tùy tình trạng bệnh.

Chữa ho ra máu: Dùng búp và lá non ké hoa đào 30-60g, rửa sạch, thái nhỏ, thịt lợn nạc lượng thích hợp, hầm lên ăn mỗi ngày 1 lần.

Chữa kiết lỵ: Dùng ké hoa đào 20-40g, phối hợp với ba chẽ 10g; sắc nước uống.

Chữa phong thấp viêm khớp xương đau nhức: Dùng rễ cây ké hoa đào 30-60g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa viêm thận, phù thũng: Dùng rễ ké hoa đào 30-60g, sắc nước uống ngày 2 lần.

Chữa rong huyết: Dùng ké hoa đào 20-40g, phối hợp với mần tưới, chỉ thiên, mã đề – mỗi thứ 10-15g; sắc nước uống.

Chữa khí hư: Dùng rễ hoặc cành lá ké hoa đào 20-40g, phối hợp với chua ngút, bòng bong lá to – mỗi thứ 10-15g; sắc nước uống trong ngày.

Chữa mụn nhọt lở loét, mưng mủ: Dùng rễ cây ké hoa đào giã nát đắp.

Kiêng kỵ

Người hư hàn kiêng dùng


Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam (của TS.Võ Văn Chi), Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, có tác dụng tiêu viêm trừ thấp, lợi tiểu. Công dụng: Rễ dùng chữa: Thấp khớp, đau khớp; Cảm cúm, viêm amidan; Viêm ruột, lỵ, tiêu hóa kém; Bạch đới; Sốt rét; Bướu giáp. Liều dùng 15 - 30g, dạng thuốc sắc. Để trị chấn thương bầm giập, gãy xương, viêm vú, rắn cắn, dùng cành lá giã đắp. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ làm thuốc đắp ngoài trị tê thấp. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác: để chữa lỵ, thêm lá cây Ba chẽ; để chữa rong huyết, thêm Mần tưới, Chỉ thiên, Mã đề; để chữa bạch đới, khí hư, thêm Chua ngút, Bòng bong lá to. Dân gian còn dùng rễ Ké hoa đào sắc uống chữa hen.

Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (nhiều tác giả, Viện Dược liệu), ngoài các phần mô tả, tính vị, công dụng tương tự ở trên, giới thiệu thêm 5 bài thuốc có ké hoa đào như sau:

1- Chữa lỵ, viêm ruột: Rễ hoặc toàn cây Ké hoa đào 30 - 40g, lá Ba chẽ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc chia 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng riêng, toàn cây 40 - 50g, chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.

2- Chữa trẻ em tiêu hóa kém: Rễ tươi Ké hoa đào, rửa sạch, giã ép lấy nước, mỗi lần cho trẻ uống 4 thìa cà-phê, ngày 2 lần, uống liền 4 ngày.

3- Chữa rong kinh, rong huyết: Rễ Ké hoa đào, Mần tưới, Chỉ thiên, Mã đề, mỗi vị 20g. Sắc uống.

4- Chữa khí hư bạch đới: rễ Ké hoa đào, Chua ngút, Bòng bong lá to, mỗi vị 20g, sắc uống.

5- Chữa thủy đậu: Hoa Ké hoa đào phối hợp với hoa Ké hoa vàng mỗi vị 5 - 10g, ăn cùng với cùi dừa.


Nói thêm về Ké hoa đào

Theo tài liệu Trung Quốc, Ké hoa đào có tên Địa đào hoa (地桃花) hay Tiêu phạn thiên hoa (肖梵天花), ở Đài Loan gọi là Sắt mẫu (虱母), ngoài ra còn có nhiều tên địa phương khác. Dưới đây xin giới thiệu thêm một số bài thuốc kinh nghiệm và nghiên cứu lâm sàng về cây Ké hoa đào theo sách Trung dược Đại từ điển để bổ sung kinh nghiệm thuốc Nam của ta đã giới thiệu ở kỳ trước.

Bài thuốc kinh nghiệm

1.Trị cảm mạo: Rễ Ké hoa đào 30g, sắc uống.

2. Trị viêm khớp dạng thấp: Rễ tươi Ké hoa đào 40-80g, giò heo 1 cái, đổ nửa rượu nửa nước, chưng cách thủy 3 giờ, lấy nước uống.

3.Trị đau khớp phong thấp, viêm ruột, kiết lỵ: Rễ khô Ké hoa đào 40-80g, sắc uống.

4. Trị song đơn hầu nga (viêm amidan một hay hai bên), lâm bệnh (tiểu buốt, viêm tiết niệu), ngoại cảm nóng lạnh, kiết lỵ: Rễ ké hoa đào 80g, sắc ngậm súc miệng và uống trong.

5. Trị phổi xuất huyết: Ngọn lá tươi Ké hoa đào 40-80g, rửa sạch xắt nhỏ, thịt heo nạc (lượng vừa đủ), đổ nước chưng cách thủy, đem ăn mỗi ngày 1 lần.

6. Trị bạch trọc, bạch đới: Rễ tươi Ké  hoa đào 40-80g, sắc uống.

7. Trị viêm thận, phù thũng: Rễ tươi Ké hoa đào 40-80g, thêm nước nấu uống, ngày 2 lần.

8. Trị nhọt vú phụ nữ: Lá tươi Ké hoa đào, dùng nước lạnh rửa sạch, trộn với bã rượu giã nhuyễn đắp lên nhọt, khi khô đổi miếng khác.

9. Trị mụt nhọt, tháo mủ: Rễ tươi Ké hoa đào giã nhuyễn đắp lên.

10. Trị rắn độc cắn, cấp kinh phong, phá thương phong, hen suyễn: Ké hoa đào tươi 80g, giã nhuyễn, đổ vào 160ml nước vo gạo nếp hoặc gạo thường, trộn đều rồi lọc lấy nước uống. Nếu bị rắn cắn thì lấy bã thuốc đắp lên nơi bị cắn.

11. Trị vết thương chém chặt, nhọt độc, rắn cắn: Lá tươi Ké hoa đào giã nhuyễn đắp lên.

Nghiên cứu lâm sàng trị liệu chứng lỵ cấp tính

Dùng rễ tươi Ké hoa đào 1 cân (600g), dùng nước sắc 2 lần, lọc qua, rồi đổ chung sắc còn lại 500ml, gia 1,5g sodium benzoate, cho vào lọ dùng dần. Trẻ 1-3 tuổi mỗi ngày uống 80ml; 4-9 tuổi: 120ml; 10-15 tuổi: 200ml; 16 tuổi trở lên: 250ml; chia uống 2 lần. Cũng có thể dùng rễ tươi Ké hoa đào 120-200g (loại khô 80-120g) sắc nước chia uống 3 lần. Tổng cộng trị 73 ca,  khỏi hẳn (triệu chứng bệnh mất hẳn, thể lực hồi phục, đi cầu mỗi ngày từ 2 lần trở xuống, quan sát mắt thường không thấy dịch nhầy, máu mủ) 59 ca, chuyển biến tốt 10 ca, vô hiệu 3 ca, không xác định 1 ca. Thời gian trị khỏi bệnh bình quân là 4,5 ngày (tính trên 59 trường hợp), dài nhất là 12 ngày. Có 5 ca phát sốt, sau uống thuốc trong 8 giờ, 1 ca trở lại bình thường; trong 24 giờ có 3 ca hết sốt; trong 48 giờ có 1 ca hết sốt. Có 67 ca đau bụng, sau 24 giờ uống thuốc có 36 ca hết đau; chứng đi cầu ra máu và mót rặn đa số trong 3 ngày đều khỏi.

Lưu ý: Cần phân biệt Ké hoa đào với một cây có thân và hoa quả rất giống nhưng lá khác hình, gọi là Ké khuyết, sẽ giới thiệu kỹ hơn vào kỳ sau.


KÉ HOA ĐÀO

Urena lobata L., 1753

Urena lobata var. genuina Miq., 1854

Họ: Bông Malvaceae

Bộ: Bông Malvales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây thân gỗ nhỏ, cao 1 m. Cành có lông hình sao, phân cành sớm. Lá mọc so le, chia thuỳ nông, mặt trên xanh, mặt dưới xám, có lông, mép khía răng, gân chính có một tuyến ở gốc. Hoa màu hồng như hoa đào, mọc riêng lẻ hay thành đôi nách lá. Quả hình cầu dẹt, có lông, chia 5 mảnh, phía trên có nhiều gai móc. Hạt có vân dọc.

Sinh học, sinh thái:

Loài mọc hoang trên các bãi trống, ven đường đi từ độ cao thấp đến 1.500m so với mặt biển. Quả có gai móc nên thường dính vào cơ thể các loài động vật kiến sự phát tán rất xa. Cây ưa sáng, thích hợp với nhiều kiểu địa hình và loại đất khác nhau, kể cả đất cằn. Cây có khả năng chịu hạn. Tái sinh hạt và chồi rất mạnh.

Phân bố:

Trong nước: Cây mọc ở hầu như rộng khắp các vùng từ Bắc đến Nam.

Nước ngoài: Cây có phổ rộng khắp các khu vực xích đạo ở các vĩ tuyến vùng nhiệt đời và không ghi nhận ở vùng ôn đới.

Công dụng: 

Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây có thể dùng chữa: Thấp khớp, Cảm cúm, viêm amygdal; Viêm ruột, lỵ, Sốt rét; dùng ngoài, lấy toàn cây trị chấn thương bầm giập, gãy, vết thương, viêm vú, rắn cắn. Lá cây rửa sạch dã nhỏ, trộn ít muối dung để đắp các vết thương làm mủ.

Mô tả loài: Cây cỏ có ích ở Việt Nam - Trần Hợp, Võ Văn Chi - trang 256.

Files