Cây Măng Cụt (Garcinia mangostana, Mangostana garcinia Gaertner)

Theo Đông y, vỏ quả măng cụt có vị chua chát, tính bình, đi vào hai kinh phế và đại tràng, có công năng thu liễn, sáp trường, chi huyết, dùng trị tiêu chảy, ngộ độc chất ăn, khi bệnh thuyên giảm thì thôi, dùng lâu sinh táo bón.

May 16, 2023 - 22:10
 0  38
Cây Măng Cụt (Garcinia mangostana, Mangostana garcinia Gaertner)
Cây Măng cụt (Tên khoa học: Garcinia mangostana) hay còn được gọi là quả tỏi ngọt, là một loài cây thuộc họ Bứa (Clusiaceae).
Cây Măng Cụt (Garcinia mangostana, Mangostana garcinia Gaertner)
Cây Măng Cụt (Garcinia mangostana, Mangostana garcinia Gaertner)

Tên khác:  Sơn trúc tử, Giáng châu.

Tên khoa học:  Garcinia mangostana L.

Tên đồng nghĩa:  Mangostana garcinia Gaertner

Họ:  Bứa (Clusiaceae)

Tên nước ngoài: Mangosteen, brindonia tallow tree, kokambutter tree (Anh); mangoustan cultivé, mangoustanier, garcinie mangoustan (Pháp).

Mô tả cây

Cây gỗ vừa, cao 12-25 m, phân nhiều nhánh đối chéo nhau và nằm ngang, có chất nhựa mủ màu vàng, không lông. Thân non màu xanh lục, mặt ngoài có nhiều khía dọc, tiết diện hình chữ nhật; thân già màu xám đen, sần sùi có nhiều rãnh nứt dọc, tiết diện tròn. Lá đơn, mọc đối, không có lá kèm. Phiến lá bóng, dày và dai, hình elip thuôn dài, gốc gần tròn, mũi nhọn, màu xanh lục mặt trên đậm hơn mặt dưới, bìa nguyên, dài 19-22 cm, rộng 8-10 cm. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở hai mặt, gân phụ dày đặc 40-50 cặp song song khít nhau. Cuống lá chắc, hình trụ phẳng mặt trên và hơi phình ở đáy, có nhiều sọc ngang lồi lõm, màu xanh, dài 2-2,5 cm. Hoa mọc riêng lẻ hay 2-3 hoa ở nách lá hay ngọn cành. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa ngắn hơi phình ở gốc, màu xanh, mặt ngoài có nhiều khía dọc, tiết diện đa giác, dài 0,8-1 cm. Lá bắc dạng vẩy tam giác dài 0,7-1 cm, khô xác, rụng sớm. Lá bắc con 2, nằm ở đoạn giữa cuống hoa, dạng vẩy tam giác đỉnh bầu, dài 0,8-1 cm, màu vàng nâu, rụng sớm. Lá đài 4, rời, không đều, khum hình lòng muỗng; 2 lá đài ở ngoài mặt ngoài màu xanh mặt trong màu đỏ tía, đường kính 2-2,5 cm; 2 lá đài ở trong có màu đỏ tía, đường kính 3-3,5 cm; tồn tại. Cánh hoa 4, rời, nhẵn bóng, hình bầu dục, phiến dày ở gốc mỏng dần ở đỉnh, màu vàng có lẫn màu đỏ tía, dài 3,5-4 cm, rộng 3-3,5 cm. Bộ nhị gồm 11-15 nhị, rời, không đều, dài 0,2-0,4 cm, đính một vòng trên đế hoa; chỉ nhị dạng sợi dẹt, màu vàng nâu, nhẵn; bao phấn hình bầu dục dẹt, màu vàng nâu, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy; hạt phấn hình bầu dục 2 đầu nhọn, dài 20-23 µm, rộng 18-20 µm, bề mặt có vân. Bộ nhụy 6-8 lá noãn dính, bầu trên 6-8 ô, mỗi ô 1 noãn, đính noãn trung trụ; bầu hình cầu to, đường kính 0,5-0,8 cm, màu vàng xanh; vòi nhụy rất ngắn gần như không có; đầu nhụy to nằm trên đỉnh bầu, dạng khối màu vàng hơi lõm ở giữa và chia thành 6-8 thùy, bề mặt có nhiều vân. Cuống hoa, đế hoa, đài hoa, cánh hoa và bầu noãn thường có chất nhựa mủ màu vàng tiết ra thành từng chấm nhỏ. Quả mọng hình cầu mang đài và đầu nhụy tồn tại, đường kính 5-6 cm, vỏ quả màu tím đỏ, dai, xốp. Hạt có lớp áo hạt trắng và ngọt.

Đặc điểm bột dược liệu: 

Bột vỏ quả Măng cụt có màu nâu, không mùi, vị hơi chát, gồm các thành phần sau: Tế bào mô cứng nhiều, riêng lẻ hay dính nhau 2-3 tế bào, hình dạng và kích thước thay đổi, vách rất dày, ống trao đổi rõ. Sợi vách dày, ống trao đổi rõ, riêng lẻ hay dính lại thành đám. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, có thể có chứa hạt tinh bột. Hạt tinh bột hình cầu, kích thước 5-10 µm, nằm riêng lẻ hay tụ lại thành đám. Mảnh mạch gồm mạch xoắn, mạch vạch. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Khối nhựa có màu vàng, vàng nâu, cam.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Măng cụt hiện được trồng rộng rãi ở Nam Bộ nước ta. Ngoài ra còn được trồng ở một số nước trong khu vực như: Philippin, Indonesia, Malaysia.

Bộ phận dùng: 

Vỏ quả (Pericarpium Garciniae mangostanae), lấy ở những quả già đã chín, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Áo hạt măng cụt không thấy được khảo cứu. Phần lớn các công tác đều hướng về vỏ quả. Thành phần chính đã được xác định là một loạt xanthon mà những chất chính là mangostin, a-mangostin, b-mangostin, g-mangostin, các isomangostin, normangostin, bên cạnh trioxyxanthon, pyranoxanthon, dihydroxy methyl butenyl xanthon, trihydroxy methyl butenyl xanthon, pyrano xanthenon. Các garcinon A, B, C, D, E, mangostinon, garcimangoson A, B, C, gartanin, egonol, epicatechin, procyanidin từ măng cụt nguồn gốc Việt Nam, benzophenon glucosid tuy số lượng ít cũng đã được tìm ra. Cũng có một vài bản báo cáo trình bày thành phần hóa học của lá măng cụt. Bên cạnh protein (7,8 %), tanin (11,2 %), đã được xác định là các trihydroxy methoxy methyl butenyl xanthon, ethyl methyl maleimid glucopyranosid, cùng các triterpenoid như cycloartenol, friedlin, b-sitosterol, betulin, mangiferadiol, mangiferolic acid, cyclolanostendiol, hydroxy cyclolanostenon. Từ ruột thân cây, tetrahydroxy xanthon và dẫn xuất O-glucosid của nó cùng pentahydroxy xanthon, maclurin, cũng đã được tìm ra. Còn tử y (?) thì chứa đựng mangostin, các calaba xanthon, dihydroxy và trihydroxy dimethyl allyl xanthon.

Các hợp chất polysaccharide và xanthone được tìm thấy trong quả, lá và lõi gỗ của măng cụt. Trái cây chín hoàn toàn chứa xanthone, garthanin, 8-disoxygartanin và normangostin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Nước sắc vỏ măng cụt làm thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da).

Xem thêm tác dụng về Cây Măng Cụt

Các nghiên cứu về Cây măng cụt (Măng cụt (Garcinia mangostana L.))

Garcinia là một chi lớn gồm các cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, trừ châu Mỹ. Một vài loài có quả ăn được. Ở Việt Nam, chi này có 25 loài, đều là những cây gỗ lớn. Măng cụt là cây trồng có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á. Các nước trong khu vực này cũng là nơi trồng nhiều măng cụt nhất thế giới. Ở Việt Nam, măng cụt chỉ trồng được ở miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ.

Vỏ quả măng cụt có tác dụng làm săn, gây đông tinh dịch, nên giữ tinh trùng bên trong tinh dịch bị đông làm ảnh hưởng đến khả năng di động và thụ tinh của tinh trùng. Vỏ quả măng cụt còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và chặn miễn dịch (Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập II, 239-241).

STT

TIÊU ĐỀ

1

Hoạt tính kháng vi sinh vật và chống oxy hoá của gartanin và 8-desoxy gartanin phân lập từ  vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.)

2

Phân lập catechin và epicatechin từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.)

3

Hoạt tính ức chế sự phát triển tế bào ung thư của mangostin từ vỏ quả măng cụt

4

Hoạt tính kháng vi khuẩn Streptococcus xoang miệng của α-mangostin tinh sạch từ vỏ quả măng cụt

5

Cô lập và xác định cấu trúc năm dẫn xuất từ vỏ trái măng cụt

6

Cô lập xanthon có hoạt tính kháng khuẩn từ vỏ trái măng cụt (Garcinia mangostana L.)

7

Tác dụng của các cao chiết cây thuốc ức chế các thể phân lập từ bệnh viện của staphylococcus aureus kháng methicillin

8

Sự chống tăng sinh, chống oxy hoá và gây giáng hoá tế bào bởi măng cụt (Garcinia mangostana) trên dòng tế bào ung thư vú của người SKBR3

9

Thành phần polyphenol của vỏ quả măng cụt và tác dụng ức chế sự sinh acid của vi khuẩn Streptococcus mutans GS-5

10

Điều tra tác dụng kháng vi khuẩn sâu răng streptoccocus mutans của một số thực vật Việt Nam

11

Những cây thuốc thường dùng chữa 7 bệnh và chứng theo kinh nghiệm của nhân dân xã Thuỷ Phù

12

New xanthones and cytotoxic constituents from Garcinia mangostana fruit hulls against human hepatocellular, breast, and colorectal cancer cell lines.

13

γ-Mangostin increases serotonin 2A/2C, muscarinic, histamine and bradykinin receptor mRNA expression.

14

Microbial metabolism of α-mangostin isolated from Garcinia mangostana L.

15

Thu nhận và tim hiểu tác dụng sinh học của chế phẩm chứa xanthone từ vỏ quả măng cụt Garcinia mangostana L.

16

Garcinia mangostana L.: a phytochemical and pharmacological review.

17

Garcinone E, a xanthone derivative, has potent cytotoxic effect against hepatocellular carcinoma cell lines.

18

Antibacterial activity of alpha-mangostin against vancomycin resistant Enterococci (VRE) and synergism with antibiotics.

Tài liệu toàn văn tra cứu tại Trung tâm TT-TV (Phòng Thư viện)

(Nguồn tin: Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện Dược liệu)