CỐC NHA (Fructus Oryzae Sativae)

Cốc nha dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Danh y biệt lục" là hạt cây Lúa Oryza sativa L. ngâm cho nẩy mầm phơi khô; là Cốc nha sống (Sinh Cốc nha), sao lên gọi là Sao Cốc nha, sao cháy đen gọi là Tiêu cốc nha. Cây Lúa thuộc họ Lúa (Gramineae).

Oct 26, 2020 - 11:31
 0  39
CỐC NHA  (Fructus Oryzae Sativae)
Cây Lúa - Oryza sativa L., thuộc họ Lúa - Poaceae.

Tính vị qui kinh:

Cốc nha vị ngọt tính bình, qui kinh Tỳ vị.

Theo các sách thuốc cổ:

Sách Bản thảo cương mục: ngọt ôn không độc.
Sách Bản thảo kinh sơ: vị đắng không độc.
Sách Bản thảo hội ngôn: vào 2 kinh Tỳ vị.
Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc quyết âm can kinh, thủ thiếu âm tâm kinh.
Sách Bản thảo tái tân: nhập 2 kinh Tỳ phế.Thành phần chủ yếu:

Tinh bột, chất béo, protid, maltose, saccharose, amylase, malttase, Vitamin B, C, lecithin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Cốc nha có tác dụng: tiêu thực hòa trung, kiện tỳ khai vị. Chủ trị chứng thực tích đình trệ, tỳ hư thực thiểu (ăn ít).

Trích đoạn Y văn cổ:

Sách Danh y biệt lục: " chủ hàn trung hạ khí trừ nhiệt".

Sách Bản thảo cương mục: " là thuốc chủ yếu tiêu thực kiện tỳ khai vị hòa trung, tỳ vị hòa tắc trung tự ôn, khí tư hạ nhiệt tự trừ dã".

Sách Bản kinh phùng nguyên: " cốc nha khởi tỳ tiến thực, khoan trung tiêu cốc, bổ trung ..."

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Cốc nha có men amylase có tác dụng trợ tiêu hóa, trị được bệnh cước khí.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, bụng đầy đau:

Sao Cốc nha, Sao Mạch nha, Tiêu Sơn tra, Tiêu thần khúc đều 10g, Sao La bạc tử 6g, sắc uống.
Sao Cốc nha 10g, Thương truật, Kê nội kim, Chích thảo đều 6g, sắc uống.

2.Trị chứng chán ăn do tỳ vị hư nhược:

Cốc thần hoàn, Cốc nha 15g, Chích thảo 6g, Sa nhân 5g, Bạch truật 10g, sắc nước uống.

Liều thường dùng và chú ý:

Liều 10 - 15g sắc uống, liều cao có thể dùng tới 30g.

Chú ý: Cốc nha dùng sống có tác dụng hòa trung, sao thì tiêu thực, sao cháy đen thì hóa tích. Có thể dùng cùng một lúc Cốc nha sống và sao.