Đại Hồi (Fructus Anisi Stellati): Công Dụng Trong Y Học Cổ Truyền Và Nghiên Cứu Hiện Đại

Đại Hồi, còn được gọi là Bát giác hồi hương, là một dược liệu quý trong y học cổ truyền. Với tác dụng tán hàn, ấm can, ôn thận, Đại Hồi được sử dụng để điều trị các bệnh về tiêu hóa, đau bụng do lạnh, và đau lưng do thận hư. Nghiên cứu hiện đại cũng khẳng định tác dụng kháng khuẩn và hóa đàm của Đại Hồi.

Aug 21, 2024 - 10:20
 0  9
Đại Hồi (Fructus Anisi Stellati): Công Dụng Trong Y Học Cổ Truyền Và Nghiên Cứu Hiện Đại
Cây đại hồi hay đại hồi hương hoặc bát giác hồi hương hoặc đơn giản chỉ là cây hồi hay tai vị hoặc hoa hồi, Tên khoa học Illicium verum

Còn gọi là đại hồi, bát giác hồi hương, đại hồi hương.

Tên khoa học Illicium verum Hook.f.

Thuộc họ Hồi Illiciaceae.

Đại hồi hay bất giác hồi hương (Fructus Anisi Stellati hoặc Anisum stellatum hay Illicium) là quả chín phơi khô của cây hồi.

Hồi là về, hương là thơm, thịt thiu hay tương thối cho ít đại hồi vào nấu thì mùi thơm lại trở về do đó có tên.

Mô tả cây

Hồi là một cây nhỡ cao 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, dòn, vò nát có mùi thơm. Hoa khá to, mọc đơn độc ở kẽ lá, cánh hoa màu trắng ở phía ngoài, hồng thắm ở mặt trong. Quả hồi (nhân dân vẫn gọi nhầm là hoa hồi tiếng Thổ là mác hồi hay mác chắc gồm 6-8 đại (cánh), có khi tới 12-13 đại xếp thành hình ngôi sao, đường kính trung bình 2,5-3cm, dày 6-10mm. Tươi có màu xanh, khi chín khô cứng thì có màu nâu hồng. Trên mỗi đại sẽ nứt làm hai, để lộ một hạt màu nâu nhạt, nhẵn bóng. Lá, cuống, hoa và quả đều chứa tinh dầu.

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây hồi đặc biệt chi mọc trong một khu vực nhỏ chiếm khoảng 5.000km2 ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, một số ít ở hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc) giáp giới Việt Nam. Một số nơi khác cũng có trong nhưng không đáng kể như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Trước đây người ta thường lẫn nó với cây hồi Nhật Bản Illicium anisatum Lour, có chất độc, hoặc cây hồi núi Illicium griffithii (xem cây này) cũng có chất độc.

Hồi hái vào hai vụ tháng 7-8 (hồi mùa) và II- 12 (hồi chiêm). Ngoài hai vụ chính, còn một vụ quả lớp rụng sớm vào tháng 3. Hồi hái về phơi nắng cho khô hẳn. Dùng cất tinh dầu hay tiêu thụ nguyên quả làm thuốc.

Mỗi cây, hàng năm cho từ 80-100kg quả tươi và như vậy luôn trong 40-50 năm. Thường một năm được mùa, một năm kém. Trên thị trường người ta chia hồi thành ba loại.

Loại 1: có 8 cánh to đều nhau, màu nâu đỏ (hồi đại hồng).

Loại 2: có 1 cánh trở lên bị lép, màu nâu đen.

Loại 3: có 3 cánh trở lên bị lép, màu nâu đen. 

Loại hồi xô gồm lẫn lộn cả 3 loại trên.

Thành phần hoá học

Trong quả hồi ngoài các chất như chất nhầy, đường, chủ yếu chứa tinh dầu từ 3-3,5% (tươi) hoặc 9-10% hay hơn (khô). Tinh dầu hồi là một chất lỏng không màu, hay vàng nhạt, tỷ trọng ở +15°C từ 0,980 đến 0,990, độ đông đặc từ 14- 18°C. Trong tỉnh dầu có 80-90% anethol, còn lại la tecpen, pinen, dipenten, limonen, estragola, safrola, tecpineola v.v…

Lá hồi cũng chứa tinh dầu với thành phần gần tương tự. Độ đồng đặc hơi thấp hơn (13- 14°C), nhưng nếu trộn cả tinh dầu lá và tinh dầu quả thì ta được một tinh dầu có độ đông vào khoảng 10°C.

Công dụng và liều dùng

Hồi là một vị thuốc được dùng trong cả đồng y và tây y.

Tây y dùng hồi làm thuốc trung tiện (carminatif), giúp tiêu hoá, lợi sữa. Tác dụng trên hệ thống thần kinh và cơ (dịu đau, dịu co bóp) được dùng trong đau dạ dày, đau ruột và trong những trường hợp dạ dày và ruột co bóp quá mạnh. Ngoài ra còn được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng. Tuy nhiên nếu dùng nhiều và với liều cao quá sẽ gây ngộ độc. với hiện tượng say, run chân tay, sung huyết não và phổi, trạng thái ngày có khi tới co giật như động kinh.

Theo tài liệu cổ đại hồi có vị cay, tính ôn, vào 4 kinh can, thận, tỳ và vị. Có tác dụng đuổi hàn, kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc của thịt cá. Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được.

Thường dùng hiện nay làm thuốc giúp sự tiêu hoá, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4 đến 8g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp.

Ngoài ra hồi còn được dùng làm gia vị, chế húng lìu nấu thịt bò, các thịt khác.

Những vị thuốc khác mang tên hồi

Ngoài cây đại hồi nói trên, hiện ta đang di thực thêm cây tiểu hồi hay hồi hương có tên khoa học Foeniculum vulgare Miller (Foeniculum capillaceum Gilibert) thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae). Đây là một loại cỏ nhỏ, phiến lá cắt thành sợi nhỏ, thoáng trông giống lá cây thìa là (Anethum graveolens L. cùng họ). Toàn cây và có mùi thơm của hồi.

Quả nhỏ như hạt thóc được dùng làm thuốc với tên hồi hương hay tiểu hồi hương hoặc tiểu hồi-Foeniculum-Fructus Foeniculi. Trong quá có 3-12% tinh dầu với thành phần chủ yếu là 50- 70% anethol, ngoài ra còn estragol, metyleugenol, andchyt và axeton anisic. camphen. Cùng một công dụng như đại hồi.

Tại các hiệu “thuốc tây” ở nước ta trước đây, cũng như Dược điển các nước châu Âu thường dùng quả một cây khác: Dương hồi hương- Pimpinella anisum L. cũng thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae). Quả nhỏ hình trứng, dưới đáy phình ra. Thành phần và công dụng tương tự như đại hồi và tiểu hồi.


THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA VỊ THUỐC ĐẠI HỒI (Illicium verum)

Qủa đại hồi có chứa 8 - 9% tinh dầu, khi mới thu hoạch có thể chứa 10 - 15%. Dược Điển Việt Nam V qui định hàm lượng tinh dầu từ quả khô không dưới 7%. Tinh dầu đại hồi có thể chất lỏng không màu hoặc vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, kết tinh khi để lạnh (-2o đến 1o). Theo nhiều tài liệu nghiên cứu tinh dầu đại hồi gồm có 6 thành phần chính là trans-anethol (84-93%), linalool (0.1-1.5%), estragol (0.3-6%), terpincol (0.1.-1.5%), cis-anethol (<0.5%), anisaldehyde (0.1-3.5  %).  [1], [3]

Vào năm 2010, Yongfu Huang và cộng sự đã chiết xuất tinh dầu bằng phương pháp chưng cất Hydro (Hydrodistillation), tinh dầu sau khi chiết đã được phân tích thành phần hóa học bằng phương pháp sắc ký khí (GC) và sắc ký khí-khối phổ (GC-MS), kết quả đã tìm thấy: trans-anethole (89,5%), 2-(1-cyclopentenyl)-furan (0,9%) và cis-anethol (0,7%) là các thành phần quan trọng trong số 22 hợp chất đã được xác định như: Camphen, β-Myrcene, α‐Phellandren, δ‐3-Caren, p-Cymen, Limonene, trans-Ocimen, α‐terpinen, Terpinolen, Linalool, Terpinen‐4‐ol, Isobornyl thiocyanoacetat, γ‐Terpineol, cis- Anethol, trans- Anethol,  β‐Elemene, Cyperen, β‐caryophyllene, α ‐caryophyllene, (+)-9- Epiledren, Cubeben, 2-(1-cyclopentenyl)-Furan. [2]

Năm 2010, Jyh-Ferng Yang và cộng sự đã phân tích thành phần hóa học của Đại hồi bằng phép đo quang phổ trong dịch chiết dietyl ete thu được từ chiết tách phân đoạn và chiết xuất CO2 siêu tới hạn, kết quả đã tìm thấy 4 hoạt chất là (E)-anethole, anisyl axeton, anisyl alcohol và anisyl aldehyde . [3]

1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

2. Matos, L. F., da Cruz Lima, E., de Andrade Dutra, K., Navarro, D. M. D. A. F., Alves, J. L. R., & Silva, G. N. (2020). Chemical composition and insecticidal effect of essential oils from Illicium verum and Eugenia caryophyllus on Callosobruchus maculatus in cowpea. Industrial Crops and Products, 145, 112088.

3.Yang, J. F., Yang, C. H., Chang, H. W., Yang, C. S., Wang, S. M., Hsieh, M. C., & Chuang, L. Y. (2010). Chemical composition and antibacterial activities of Illicium verum against antibiotic-resistant pathogens. Journal of medicinal food13(5), 1254-1262.


Thành phần hoá học của tinh dầu hồi (Illicium verum Hook. f.) ở Lạng Sơn

Hồi Lạng Sơn có sự đa dạng lớn về đặc điểm hình thái. Theo đặc điểm số lượng lá noãn, có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm 8 lá noãn, nhóm trung gian và nhóm nhiều lá noãn. Ngoài ra, trong mỗi nhóm còn có sự khác biệt về hình dạng lá, màu sắc hoa và hình dạng quả, nên số lượng các dạng hình thái của loài hồi khá lớn, bước đầu xác định gồm 8 dạng

Mở đầu

Hồi (Illicium verum Hook. f.) là cây kinh tế truyền thống được trồng từ lâu ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh). Sản phẩm chủ yếu của cây hồi  là tinh dầu cất từ quả và quả sấy khô (thường gọi là hoa hồi) sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm và hương liệu. Những năm trước đây, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia duy nhất sản xuất và cung cấp các sản phẩm của cây hồi cho thị trường thế giới. Gần đây, do giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn, một số nước châu Á (Nhật Bản, Philippin,...) đã trồng và bước đầu xuất khẩu các sản phẩm từ cây hồi.

Ở Việt Nam, diện tích trồng Hồi tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây; chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn diện tích Hồi đã lên tới trên 24.000 ha. Ngoài ra, hồi còn được trồng ở một số tỉnh phía Bắc khác (Lai Châu, Lào Cai). Trong quá trình mở rộng diện tích cây Hồi, vấn đề chọn giống và quản lý chất lượng giống không được quan tân đúng mức. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và duy trì ổn định ngành trồng và chế Hồi ở Việt Nam, tuyển chọn giống Hồi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế và nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian hiện nay. Trong những nghiên cứu này, bên cạnh việc tuyển chọn giống Hồi cho tinh dầu theo tiêu chuẩn chất lượng truyền thống (có hàm lượng trans-anethole cao), việc phát hiện các kiểu hoá học (chemotypes) khác để nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thương mại mới từ cây Hồi nằm trong số những nội dung đã và đang được thực hiện. Các kết quả trình bày trong báo cáo này là một phần kết quả của những nghiên cứu nêu trên.

Địa điểm, đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu là các rừng hồi trồng tại một số xã (Bình Phúc, Vân Mộng, Chu Túc) thuộc huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn. Đây là huyện có diện tích hồi lớn nhất của tỉnh. Nghiên cứu được tiến hành vào vụ hồi tứ quý từ tháng 12 năm 2004 đến tháng 1 năm 2005 tại các rừng hồi có tuổi từ 40-60 tuổi.

Kiểu hình thái quả được xác định theo chỉ tiêu số lượng lá noãn (cánh) trên mỗi quả. Mỗi cây được đo đếm ngẫu nhiên ít nhất 500 quả khi còn tươi ở giai đoạn thu hoạch, tính cả các lá noãn bị lép.

Tinh dầu được thu từ quả tươi theo phương pháp lôi cuốn bằng hơi nước (Ginzberg, 1938) trên thiết bị chưng cất tinh dầu có hồi lưu của Hiệp hội Dược phẩm châu Âu. Thời gian chưng cất mỗi mẫu 8 giờ; tinh dầu được loại bỏ nước bằng Natri sunphat trước khi phân tích thành phần hoá học.

Thành phần hoá học của tinh dầu được xác định trên máy sắc ký khí-khối phổ (GC/MS) HP 6890, detectơ Agilen 5973, cột HP-1 kích thước 0,25 àm x 30 m x 0,32 mm, chương trình nhiệt 600C/2 phút - 2200C/4 phút tăng tới 2600C với tốc độ 200C/phút, khí mang He. Ngân hàng dữ liệu sử dụng để tra cứu là Wiley 275 và Nist 98.

Kết quả và thảo luận

Đa dạng hình thái của loài hồi ở Lạng Sơn

Loài Hồi trồng ở Việt Nam, từ lâu đã được xác định là có sự đa dạng lớn về đặc điểm hình thái. Để tiến tới xác định các kiểu hình thái của loài Hồi ở Lạng Sơn làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về đa dạng nguồn gen, thành phần hoá học, và chọn, tạo giống Hồi có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất. Bước đầu đã xác định trong tập đoàn hồi trồng tại Lạng Sơn có sự khác biệt khá rõ về số lượng lá noãn trên mỗi quả. Từ kết quả thu được, cho thấy về đặc điểm số lượng lá noãn trên mỗi quả, hồi Lạng Sơn thuộc 3 nhóm chính:

a. Nhóm quả tám cánh: số lượng lá noãn trên mỗi quả ít nhất là 7 và cao nhất là 10, trong đó số lượng quả có 8 lá noãn (cánh hồi) chiếm tỷ lệ ưu thế, từ 75 đến 91%. Trong nhóm này, rất ít khi có quả có trên 10 lá noãn (chỉ gặp 04 quả có 11 lá noãn trong tổng số quả của 61 cây nghiên cứu). Đây là nhóm có biên độ dao động rất hẹp về số lượng lá noãn và có tỷ lệ cây lớn trong quần thể.

b. Nhóm trung gian: số lượng lá noãn trên mỗi quả dao động từ 5 đến 13, trong đó số quả có 8 lá noãn không vượt quá 60,9%. Trong nhóm này, trên mỗi cây có thể gặp các quả có số lá noãn từ ít nhất tới nhiều nhất.

c. Nhóm quả nhiều lá noãn: lá noãn trên mỗi quả ít nhất là 7 và cao nhất là 13. Số lượng quả có từ 9 đến 13 lá noãn chiếm từ 61,9 đến 95,6%, số quả có 8 lá noãn không có tỷ lệ ưu thế, chỉ dao động trong khoảng 10,0 đến 24,4%.

Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu trước đây của Phan Kế Lộc khi nghiên cứu biến dị của cây Hồi ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, có sự khác biệt về biên độ dao động số lượng lá noãn và tỷ lệ các loại quả trong mỗi nhóm. Trong mỗi nhóm chính nêu trên, còn có sự khác biệt về hình dạng lá, màu sắc hoa và đặc biệt là hình dạng của quả. Nếu tổ hợp sự khác biệt về số lượng lá noãn với sự khác biệt về các đặc điểm khác, hồi Lạng Sơn có rất nhiều dạng hình thái, bước đầu đã xác định được 8 dạng .

Thành phần hoá học của tinh dầu thu từ quả Hồi

Số liệu về thành phần hoá học của tinh dầu thu từ các nhóm hình thái quả được trình bày trong bảng sau (Bảng 1). 

Bảng 1. Thành phần hoá học của tinh dầu hồi thu từ các nhóm hình thái

TT

Hợp chất

Nhóm trung gian

Nhóm 8 cánh

Nhóm nhiều cánh

N.020

N.029

N.033

N.019

N.008

N. 036

N.041

1.

a-pinene

0,96

0,07

0,25

0,14

0,30

0,86

0,14

2.

Phellandrene

0,25

0,14

 

 

 

0,11

0,17

3.

delta. 3-carene

0,09

 

 

0,06

0,19

 

 

4.

Beta.-terpinene

 

 

 

 

 

 

 

5.

Limonene

2,51

2,16

0,18

0,42

3,46

2,13

4,88

6.

1,8-cineol

0,28

0,19

0,18

0,16

0,08

 

 

7.

1,6-octadien

 

 

 

0,12

 

 

0,09

8.

Linalool

0,16

 

 

 

 

0,1

 

9.

4-terpineol

0,11

0,31

 

 

 

 

 

10.

a-terpineol

 

0,13

 

 

 

 

 

11.

Estragole

0,13

0,29

0,23

 

0,19

0,30

0,32

12.

Benzaldehyde

 

 

0,18

 

0,19

0,25

0,50

13.

Trans-anethole

94,46

96,28

96,18

98,86

95,44

96,71

93,52

14.

Caryophyllene

0,27

0,22

0,14

0,10

 

 

 

15.

a- copaene

0,14

 

0,11

 

 

 

 

16.

Trans-a -bergamotene

0,27

 

0,24

 

0,10

0,12

0,18

17.

T-cadinol

 

0,16

 

 

 

 

 

18.

Bicyclo[3.1.1]hept-2-ene

 

 

0,13

0,10

 

 

 

19.

Beta bisabolene

0,11

 

0,09

 

 

 

0,09

20.

Nerolidol

 

 

0,14

 

 

 

 

21.

Delta cardinene

0,10

 

 

 

 

 

 

22.

2-(1-cyclopentenyl) furan or 1-(3-methyl-2-butenoxy)-4-(1-pr.)

 

 

0,89

 

 

0,17

 

(Bảng số liệu trình bày kết quả phân tích một số mẫu cụ thể)

Tinh dầu Hồi hiện nay được thu chủ yếu từ quả. Chất lượng của tinh dầu Hồi trên thị trường thế giới hiện nay được đánh giá qua các chỉ tiêu sau:

- Hàm lượng trans- anethol: là chất chính trong tinh dầu Hồi, tinh dầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có hàm lượng chất này không thấp hơn 85%. Hiện nay trên thị trường lưu hành loại tinh dầu có hàm lượng trans-anethol dao động trong khoảng 85-90%. Hàm lượng anethol quyết định độ đông của tinh dầu.

- Hàm lượng cis-anethol: đây là hợp chất có độc tính cao, để thoả mãn nhu cầu xuất khẩu, hàm lượng chất này trong tinh dầu không được vượt quá 3%.

Kết quả phân tích cho thấy, tất các các mẫu tinh dầu thuộc các nhóm hình thái khác nhau của cây Hồi đều có hàm lượng trans-anethol rất cao, biến động từ 93,16 đến 98,86%. Đặc biệt hàm lượng cis-anethol trong tinh dầu có hàm lượng không đáng kể, trong các mẫu phân tích chất này không xuất hiện ở độ phân giải 0,001%. Không nhận thấy sự khác biệt đáng kể về thành phần hoá học của tinh dầu trong các nhóm hình thái. Với kết quả nêu trên, có thể khảng định tinh dầu hồi của Lạng Sơn thuộc loại có chất lượng rất cao, dù được thu từ bất cứ dạng hình thái nào. Tuy nhiên, trong sản xuất chất lượng sản phẩm chỉ là một trong những chỉ tiêu lựa chọn. Thực tế cho thấy, hồi tứ quý là vụ hồi có hình dạng quả ít phù hợp với tiêu chuẩn thương phẩm của quả hồi khô (kích thước quả nhỏ và không đều, tỷ lệ cánh lép cao), trong khi đó chất lượng tinh dầu rất cao. Vì vậy, nên sử dụng quả của vụ hồi này vào mục đích sản xuất tinh dầu. Các mẫu tinh dầu nghiên cứu đều thuộc một kiểu hoá học có thành phần anethol là chất chính, như vậy, hiện chưa phát hiện được kiểu hoá học mới từ loài hồi trồng tại Lạng Sơn.

Kết luận

- Hồi Lạng Sơn có sự đa dạng lớn về đặc điểm hình thái. Theo đặc điểm số lượng lá noãn, có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm 8 lá noãn, nhóm trung gian và nhóm nhiều lá noãn. Ngoài ra, trong mỗi nhóm còn có sự khác biệt về hình dạng lá, màu sắc hoa và hình dạng quả, nên số lượng các dạng hình thái của loài hồi khá lớn, bước đầu xác định gồm 8 dạng.

- Tinh dầu của quả hồi thu từ các nhóm hình thái chính không khác biệt lớn về thành phần hoá học, đều có hàm lượng trans-anethol rất cao (93,16- 98,86%), và hàm lượng cis-anethol không đáng kể. Với các chỉ tiêu này, tinh dầu hồi của Lạng Sơn có chất lượng rất cao, dù được thu từ bất cứ dạng hình thái nào. Hiện chưa phát hiện các kiểu hoá học mới từ cây hồi ở Lạng Sơn.

- Vụ hồi tứ quý có chất lượng tinh dầu cao, nhưng hình dạng quả không phù hợp với tiêu chuẩn thương mại của quả hồi khô (kích thước quả nhỏ, tỷ lệ số cánh bị lép cao). Vì vậy,nên sử dụng quả của vụ hồi này vào mục đích sản xuất tinh dầu xuất khẩu.

Tài liệu tham khảo

1. Anon, 2004. Star anise (Illicium verum Hooker fil.). http//www-ang.kfunigraz.ac.at/katzerl/Illi-ver.
2. Nguyễn Ngọc Bình, Trần Quang Việt, 2002. Cây hồi (Illicium verum Hook.). Nxb. Nông nghiệp.
3. Phan Kế Lộc, 1978. Góp phần nghiên cứu một số biến dị của cây hồi (Illicium verum Hook. f.) trồng ở tỉnh Cao Lạng. Tập san Lâm nghiệp, 3, 22-24.
4. Lã Đình Mỡi, Lưu Đàm Cư  et al., 2001. Tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam. Nxb. Nông nghiệp, T.1, 109-117.
5. Hoàng Văn Phiệt, Hoàng Thanh Hương, Mai Nghi, 1979. Điều tra cơ bản vùng hồi Lạng Sơn-đóng góp vào việc khảo sát hoá thực vật. TC. Hoá học.

Người thẩm định: PGS.TS. Vũ Xuân Phương, Trưởng phòng Thực vật học, Viện Sinh thái & TNSV

Lưu Đàm Cư *, Trương Anh Thư,
 Bùi Văn Thanh, Hà Tuấn Anh
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Nguyễn Xuân Lộc
Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên


ĐẠI HỔI (Fructus Anisi Stellati)

Đại hồi hay Đại hồi hương còn gọi là Bát giác hồi hương là quả chín phơi khô của cây Đại hồi, tên thực vật là Illicium verum Hook .F. , thuộc họ Hồi (Illiciaceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu. Ở nước ta cây Hồi mọc nhiều ở các tỉnh Cao bằng, Lạng sơn. Ở Trung quốc cây Hồi mọc nhiều ở các tỉnh Quãng đông, Quảng tây và Vân nam.

Tính vị qui kinh:

Đại hồi vị cay ngọt, tính ôn. Qui kinh Can, Thận, Tỳ.

Theo các sách cổ:

  • Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: Vị cay ngọt, tính ôn.
  • Sách Bản thảo cầu chân: qui kinh Can, Bàng quang, Tiểu trường.
  • Sách Bản thảo tái tân: qui kinh Tỳ và Thận.

Thành phần chủ yếu:

Trong quả Hồi, ngoài các chất như chất nhày, đường chủ yếu là Tinh dầu khoảng 3 - 5% (tươi) hoặc 9 - 10% (khô). Trong tinh dầu có 80 - 90% anethole, còn lại là Pinene, terpene, dipentene, limonene, estragola, safrola, terpineola v.v.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Đại hồi có tác dụng tán hàn, ấm can, ôn thận chỉ thống và lý khí khai vị.

Chủ trị các chứng hàn sán phúc thống (sa ruột bụng đau do hàn), sa bọc tinh hoàn, thận hư đau vùng thắt lưng, vùng bụng trên đau do lạnh, nôn ăn ít.

Trích đoạn Y văn cổ:

Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: " chủ trị tất cả các chứng lãnh khí và chứng đau do sán khí".Sách Bản thảo cương mục: " Tiểu Hồi hương tính bình, lý khí khai vị, về mùa hè khử dòi chống thối, dùng làm gia vị không nên dùng nhiều".Sách Bản thảo cầu chân: " Đại hồi hương theo sách ghi chép chuyên nhập can táo thận, phàm các chứng hàn lạnh bên trong mà có thổ tả, sán khí âm nang phù sưng, vùng thắt lưng đau, chứng cước khí thấp, càn (khô) thêm kinh can hư hỏa xông lên bên trái đầu mặt thì dùng có kết quả. Hồi hương với Nhục quế, Ngô thù đều là thuốc táo kinh quyết âm, nhưng Ngô thù du đi vào trường vị, Quế vào Can Thận còn thuốc này nhẹ nên vào kinh lạc".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Anethole làm tăng nhu động dạ dày và ruột, làm dịu cơn đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp do kích thích các tế bào tiết dịch, có thể dùng làm thuốc hóa đàm.Chất cồn chiết Đại hồi in vitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn viêm phổi, trực bạch hầu, trực khuẩn subtilis, thương hàn, phó thương hàn, trực khuẩn lî. Thuốc cũng có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

Ứng dụng lâm sàng:

Nói chung, Đại hồi có tác dụng dược lý gần như Tiểu hồi nên trên lâm sàng thường dùng thay thế Tiểu hồi.

1.Trị chứng sán khí (sa ruột) đau hoặc bao tinh hoàn có nước (hydrocele testis): có thể dùng cùng với Tiểu hồi làm ấm can thận hoặc phối hợp với Lệ chi hạch cùng sao tán bột mịn uống với rượu hoặc phối hợp với Xuyên luyện tử, Ô dược để hành khí; với Ngô thù du, Nhục quế để làm ấm tỳ thận.

2.Trị chứng đau vùng thắt lưng do thận dương hư: thuốc có tác dụng làm ấm lưng gối. Sách Bản thảo cương mục có ghi: trường hợp đau lưng như đâm chích dùng thuốc sao tán bột uống với nước muối.

3.Trị đau vùng thượng vị do lạnh: nôn, kém ăn, phối hợp với Mộc hương, Sa nhân, Can khương.

4.Trị chứng bạch cầu giảm do xạ trị hóa trị: Tác giả Giải Vịnh Thanh dùng viên Thang bạch Ninh (chế từ chất chiết xuất của Đại hồi quả và lá) uống lúc bụng đói mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3 viên nhỏ (hàm lượng mỗi viên là 150mg thuốc sống) . Theo dõi điều trị 452 ca, kết quả đối với bệnh nhân giảm bạch cầu do hóa trị là 88,5% và do xạ trị là 87,3%. Đối với chứng giảm bạch cầu không rõ nguyên nhân cũng có kết quả nhất định (Thông báo dược học 1981,5:311).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

Liều thường dùng: 3 - 8g.Cần thận trọng đối với bệnh nhân âm hư hỏa vượng.

Kết luận:

Đại Hồi là một vị thuốc quan trọng trong y học cổ truyền, được sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến tiêu hóa, thận hư, và đau lưng. Ngoài ra, với các nghiên cứu hiện đại chứng minh tác dụng kháng khuẩn và hóa đàm, Đại Hồi còn có tiềm năng lớn trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng và thận trọng đối với những người có âm hư hỏa vượng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Files