ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU VIỆT NAM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030” được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng, điều kiện về tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, được thực hiện trên địa bàn của 48 tỉnh, thành phố, thuộc 08 vùng sinh thái, phù hợp với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định liên quan.
SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng trong đó có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, đến nay đã thống kê được 5.117 loài cây dược liệu và dưới loài, thuộc 1823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh và có giá trị kinh tế cao, như: Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis), Tam thất (Panax notoginseng), Bảy lá một hoa (Paris spp), Lan kim tuyến (Anoectochilus roxburghii), Đảng sâm (Codonopsis javanica), Cẩu tích (Cibotium barometz),
… được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở khu vực vùng núi, trong đó phân bố dưới tán rừng tự nhiên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm thị trường sản phẩm thảo dược toàn cầu đạt trên 200 tỷ USD; trong đó nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn dược liệu cho nhu cầu sử dụng trong nước, tuy nhiên đến 80% là nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, ngoài ra, thuốc từ dược liệu chiếm tỷ lệ khoảng 30% thị trường thuốc trong nước.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung phát triển cây dược liệu, đặc biệt là kết hợp tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, điều kiện tự nhiên như các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum ... từ đó đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có đóng góp không nhỏ cho nguồn thu của địa phương; góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, xa góp phần phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, việc phát triển cây dược liệu, đặc biệt là trên đất lâm nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như: (i) chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, phát triển còn mất cân đối; (ii) thiếu nguồn giống đảm bảo năng suất, chất lượng và chống chịu sâu bệnh; (iii) hoạt động phát triển cây dược liệu, đặc biệt dưới tán rừng còn thiếu tính bền vững; (iv) thiếu các chuỗi giá trị từ gây trồng, canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm .
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 321/TBVPCP ngày 06/10/2022, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án “Phát triển cây dược liệu”, trong đó ưu tiên các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ (có tỉnh Lào Cai) nhằm phát huy điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, đặc biệt là quý hiếm, cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành y-dược, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh là rất cần thiết.
KẾT LUẬN
Đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030” được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng, điều kiện về tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, được thực hiện trên địa bàn của 48 tỉnh, thành phố, thuộc 08 vùng sinh thái, phù hợp với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định liên quan. Đề án được thực hiện sẽ góp phần bảo tồn loài cây dược liệu quý hiếm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược, dược liệu; góp phần phát triển kinh tế các tỉnh vùng miền núi; cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là cho người dân vùng miền núi.
Đề án có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng; giải pháp thực hiện khả thi; việc triển khai thực hiện Đề án sẽ đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội và môi trường
II. KIẾN NGHỊ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ:
1. Xem xét ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030”.
2. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chỉ đạo, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án; giao các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp và tổ chức thực hiện Đề án.
3. Chỉ đạo bố trí, tạo điều kiện về nguồn lực tài chính cho thực hiện Đề án./
Chi tiết đề án tải về dưới đây
Files
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |