Dược liệu Bán Hạ - Rhizoma Pinelliae Ternatae

Thường dùng trị nôn mửa ở phụ nữ có thai, nôn mửa trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính, chữa ho, hen suyễn nhiều đờm, họng viêm có mủ, đau đầu hoa mắt, tiêu hoá kém, ngực bụng trướng đầy.

Mar 19, 2021 - 02:23
Mar 19, 2021 - 02:33
 0  60
Dược liệu Bán Hạ - Rhizoma Pinelliae Ternatae

Bán Hạ

Rhizoma Pinelliae Ternatae

1. Tên gọi khác:

  • Củ chóc, lá ha chìa, cây chóc chuột, chưởng diệp bán hạ…

2. Tên khoa học:

  • Bán hạ Việt Nam gồm những cây Typhonium divaricatum Decne (Arum divaricatum L., Arum trilobatum Lour), Typhonium trilohatum (Schott).
  • Cây bán hạ Trung Quốc Pinellia ternata (Thunb.) Breiter hay Pinellia tuberiỷera Tenore.
  • Cây chưởng diệp bán hạ Pinellia pedatìsecta (Schott).
  • Họ Ráy ( Araceae).

3. Mô tả:

- Cây bán hạ Việt Nam (Typhonium trilobatum Schott) còn gọi là củ chóc, lá ha chìa, cây chóc chuột, là một loại cỏ không có thân, có củ hình cầu đường kính tới 2cm. Lá hình tim, hay hình mác, hoậc chia 3 thuỳ dài 4-15cm rộng 3,5-9cm. Bông mo với phần hoa đực dài 5- 9mm, phần trần dài 17-27mm. Quả mọng, hình trứng dài 6mm.

 Bán hạ việt nam

(Bán hạ Việt Nam)

- Cây bán hạ Trung Quốc (Pinellla ternata Thunb.) Breiter khác cây bán hạ Việt Nam ở chỗ thuỳ xẻ sâu rõ rệt hơn. Mặc dầu gọi là bán hạ Trung Quốc để phân biệt với bán hạ “Việt Nam”, nhưng có người nói đã thấy cây này mọc ở Lào Cai nhưng chưa được khai thác.

Cây chưởng diệp bán hạ (Pinellia pedatisecta Schott) khác những cây trên ở lá chia thành chín thuỳ khía sâu.

Cây bán hạ ở Việt Nam mọc hoang ở khắp những nơi đất ẩm ở nước ta từ Nam chí Bắc. Còn mọc ờ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản:

4.1. Bộ phận dùng:

  • Thân rễ.

4.2. Thu hái:

  • Thu hoạch từ mùa hạ đến thu đông.
  • Người ta đào rễ (củ), rửa sạch đất cát, lựa củ to (gọi là nam tinh), củ nhỏ (gọi là bán hạ).

4.3. Chế biến:

  • Bán hạ sống ngâm nước cho đến khi cắn chỉ có vị hơi tê cay rồi bỏ vào chỏ nấu với gừng tươi và Bạch phàn cho đến nước trong lấy ra phơi chỗ râm (âm can) cho khô cắt lát gọi là Khương Bán hạ. Cứ 1 kg Bán hạ cho thêm 50g phèn chua và 300g gừng tươi giã nhỏ, thêm nước vào cho ngập, ngâm trong 24 giờ lấy ra rửa sạch, đồ cho chín thái mỏng. Lại tẩm nước gừng (cứ 1kg Bán hạ thêm 150g gừng tươi giã nát thêm ít nước), vắt lấy nước cho Bán hạ vào ngâm 1 đêm, lấy ra sao vàng để dùng. Nếu sinh Bán hạ sau khi ngâm như Khương Bán hạ, cho vào nước sắc Cam thảo và Thạch Khôi trộn đều, ngâm cho đến khi không còn ruột trắng, phơi khô chỗ râm (âm can) gọi là Pháp Bán hạ.
  • Lấy sinh Bán hạ ngâm cho đến khi cho vào miệng không thấy tê cay nữa, phơi khô (âm can) rồi nấu với Bạch phàn, cắt lát phơi khô là Thanh Bán hạ.
  • Lấy Pháp Bán hạ tẩm Trúc lịch âm can gọi là Trúc lịch Bán hạ.
  • Lấy Bán hạ sống đã ngâm và phơi khô tán thành bột mịn trộn với nước gừng và bột mì cho đều để lên men chế thành Bán hạ khúc.

4.4. Bảo quản:

  • Để nơi khô ráo không được ẩm ướt, Bán hạ ít bị mối mọt. Nếu thấy mốc có thể lấy nước rửa sạch phơi khô, dùng Lưu hoàng xông, phơi khô, cất như cũ.

5. Thành phần hóa học:

  • Bán hạ Việt Nam và chưởng diệp bán hạ chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
  • Bán hạ Trung Quốc, theo Lý Thừa Cố (Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám) có một ít tinh dầu 0,003-0,013%, một chất ancaloit, một ancol, một chất cay, phytosterol. Ngoài ra còn dầu béo, tinh bột, chất nhầy.
  • Theo Quốc lập Sơn Đông đại học, hệ hoá học (năm 1934, số 3: 463-477), trong bán hạ có mọt chất cay dễ tan trong éte etylic, dung dịch trong ête có phản ứng ancaloit, nhiệt có tác dụng làm giảm độ cay.

6. Tính vị qui kinh:

  • Vị cay, ôn, có độc.
  • Quy kinh phế, tỳ, vị.

7. Tác dụng dược lý:

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Táo thấp (làm khô ẩm thấp), hoá đờm, giáng nghịch (làm hạ hơi đưa lên) hết nôn.
  • Dùng trong những trường hợp nôn mửa, đờm thấp, hen suyễn, nhức đầu, đầu váng, không ngủ; dùng ngoài có tác dụng tiêu thũng.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thành phần độc của Bán hạ khó hòa tan trong nước, còn thành phần có tác dụng cầm nôn và giảm ho có thể hòa tan vào nước nóng. Thành phần có độc không bị phá hủy bởi nước gừng đơn độc mà bị Bạch phàn làm hết độc.
  • Bán hạ chế thành hoàn và nước sắc Bán hạ có tác dụng cầm nôn. Cao lỏng Bán hạ, bột Bán hạ (đã được chế với nhiệt độ cao) cũng có tác dụng cầm nôn. Nhưng Bán hạ sống ngược lại có tác dụng gây nôn.
  • Nước sắc Bán hạ cho mèo được gây ho nhân tạo uống có tác dụng giảm ho nhưng kém codein. Thuốc cũng có tác dụng giảm ho nếu chích tĩnh mạch. Chế phẩm của Bán hạ cho thỏ uống làm giảm bớt tiết nước bọt do pilocarpine. Chế phẩm của thuốc cho chuột cống được gây bụi phổi (pneumosilicosis) uống, kết quả phân tích tế bào chứng minh thuốc có tác dụng làm chậm quá trình bệnh, cho thuốc càng sớm càng có kết quả tốt.
  • Bán hạ có tác dụng giải độc (antidotal) đối với nhiễm độc strychnine và acetylcholin.
  • Protein Bán hạ với liều 30mg/kg đối với chuột nhắt có tác dụng chống có thai sớm (tảo dựng). Thuốc ngâm kiệt Bán hạ sống có tác dụng chống rối loạn nhịp tim trên súc vật thực nghiệm.
  • Cồn loãng hay nước ngâm kiệt Chưởng diệp Bán hạ (pinellia pedatisect Schott) có tác dụng ức chế rõ rệt đối với ung thư và tế bào Hela trên súc vật thí nghiệm.

Độc tính: Liều LD50 của Bán hạ sống chích màng bụng đối với chuột là 13g/kg. Bán hạ sống uống quá liều dễ ngộ độc. Ăn Bán hạ sống mồm lưỡi có cảm giác tê chích. Liều lớn gây cho mồm họng cảm giác tê cay mạnh ngứa, nóng bỏng, sưng, tiết nước bọt, buồn nôn, nói không rõ, khàn giọng, há mồm khó, trường hợp nặng sẽ ngạt thở, khó thở dẫn tới tử vong.

8. Một số ứng dụng:

8.1. Trị chóng mặt do phong đàm, nấc cụt, hoa mắt, sắc mặt xanh vàng, mạch Huyền:

  • Bán hạ sống, Thiên Nam tinh sống, Hàn thủy thạch (nướng), mỗi thứ 40g, Thiên ma 20g, Hùng hoàng 8g, bột Miến 120g. Tán bột, trộn với nước làm thành bánh. Nấu sôi cho nổi lên thì lấy ra giã nát, hồ làm viên, to bằng hạt ngô đồng lần uống 50 viên với nước gừng. Có thể trị được chứng ho do phong đàm, đại tiểu tiện không thông, đau đầu do phong đàm (Khiết Cổ Gia Trân).

8.2. Trị suyễn do phong đàm, muốn nôn, chóng mặt:

  • Bán hạ 40g, Hùng hoàng 12g. Tán bột, tẩm với nước gừng làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi  lần uống 30 viên với nước gừng. Nếu đã mửa thì thêm Binh lang (Khiết Cổ Gia Trân).

8.3. Trị đờm nhiều, ngực đầy:

  • Bán hạ 1 cân, ngâm rửa 7 lần tán bột. Hễ dùng Bán hạ 40g thì dùng 4g Thần sa, hòa với nước gừng làm viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 1 muỗng canh với nước gừng (Thần Sa Bán Hạ Hoàn - Tụ Trân phương).

8.4. Trị ho do nhiệt đàm ở thượng tiêu:

  • Bán hạ (chế qua) 40g, Hoàng cầm bột 8g, hồ với nước gừng làm viên, to bằng hạt đậu xanh. Mỗi  lần uống 70 viên với nước gừng, sau bữa ăn (Tụ Trân phương).

8.5. Trị trẻ nhỏ tiêu chảy, nôn mửa do tỳ vị hư hàn:

  • Bán hạ ngâm rửa 7 lần, Trần thương mễ, mỗi thứ 4g, gừng sống 10 lát, sắc uống nóng (Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết).

8.6. Trị trẻ nhỏ hay mửa ra đàm, ho phát sốt, ăn vào nôn ra:

  • Bán hạ (ngâm rửa) 280g, Đinh hương 4g. Lấy Bán hạ trộn với nước, bọc Đinh hương, rồi lấy miến làm bánh bao ngoài, đem nướng cho chín, xong chỉ lấy Bán hạ và Đinh hương trộn với gừng làm viên, to bằng hạt mè. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước Trần bì (Hoạt Ấu Khẩu Nghị).

8.7. Trị các loại đau nhức ở đầu:

  • Bán hạ tán nhỏ, 1 chút Bách thảo sương, lấy giấy cuốn thuốc vào đốt xông khói vào mũi, trong miệng phải ngậm nước. Khi có đờm dãi ra thì súc miệng ngậm nước khác (Vệ Sinh Bảo Giám).

8.8. Trị Bọ cạp, Ong đốt:

  • Dùng Bán hạ tán bột trộn nước xức vào (Tiền Tướng Công Khiếp Trung phương).

9. Chú ý:

  1. Thanh Bán hạ: bớt táo cay chuyên hóa thấp đàm nên dùng cho bệnh nhân cơ thể hư nhược đàm nhiều, hoặc trẻ em thực tích đàm trệ, bệnh nhẹ.
  2. Pháp Bán hạ: chuyên táo thấp hòa vị, dùng tốt cho bệnh nhân tỳ hư thấp trệ, tỳ vị bất hòa.
  3. Trúc lịch Bán hạ: tính ôn táo giảm rất nhiều, dùng tốt cho chứng nôn do vị nhiệt hoặc do phế nhiệt do đàm vàng dính hoặc chứng hóa thấp kiện tỳ, tiêu thực chỉ tả, nên dùng trị chứng tỳ vị hư nhược thấp trở thực trệ.
  4. Phụ nữ có thai, chứng táo nhiệt, không được dùng. Không có hàn thấp khí cấm dùng
  5. Tính Bán hạ ghét Tạo giác, sợ Hùng hoàng, Gừng sống, Gừng khô, Tần bì, Quy giáp, Phản Ô đầu, kỵ máu dê, Hải tảo, Mạch nha, Đường.
  6. Cấp cứu trúng độc Bán hạ: Ngoài việc theo các nguyên tắc cấp cứu nhiễm độc thuốc, có thể dùng 1 - 2% tannic acid rửa bao tử, cho uống lòng trắng trứng gà, giấm loãng hoặc nước chè (trà) đậm. Cũng có thể dùng giấm loãng 30 - 60ml gia ít nước gừng uống hoặc ngậm nuốt từ từ. Cũng có thể dùng gừng tươi gia đường sắc uống. Kết hợp các phương pháp cấp cứu triệu chứng.

Nguồn: heropharm