Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây Lan Giả hạc Di Linh

Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây Lan Giả hạc Di Linh (Dendrobium anosmum) phục vụ công tác nhân giống, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lan rừng quý hiếm tại tỉnh Lâm Đồng

Feb 4, 2021 - 12:55
 0  17
Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây Lan Giả hạc Di Linh
Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện

Ngày 01/02, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây Lan Giả hạc Di Linh (Dendrobium anosmum) phục vụ công tác nhân giống, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lan rừng quý hiếm tại tỉnh Lâm Đồng”. 

Lan Giả hạc là loài lan rừng quý hiếm, đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Philippines, New Guinea, Borneo, Indonesia, Malaya và Sri Lanka. Đặc điểm của giống lan này là sai hoa, hoa to, đẹp và có hương thơm nên rất được ưa chuộng.  Tại Lâm Đồng, Lan Giả hạc Di Linh phân bố hẹp, chỉ tập trung ở một số địa bàn của huyện này như các xã Tam Bố, Bảo Thuận, Sơn Điền, Tân Nghĩa, Tân Lâm. Tuy nhiên hiện nay, lan Giả hạc được các nhà chơi lan, sưu tập, nhân giống và phát triển nhiều huyện, thành phố ở Lâm Đồng nói chung và các tỉnh khác nói riêng. Vì vậy, để nhân nhanh giống lan Giả hạc Di Linh cần phải nhân giống in vitro chủ yếu từ hạt trong quả lan Giả hạc Di Linh.

Qua 1 năm triển khai nghiên cứu, nhân giống, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khử trùng bằng Ca(OCl)2 10% trong thời gian 10 phút cho tỷ lệ mẫu vô trùng là 100% và tỷ lệ sống đạt 100% là tốt nhất; nghiên cứu hoàn thiện quy trình vào mẫu và nuôi cấy trong môi trường in vitro với môi trường nhân chồi là MS bổ sung 1,5 mg/L BA + 30 g/L đường + 10 g/L agar và môi trường ra rễ là MS có bổ sung 1 mg/L IBA + 30 g/L đường + 10 g/L agar; xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây lan Giả hạc Di Linh ngoài vườn ươm; đã ra 500 cây lan Giả hạc Di Linh ngoài vườn ươm, cây sinh trưởng tốt đạt chiều cao trung bình 9,4 cm; xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở ex vitro cho cây lan Giả hạc Di Linh và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật công nhận theo chỉ tiêu kỹ thuật tại thông báo số 136/TB–TTBVTV.

Hội đồng đã xem xét các kết quả nghiên cứu của đề tài, góp ý để nhóm nghiên cứu hoàn thiện các nội dung. Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu.

Phòng TTKHCN