Cây Trâu cổ, Trâu cổ - Ficus pumila

Cây Trâu cổ có tên khác là cây Xộp, Vẩy ốc, Bị lệ, Sung thằn lằn, Cơm lênh, Mác púp có tên khoa học Ficus pumila, bộ phận dùng: thân, lá, rễ, quả. Thân, lá, rễ dùng tươi hoặc phơi khô.

Feb 4, 2021 - 13:08
 0  364
Cây Trâu cổ, Trâu cổ - Ficus pumila
Cây Trâu cổ, Sộp, Vẩy ốc, Bị lệ có tên khoa học: Ficus pumila L., thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.

Cây Trâu cổ có tên khác là cây Xộp, Vẩy ốc, Bị lệ, Sung thằn lằn, Cơm lênh, Mác púp (Tày); tên khoa học Ficus pumila L. (Ficus repens Hort.; Ficus stipulata Thunb. var. repens Hort.), thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

Cây Trâu cổ là loại tiểu mộc, thân hóa gỗ cứng, cành nhánh dạng dây mọc bò leo, vươn dài, rễ bám vào các vách đá, bờ tường, thân cây gỗ cổ thụ. Toàn thân có mủ trắng. Lá mọc so le, có 2 loại. Ở các nhánh tự do, lá lớn hình phiến, gốc hình tim, đầu thuôn dài, có cuống rõ rệt; các nhánh bò áp tường, lá nhỏ bé, xếp sát nhau, không có cuống, gốc hình tim, loại lá này nhỏ như vẩy ốc nên có tên là “cây vẩy ốc”. Các cành vươn dài mang cụm hoa có đế hoa bao kín. Quả phức có cuống dài, dạng thuôn lớn dần ở đỉnh, lúc non màu xanh trắng, sau chuyển sang màu đỏ nâu.

Bộ phận dùng: thân, lá, rễ, quả. Thân, lá, rễ dùng tươi hoặc phơi khô. Quả thu hoạch về bổ đôi, cạo bỏ hết hạt, đem phơi khô, khi dùng có thể giã dập, tẩm rượu, sao qua.

Thành phần hóa học: thân, lá chứa rutin, ß-sitosterol, inositol, acetate taraxeril, ß-amirin. Vỏ quả chứa 13% chất gôm, khi thủy phân cho các đường đơn: glucose, fructose, arabinose. Hạt quả chứa polysaccharid.
 Phần quả ăn được có các chất đạm, đường, vitamin. Phân tích thành phần dinh dưỡng trong quả Trâu cổ có 32,7% pectine, 5,05% chất xơ, 3,80% chất đạm, 2,6% chất béo.

Theo y học cổ truyền

Quả vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, cố tinh, lợi thấp, thông kinh lợi sữa. Lá vị hơi chua, tính mát có tác dụng tiêu thũng giải độc. Thân, rễ vị hơi đắng, tính bình có tác dụng hư phong, hoạt lạc, hoạt huyết, giải độc.

Ứng dụng của vị thuốc Trâu cổ

  • Quả dùng chữa lỵ, tắc tia sữa, phong thấp, điều kinh, làm máu tuần hoàn, tráng dương, làm thuốc bổ, giúp tiêu hóa. Dùng quả sắc hoặc nấu thành cao, ngày uống 5-10 g.
  • Thân lá dùng chữa di tinh, liệt dương, phong thấp, tê mỏi, chấn thương do ngã, ung nhọt, kinh nguyệt không đều. Dùng thân lá, rễ khô sắc với nước hoặc ngâm rượu uống trong ngày, liều dùng từ 10-15 g. 
  • Trong dân gian, dùng nhựa cây Trâu cổ để bôi ghẻ lở, hắc lào.

Một số bài thuốc

  1. Chữa phong tê thấp, liệt dương, di tinh: dùng 100 g thân, lá Trâu cổ phơi khô, 50 g đậu đen ngâm vào 250 ml rượu trong 10 ngày, lọc bỏ bã, nước rượu đem uống. Uống trong 10 ngày.
  2. Thuốc bổ, tráng dương, giúp tiêu hóa, chữa đau xương, nhức người, tắc tia sữa, điều kinh: sắc kỹ quả Trâu cổ thái nhỏ, lọc bỏ bã, lấy nước uống hoặc nấu thành cao, ngày dùng 5-10 g.
  3. Thanh nhiệt, bổ dưỡng: rửa sạch quả Trâu cổ chín, giã nát, cho vào túi vải ép lấy nước cốt. Để yên, nước này sẽ đông đặc thành thạch màu trắng. Thái khối thạch này thành sợi cho vào nước đường và ít hương liệu để uống.