NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HOÁ HỌC VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG VI SINH VẬT CỦA HẸ (ALLIUM TUBEROSUM)

Hẹ được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc nước ta và được dùng để chữa nhiều bệnh theo kinh nghiệm dân gian.

Nov 15, 2023 - 04:12
 0  19
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HOÁ HỌC VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG VI SINH VẬT CỦA HẸ (ALLIUM TUBEROSUM)
Hẹ có tên gọi khác là cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo và nhiều tên khác. Danh pháp khoa học là Allium ramosum L. (dạng hoang dã, đồng nghĩa: Allium odorum L.) hay Allium tuberosum Rottler ex Spreng. (dạng gieo trồng), thuộc họ Hành (Alliaceae).

Tóm tắt

Hẹ được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc nước ta và được dùng để chữa nhiều bệnh theo kinh nghiệm dân gian.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định thành phần hoá học và khảo sát hoạt tính kháng vi sinh vật của cao chiết và tinh dầu của phần trên mặt đất cây hẹ. Phần trên mặt đất cây hẹ được thu hái tại thành phố Huế. Định tính các nhóm chất có trong dịch chiết bằng phản ứng hoá học.

Tinh dầu hẹ được chiết xuất bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Hoạt tính kháng vi sinh vật được tiến hành bằng phương pháp pha loãng nồng độ. Dịch chiết phần trên mặt đất của hẹ có chứa flavonoid, tanin, alcaloid, saponin, acid hữu cơ và đường khử.

Tinh dầu hẹ có 52 thành phần, trong đó thành phần chính là phytol (24,86%). Cao hexan có khả năng kháng vi khuẩn L.fermentum. Cao dichloromethan có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis, L fermentum. Cao ethylacetat có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis. Tinh dầu hẹ có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis, L.fermentum và nấm C.albican.

Đã định tính thành phần hoá học của dịch chiết phần trên mặt đất của hẹ, xác định được thành phần hoá học của tinh dầu hẹ và khả năng kháng khuẩn của các cao chiết cũng như tinh dầu phần trên mặt dất của hẹ.

Allium tuberosum Rottl. ex Spreng. (Cây Hẹ)

Tên khác:  Cửu thái.
Tên khoa học: Allium tuberosum Rottl. ex Spreng.
Tên đồng nghĩa: Allium uliginosum G. Don
Họ: Hành (Alliaceae)
Tên nước ngoài: Sweet leek, Fragrant-flowered garlic, Chinese chives (Anh).
Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Hẹ có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á, được người Trung Quốc đưa về trồng khoảng 200 năm trước Công nguyên. Cây được trồng trên ruộng đất màu, bãi bồi ven sông, trên nương rẫy, trong vườn, chậu. Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-11. Thường trồng vào mùa xuân hoặc thu đông bằng các thân hành.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Allii) thu hái quanh năm và dùng tươi.

Thành phần hóa học: 

Thân hành chứa aliin, methylaliin; lá chứa hợp chất sulfit, linalol. Trong 100 g phần ăn được của hẹ có nước 93 g, protein 2,1 g, chất béo 0,1 g, carbohydrat 2,8 g, chất xơ 0,9 g, tro 1 g, caroten 4 mg và vitamin C 25 mg. Các đường fructose, glucose, galactose và sucrose. Phân đoạn bay hơi có 36 chất, trong đó có 20 hợp chất sulfit. Hẹ còn chứa N-p. coumaryol tyramin, bis (p. hydroxyphenyl) ether và odorin.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Nước ép lá tươi và thành phần bay hơi của cây có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, Shigella flexneri, Shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis. Hoạt chất odorin có tác dụng ức chế mạnh Staphyllococcus aureus. Lá Hẹ tươi có tác dụng diệt trùng roi âm đạo sau 30 phút tiếp xúc. Nước ép lá Hẹ lọc bỏ cặn, tiêm tĩnh mạch cho chuột nhắt trắng với liều 0,1-0,5 ml/10 g thân trọng, xuất hiện triệu chứng choáng, vật vã, co giật và chuột chết sau nửa giờ. Hẹ được dùng làm gia vị và làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hành chữa ho trẻ em, hen suyễn, tiêu hoá kém, giun kim, lỵ amip, mồ hôi trộm. Liều dùng hàng ngày: 20-30 g. Hạt Hẹ chữa bệnh dương ủy, di mộng tinh, đái són, đái đàm, đau lưng, mỏi gối, khí hư với liều 4-12 g mỗi ngày.

Bài thuốc có Hẹ:

  • Chữa ho trẻ em: Lá hẹ 15 g, hoa đu đủ đực 15 g, hạt chanh 20 hạt. Tấ cả dùng tươi, cho vào bát sạch, giã nát, thêm đường và 10 ml nước. Đem hấp chín để nguội, cho trẻ em uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày liên tục. Hoặc lấy lá hẹ 15 g phối hợp với lá dâu non 10 g, cách làm và dùng như trên.
  • Chữa hen suyễn: Lá hẹ 50 g sắc với 200 ml nước còn 50 ml. Uống trong ngày.

Files