Sự thật về nấm ngọc cẩu, Nấm tỏa dương Cynomorium songaricum

Thời gian gần đây, cư dân mạng và độc giả, đặc biệt là cánh mày râu dường như lên cơn sốt khi có thông tin về một loại nấm được mệnh danh là “nấm tan cửa nát nhà” ...

Mar 7, 2021 - 21:42
 0  124
Sự thật về nấm ngọc cẩu, Nấm tỏa dương Cynomorium songaricum
Vị thuốc tỏa dương.

Thời gian gần đây, cư dân mạng và độc giả, đặc biệt là cánh mày râu dường như lên cơn sốt khi có thông tin về một loại nấm được mệnh danh là “nấm tan cửa nát nhà” vì công năng “kỳ diệu” trong việc cải thiện sinh lực đăng tải trên mạng điện tử. Loại nấm này được đặt tên là “ngọc cẩu”. Vậy, nấm ngọc cẩu là gì?

Đó thực chất là vị thuốc có tên gọi là “tỏa dương” hết sức thông dụng trong việc chữa bệnh thường nhật của y học cổ truyền, được xếp trong nhóm thuốc bổ dương của Đông dược.

Tỏa dương, tên khoa học là Cynomorium songaricum Rupr., còn được gọi là củ gió đất, củ ngọc núi, hoa đất, xà cô, ký sinh hoàn, bất lão dược, địa mao cầu, hoàng cốt lương... và củ cu chó (phiên âm Hán - Việt là dương cẩu chứ không phải là ngọc cẩu). Vị thuốc này vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận trợ dương, nhuận tràng thông tiện, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm dạ dày, viêm thận, xuất huyết do giảm tiểu cầu nguyên phát (tử điến), táo bón người già... dưới hình thức độc vị hoặc phối hợp với tang phiêu tiêu, thục địa, ma nhân và các vị thuốc khác. Bài thuốc cổ nổi tiếng chuyên dùng để chữa chứng di tinh có tên gọi là Kim tỏa cố tinh hoàn.

Kết quả nghiên cứu dược lý của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, tỏa dương có tác dụng điều tiết miễn dịch, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, cải thiện chức năng của trục các tuyến nội tiết: vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, thanh trừ các gốc tự do, chống lão hóa, thúc đẩy quá trình sinh trưởng, kháng viêm, chống loét, kháng ung thư, ức chế ngưng tập tiểu cầu, gia tăng quá trình tổng hợp DNA và RNA.

Trong thực tiễn lâm sàng, các thầy thuốc Đông y thường sử dụng tỏa dương cùng với các thuốc bổ dương khác như ba kích, tiên mao, nhục thung dung, phá cố chỉ, dâm dương hoắc... để chữa các chứng bệnh như suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, lãnh cảm, muộn con... nhưng so với nhiều vị thuốc khác, tác dụng này của tỏa dương cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu như không muốn nói là khiêm tốn, không như những thông tin đã được đồn thổi. Tỏa dương loại khô có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc Đông dược với giá gốc không quá 20.000 đồng/100g (1 lạng) nhưng trong thời điểm hiện tại, giá bán có thể bị đẩy cao hơn vài ba lần. Tuy nhiên, tỏa dương giả và tỏa dương nhập khẩu đã chiết xuất hầu hết hoạt chất cũng xuất hiện trên thị trường. Vậy nên, các quý ông nếu có nhu cầu sử dụng nên tìm mua dược liệu này ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và rất cần sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa để phòng tránh tình trạng “tiền mất của rởm”, “tiền mất tật mang”.

  • Cynomorium đã được biết đến từ hàng ngàn năm trước. Người cổ đại đã sử dụng nó để làm thuốc, thực phẩm, và thậm chí là cả thuốc nhuộm. Người Ả Rập gọi Cynomorium coccineum là "tarthuth" và người Bedouin ăn các bộ phận bên trong của thân cây non, dùng nước sắc của thân cây già để điều trị viêm loét dạ dày hoặc đau bụng, hoặc sấy khô và nghiền thành bột để sử dụng như một loại gia vị hoặc điều vị với các món ăn chế biến từ thịt. Thuốc sử dụng tarthuth có thể truy nguồn gốc tới thời Al-Kindi, Al-Razi (Rhazes), Ibn Masawayh, Ibn Wahshiya và Maimonides, nhưng loài cây này chỉ được biết đến đối với người châu Âu trong thế kỷ 16[2].

    Cả hai loài được sử dụng trong y học truyền thống. Cynomorium songaricum trong y học cổ truyền Trung Hoa gọi là "tỏa dương". Nấm Malta (Cynomorium coccineum) đôi khi thay thế cho tỏa dương khi sử dụng.

  • Nấm Malta (Cynomorium coccineum): Sinh sống trongkhu vực ven Địa Trung Hải (Bắc Phi và Nam Âu).
    Tỏa dương (Cynomorium songaricum): Sinh sống ở Tây Nam Á và Trung Á. Khu vực này trải dài từ Iran qua Afghanistan đến Mông Cổ và các tỉnh của Trung Quốc như Cam Túc, Nội Mông Cổ, Ninh Hạ, Thanh Hải, Thiểm Tây, Tân Cương. Cynomorium songaricum phát triển mạnh ở vùng rìa, đôi khi chỉ là tạm thời, của các dòng nước chảy trong sa mạc. Tại Trung Quốc, Cynomorium songaricum mọc ở độ cao từ 500 tới 700 mét.

ThS. Hoàng Khánh Toàn