Thanh táo, tần cửu, tần qua, tần giao, thanh táo, thuốc trặc, trường sơn cây (Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees.))

Nhân dân thường dùng lá hay cành cây thanh táo giã đắp vào các vết sưng hay sắc nước, nước còn nóng đắp vào chỗ sưng đau, đau thấp, đau xương, có khi ngâm rượu uống chữa tê thấp.

Oct 21, 2021 - 09:36
 0  15
Thanh táo, tần cửu, tần qua, tần giao, thanh táo, thuốc trặc, trường sơn cây (Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees.))
Cây thanh táo (Tần cửu) - Justicia gendarussa
Thanh táo, tần cửu, tần qua, tần giao, thanh táo, thuốc trặc, trường sơn cây (Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees.))

Cây Thanh Táo còn gọi là tần cửu, tần qua, tần giao, thanh táo, thuốc trặc, trường sơn cây.

Tên khoa học: Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees.). Thuộc họ Ô tô (Acanthaceae).

A. Mô tả cây

Cây tần cửu hay thanh táo là một cây nhỏ cao chừng 1.5m, cành có màu tím sẫm hay xanh lục, nhẵn, giữa chỗ lá mọc đối có một dòng lông. Lá mọc đối, mang cuống ngắn, phiến là hình mác thuôn, dài 4 - 14cm, rộng 1 - 2cm, mép nguyên. Lá thường bị loài nấm Puccinia thwaiiesii ăn hại. Mặt lá nhẵn, có gân xanh hay màu tím tùy theo cây. Hoa màu trắng hay hơi điểm hồng, có những đốm tía, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá phía ngọn. Quả nang dài 12mm, trong chứa 4 hạt. Mùa hoa quả vào mùa hạ.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây thanh táo được trồng làm cảnh ở rất nhiều vườn hoa ở các tỉnh nước ta.Còn thấy mọc ở Trung Quốc (Quảng Đông, Đài Loan, Đông Bắc), Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia.
 
Người ta dùng vỏ thân hay vỏ rễ, rễ, lá hoặc tươi hoặc khô. Rễ thường được dùng với tên tần giao hay tần cửu, tần cừu.

Thu hoạch quanh năm, tốt nhất vào các tháng 7 - 8.
 
C. Thành phần hóa học

Trong cây thanh táo có chứa một ancaloit gọi là justixin và một lượng rất ít tinh dầu (0.001%). Hoạt chất khác chưa rõ.
 
D. Công dụng và liều dùng

Nhân dân thường dùng lá hay cành cây thanh táo giã đắp vào các vết sưng hay sắc nước, nước còn nóng đắp vào chỗ sưng đau, đau thấp, đau xương, có khi ngâm rượu uống chữa tê thấp.
 
Theo đông y, rễ cây tần cửu vị đắng, cay và bình, vào 4 kinh: vị, đại tràng, can, đảm.
 
Sách cổ nói cây thanh táo có tác dụng hoạt huyết, trấn thống (làm cho máu lưu thông và giảm đau). Còn có tác dụng lợi đại tiện, chữa da vàng (hoàng đảm), ho sốt. Ấn Độ còn dùng lá, cành cho vào quần áo cho khỏi nhậy.
 
Ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc cao hoặc ngâm rượu.
 
Đơn thuốc có thanh táo: Rễ thanh táo, miết giáp, địa cốt bì, sài bồ, mỗi vị 10g, đương quy, tri mẫu, mỗi vị 5g, thanh cao, ô mai, mỗi vị 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm.
 
Chú thích

Nguồn gốc vị tần cửu hiện nay chưa xác định chắc chắn.
 
Có nhiều tài liệu cho rằng tần cửu hay tần cửu vương, xuyên tần cửu (Radix Gentianae maerophyilae) là rễ khô của cây tần cửu (Gentiana macrophyila Pallas) thuộc họ Long đởm (Gentianaceae), hoặc lại có vị gọi là tiểu tần cửu hay sơn tần cửu (Radix Gentianae dahuricae) là rễ khô của cây tiểu tần cửu (Geiuiana dahurica Fisch) cũng thuộc họ Long đởm. Có khi lại còn dùng rể khô một số loài long đởm khác như Gentiana fetissowi, Gentiana tibetica,… Trong các loại tần cửu này, người ta thấy có 5 ancalôit gọi là gentianin A C10H9O2N, gentianin B C9H9O2N và gentianin C có độ chảy 206 - 208°C (Theo Dược học thông báo, 6 [4], tr. 198, 1958). Công dụng và liều dùng như vị tần cửu nói ở trên.
 
Cần chú ý nghiên cứu xác định lại. Nếu đúng là những cây nói sau thì ở nước ta chưa có. Còn phải tiếp tục nhập.
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)