Thuyền Thoái (Periostracum Cicadae): Vị Thuốc Đông Y Tán Phong Nhiệt và Giải Ban

Thuyền Thoái, hay xác lột của con ve sầu, có tên Latin là Periostracum Cicadae. Vị thuốc này có vị ngọt, mặn và hơi hàn, quy vào kinh phế và can. Với các hoạt chất như hexacosanol, chitin, và các acid béo, Thuyền Thoái giúp tán phong nhiệt, giải ban và trị mắt mờ. Liều dùng từ 3 - 9g, chủ trị các chứng mất tiếng, viêm họng, mắt đỏ, sưng, mờ do phong nhiệt, cũng như trị ban đậu. Lưu ý không dùng cho phụ nữ có thai.

Jul 8, 2024 - 11:14
 0  15
Thuyền Thoái (Periostracum Cicadae): Vị Thuốc Đông Y Tán Phong Nhiệt và Giải Ban
Thuyền Thoái (Periostracum Cicadae) 蝉蜕
  • Vị thuốc Thuyền Thoái (Periostracum Cicadae)

    Vị thuốc Thuyền Thoái (Periostracum Cicadae)
    Vị thuốc Thuyền Thoái

    Vị thuốc: Thuyền Thoái

    Tên khác: Xác lột của con ve sầu

    Tên Latin: Periostracum Cicadae

    Tên Pinyin: Chantui

    Tên tiếng Hoa: 蝉蜕

    Tính vị: Vị ngọt, mặn, hơi hàn

    Quy kinh: Vào kinh phế, can

    Hoạt chất: Hexacosanol, heptacosanol, octacosanol, triacontanol, hexacosanioic acid, peptacosanoic acid, octacosanoic acid, triacontanoic acid, chitin

    Dược năng: Tán phong nhiệt, giải ban, mắt mờ

    Liều Dùng: 3 - 9g

    Chủ trị:

    - Trị mất tiếng, viêm họng do phong nhiệt

    - Dùng với Cúc hoa, Tang diệp trị mắt đỏ, sưng, mờ, do phong nhiệt

    - Dùng với Bạc hà, Ngưu bàng tử, Cát căn trị ban đậu, hoặc ban đậu không phát ra được.

    Kiêng kỵ:

    Phụ nữ có thai không nên dùng

  • Thuyền thoái –Cryptotympana pustulata , Cicadidae

    Thuyền thoái –Cryptotympana pustulata , Cicadidae

    Tên khác: Ve sầu, Kim thiền

    Tên khoa học: Cryptotympana pustulata Fabricius, Cicadidae (họ Ve sầu).

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thuyền thoái (Thiền thoái, Thiền thuế – Periostracum cicadae) là xác lột của ấu trùng ve sầu. Người ta tìm lấy xác ve trên các thân cây hoặc ngay trên mặt đất quanh các gốc cây vào buổi sáng sớm mùa hè. Khi dùng, rửa qua, phơi khô, bỏ đầu, cánh và chân.

    Dược liệu là xác lột của Ve sầu, có thể chất nhẹ, mỏng, mềm, rỗng, màu vàng nâu bóng, dáng cong, chân quặp lại, dài khoảng 3 cm. Lưng có một vết rạch dọc, mép cuộn vào trong. Đầu thót lại, hai mắt lồi, miệng rộng, môi trên ngắn, môi dưới kéo dài thành vòi. Chân quặp lại, chân trước to khỏe, có răng đều, có lông nhỏ màu nâu vàng. Bụng phồng tròn, nhiều đốt, đuôi thuôn tù hoặc hơi nhọn.

    Thành phần hoá học: Chitin, hợp chất có nitơ (các dẫn chất N-acetyldopamin)

    Công dụng và cách dùng: Được dùng chủ yếu để hạ sốt, trị cảm, ho, mất tiếng, viêm tai giữa, chống co thắt, làm thuốc trấn kinh trong những trường hợp trẻ em bị sốt cao, lên kinh giật, khóc đêm, chữa mắt có màng mộng, uốn ván, dùng ngoài chữa ngứa ngáy, nhọt độc, phù thũng, sang lở.

    Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng.

  • Ve sầu và vị thuốc thuyền thoái

    Ve sầu và vị thuốc thuyền thoái

    Ở nước ta, ve sầu có ở hầu khắp các vùng miền, phát triển mạnh về mùa hè. Vào hè thu, ve sầu thường lột bỏ lớp áo bên ngoài để tiếp tục lớn lên, cái xác đó bám chặt vào các gốc cây, hoặc ngay trên mặt đất gần các gốc cây to. Xác ve khô và trong suốt, màu nâu vàng, sáng bóng, có hình như một con ve sầu.

    Xác ve sầu còn gọi thuyền thoái, thiền thoái (Periostracum Cicadae), được sử dụng trong y học cổ truyền để làm thuốc trị nhiều chứng bệnh.

    Trước khi dùng, thuyền thoái thường được chế biến bằng cách rửa sạch đất cát bám trên mình, phơi khô se, ngắt bỏ chân, cánh, sao qua cho thơm.

    Theo Đông y, thuyền thoái có vị mặn, ngọt, tính hơi hàn, quy vào kinh can, phế. Tác dụng phát tán phong nhiệt, giải biểu nhiệt, giải kinh, tuyên phế, thấu đậu chẩn, phong chẩn, phá thương phong, tiêu viêm, tiêu phù thũng. Thuyền thoái được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

    Giải độc làm sởi đậu mọc nhanh: bột thuyền thoái 2 - 4g uống với nước ấm.

    Trị cảm mạo phong nhiệt, ho, nhiều đờm, mất tiếng: thuyền thoái 3g, ngưu bàng tử 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g.  Sắc uống ngày một thang.

    Trị  trẻ em sốt cao co giật: thuyền thoái vi sao 3g, câu đằng 6g. Cả hai vị thuốc tán bột mịn. Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn đang bú, đem bột thuốc quấy đều rồi hấp cách thủy cho chín, gạn lấy nước thuốc, chia uống nhiều lần trong ngày, có thể thêm chút đường phèn hoặc mật ong cho dễ uống. Với trẻ lớn thì đem bột thuốc hãm với nước sôi hoặc sắc nhỏ lửa, gạn lấy nước thuốc, uống ngày 2-3 lần. Có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống.

    Trị trẻ sơ sinh khóc dạ đề hoặc hay giật mình, ngủ không yên giấc: bột thuyền thoái đã sao vàng 1-2g, thêm sữa mẹ hấp cách thủy cho uống trong ngày.

    Chữa ho, thở gấp, khàn tiếng, mất tiếng: thuyền thoái và nghệ vàng đồng lượng, tán bột mịn. Trẻ em ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 4 - 6g;  người lớn 8- 12g một lần. Có thể thêm mật ong hoặc đường phèn cho dễ uống.

    Chữa chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai: thuyền thoái bỏ chân, bỏ cánh, sao vàng, tán bột, uống ngày 4-6g với nước ấm hoặc rượu trắng.

    Trấn kinh an thần, trị sốt cao, co giật, uốn ván: thuyền thoái 6g, toàn yết 3g, thiên nam tinh 8g, cam thảo 4g. Tất cả tán bột, uống ngày một thang.

    Chữa mắt có màng, mộng, sung huyết, gây đau nhức: thuyền thoái vi sao, cúc hoa vàng đồng lượng. Hai vị tán bột mịn, ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 8-12g với nước ấm có pha thêm chút mật ong.

    Trị viêm thận mạn tính, nước tiểu có albumin, phù nề: thuyền thoái phối hợp với một số vị thuốc khác như ích mẫu, trạch tả, mộc thông, xa tiền...

    Lưu ý: Người cơ thể bị hư hàn hoặc phụ nữ có thai không nên dùng.

    GS.TS. Phạm Xuân Sinh
  • THUYỀN THOÁI ( Periostracum Cicadae)

    THUYỀN THOÁI ( Periostracum Cicadae)

    Thuyền thoái là xác lột (Periostracum Cicadae) của con ve sầu (Cryptotympana pustulata Fabricius) thuộc họ Ve sầu (Cicadae). Vị mạên ngọt, tính hàn qui kinh Phế, Can. Còn có tên khác là Thiền thuế, Thuyền thoái, Thiền y.

    Thành phần chủ yếu:

    Hoạt chất chưa rõ, chỉ biết trong xác ve ở Thượng hải thấy có 7,86% nitơ, 14,57% tro.

    Tác dụng dược lý:

    1.Tán phong nhiệt, thấu chẩn, giải kinh ( chống co giật), thối ế ( làm tan màng thịt ở mắt) theo dược lý Đông y.

    2.Có tác dụng chống co giật trên động vật thực nghiệm.

    Ứng dụng lâm sàng:

    Thường dùng nhiều trong Nhi khoa, Nội khoa, Nhãn khoa cũng có dùng:

    Chữa trẻ em cảm sốt: Viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản thường phối hợp với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc:
    Kinh giới tuệ 4g, Kim ngân hoa 12g, Hoàng cầm 8g, Ngưu bàng tử 8g, Cát cánh 6g, Cam thảo 3g. Trị trẻ em viêm họng, ho sốt. Trường hợp sốt cao gia Thạch cao 16g, Liên kiều 6g, mất tiếng gia Bàng đại hải ( quả lười ươi) 1 - 2 quả.

    Trường hợp trẻ sốt đêm quấy khóc gia Đăng tâm 2g, Táo nhân 8g, nghi mọc sởi gia Thăng ma 6g, Cát căn 12g, sắc nước uống.

    Chữa viêm màng tiếp hợp cấp: mắt sưng đau đỏ kết hợp các loại thuốc thanh can giải độc, dùng bài:

    Kim ngân hoa 12g, Long đảm thảo 12g, Thảo quyết minh 12g, Liên kiều 10g, Địa hoàng tươi 12g, Thuyền thoái 2 - 4g, Cúc hoa 12g, Đăng tâm 4g, sắc uống.

    Trị màng mộng ở mắt: dùng bài:

    Thuyền thoái vô tỷ tán ( Ngân hải tinh vi): Thuyền thoái ( bỏ đàu chân) 3g, Xà thối ( xác rắn) 3g, Bạch tật lê 12g, Thạch quyết minh 20g, Phòng phong 12g, Thương truật 8g, Đương qui 8g, Xuyên khung 4g, Xích thược 12g, Chích thảo 4g, sắc nước uống.

    Trị uốn ván ( phá thương phong): dùng bài Ngũ hổ truy phong thang: Thuyền thoái 32g, Chế nam tinh 8g, Minh thiên ma 8g, Toàn yết (cả đuôi) 7 con, Cương tằm sao 7 con, sắc nước uống ngày 1 thang trong 3 ngày liền ( Báo cáo Trung y chữa 27 ca uốn ván. Tạp chí Y học Trung hoa 4: (10)1956.

    Bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh uốn ván: Xác ve sầu 40g, Nam tinh chế 8g, Thiên ma 8g, Bọ cạp 29g, Cương tàm sao 2g, các vị tán nhỏ trộn đều, mỗi lần uống 2 - 4g. Trẻ em mỗi tối uống 1g cách 2 giờ uống một lần.

    Chữa viêm cầu thận mạn: Thuyền thoái 20g, Bố tra diệp 40g, Ích mẫu thảo 40g, Tô diệp 20g, Tiêm bình lang 20g, sắc nước uống.
    Liều thường dùng: 2 - 20g.

    Chú ý lúc dùng thuốc: thuốc nhẹ thường dùng lượng ít nhưng đối với trường hợp trị viêm cầu thận mạn, uốn ván cần dùng liều cao mới có hiệu nghiệm.

    Dùng thận trọng đối với phụ nữ có thai vì theo sách cổ ( Biệt lục) thuốc có tác dụng dục sản.