THUYẾT MINH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030
THUYẾT MINH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030
MỞ ĐẦU
1.1. Đặt vấn đề
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”. Trên thế giới, công nghệ sinh học truyền thống và hiện đại đã có những bước nghiên cứu, phát triển vượt bậc và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam, các chính sách, đề án, chương trình về công nghệ sinh học trong nông – lâm nghiệp, thủy sản, y tế, công nghiệp và môi trường đã và đang được xây dựng và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học cũng được ưu tiên đầu tư. Trình độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học với các công nghệ nền được đẩy mạnh. Công nghệ sinh học đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Trong giai đoạn tới, việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học với đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng rộng rãi các nghiên cứu về công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học sẽ nâng cao mức đóng góp của ngành khoa học này vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Công nghệ sinh học đến nay đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học và công nghệ, từ những thí nghiệm ghép nối gen thành công đầu tiên trong cuộc ống nghiệm (năm 1972) đến nay đã có nhiều thành tựu nổi bật của công nghệ sinh học được ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường…
Thế giới đã đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Nhiều sản phẩm ứng dụng được tạo ra trên nền công nghệ sinh học hiện đại được sử dụng ngày càng rộng rãi như các phân tử protein dược liệu tái tổ hợp dùng trong điều trị các bệnh hiểm nghèo, các protein và kháng thể đơn dòng dùng trong điều trị đích các bệnh ung thư, các kỹ thuật chẩn đoán sức khỏe và điều trị hiện đại, tinh vi dựa trên thông tin hệ gen của con người…
Công nghệ sinh học là một trong 4 lĩnh vực khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và chương trình nghiên cứu quan trọng như Nghị quyết 18/CP (năm 1994) về phát triển công nghệ sinh học ở Việt nam đến năm 2010, Chỉ thị số 50-CT/TW (2005) của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW và Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam đến 2020 (năm 2007) của Chính phủ. Trong những năm gần đây, khi đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 50, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 06-KL/TW (năm 2016) nhằm khẳng định những kết quả đạt được, những hạn chế cần được khắc phục và chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp nói chung trong giai đoạn tiếp theo.
Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50- CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" và “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020” tại các Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 và số 97/2007/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản tổ chức thực hiện.
Sau khi hợp nhất với Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Điều hành và Văn phòng thường trực Ban điều hành để thực hiện Chương trình gồm 12 thành viên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 7 thành viên thuộc các Bộ và địa phương liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý các dự án tăng cường trang thiết bị từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư phát triển và với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học ở nước ngoài từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời cũng đã tổ chức thông báo và giới thiệu Chương trình đến các đối tượng liên quan dưới nhiều hình thức (công văn, thông tin trên mạng, hội thảo, hội nghị...). Định kỳ 6 tháng 1 lần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp Ban Điều hành để đánh giá tình hình triển khai Chương trình và định hướng nhiệm vụ tiếp theo.
1.2. Sự cần thiết xây dựng
Đề án Công nghệ sinh học là công nghệ sử dụng các quá trình sinh học, các cơ thể sống hay các hệ thống sinh học, đặc biệt công nghệ AND tái tổ hợp và công nghệ mô, để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Trải qua 3 giai đoạn phát triển, công nghệ sinh học hiện đại đang chuyển sang giai đoạn mới về chất “Kỷ nguyên hậu genom”, “Kỷ nguyên OMICS” với sự phát triển vượt bậc về nền tảng công nghệ và được đánh dấu bởi các thành tựu đặc biệt quan trọng về khoa học kỹ thuật. Một trong những đặc điểm khác biệt quan trọng nhất của giai đoạn này so với trước đây là khả năng nghiên cứu một cách hệ thống các quá trình sinh học. Nếu trước đây chúng ta chỉ có thể nghiên cứu đơn lẻ các tác nhân thì hiện nay chúng ta có thể 3 nghiên cứu tổng thể các quá trình sinh học xảy ra trong tế bào sống. Điều này rất quan trọng, vì nghiên cứu đơn lẻ chỉ cho phép chúng ta chứng minh vai trò của một tác nhân nào đó, còn hiểu cả hệ thống cho phép chúng ta đưa ra phương hướng để giải quyết.
Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ sinh học đang từng bước được áp dụng rộng rãi cả về quy mô và hình thức áp dụng, công nghệ sinh học được ở Việt Nam hiện nay đang từng bước được đưa lên quy mô công nghiệp nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Công nghiệp sinh học là ngành công nghiệp sử dụng công nghệ sinh học và các phương pháp khoa học tiên tiến khác của khoa học sự sống trong việc tạo ra hoặc thay đổi các sản phẩm hoặc các quy trình công nghệ. Theo báo cáo tổng hợp về công nghiệp sinh học năm 2015 thì thị trường vốn về công nghiệp sinh học của Mỹ, EU, Úc và Canada năm 2014 đạt trên 1.062,415 tỷ USD (trong đó Mỹ: 853,862 tỷ USD; EU: 162,149 tỷ USD; Úc: 42,177 tỷ USD; Canada: 5,227 tỷ USD), lợi tức đạt 123,096 tỷ USD, lãi dòng đạt 14,852 tỷ USD. Kinh phí dành cho nghiên cứu R&D đạt 35,387 tỷ USD. Hai sản phẩm chính là thuốc Harvoni và Sovaldi dùng cho điều trị Hepatitis C của hãng Gilead Sciences (Mỹ) có thị phần và mức độ phát triển nhanh nhất. Theo đánh giá thì hiện nay khoảng 70% tổng doanh thu của ngành công nghệ sinh học của Mỹ đến từ 5 hãng hàng đầu là Gilead Sciences, Amgen, Biogen, Celgene và Regeneron. Năm 2014 cũng là năm mà Mỹ và Châu Âu có lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học đạt mức cao thứ 2 lịch sử (6,8 tỷ USD) so với đợt bùng nổ sau thành công giải mã hệ gen người (genomics) vào năm 2000 (7,8 tỷ USD).
Nhận thấy rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng CNSH trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm và tạo điều kiện để phát triển công nghệ sinh học. Ở nước ta công nghệ sinh học là một trong 4 lĩnh vực khoa học và công nghệ được ưu tiên phát triển cùng với công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới – công nghệ nano, công nghệ chế tạo và tự động hóa.
Từ năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/CP về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến 2010. Một trong những quan điểm và mục tiêu chính của Nghị Quyết 18/CP là phát triển công nghệ sinh học nhằm phục vụ phát triển Nông Lâm Ngư nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Trong 06 nội dung chính của Nghị quyết 18/CP có một nội dung liên quan quan đến xây dựng ngành công nghiệp sinh học dựa trên việc chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam và phát triển công nghệ trong nước. Thực hiện Nghị quyết 18/CP của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình CNSH phục vụ phát triển sản xuất Nông – Lâm – Ngư nghiệp giai đoạn 1995-2000 (Chương trình 52D). Sau đó là các chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (Chương trình KC04) cho các giai đoạn 2000-2005, 2006-2010 và 2011-2015. Chương trình KC04 đã kết thúc vào tháng 6 năm 2016.
Nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 50 (2005) về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Quyết định số 188/2005/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ) với 12 đề án, dự án cần triển khai thực hiện bởi các Bộ ngành. Đến nay, một số nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai thực hiện như: Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 (2006); Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 (2007); Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 (2007); Kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến 2020 (2008); Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến 2020 (2012); Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về CNSH đến năm 2025, còn một số nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ chưa được triển khai liên quan đến các lĩnh vực như: CNSH trong y tế, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, hoàn thiện hệ thống văn bản về CNSH, dự án luật An toàn sinh học và các nghị định hướng dẫn thi hành luật, và “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp sinh học ở Việt Nam đến năm 2020” trong nội dung “Hình thành và từng bước phát triển ngành công nghiệp sinh học” của Chương trình hành động.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 50, Ban chấp hành Trung ương đã đánh giá dù đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 50 còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đạt được mục tiêu đề ra (Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, 2016). Cụ thể, trình độ công nghệ sinh học nước ta vẫn chưa đạt mức độ tiên tiến trong khu vực. Công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực và chưa có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Một trong những hạn chế yếu kém được nêu ra là do nguồn vốn đầu tư hạn chế và chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở quy mô công nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm CNSH. Để khắc phục các hạn chế trên, Kết luận 06 của Ban Bí thư đã nêu 5 nhiệm vụ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.Để triển khai thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐTTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030. Trong phần tổ chức thực hiện của Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chi tiết tải file đính kèm dưới đây:
Files
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |