Tỏi Đỏ ( Sâm Đại Hành - Eleutherine subaphylla Gagnep)

Còn gọi là tỏi lào, sâm cau, sâm đại hành, hành lào (Hòa Bình), tỏi mọi, kiệu đỏ, có nhạt (Lào). có Tên khoa học Eleutherine subaphylla Gagnep. Thuộc họ La Dơn Iridaceae.

Jan 15, 2024 - 15:37
 0  50
Tỏi Đỏ ( Sâm Đại Hành - Eleutherine subaphylla Gagnep)
Sâm Đại Hành thường dùng trị thiếu máu, vàng da, hoa mắt, choáng váng, nhứt đầu, mệt mỏi, băng huyêt, ho ra máu, thương tích lưu huyết, ho, ho lao, ho gà, viêm họng cấp và mãn, tê bại do thiếu dinh dưỡng, đinh nhọt, viêm da, lở ngứa, chốc đầu trẻ em, tổ đỉa, vẩy nến.

Còn gọi là tỏi lào, sâm cau, sâm đại hành, hành lào (Hòa Bình), tỏi mọi, kiệu đỏ, có nhạt (Lào).

Tên khoa học Eleutherine subaphylla Gagnep.

Thuộc họ La Dơn Iridaceae.

Người ta dùng củ tươi hay phơi hoặc sấy khô của cây tỏi đỏ làm thuốc với tên khoa học Bul-bus Eleutherinis subaphyllae.

Mô tả cây

Tỏi đỏ là một loại cỏ sống lâu năm, cao từ 30- 60cm, dò (củ) hình trứng dài 4-5cm, đường kính 2-3cm giống như củ hành nhưng dài hơn, ngoài phủ vảy màu đỏ nâu, phía trong màu nâu hồng đến đỏ nâu. Lá hình mác, gân lá song song, chạy dọc, trông giống như lá cau non, củ lại có tác dụng bổ cho nên có tên sâm cau (lá như lá cau, bổ như sâm); lá có thể dài 40-50cm, rộng 3-5cm. Từ củ mọc lên một cán mang hoa dài 30-40cm, trên cán có một lá dài 15-25cm, hoa mọc thành chùm 3 lá đài, 3 cánh tràng màu trắng hay vàng nhạt. 3 nhị màu vàng. Bầu hình trứng, 3 cạnh 3 ngăn dài 1mm, vòi dài 2,5mm, trên xẻ thành 3 trông như 3 mũi dùi.

Phân bố, thu hái và chế biến

Tỏi đỏ mọc hoang và được trồng lấy củ (dò) làm thuốc tại nhiều nơi như Hà Tây, Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Hà Nội cũng có một số nhà trồng. Trống tỏi đỏ rất đơn giản: chỉ việc dùng củ vùi xuống đất như trồng hành, trồng tỏi.

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng sinh

Dịch chiết tỏi đỏ tẩm giấy có đường kính 10mm đặt trên thạch có cấy vi trùng có tác dụng hạn chế sinh sản của vi trùng Diplococcus pneumoniae, Streptococcus hemolyticus Staphylococcus aureus. Tác dụng yếu hơn đối với Shigella flexneri, Shiga. Bacillus mycoides, B. anthracis. Không có tác dụng. đối với Escherichia coli, Bacillus pyocyaneus, B.diphtheriae.

Tác dụng chống viêm

Làm giảm phản ứng phù thực nghiệm trên chân chuột (thí nghiệm so sánh với hydrocortison thấy gần tương tự).

Độc tính

Chuột nhắt uống với liều 169g/ kg (1 lần), thỏ uống 26g/kg/ngày. (uống liền 3 ngày) không biểu hiện nhiễm độc, súc vật sống bình thường.

Cho thỏ uống với liều 10g/kg/ngày, liền trong 30 ngày. Con vật khỏe mạnh bình thường, giải phẫu không thấy tổn thương gan hay thận.

Trên lâm sàng, thấy có tác dụng tốt đối với chốc đầu trẻ em, nhọt đầu đinh, viêm da mủ, viêm họng cấp và mãn tính, chàm nhiễm trùng. tổ đỉa, vẩy nến … (Khoa da liễu bệnh viện Bạch Mai và Quân y viện 108).

Dạng và liều dùng

Tỏi đỏ được dùng làm thuốc bổ máu, chữa mệt mỏi, tiêu độc dùng dưới dạng rượu, nước sắc hay chế thành viên.

Ngày uống 4 đến 12g tỏi lào khô hay 12-30g tỏi lào tươi.

Rượu tỏi đỏ: Tỏi đỏ khô thái mỏng 100g, rượu uống vừa đủ một lít. Ngâm trong 10-15 ngày. Ngày uống 20-30ml (một cốc con) chia 2 lần uống vào trước hai bữa cơm chính, uống liên tục trong 15-20 ngày.

Nước sắc tỏi đỏ: Tỏi đỏ tươi 12-30g, nước 400ml. Sắc còn 150ml, chia làm 2 lần trước 2 bữa ăn chính.

Viên tỏi đỏ: Dịch chiết tôi đỏ bằng rượu 40 độ cô đến khô, chế thành viên, mỗi viên 0,25g. Người lớn uống 9-12 viên chia làm 3 lần uống trong ngày. Trẻ con từ 1-5 tuổi: Ngày uống 1 đến 6 viên; trẻ em 6-13 tuổi: Ngày uống 6-8 viên.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. GS.TS Đỗ Tất Lợi