Trám, cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Campuchia) (Canarium album (Lour) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.))

Tính chất chữa bệnh của trám ghi trong các tài liệu Đông y cổ là: Vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế, lợi yết hầu sinh tân chỉ khát, giải độc, là thuốc chữa yết hầu sưng đau, hòa hãn tư bổ, có thể giải được say rượu, nọc cá độc, nọc con dải, còn dùng chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm.

Oct 16, 2021 - 00:46
 0  14
Trám, cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Campuchia) (Canarium album (Lour) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.))
Cây Trám trắng - Canarium album
Trám, cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Campuchia) (Canarium album (Lour) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.))
Trám, cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Campuchia) (Canarium album (Lour) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.))

Cây Trám Còn gọi là cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Campuchia).

Tên khoa học: Canarium album (Lour) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.) Thuộc họ Trám Burseraceae (1).

Thanh quả (Fructus Canarii) là quả trám trắng chín phơi hay sấy khô. Còn có tên là can thanh quả hay cảm lãm.
 
A. Mô tả cây

Trám trắng là một cây cao từ 12 - 15m, thân mọc thẳng đứng, đường kính đạt tới 0.4 – 0.6m. Lá mọc so le, kép lông chim gồm 5 - 7 đôi lá chét, cuống lá chung dài bằng 1/4 - 1/3 toàn lá, cuống lá chét dài 5 - 8mm. Lá chét dài 5 - 17cm, rộng 2.0 – 5.5cm mép nguyên. Hoa hình cầu, màu trắng, mọc thành từng nhóm 2 - 3 thành chùy ở đầu cành hay kẽ lá. Chùy dài 8 - 10cm, Quả hình thoi, hai đầu tù, dài 45mm, rộng 20 - 25mm, hạch cứng nhẵn, hình thoi với 2 đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa hoa tháng 6 - 7, mùa quả vào các tháng 8 – 10.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây trám mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Tại Trung Quốc, trám trắng được trồng ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến.
 
Thường người ta lấy quả, vào tháng 9 - 10, quả chín, hái về phơi khô trong mát là được.
 
Ngoài việc khai thác quả, nhân dân ta còn khai thác nhựa trám để làm hương thắp và để cất tinh dầu hay chế côlôphan trám.
 
Muốn lấy nhựa trám, người ta chích thân và nhiều khi cả trên rễ nổi trên mặt đất. Thường chỉ chích nhựa trên những cây to, đã bắt đầu cho quả. Mỗi năm, một cây trám cho từ 5 đến 8kg nhựa (cây chừng 20 tuổi). Nhựa khi mới chảy có màu trắng xanh nhạt, dần dần đặc lại và thường được đựng trong các thùng để đem tiêu thụ tại những chợ gần đó.
 
C. Thành phần hoá học

Trong quả trám có chừng 1.2% chất protit, 1% chất béo, 12% chất hydrat cacbon, 0.204% canxi, 0.06% photpho, 0.0014% chất sắt và 0.021% vitamin C (theo kết quả phân tích của Viện vệ sinh Trung Quốc, 1975).
 
Trong nhân quả trám có chừng 50 - 65% chất dầu béo. Nhựa trám là một chất mềm, màu vàng nhạt, nhưng nhiều khi có màu thẫm đen là do các cành lá, vỏ lẫn vào. Mùi thơm dễ chịu. Đun nóng (90oC) sẽ chảy lỏng. Tan trong ête dầu hoả (có thể dùng để tinh chế), khi cất kéo bằng hơi nước, nhựa trám sẽ cho 18 - 30% tinh dầu.
 
Tinh dầu này không màu hay màu hơi vàng nhạt, lỏng, mùi thơm, tỷ trọng 0.887 – 0.841, hơi hữu tuyền. Khi đun tinh dầu một phần bắt đầu cất từ 100oC, nhưng phần lớn cất từ 158 – 177oC. Nếu lắc tinh dầu với natri bisunfit, chừng 6% tinh dầu tan trong đó (chất andehyt), tinh dầu còn lại sẽ có mùi thơm. Thành phần chủ yếu của tinh dầu trám đã được xác định là sabinen (45%), một nguyên liệu để tổng hợp chất thơm dùng trong hương liệu. Ngoài ra, còn tecpinen (16.7%), tecpineol (10.8%), pinen (9%), tecpinen (4,9%),... Sau khi cất tinh dầu, còn lại một chất côlôphan, tan hoàn toàn trong ête và tan một phần trong cồn lạnh. Chất nhựa trám được tiêu thụ trên thị trường quốc tế với tên Elemi.
 
C. Công dụng và liều dùng

Quả trám trắng chỉ mới thấy dùng trong nhân dân. Tính chất chữa bệnh của trám ghi trong các tài liệu Đông y cổ là: Vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế, lợi yết hầu sinh tân chỉ khát, giải độc, là thuốc chữa yết hầu sưng đau, hòa hãn tư bổ, có thể giải được say rượu, nọc cá độc, nọc con dải, còn dùng chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm.
 
Ngày dùng 2 đến 3 quả hoặc có thể hơn.
 
Nhựa trám dùng để cất tinh dầu dùng trong kỹ nghệ nước hoa, côlôphan còn lại có thể dùng trong kỹ nghệ xà phòng, véc-ni, Trong kháng chiến, tinh dầu đã được dùng làm dung môi chiết suất cafein trong lá chè. Trong nhân dân, dùng nhựa trám trộn với thân đậu tương làm hương thơm thắp khi cúng bái ngày lễ.
 
Đơn thuốc có thanh quả hay quả trám trong nhân dân:

Chữa hóc xương cá: Ngậm quả trám, nuốt lấy nước. Hoặc sắc 5 quả trám, lấy nước cho ngậm và nuốt.
 
Chữa ngộ độc do ăn phải cá độc: 3 quả trám sắc lấy nước uống.
 
Cao quả trám: Quả trám bóc bỏ hạt: 100g. Thêm nước nấu đặc thành cao lỏng, sau thêm 50g phèn chua, cô đặc lại một lần nữa. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 2 - 3g chữa cổ họng sưng đau, nhiều đờm.
 
Chú thích:

Ngoài cây trám trắng kể trên, ở nước ta người ta còn trồng cây trám đen hay cây bùi, ô lãm (Canarium nigrum. Lour. Engl. hay Canarium pimela Keen, Pimela nigra Lour.) cùng thuộc họ Trám (Burseraceae). Cây cao trung bình. Lá dài 20 - 25cm, kép hình lông chim, gồm 4 đôi lá chét. Hoa mọc thành chùy mang những nhánh gồm nhiều chùm tán 6 - 10 hoa. Quả hình trứng màu tím đen sẫm, dài 3 - 4cm, rộng 2cm, hạt cứng có 3 ngăn. Cây này được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để lấy quả ăn và lấy nhựa trám. Mùa quả vào tháng 10 - 12. Quà trám đen thường luộc ăn. Khi luộc trám, nấu nước sôi quả trám sẽ cứng, nhưng nếu non quá thì trám sẽ nát. Thường người ta cho muối vào nước (để cho đậm quả trám). Đun cho sôi, cho quả trám vào rồi bắc ra ngay để nguội dần là trám vừa chín và bùi, béo.

Trám đen - Canarium nigrum (Xem chi tiết Trám đen)

Nhựa trám đen cũng lấy như nhựa trám trắng. Trong nhân trám trắng và trám đen có chừng 50 - 70% chất côlôphan. 

Nhựa trám đen cùng một công dụng như trám trắng. Trong nhân trám trắng và trám đen có chừng 50 - 65% chất dầu béo có thể dùng làm dầu chạy máy.
 
Ghi chú: (1) Hiện nay, một số tác giả nhập họ Bursraceae vào họ Anacardiaceae. (Tìm hiểu tại đây)
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)