Trầm Hương - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte

Trầm hương này có thể hình thành ở cây tươi đang sống hoặc cây đã chết từ lâu. Trầm còn được dùng làm thuốc trị nôn mửa, đau bụng, hen suyễn. Lá và cây con được dùng làm thuốc chữa ho, đau mắt.

Oct 31, 2020 - 10:23
 0  52
Trầm Hương - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte
Nụ hoa, lá cây Trầm hương

Trầm Hương

Tên Khoa học: Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Trầm; Trầm hương; Trầm dó; Dó bầu; Gió núi.
Tên khác: Aquilaria agallocha auct, non Roxb.;

Mô tả cây:

Cây gỗ thường xanh, cao đến 30m; vỏ màu nâu xám, nứt dọc, cành mọc cong queo, tán thưa. Lá hình trứng thuôn hay bầu dục, dài 5 - 11cm, rộng 3 - 9cm, đầu có mũi nhọn, gốc hình nêm rộng, mép nguyên, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới nhạt hơn và có lông mịn; gân bên 12 - 20 đôi; cuống lá dài 2 - 5mm.

Cụm hoa hình tán ở nách lá gần ngọn. Hoa nhỏ, màu vàng lục. Đài hình chuông nông, với 5 thùy. Cánh hoa 10. Nhị 10. Bầu 2 ô, mỗi ô chứa 1 noãn, ở gốc bầu có tuyến mật.

Quả nang hình trứng ngược, dài 3 - 5cm, có lông mềm ngắn, màu vàng xám, mang đài tồn tại. Hạt chín màu nâu đen.

Phân bố ở Thái Lan, Campuchia, Trung và Nam Việt Nam. Ở Việt Nam có gặp từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận vào đến Kiên Giang (đảo Phú Quốc).

Cây mọc rải rác trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm nguyên sinh ở độ cao 500 - 1000m trên sườn núi, ít dốc và thoát nước, không bao giờ mọc thuần loại mà thường mọc hỗn giao với các loài cây lá rộng khác. Tái sinh bằng hạt; cây con thường chỉ gặp nơi có ánh sáng trong rừng hay ven rừng.

Ra hoa tháng 2 - 4, có quả tháng 5 - 7.

Từ gỗ có thể lấy được trầm có mùi thơm và có giá trị cao, được dùng làm hương liệu trong công nghiệp mỹ phẩm. Trầm này có thể hình thành ở cây tươi đang sống hoặc cây đã chết từ lâu.

Trầm còn được dùng làm thuốc trị nôn mửa, đau bụng, hen suyễn.

Lá và cây con được dùng làm thuốc chữa ho, đau mắt.

Gỗ màu vàng nhạt, mềm và nhẹ, kém chịu mối mọt và mục nên ít được sử dụng. Vỏ cây có nhiều sợi dai, có thể làm sợi hoặc giấy đặc biệt.

Cây bị khai thác nhiều, có nguy cơ giảm số lượng nên đã được đưa vào Sách Đỏ, đề nghị bảo vệ và gây trồng.