Xạ can, cây rẻ quạt, la cho (Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.))

Xạ can hay còn gọi cây rẻ quạt đặc điểm chữa bệnh Chủ yếu làm thuốc chữa viêm cổ họng, vùng a-mi-đan bị sưng mủ, đau cổ. Nói chung, xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa mọi bệnh về cổ họng.

Oct 12, 2021 - 10:43
 0  18
Xạ can, cây rẻ quạt, la cho (Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.))
Xạ can - Belamcanda sinensis
Xạ can, cây rẻ quạt, la cho (Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.))
Xạ can, cây rẻ quạt, la cho (Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.))
Xạ can, cây rẻ quạt, la cho (Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.))

Cây Xạ Can còn gọi là cây rẻ quạt, la cho (Lang-biang), Iris tigré.

Tên khoa học: Belamcanda sinensis (L) DC. (Pardanthus sinensis Ker., Ixia sinensis Murr.). Thuộc họ Lay ơn Iridaceae.

Xạ can (Rhizoma Belamcandae) là thân rễ phơi hay sấy khô cùa cây rẻ quạt.
 
A. Mô tả cây

Xạ can là một loại cỏ sống dai, có thân rễ mọc bò. Thân có lá mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m. Lá hình mác, hơi có bẹ, dài 20 - 40cm, rộng 15 - 20cm. Cụm hoa dài 20 - 40cm, cuống gầy mềm. Hoa có cuống, bao hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ, điểm những đốm tía. Quả nang hình trứng, có 3 van, dài 23 - 25mm, hạt xanh đen, hình cầu bóng, đường kính 5mm.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất tại các vùng savan, có khi được trồng làm cảnh. Còn mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Philipin.
 
Đào rễ và thân rễ vào mùa xuân hoặc mùa thu. Rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô, khi dùng thì ngâm vào nước gạo từ một hai ngày cho mềm, thái mỏng phơi hay sấy khô mà dùng dần.
 
C. Thành phần hoá học

Trong xạ can, người ta đã chiết ra được một chất glucozit gọi là belamcandin C24H24O12 và tectoridin C22H22O11.
 
Có tác giả còn tìm thấy một glucozit khác gọi là iridin C24H28O4 và shekanin (xạ can tố) với hiệu suất 0.05%.
 
Belamcandin thuỷ phân sẽ cho glucoza và belamcangenin. Tectoridin thuỷ phân sẽ cho glucoza và tectorigenin (có tinh thể hình phiến, độ chảy 227 – 230oC).

D. Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ, xạ can có vị đắng, tính hàn, hơi độc, vào hai kinh can và phế. Có tác dụng thanh hòa, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Dùng chữa yết hầu sưng đau, đờm nghẽn ở cổ họng. Phàm người tỳ vị hư hàn không dùng được.
 
Xạ can còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân.
 
Chủ yếu làm thuốc chữa viêm cổ họng, vùng a-mi-đan bị sưng mủ, đau cổ. Nói chung, xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa mọi bệnh về cổ họng.
 
Ngoài ra, còn là một vị thuốc chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú tắc tia sữa, chữa kinh nguyệt đau đớn, thuốc lọc máu. Có nơi còn dùng chữa rắn cắn: nhai nuốt lấy nước, bã đắp lên nơi rắn cắn.
 
Ngày dùng 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc. Hoặc giã củ tươi 10 - 20g với vài hạt muối, vắt lấy nước, ngậm và nuốt dần. Bã đắp ở ngoài.
 
Đơn thuốc có xạ can:

1. Bài thuốc chữa tắc cổ họng: Xạ can 4g, hoàng cầm 2g, sinh cam thảo 2g, cát cánh 2g. Các vị tán nhỏ, dùng nước lã đun sôi để nguội mà chiêu thuốc. Bài thuốc này có tên là “đoạt mệnh tán” nghĩa là cướp lại tính mệnh đã nguy cấp.
 
2. Bài thuốc chữa các triệu chứng báng bụng to, nước óc ách, da đen xạm: Xạ can tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước uống, hễ thấy lợi tiểu tiện thì thôi.
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)