12 cách giúp hạ đường huyết không cần dùng thuốc

Hạn chế carbohydrate, không bỏ bữa sáng, kiểm soát cân nặng, tập thể dục, bỏ thuốc lá… giúp người bệnh tiểu đường hạ đường huyết một cách tự nhiên.

Jan 13, 2023 - 02:13
 0  101
12 cách giúp hạ đường huyết không cần dùng thuốc
12 cách giúp hạ đường huyết không cần dùng thuốc
12 cách giúp hạ đường huyết không cần dùng thuốc

Đường huyết cao theo thời gian khiến người tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng như bệnh tim và đột quỵ, tổn thương thận, mắt và thần kinh... Dưới đây là 12 cách để hạ đường huyết không cần dùng thuốc.

Hạn chế carbohydrate

Tinh bột, đồ ngọt là carbohydrate (carb) được cơ thể phân hủy và hấp thụ dưới dạng đường glucose nhanh hơn, làm tăng nhanh chóng lượng đường trong máu. Hạn chế và thay thế carb đơn giản bằng carb phức tạp có thể làm hạ đường huyết. Cụ thể, hạn chế thực phẩm như tinh bột (cơm, mì trắng...), bánh ngọt, kẹo... và thay rau có tinh bột bằng các loại rau giàu chất xơ, ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt.

Không bỏ bữa sáng

Thường xuyên bỏ bữa sáng có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin và làm tăng lượng đường trong máu. Mọi người, nhất là người bị tiền tiểu đường và tiểu đường nên có bữa sáng lành mạnh, bổ dưỡng để cung cấp năng lượng cho cả ngày và giúp giữ ổn định đường huyết. Các món ăn như bột yến mạch, sữa chua không đường với trái cây, trứng là bữa sáng lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống

Chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây) không làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, thêm chất xơ vào chế độ ăn đem lại nhiều lợi ích như: tăng cảm giác no lâu nên có thể giảm cân, cải thiện nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón, giảm cholesterol cao trong máu.

Thêm tỏi vào bữa ăn

Tỏi chứa nhiều hợp chất có tác dụng như hạ đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin, hạ huyết áp, cải thiện cholesterol và giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Với những lợi ích này, bạn nên thêm tỏi vào bữa ăn.

Chia nhỏ bữa ăn

Ăn các bữa ăn lớn, nhất là khi một bữa ăn nhiều carb có thể khiến đường huyết tăng đột biến. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, cân bằng dinh dưỡng giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu ổn định trong ngày.

Dùng men vi sinh

Men vi sinh có trong sữa chua, thực phẩm lên men (kim chi, dưa muối...) và thực phẩm bổ sung có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và mức A1C (đường huyết trung bình 2-3 tháng), cải thiện độ nhạy insulin.

Uống nước

Người tiểu đường và tiền tiểu đường phải giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước. Vì mất nước có thể khiến máu bị cô đặc, làm tăng nồng độ glucose trong máu. Nước lọc là tốt nhất, người có đường huyết cao cần tránh các loại đồ uống chứa đường, nước ngọt...

Đạt cân nặng khỏe mạnh

Một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát đường huyết là giữ cân nặng khỏe mạnh. Béo phì là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Người mắc các bệnh này nên có chế độ ăn kiêng và tập thể dục để đạt được cân nặng khỏe mạnh, làm giảm lượng đường trong máu đủ để bệnh tiểu đường thuyên giảm.

Tập thể dục

Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu, chống lại các yếu tố tăng nguy cơ mắc tiểu đường như béo phì và lối sống ít vận động. Tham gia hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm thuyên giảm bệnh tiểu đường. Mọi người nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần để duy trì đường huyết khỏe mạnh.

Bỏ hút thuốc

Hút thuốc là một nguyên nhân dẫn đến các bệnh như bệnh tim, ung thư và tử vong sớm. Chất nicotin trong thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử làm tăng đường huyết, người tiểu đường hút thuốc thường cần liều lượng thuốc cao hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Bỏ thuốc lá giúp hạ đường huyết, cải thiện sức khỏe tim và phổi, đồng thời kéo dài tuổi thọ.

Ngủ nhiều hơn

Giấc ngủ kém có thể gây ra bệnh tim mạch, rối loạn tâm trạng và kháng insulin. Người mắc tiểu đường ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có khả năng kháng insulin cao hơn và khó kiểm soát bệnh hơn.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng mạn tính góp phần làm cho sức khỏe kém và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường. Trong thời gian căng thẳng, cơ thể tạo ra các hormone như cortisol, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Căng thẳng cũng có thể khiến bạn uống rượu, hút thuốc, ăn uống không kiểm soát dẫn đến làm tăng đường huyết. Tập yoga, thiền, chơi môn thể thao yêu thích, chơi game... giúp giảm căng thẳng, qua đó giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Theo vnexpress