Dự án dược liệu quý: Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tại Nguyên Bình, Cao Bằng
Huyện Nguyên Bình đẩy mạnh phát triển cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng, đây được xác định là mô hình giảm nghèo bền vững, thân thiện và phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân. Vì vậy, huyện đã xây dựng chương trình trọng tâm với nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tìm hướng đi đúng cho người dân địa phương.
VÙNG ĐẤT NHIỀU TIỀM NĂNG VỀ DƯỢC LIỆU
Nguyên Bình nằm ở phía Tây của tỉnh, kiến tạo địa chất, địa hình hình thành 2 vùng rõ rệt: vùng núi đá và vùng núi đất. Độ cao trung bình từ 800 - 1.100 m; có nhiều ngọn núi cao trên 1.000 m, trong đó đỉnh Phja Oắc cao 1.931 m, quanh năm mâymù bao phủ. Cùng với đó, nơi đây nằm trong vùng khí hậu miền núi nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20°C, nhiệt độ cao nhất 36,8°C, thấp nhất 0,6°C.
Với thảm thực vật phong phú, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với các loại cây, Nguyên Bình là địa phương có cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, ú tầu, tam thất, hà thủ ô, gừng, nghệ, giảo cổ lam, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả... Qua khảo sát, Nguyên Bình có 47 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam.
Thực hiện Chương trình số 04 của Huyện ủy Nguyên Bình về Chương trình phát triển sản xuất hàng hóa cây trúc sào, cây dong riềng và cây dược liệu giai đoạn 2015 - 2020, đến nay, huyện đã trồng 915,5 ha quế. Theo ngành chuyên môn, lợi nhuận trung bình từ trồng quế ước tính đạt gần 40 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây gỗ khác.
Cây ú tàu được trồng rải rác tại các xã Triệu Nguyên, Yên Lạc, Ca Thành, diện tích còn nhỏ lẻ, do người dân tự phát, hằng năm chỉ trồng từ 3 - 5 ha, chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa của địa phương. Cây gừng, nghệ được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) hỗ trợ kinh phí và thực hiện theo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, quy mô 20 ha với hình thức công ty cung ứng giống và thu mua sản phẩm. Còn các cây dược liệu khác mọc hoang trong tự nhiên, những năm gần đây được người dân địa phương khoanh trồng rải rác ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU
Qua tìm hiểu cho thấy, người dân có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm nhưng chủ yếu khai thác theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cây dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý bảo tồn khiến nguồn dược liệu quý hiếm bị cạn kiệt. Hơn nữa, việc nuôi trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu tự phát, manh mún, thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển nên ảnh hưởng lớn đến quy trình trồng, khai thác cây dược liệu có quy mô lớn.
Chủ tịch UBND xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao cho biết: Hoa Thám trồng cây quế từ năm 2016 - 2017 theo Chương trình phát triển sản xuất hàng hóa cây trúc sào, cây dong riềng và cây dược liệu giai đoạn 2015 - 2020, đến nay có gần 600 ha quế. Hiện cây trồng đang phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thỏ nhưỡng của địa phương.
Cây quế không những đem lại giá trị kinh tế cao mà còn có tác dụng cải tạo đất, nhất là đối với đất bạc màu, đất dốc, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai. Hy vọng rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã cùng với việc có nhiều chính sách, giải pháp cho việc phát triển cây dược liệu, trong tương lai cây quế sẽ là cây thế mạnh giúp người dân giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo mục tiêu của chương trình, giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu trồng mới 1.000 ha quế tại các xã: Thịnh Vượng, Minh Tâm, Vũ Minh, Tam Kim, Hoa Thám; trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng ít nhất từ 100 ha trở lên tại các xã: Hưng Đạo, Quang Thành, Thành Công và những xã có thể trồng được cây dược liệu dưới tán rừng.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng, huyện tập trung phát triển chủng loại cây dược liệu quý hiếm theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong đó, ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu sẵn có tại địa phương và lợi thế cạnh tranh lớn, dễ trồng, dễ tiêu thụ như: quế, sả, gừng, nghệ, ú tàu.
Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện canh tác của địa phương đối với cây dược liệu như: sâm, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, cát sâm, sa nhân tím, giảo cổ lam, trà hoa vàng… Muốn vậy, cần có những giải pháp mang tính lâu dài phù hợp với thực tiễn địa phương, đó là thực hiện quy hoạch trồng quế và một số loài cây dược liệu theo vùng, phát huy tiềm năng sẵn có của cây dược liệu trên địa bàn.
Thực hiện theo cơ chế, chính sách của tỉnh về đất đai, thuế, nguồn vốn... tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu, xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung. Có chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng với thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành.
Huy động nguồn lực để đầu tư sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản các loại cây dược liệu…
Theo Báo cao bằng
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |