Top 100 Cây Dược Liệu Quý của Việt Nam: Tập Trung Phát Triển 2020-2030

Bài viết này giới thiệu danh mục 100 cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao của Việt Nam, được Bộ Y tế công bố theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/08/2019. Đây là sự khởi đầu cho chương trình phát triển bền vững cây dược liệu trong giai đoạn 2020-2030, nhằm tận dụng và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm và phổ biến ở Việt Nam.

May 8, 2024 - 08:40
Jul 10, 2024 - 16:48
 0  42
Top 100 Cây Dược Liệu Quý của Việt Nam: Tập Trung Phát Triển 2020-2030
Danh mục 100 loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển. Ban hành kèm theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế
  

Nội dung chính

  • Cây Actisô - Cynara scolymus L., thuộc họ cúc - Asteraceae

    Cây Actisô - Cynara scolymus L., thuộc họ cúc - Asteraceae
    Hình ảnh Cây Actisô - Cynara scolymus L

    Tên khác: Artichaut (Pháp), Artichoke (Anh)

    Tên khoa học: Cynara scolymus L., Asteraceae(họ Cúc).

    Mô tả cây: Cây thảo cao cỡ 1 m, thân ngắn, thẳng cứng có khía dọc, phủ lông trắng. Lá to dài, mọc so le, cuống lá to và ngắn. Ở gốc, phiến lá xẻ thùy lông chim 2-3 lần, phiến lá ở ngọn cây gần như nguyên. Mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa hình đầu ở ngọn cành, gồm nhiều hoa hình ống màu lam tím đính trên 1 đế hoa nạc có đường kính 5-6 cm. Gốc đế hoa được bao bởi nhiều lá bắc đầu nhọn, mọng nước. Cây được tái sinh bằng hạt hoặc bằng chồi con.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến:  (Folium Cynarae scolymi) được thu hái quanh năm, rọc lấy phiến lá, rửa sạch rồi dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Thu hái lá quanh năm (khoảng 10-15 ngày cắt lấy các lá trưởng thành một lần) đến khi thu hoạch hoa thì chặt bỏ cây và trồng cây con mới.

    Cụm hoa đầu (Flos Cynarae scolymi) được hái lúc chưa nở, dùng tươi hoặc khô.

    Thành phần hóa học:  chứa các dẫn xuất acid mono-caffeoylquinic (acid chlorogenic, 3-caffeoylquinic…); các dẫn xuất acid di-caffeoylquinic (cynarin, 1,5-dicaffeoylquinic…); flavonoid (cynarosid, scolymosid). Cynarin và acid chlorogenic được xem là hoạt chất chính của Actisô. Cụm hoa chứa inulin, protid, lipid, đường, khoáng (Mn, P, Fe), vitamin (A, B1, B2, C).

    Công dụng và cách dùng: Actisô được làm thuốc bảo vệ gan, giải độc gan, lợi tiểu, lợi mật và hạ lipid máu.

    Lá Actisô được dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu cao hoặc có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau (viên, ống uống, sirô, trà…). Hoa Actisô thường dùng tươi làm thực phẩm và dùng khô làm trà. Dân gian còn dùng rễ và thân

  • Cây Ba kích-Morinda officinalis , Rubiacae

    Cây Ba kích-Morinda officinalis , Rubiacae
    Ba kích hay còn gọi ba kích thiên, nhàu thuốc, ruột gà, là loài thực vật thuộc chi Nhàu, họ Cà phê.

    Tên khác: Cây ruột gà

    Tên khoa học: Morinda officinalis F.C.How, Rubiaceae (họ Cà phê)

    Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, dài hàng mét. Thân non màu tím, có lông, sau nhẵn. Cành non có cạnh. Lá mọc đối, hình mũi mác hay bầu dục, 6-14 × 2,5-6 cm, có lông; cuống ngắn; lá kèm mỏng, ôm sát thân. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu cành, hoa nhỏ, lúc đầu màu trắng sau vàng. Quả hình cầu, rời nhau hay dính liền thành khối, khi chín màu đỏ, mang đài tồn tại ở đỉnh. Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài trên 3 cm, đường kính trên 0,3 cm. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu, vị hơi ngọt và hơi chát. Rễ khi phơi khô có nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ giống như ruột gà do đó có tên là ruột gà.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Morindae) đã phơi hay sấy khô, có thể đào lấy rễ quanh năm, rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu. Vị ngọt và hơi chát.

    Ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt đoạn, phơi khô.

    Diêm ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch trộn với nước muối ăn cho đều, đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong.

    Chích ba kích: Lấy Cam thảo giã dập, sắc lấy nước, bỏ bã. Cho Ba kích sạch vào, đun đến khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ, lấy ra rút lõi khi còn nóng, cắt đoạn, phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 6 kg Cam thảo.

    Thành phần hóa họcRễ Ba kích có iridoid glycosid (monotropein, asperulosid, asperulosid tetraacetat) và anthraquinon (physcion, rubiadin). Polysaccharid (mono và oligosaccharid) cũng là những thành phần quan trọng. Ngoài ra còn có các acid hữu cơ và một ít tinh dầu.

    Công dụng và cách dùng: Theo y học cổ truyền, Ba kích được dùng chữa liệt dương, di tinh, tử cung lạnh, phụ nữ khó mang thai, kinh nguyệt không đều, bụng dưới đau lạnh, phong thấp tê đau, gân xương yếu.

    Y học cổ truyền Trung hoa dùng Ba kích để điều trị loãng xương.

    Ghi chú: Không dùng cho người bị táo bón.

  • Cây Bạc Hà - Mentha arvensis L

    Cây Bạc Hà - Mentha arvensis L
    Cây Bạc Hà - Mentha arvensis L

    Tên khác: Bạc hà Á, Bạc hà nam.

    Tên khoa học: Mentha arvensis L., Lamiaceae(họ Hoa môi).

    Mô tả cây: Cây thân thảo, có thể cao đến 1 m. Thân có tiết diện vuông, nhẹ, xốp, dài khoảng 20-40 cm, đường kính khoảng 0,15-0,3 cm. Thân chia đốt, khoảng cách giữa các mấu khoảng 3-7 cm, màu nâu tím hoặc xanh xám, có nhiều lông hoặc gần như không có lông. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá mọc đối, cuống lá dài từ 0,5-1,5 cm, phiến lá hình mũi mác, 3-7 × 1,5-3 cm. Đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép có răng cưa nhọn. Hai mặt lá đều có lông nhiều hay ít. Lá khô dễ vụn nát. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biếnBộ phận trên mặt đất (Herba Menthae), tinh dầu (Oleum Menthae), menthol tách từ tinh dầu bạc hà. Thu hoạch khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy dược liệu, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở 30-40 oC đến khô. Nếu chiết lấy tinh dầu thì dùng lá tươi hoặc hơi héo.

    Thành phần hóa họcTinh dầu (menthol 65‑85%, menthon, iso-menthon, piperitenon oxide, carvon…), flavonoid (acacetin, eriocitrin, rutin, linarin…) và acid phenolic (acid rosmarinic, lithospermic).

    Công dụng và cách dùngBạc hà được dùng chữa cảm sốt, ngạt mũi, xoa bóp nơi sưng đau, sát trùng, chữa nôn, thông mật trợ giúp tiêu hóa. Menthol chữa viêm mũi, ngạt mũi (ống hít).

    Ghi chú: Không dùng cho trẻ sơ sinh vì menthol có thể ức chế hô hấp, gây ngạt thở.

  • Bách bệnh, Bá bệnh hay Mật thơm - Eurycoma longifolia jack subsp longifolia

    Bách bệnh, Bá bệnh hay Mật thơm - Eurycoma longifolia jack subsp longifolia
    Bách bệnh, Bá bệnh hay Mật thơm - Eurycoma longifolia jack subsp longifolia

    Tên khác: Bá bịnh, Mật nhân, Tongkat Ali (Malaysia)

    Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack.,Simaroubaceae (họ Thanh thất).

    Mô tả cây: Cây nhỡ, cao 2-8 m, ít phân cành. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 21-25 lá chét không cuống, mọc đối, hình bầu dục, mặt trên xanh bóng, cuống lá kép màu nâu đỏ. Cụm hoa mọc ở ngọn cành thành chùm kép hoặc chùy rộng; hoa màu đỏ nâu. Quả hạch, hình trứng, nhẵn, có rãnh dọc, khi chín có màu vàng đỏ, chứa một hạt.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ , vỏ thân lá phơi hay sấy khô

    Thành phần hóa học: Vỏ thân, rễ và lá có các hợp chất quassinoid (eurycomalacton, eurycomanon, longilacton, 14,15β-dihydroxyklaineanon….), alkaloid (canthin-6-on, 9-hydroxycanthin-6-on…), triterpen, các hợp chất phenolic….

    Công dụng và cách dùng: Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ thân Bách bệnh dùng chữa các trường hợp ăn uống không tiêu, nôn mửa, đầy bụng, tiêu chảy, chữa sốt rét, giải độc rượu và chữa đau lưng, nhức mỏi. Rễ chữa ngộ độc và tẩy giun. Lá chữa lở ghẻ.

  • Bách bộ-Stemona tuberosa Lour.

    Bách bộ-Stemona tuberosa Lour.
    Cây Bách bộ, Củ ba mươi, Củ rận trâu, Dây dẹt ác - Stemona tuberosa Lour thuộc họ Bách bộ - Stemonaceae

    Tên khác: Dây ba mươi

    Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour., Stemonaceae (họ Bách bộ).

    Mô tả cây: Dây leo bằng thân quấn, thân nhỏ, nhẵn dài 6-8 m hay hơn. Lá mọc đối hoặc so le, phiến hình tim, gân lá hình cung chạy từ cuống lên đầu lá. Phiến lá có nhiều nếp nhăn ngang đặc sắc. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài 2-4 cm, mang 1-2 hoa to, màu vàng lục. Quả nang, hình trứng thuôn, chứa nhiều hạt. Rễ chùm gần đến 30 củ hoặc hơn.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ (Radix Stemonae) hình trụ cong queo, dài 10-20 cm, đường kính 1-2 cm. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà. Đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ ở hai đầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở 50-60 oC.

    Thành phần hóa học: Rễ củ Bách bộ có alkaloid (stemonin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, stemin, croomin oxytuberostemonin), ngoài ra còn có glucid, lipid, protid, acid hữu cơ (citric, malic, succinic…)

    Công dụng và cách dùng: Bách bộ được dùng chữa ho mới hoặc ho lâu ngày, ho gà, ho lao, viêm phế quản mạn tính. Dùng ngoài trị chấy, rận, ghẻ lở, giun kim, ngứa âm hộ.

    Ghi chú: Một số loài Stemona khác như S. pierrei Gagnep. và S. xasorum Gagnep. cũng được dùng.

  • Cây Bạch cập - Bletilla striata (Thunb) Reichb L

    Cây Bạch cập - Bletilla striata (Thunb) Reichb L
    Bạch cập (白芨, Tên khoa học: Bletilla striata) là một loài lan trong chi Bạch cập.

    Tên Khoa học: Bletilla striata (Thunb.) Reichb.f.
    Tên tiếng Anh:
    Tên tiếng Việt: Bạch cập
    Tên khác: Limodorum striatum Thunb., Epidendrum tuberosum Lour., Cymbidium hyacinthinum Smith, Bletia hyacinthina (Smith) R. Br.;

    Bạch cập (Tên khoa học: Bletilla striata) là một loài lan trong chi Bạch cập. Cây phân bố từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Việt Nam. Tại Việt Nam, cây có mặt ở Sa Pa, Tam Đảo và miền Trung

    Mô tả: Cây thảo nhiều năm mọc đứng cao 20-30cm. Hành giả hình củ, xếp thành chuỗi nằm ngang màu trắng ngà có những đường vòng màu nâu nhỏ do các vết tích của lá cũ và những mầm thân non đang phát triển. Mỗi nhánh mang 4-5 lá hình mác, có những nếp nhăn dọc, xếp ôm nhau ở góc không có cuống. Hoa 3-8 cái màu hồng tím khá to, mọc thành chùm ở ngọn; cánh môi màu tím đậm mang 5-7 mào uốn lượn. Quả nang hình thoi 6 cạnh.

    Màu hoà tháng 3-5; quả tháng 7-9.

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Bletilae, thường gọi là Bạch cập.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc trên đất rừng, đất đồi, rừng thứ sinh, vùng núi Tây Bắc, Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phú, Lạng Sơn. Cũng thường được trồng làm cảnh, trồng bằng thân rễ. Củ thu hái vào tháng 8-9, phơi khô, thường có màu trắng vàng, dỏng nhu con ốc dẹt trong có nhiều chất dính. Khi dùng rửa sạch, sấy qua nhỏ lửa.

    Thành phần hoá học: Củ chứa keo và tinh dầu.

    Tính vị, tác dụng: Vị đắng, ngọt, chát, tính hơi hàn, có tác dụng bổ phổi, cầm máu và làm tan máu ứ, hàn gắn vết thương chảy máu.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Loại thuốc dùng để cầm máu, trị thổ huyết, khạc ra máu, chảy máu cam. Dùng ngoài đắp, bôi mụn nhọt, sinh cơ khỏi đau; cũng dùng đắp vết thương chém chặt. Bột của nó trộn dầu chữa bỏng, chân tay tê bì cũng có công hiệu tốt. 

    Dân gian và các thầy thuốc cho rằng uống lâu có thể nhuận phế, chữa lao phổi, nhưng vị đắng nên cần cho thêm nhiều đường phèn uống mới tốt. 

    Người ta dùng Bạch cập phối hợp với Rimifon có hiệu quả rất tốt; trị ho gà cũng có kết quả. 

    Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài hoà bột với nước đắp hoặc hoà bột với nước uống.

    Ðơn thuốc:

    1. Chữa phổi kết hạch, ho, khạc ra máu hay lao hang; Bạch cập tán nhỏ uống mỗi lần 12g, liều dùng không hạn chế.

    2. Chữa thổ huyết và chảy máu dạ dày: Bạch cập 2 phần, Tam thất 1 phần, tán nhỏ uống với nước cơm, mỗi lần 4-8 g, liều dùng tuỳ nghi.

    3. Chữa vết thương đứt chém: Bạch cập hai phần, vôi một phần, bồ hóng một phần tán nhỏ rắc vào.

    4. Chữa ung nhọt sưng đau: Bạch cập tán nhỏ quấy với nước đặt trên giấy đắp vào.

  • Cây Bạch Chỉ - Angelica Dahurica

    Cây Bạch Chỉ - Angelica Dahurica
    Hình ảnh cây bạch chỉ

    Tên khác: Hương bạch chỉ; hàng châu bạch chỉ

    Tên khoa học: Angelica dahurica (Fisch. ex Hoffm.) Maxim.

    Tên đồng nghĩa: Callisace dahurica Fisch. ex Hoffm.;

    Mô tả: Cây thảo cao 0,5 -1m hay hơn, sống lâu năm. Thân hình trụ, rỗng, không phân nhánh. Lá to có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần long chim, mép khía răng, có lông ở gần lá mặt trên. Cụm hoa tán kép mọc ở ngọn. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt.

    Mùa hoa tháng 5-6, quả tháng 7.

    Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Angelicae Dahuricae, thường gọi là Bạch chỉ.

    Nơi sống và thu hái: Cây nhập nội, trồng ở cả miền núi và đồng bằng. Thu hoạch củ vào mùa thu, tránh làm sây xát vỏ và gẫy rễ. Không lấy rễ ở cây đã ra hoa kết hạt. Rửa sạch, cắt bỏ rễ con, xông diêm sinh 24 giờ, rồi phơi hay sấy khô.

    Thành phần hoá học: Cây có mùi thơm. Trong cây có tinh dầu, nhựa 1%, angelicotoxin 0,43%, byak angelicin, acid angelic, phellandren, dẫn chất furocoumarin. Các dẫn chất coumarin đã biết là isoimperatorin, imperatorin, bergapten, phellopterin, oxypeucedanin, xanthotoxin.

    Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính bình, có tác dụng khư phong, chỉ thống, hoạt huyết, bài nung, sinh cơ. Ngày nay người ta biết được tác dụng kháng khuẩn, tác dụng giảm đau, tác dụng chống viêm.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: chữa cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau răng phong thấp nhức xương, bạch đới. Thuốc cầm máu trong đại tiện ra máu, chảy máu cam, mụn nhọt, mưng mủ, viêm tuyến vú ...

    Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

    Ðơn thuốc:

    1. Chữa mụn nhọt mưng mủ: Bạch chỉ, Ðương quy, Tạo giác mỗi vị 7g sắc nước uống.

    2. Chữa viêm tuyến vú giai đoạn đầu: Bạch chỉ, Thổ bối mẫu mỗi vị 7g, tán thành bột uống với rượu ngày hai lần.

    3. Chữa hôi miệng: Bạch chỉ 30g, Xuyên khung 30g, tán thành bột mịn, viên bằng hạt ngô, hàng ngày ngậm 2-3 viên.

  • Bạch giới tử –Sinapis alba

    Bạch giới tử –Sinapis alba
    Cây thuốc bạch giới tử

    Tên khác: Hạt Cải trắng 

    Tên khoa học: Hạt thu được từ quả chín của cây Mù tạt Sinapis alba L. (Brassica hirta Moench), Brassicaceae (họ Cải).

    Mô tả cây: Cây thảo sống hàng năm, cao khoảng 50-80 cm, thân không lông, giòn. Lá đơn, mọc so le; phiến có thuỳ sâu, màu lục tươi, mép lượn sóng; cuống lá tròn. Cụm hoa chùm mọc ở ngọn, màu vàng; lá đài 4, màu xanh; cánh hoa 4, màu vàng tươi; nhị gồm 4 dài, 2 ngắn; bầu 2 lá noãn. Quả loại cải có lông, mỏ dài. Hạt nhỏ hình cầu, đường kính 1,5-3 mm, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ, rốn hạt hình chấm nhỏ rõ. Hạt khô chắc, hi ngâm nước nở to ra. Lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hạt Cải trắng (Semen Sinapis albae) thường gọi là Bạch giới tử. Thu hái vào tháng 3-5 khi quả già, lấy hạt phơi khô. Dùng sống hoặc sao qua. Giã giập cho vào thuốc thang, hoặc tán bột dùng trong thuốc hoàn tán hoặc làm gia vị.

    Thành phần hóa học: Glucosinolat (sinalbin), alkaloid (sinapin), tinh dầu (allyl isothiocyanat, 1-buten-4-thiocyanat). Ngoài ra còn có enzym myrosinase, sterol (brassicasterol) và chất nhầy.
    Sinalbin bị thủy phân bởi enzym myrosinase để tạo thành dầu mù tạt là 4-hydroxybenzyl isothiocyanat – một chất có màu vàng, vị cay nóng, gây đỏ hay phồng da.

    Công dụng và cách dùng: Bạch giới tử được dùng để chữa ho nhiều đờm, ho suyễn, đau tức ngực, khớp xương tê đau. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc giã nhỏ, hoà với giấm, đắp vào chỗ sưng tấy để tan ung nhọt.

  • Cây Lưỡi Rắn Trắng, Bạch hoa xà thiệt thảo - Hedyotis diffusa Willd

    Cây Lưỡi Rắn Trắng, Bạch hoa xà thiệt thảo - Hedyotis diffusa Willd
    Lưỡi rắn trắng hay bạch hoa xà thiệt thảo, cỏ lưỡi rắn hoa trắng, an điền lan, bòi ngòi bò (danh pháp hai phần: Oldenlandia diffusa) là một loài thực vật thuộc họ Thiến thảo.

    Tên khác:  Bạch hoa xà thiệt thảo, An điền lan, Bòi ngòi bò, Cỏ lưỡi rắn hoa trắng

    Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.

    Tên đồng nghĩa: Oldenlandia diffusa (Willd.) Roxb.

    Họ: Cà phê (Rubiaceae)

    Tên nước ngoài: Bai hua she she cao, Snake-needle grass.

    Phân bố, sinh học và sinh thái: 

    Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc, các nước nhiệt đới ở vùng Châu Á. Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bờ ruộng, vùng trung du và đồng bằng, nhất là vào tháng 6. Ra hoa quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa hè-thu, tháng7-9.

    Bộ phận dùng: 

    Toàn cây (Herba Hedyotidis diffusae) thường được gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo. Thu hái vào mùa hè, thu. Rửa sạch, phơi khô để dùng.

    Thành phần hóa học: 

    Cây có các flavonoid như: kaempferol, kaempferol 3-O-beta-D-glucopyranosid, kaempferol3-O-(6"-O-L-rhamnosyl)-beta-D-glucopyranosid, quercetin 3-O-beta-D-glucopyranosid và quercetin 3-O-(2"-O-beta-D-glucopyranosyl)-beta-D-glucopyranosid. Ngoài ra còn có acid urolic, b-sitosterol, stigmasterol, các iridoid glucosid như: 6-O-p-coumaroyl, 6-O-p-methoxycinnamoyl và 6-O-feruloyl ester của scandosid methyl ester.

    Tác dụng dược lý - Công dụng: 

    Tác dụng bảo vệ thần kinh trên chuột thử nghiệm. Cây có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân. Với nồng độ 0.5-1 g dược liệu/ml có tác dụng ức chế tế bào báng Ehrlich và tế bào carcinom. Cây còn có tác dụng ức chế hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Salmonella typhymurium TA 100 làm thí nghiệm. Ngoài ra, cây cũng kích thích sự tăng sinh của tế bào lách chuột, do đó người ta cho rằng dược liệu có khả năng điều hòa miễn dịch. Về tác dụng chống viêm, nước sắc H. diffusa tăng cường khả năng thực bào của hệ thống mô lưới - nội mô (reticulo endomethelium) và của tế bào bạch cầu.

    Công dụng

    Rất thông dụng với tên Bạch hoa xà thiệt thảo (Việt nam) hay Bai hua she she cao (Trung Quốc). Cây được sử dụng ở nước ta từ thời Tuệ Tĩnh, dùng chữa rắn cắn, sởi đậu, chống ung thư; trị lậu, máu xấu, thiếu mật, bao tử bị ung nhọt và bệnh, trị bệnh gan, hạch, ung thư... Ở Trung Quốc được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm amygdale, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu. Dùng ngoài, chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt, đau lưng, đau khớp. Còn dùng điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu. Ở Ấn Độ, cây dùng trị bệnh về gan mật, vàng da, sốt, lậu, máu xấu.

    H. diffusa còn kết hợp với H. corymbosa và Mollugo pentaphylla dưới tên Peh-Hue-Juwa-Chi-Cao như một tác nhân chống khối u và dùng cho bệnh nhân ung thư sau xạ trị.

    Bài thuốc có Bạch hoa xà thiệt thảo:

    - Chữa viêm thận cấp có phù, nước tiểu có albumin: Bạch hoa xà thiệt thảo, Xa tiền thảo mỗi thứ 15 g, Mao căn 30 g, Sơn chi tử 9 g, Tô diệp 6 g. Sắc nước uống.

    - Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo, Nhân trần, Kim tiền thảo mỗi thứ 30 g, làm thành thuốc uống.

    - Chữa mụn nhọt, vết thương sưng đau: Bạch hoa xà thiệt thảo 30-60 g. Sắc nước uống.

    - Chữa trẻ em kinh nhiệt (sốt, co giật), khó ngủ: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống mỗi lần một thìa canh, ngày 2-3 lần.

    - Thuốc tiêm Bạch hoa xà thiệt thảo: Mỗi ống 2 ml, dung dịch trong, vàng đậm, dùng tiêm bắp, mỗi lần 2-4 ml, ngày 2 lần. Dùng chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm amygdale, viêm phổi, viêm túi mật, viêm ruôt thừa, còn dùng trị ung thư.

  • Cây Bách hợp hay Tỏi rừng - Lilium brownii

    Cây Bách hợp hay Tỏi rừng - Lilium brownii
    Bách hợp, Tỏi rừng, Tỏi trời –Lilium brownii F.E.Br. ex Miellez, Liliaceae (họ Loa kèn).

    Tên Khoa học: Lilium brownii F.E. Br. ex Mill.

    Tên tiếng Anh: 

    Tên tiếng Việt: Bạch huệ núi; Tỏi rừng; Khẻo ma (Tày)

    Tên khác: Lilium brownie var. colchesteri Wils. Ex Stapf.;

    Mô tả: Cây thảo cao 0,5-1m, sống nhiều năm. Thân hành to màu trắng đục có khi phớt hồng, gần hình cầu, vẩy nhẵn và dễ gẫy. Lá mọc so le, hình mắc thuôn, mép nguyên, dài 2-15cm, rộng 0,5-3,5cm. Cụm hoa mọc ở đầu cành, gồm 2-6 hoa to, hình loa kèn, dài 14-16cm, với 6 cánh hoa màu trắng hay hơi hồng. Quả nang 5-6cm có 3 ngăn, chứa nhiều hạt nhỏ hình trái xoan.

    Thông tin mô tả Dược Liệu

    Bộ phận dùng: Thân hành - Bulbus Lilii. Thân hành do nhiều vẩy kết lại, xếp lợp lên nhau (nên Ðông y dùng nó với tên là Bách hợp.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các trảng cỏ và bờ mương rẫy vùng núi (Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...) cũng có nơi trồng để lấy thân hành ăn. Trồng bằng giò như trồng hành, Tỏi. Sau một năm thu hoạch thường người ta ngắt hết hoa để cho củ to. Thu hoạch củ vào cuối mùa hè, đầu thu, khi cây bắt đầu khô héo. Ðào về rửa sạch, tách riêng từng vẩy, nhúng nước sôi 5-10 phút cho vừa chín tái, rồi đem phơi hay sấy khô.

    Thành phần hoá học: Thân hành chứa glucid 30%, protid 4%, lipid 0,1%, vitamin C và colchicein.

    Tính vị, tác dụng: Bách hợp có vị đắng tính hàn, có tác dụng nhuận phế, tiêu đờm, trừ ho, dưỡng tâm, an thần, thanh nhiệt, lợi tiểu.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Chữa lao phổi, ho khan hoặc ho có đờm quánh, ho ra máu, viêm phế quản, sốt, thần kinh suy nhược. Còn dùng chữa tim đập mạnh, phù thũng.

    Cách dùng: Ngày dùng 8-20g dạng thuốc sắc hoặc bột. Khi chữa ho, đau ngực, lao phổi, ho ra máu, thường dùng tươi giã nát, ép nước uống.

    Ðơn thuốc:

    1. Chữa ho lâu, phổi yếu, tâm thần suy nhược, lo âu, hồi hộp, buồn bực, ít ngủ; dùng Bách hợp. Mạch môn, Sinh địa, đều 20g. Tâm sen sao 5g sắc uống.

    2. Chữa triệu chứng đau ngực, thổ huyết: Bách hợp giã tươi, lấy nước uống.

    3. Chữa viêm phế quản, Bách hợp 30g, Mạch môn 10g. Bách bộ 8g, Thiên môn đông 10g. Tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, sắc với 1 lít nước, còn 400ml chia ba lần uống trong ngày.

    4. Chữa đại tiện ra máu: Hạt Bách hợp tẩm rượu sao, tán nhỏ, uống 6-12g.

    5. Chữa đau dạ dày mạn tính, thỉnh thoảng đau bụng: Bách hợp 30g, Ô dược 10g sắc uống.

  • Cây Bạch truật – Atractylodes macrocephala , Asteraceae

    Cây Bạch truật – Atractylodes macrocephala , Asteraceae
    Bạch truật (Tên khoa học: Atractylodes macrocephala) là loài thực vật có hoa thuộc họ Asteraceae (họ Cúc) được Koidz. mô tả khoa học lần đầu năm 1930.

    Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz., Asteraceae (họ Cúc)

    Mô tả cây: Cây thảo đa niên, cao 40-60 cm, phần trên phân nhánh. Thân hình trụ, phần dưới hóa gỗ. Lá mọc cách, các lá phía dưới có cuống dài, xẻ thành 3 thùy sâu như những lá chét riêng biệt, thuỳ giữa to hơn, hình bầu dục hay hình trứng; lá gần ngọn có cuống ngắn, không chia thùy; mép lá có răng cưa, gân nổi rõ ở dưới. Cụm hoa đầu mọc ở đầu cành gồm nhiều hoa hình ống màu tím. Quả bế hình cầu hoặc bầu dục hơi dẹt. Thân rễ to có hình dạng thay đổi, hình chuỳ có nhiều mấu phình ra, phía trên thót nhỏ lại hoặc từng khúc mập, nạc, dài 5-10 cm, đường kính 2-5 cm.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Atractylodis macrocephalae). Thu hoạch cây đã trồng 2-3 năm, khi lá ở gốc cây đã khô vàng, đào lấy thân rễ, rửa sạch đất, bỏ rễ con, phơi hay sấy nhẹ cho khô. Dược liệu mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc xám, có nhiều mấu, có vân hình hoa cúc, có nhiều nếp nhăn dọc. Chất cứng khó bẻ gẫy, mặt cắt không phẳng, có màu vàng đến nâu nhạt, rải rác có khoang chứa tinh dầu màu nâu vàng, mùi đặc trưng.

    Thành phần hóa học: Sesquiterpenoid (atractylenolid I-VII), triterpenoid (taraxeryl acetat, lupeol), polyacetylen, coumarin, phenylpropanoid, flavonoid, polysaccharid, benzoquinon.

    Công dụng và cách dùng: Bạch truật được dùng làm thuốc bổ, tiêu hoá kém, bụng trướng, tiêu chảy, đau dạ dày, phù thũng, động thai.

  • cây Hoàng cầm râu, Bán chi liên - Scutellaria barbata D. Don (S. rivularis Wall.)

    cây Hoàng cầm râu, Bán chi liên - Scutellaria barbata D. Don (S. rivularis Wall.)
    Bán chi liên có tên khoa học là Scutellaria barbata là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi. Loài này được D.Don miêu tả khoa học đầu tiên năm 1825.

    Tên tiếng Việt: Thuẫn râu; Hoàng cầm râu; Bán chi lien; Cỏ hàn tín lá hẹp

    Tên Khoa học: Scutellaria barbata D.Don

    Tên khác: Scutellaria rivularis Benth.; Scutellaria adenophylla Miq.; Scutellaria komarovii Levl.;

    Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Hoàng cầm râu

    Mô tả: Cây thảo cao 0,2-0,5m, thân không lông. Lá mọc đối, phiến xoan thon, dài 1-2cm, mép có răng đều, gân phụ 3-4 cặp; cuống ngắn, 1mm. Cụm hoa dài 3-5cm, ở ngọn; lá bắc thon hẹp; đài hình chuông cao 2,5mm có 2 môi, môi trên mang một cái khiên (thuận) hình chóp có lông, rụng sớm, môi dưới tồn tại; tràng màu xanh có lông thưa, cao 7-9cm, chia 2 môi, môi trên 3 thuỳ, môi dưới tròn, miệng rộng, nhị 4, bao phấn có ít lông.

    Hoa tháng 4-10, quả tháng 6-11.

    Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Scutellariae Barbatae, thường gọi là Bán chi liên

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc trong các ruộng khô, gặp ở Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Hà Bắc, Bắc Thái, Hà Giang. Thu hái toàn cây vào mùa xuân, hè, lúc cây ra hoa. Rửa sạch, phơi khô, bó lại để dùng.

    Thành phần hóa học: Trong cây có scutellarein, scutellarin, carthamidin, isocarthamidin.

    Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu sưng, giảm đau, chống khối u tan sinh.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: 

    Thường dùng trị: 

    1. Khối u tân sinh; 

    2. áp xe phổi (Lao phổi xơ); 

    3. Viêm ruột thừa; 

    4. Viêm gan, xơ gan cổ trướng. 

    Dùng ngoài trị các loại mụn nhọt sưng đau, viêm vú, viêm mủ da, sâu quảng, rắn độc cắn, sâu bọ cắn đốt, đòn ngã tổn thương. Liều dùng 20-40g, có thể tới 80g, dạng thuốc sắc để uống trong. 

    Dùng ngoài với lượng cây tươi vừa đủ, giã ra đắp và nấu nước rửa. 

    Người ta còn dùng thay ích mẫu trị bệnh phụ khoa.

    Đơn thuốc - Chữa ung thư phổi, ung thư gan, ung thư trực tràng ở thời kỳ đầu (ở Trung Quốc): Hoàng cầm râu 40g và Lưỡi rắn trắng (Bạch hoa xà thiệt thảo) 80g, cho vào 600ml nước, sắc còn 200ml, chia uống trong ngày vào lúc đói. Cũng có thể nấu thành nước uống thay trà hàng ngày.

  • Cây bảy lá một ho, Tảo hưu Farges - Paris fargesii Franch. (Paris polyphylla Sm. subsp. furgesii (Franch.) Hara)

    Cây bảy lá một ho, Tảo hưu Farges - Paris fargesii Franch. (Paris polyphylla Sm. subsp. furgesii (Franch.) Hara)
    Cây Bảy Lá Một Hoa (Thất Diệp Nhất Chi Hoa) Còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa. Tên khoa học Paris polyphylla Sm.

    Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Tảo hưu Farges

    Tảo hưu Farges - Paris fargesii Franch. (Paris polyphylla Sm. subsp. furgesii (Franch.) Hara), thuộc họ Bảy lá một hoa - Trilliaceae.

    Mô tả: Cây thảo có thân rễ nằm, thân đứng cao 1-1,3m, lá mọc thành vùng 4-6 ở 2/3 trên. Lá có phiến hình bầu dục, 15-25 x 6-10cm, dạng tim ở gốc, nhọn dần lại ở đỉnh, có 5 gân, các gân bên cong, cuống lá dài 5-5,5cm. Hoa ở ngọn thân, to, có 6 lá đài thon, dài 6cm. rộng 1,2cm; cánh hoa dạng sợi ngắn hơn lá đài.

    Ra hoa tháng 4, quả tháng 6.

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Paridis Fargesii.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc nhiều ở Trung Quốc, Việt Nam trong vùng rừng núi có độ cao 550-2100m. Ở nước ta, cũng chỉ gặp ở Sapa (Lào Cai) ở độ cao 1500m.

    Tính vị, tác dụng: Vị đắng cay, tính hàn, có độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm giảm đau, bình suyễn chỉ khái, hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ đắng, trị ho, sưng, nóng lạnh (Phạm Hoàng Hộ).

    Ở Trung Quốc thân rễ được dùng trị mụn nhọt độc, rắn cắn, viêm hạch lymphô.

  • Cây dược liệu cây Nhân trần hoa đầu, Chè nội, Chè cát - Adenosma indianum (Lour.) Merr.

    Cây dược liệu cây Nhân trần hoa đầu, Chè nội, Chè cát - Adenosma indianum (Lour.) Merr.
    Adenosma indianum tên tiếng Việt bồ bồ hay nhân trần ta, nhân trần bồ bồ, tuyến hương Ấn là một loài thực vật có hoa trong họ Mã đề. Loài này được (Lour.) Merr. mô tả khoa học đầu tiên năm 1935.

    Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Nhân trần hoa đầu

    Nhân trần hoa đầu, Chè nội, Chè cát - Adenosma indianum (Lour.) Merr. (A. capitatum Benth. et Hance), thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.

    Mô tả: Cây thảo sống một năm, cao 20-60cm; cành non có lông sau nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, mép khía răng, có lông. Hoa nhỏ, màu tím, mọc tụ tập thành hình đầu ở ngọn. Quả nang, nhiều hạt nhỏ.

    Mùa hoa quả tháng 4-7-10.

    Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Adenosmatis Indiani. Ở Trung Quốc gọi là Đại đầu trần hay Cầu hoa mao tuyến hương.

    Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Malaixia, Việt Nam. Cây mọc hoang ở ven đồi, bờ ruộng ở miền núi, ở độ cao 200-600m. Thu hái vào mùa hè thu, khi cây đang có hoa, rửa sạch, dùng tươi hay phơi trong râm đến khô để dùng dần.

    Thành phần hoá học: Trong cây có: saponin triterpen, acid nhân thơm, coumarin, flavonoid, tinh dầu 0,7-1% màu vàng nhạt gồm l-fenchon 33,5%, l-limonen 22,6%, a- humulen 11,6%, cineol 5,9%, fechol, piperitenon oxyd và sesquiterpen oxyd.

    Tính vị, tác dụng: Vị cay, hơi đắng, tính ấm; có tác dụng kháng khuẩn, làm ra mồ hôi, lợi mật, lợi tiểu, kích thích tiêu hoá.

    Công dụng: Ta thường dùng chữa viêm gan do virus, các chứng vàng da, tiểu tiện ít, vàng đục, sốt, nhức mắt, chóng mặt, phụ nữ kém ăn sau khi sinh. Ngày dùng 10-20g, dạng thuốc sắc, cao, sirô, viên.

    Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa: 1. Cảm lạnh, sốt, đau đầu; 2. Tiêu hoá kém, viêm ruột, đau dạ dày. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị viêm da, lấy cây tươi giã đắp chỗ đau.

  • Bồ công anh- Lactuca indica

    Bồ công anh- Lactuca indica
    Hình ảnh Hoa và lá bồ công anh

    Tên khác:  Cây mũi mác, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc.

    Tên khoa học: Lactuca  indica L. họ Cúc (Asteraceae)

    Mô tả cây: Cây thảo, mọc đứng, sống một hoặc hai năm. Lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng, phiến lá xẻ thùy không đều, thùy lớn và thùy nhỏ xen kẻ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, nhọn, các lá ở giữa và trên hẹp, ngắn. Cụm hoa một đầu, tụ thành chùy, mọc ở ngọn thân và kẽ lá; phân nhánh 2-5 đầu, mỗi đầu 8-10 bông; tổng bao hình trụ ; nhị 5, vòi nhụy có gai. Quả bế, có lông màu trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh tiêu giảm.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Cả cây, thu hái vào tháng 5-7, lúc chưa có hoa, dùng tươi hay khô

    Thành phần hóa học: Trong toàn cây có: flavonoid, đường khử, chất nhựa, chất đắng, saponin.
    Trong rễ có: chất đắng taraxaxin và một ít tinh dầu, taraxol, taraxasterol, sigmasterol.

    Công dụng, cách dùng: Theo đông y, Bồ công anh có vị đắng tính hàn có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết tán kết, thông sữa lợi tiểu. Dùng làm thuốc bổ đắng, lọc máu, chữa mụn nhọt, mẫn ngứa.

  • Cây Bồ Kết - Gleditschia australis Hemsl

    Cây Bồ Kết - Gleditschia australis Hemsl

    Cây Bồ Kết còn gọi là tạo giáp, tạo giác, chưa nha tạo giác, man khét (Cămpuchia).

    Tên khoa học Gleditschia australis Hemsl. (Gleditschia sinensis Lamk., Mimosa fera Lour.)

    Thuộc họ Vang Caesalpiniaceae.

    Cây bồ kết cung cấp cho ta những vị thuốc sau đây:

    1. Quả bồ kết tạo giác (Fructus Gleditschiae)- là quả bồ kết chín khô.

    2. Hạt bồ kết tạo giác tử (Semen Gleditschiae) là hạt lấy ở quả bồ kết chín đã phơi hay sấy khô.

    3. Gai bồ kết tạo thích, tạo giác thích, thiên đình, tạo trâm (Spina Gleditschiae) là gai hái ở thân cây bồ kết, đem về phơi hay sấy khố hoặc thái mỏng rồi phơi hay sấy khô.

    Mô tả cây

    Bồ kết là một cây to cao chừng 6-8m, trên thần có những túp gai có phân nhánh, dài tới 10-15cm. Lá kép lông chim, cuống chung có lông và có rãnh dọc, 6 đến 8 đôi lá chét, hình trứng dài, dài trung bình 25mm, rộng 15mm. Hoa màu trắng khác gốc hay tạp tính, mọc thành chùm hình bông. Quả giáp, dài 1-12cm, rộng 15-20mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng, quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên, trên mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10-12 hạt dài 10mm, rộng 7mm, dày 4mm, màu vàng nâu nhạt, quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt. Mùa bồ kết: Tháng 10-11.

    Phân bố, thu hái và chế biến

    Cây bồ kết mọc hoang và được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Còn thấy mọc tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) có tới 40.000 cây, hằng năm cho tới 40 tấn bồ kết.

    Vào tháng 10-11, quả chín, hái về phơi hay sấy khô. Khi mới hái quả có màu xanh hay hơi vàng, phơi và để lâu có màu đen bóng.

    Gai bồ kết có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các tháng 9 đến tháng 3 năm sau, hái về phơi khô hoặc nhân lúc gai còn đang tươi, thái mỏng rồi mới phơi hay sấy khô.

    Thành phần hoá học

    Từ quả bồ kết ở Việt Nam, chúng tôi đã chiết được chất saponin tinh khiết với hiệu suất 10% (G. Herman-I. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Y học tạp chí số !-1961, 26-29), chất saponin này không mùi, vị nhạt, gây hắt hơi mạnh, cho với axit sunfuric đặc màu vàng sau sang màu đỏ và tím (phản ứng Kobert), với phản ứng Lieberman (anhydrit axetic và axit sunfuric đặc) giữa hai lớp chất lỏng cho một vòng màu tím, sau đó lớp trên có màu xanh lục, với axit tricloraxetic nóng (phản ứng Hirschson) cho màu vàng sau ngả sang màu đỏ, độ chảy 198-202°C, năng suất quay cực -32%, chỉ số phá huyết đối với máu bò 33.000. Sapo- nin này tan trong rượu và nước.

    Từ chất saponin này, chúng tôi đã thuỷ phân và kết tinh được chất sapogenin có tinh thể hình kim tụ thành hình ngôi sao, không tan trong nước, tan trong ête, cồn và clorofoc, độ chảy 298- 301°C cho phản ứng Lieberman. Hiệu suất sapongenin từ quả bồ kết là 3%.

    Năm 1929 (Nhật dược chí số 29), một tác giả Nhật Bản có chiết được từ bồ kết cùng loài nhưng mọc ở Nhật Bản chất saponin cấu tạo tritecpenic và gọi là gleditsaponin với hiệu suất 10%, công thức thổ xác định là Cao Ho Chất saponin này thuỷ phân cho gleditsapogenin và glucoza, ngoài ra còn có arabinoza. Chỉ số phá huyết của gleditsapogenin đối với máu sơn dương là 75.000.

    Năm 1963, Bùi Đình Sang có chiết được từ bồ kết Việt Nam saponin, men peroxydaza và hai chất khác có tinh thể chưa xác định được tính chất.

    Năm 1969, Ngô Thị Bích Hải đã chiết được từ quả bồ kết mọc ở Việt Nam 8 chất flavonoit và 7 hợp chất tritecpen:

    5 trong số 8 chất flavonoit đã được rút ra dưới dạng tinh khiết và xác định là luteolin, saponaretin, vitexin, homoorientin và orientin.

    Phần aglycon của hợp chất tritecpen là axit oleanolic và echinoxystic. Phần đường là xyloza, arabinoza, glucoza và galactoza.

    Ngoài ra tác giả còn chiết được một saponin mới là australozit.

    Tác dụng dược lý

    Sơ bộ nghiên cứu tác dụng dược lý, Ngô Thị Bích Hải đã thấy rằng hỗn hợp flavonozit và chất saponaretin riêng biệt có hoạt tính chống siêu vi trùng; hỗn hợp saponin bồ kết có tác dụng đối với trùng roi âm đạo, hỗn hợp saponin và flavonoit có tác dụng giảm đau.

    Trong Trung Hoa y học tạp chí (1954, 5: 411), 2 tác giả Trung Quốc đã báo cáo nước sắc bồ kết có tác dụng trừ đờm.

    Khi tiêm chất gleditsapogenin vào tĩnh mạch thỏ với liều 40-47mg trên 1kg thể trọng thì thỏ chết (Nhật được chỉ 1928, 48: 146).

    Công dụng và liều dùng

    Nước bồ kết gội đầu, giặt quần áo lụa, len có màu không bị ố. Ngoài việc dùng bồ kết làm nguyên liệu để chế chất saponin, bồ kết còn được dùng trong đông y để chữa nhiều bệnh khác nhau.

    Bồ kết: Theo các tài liệu cổ thì bồ kết (bỏ hạt, hoặc đốt ra than, hoặc tán nhỏ làm thành viên hay thuốc bột) có vị cay, mặn, tính ôn hơi có độc, vào 2 kinh phế và đại tràng. Có năng lực  thông khiều, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi dùng chủ yếu chữa trung phong cấm khẩu phong tế, tiêu đồ ăn, đờm xuyễn thũng, sáng mắt, ích tinh.

    Liều dùng hằng ngày 0,5 đến 1g dưới dạng thuốc bột, hay đốt ra than mà dùng, hoặc thuốc sắc.

    Hạt bồ kết: Trong sách cổ nói hạt bồ kết vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông đại tiện, bí kết, chữa mụn nhọt, dùng với liều 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

    Gai bồ kết (tạo thích, tạo giác thích): Có vị cay, tính ôn, không độc. Chữa ác sang tiêu ung độc, làm xuống sữa. Liều dùng 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

    Hiện nay, một số bệnh viện dùng bồ kết để thông khoan chữa bí đại tiện và không trung tiện được sau khi mổ, chữa tắc ruột có kết quả, có thể dùng cho cả trẻ em lẫn người lớn, thường ; chỉ sau 5 phút là tháo phán ngay (Y học thực , hành số 58, 6-1960 và 63, 11-1960). Cách làm đơn giản như sau: Lấy 1/4 quả bồ kết, nướng thật vàng, đừng nướng cháy quá hay còn sống, bỏ hột đi rồi tán thành bột nhỏ. Lấy canulơ, đầu có bôivadolin hay dầu, chấm vào bột bồ kết, sau đó cho vào hậu môn sâu độ 3-4cm, cứ thế làm 3-4 lần cho bột vào trong hậu môn, sau 2 đến 5 phút bệnh nhân đi ngoài được, có trường hợp hậu phẫu không trung tiện được 2 đến 5 ngày, bệnh nhânchướng bụng, bệnh nhân bí đại, trung tiện, nôn mửa liên tục có khi nôn ra máu mà làm như trên chỉ sau 2 phút trung tiện và đi ngoài  được ngay, có bệnh nhân ra tới 500 con giun.

    Đơn thuốc có bồ kết dùng trong nhân dân 

    Thuốc chữa họ: 

    Bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo (táo đen) 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml; sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

    Chữa nhức răng, sâu răng:

    Quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi

    Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc:

    Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than bồ kết lên.

    Chữa đi lỵ lâu ngày:

    Hạt bồ kết sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10 đến 20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc (nên uống buổi sáng sớm khỏi mất ngủ).

    Chữa phụ nữ sưng vú:

    Gai bồ kết thiêu tồn tính 40g, bạng phấn 4g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 4g bột này.

  • Cây Cam thảo - Glycyrrhiza uralensis Fisch

    Cây Cam thảo - Glycyrrhiza uralensis Fisch
    Cam thảo – Glycyrrhiza uralensis,Fabaceae

    Tên khác: Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo .

    Tên khoa học: Glycyrrhiza uralensis Fisch. (Cam thảo bắc), Glycyrrhiza glabra L. (Cam thảo Âu, Cam thảo nhẵn và Glycyrrhiza inflata Bat., Fabaceae (họ Đậu).

    Mô tả cây

    Glycyrrhiza uralensis Fisch. Cây thảo sống lâu năm, cao 0,30-1 m. Rễ dài có màu vàng nhạt. Thân có lông mềm, lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9-17 lá chét, lá chét hình trứng, mép nguyên. Hoa màu tím nhạt mọc thành chùm bông ở kẽ lá; tràng hoa hình cánh bướm. Quả đậu, cong hình lưỡi liềm, dài 3-4 cm, rộng 6-8 mm, nâu đen, có lông cứng, dày, chứa 2-8 hạt nhỏ, dẹt, màu nâu bóng. Mùa hoa: tháng 6-7; mùa quả: tháng 8-9.

    Glycyrrhiza glabra L. Rất giống loài trên, khác ở chỗ lá chét thuôn dài; hoa màu xanh lơ nhạt; quả rất dẹt, thẳng hoặc hơi cong, dài 2-3 cm, rộng 3-4 mm, nhẵn bóng hoặc có lông ngắn, ít hạt hơn (2-4 hạt). Mùa hoa: tháng 6-8, mùa quả: tháng 7-9.

    Phân bố, sinh tháiChi Glycyrrhiza phân bố ở vùng á nhiệt đới, ôn đới ấm ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Phi, trong đó tập trung chủ yếu ở Trung Á. Cây ưa sáng, chịu khô hạn cao, sống được trên nhiều loại đất. Cây trồng được thu hoạch sau 5 năm. Ở nước ta, Cam thảo bắc được nhập chủ yếu từ Trung Quốc.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biếnRễ (Radix Glycyrrhizae) để nguyên vỏ hoặc cạo lớp bần, phơi khô.

    Thành phần hóa học: Saponin:glycyrrhizin (6 –14%) tồn tại ở dạng muối Ca và Mg trong cây, có độ ngọt gấp 60 lần saccarose.

    Flavonoid: liquiritin, isoliquiritin, liquiritigenin, isoliquiritigenin. Các dẫn chất coumarin: umbeliferon, herniarin… Ngoài ra còn có các hợp chất có tác dụng estrogen có nhân sterol với hàm lượng thấp.

    Tác dụng dược lý: Saponin trong cam thảo có tác dụng giảm ho, long đờm, tác dụng chống loét dạ dày, ức chế tác dụng gây tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng. Thành phần flavonoid của cam thảo có tác dụng kháng Helicobacter pylori trên thực nghiệm.

    Công dụng và cách dùng: Cam thảo sống dùng chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, đau dạ dày, ngộ độc. Chích thảo có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, mệt mỏi, kém ăn. Dùng dưới dạng bột, thuốc hãm, nước sắc và cao mềm.

  • Cây Cát cánh - Platycodon grandiflorum (Jacq) A. DC

    Cây Cát cánh - Platycodon grandiflorum (Jacq) A. DC
    Cát cánh hay kết cánh (Tên khoa học: Platycodon grandiflorum hay Platycodon grandiflorus, đồng nghĩa: P. autumnale, P. chinense, P.sinensis) là một loài thực vật có hoa sống lâu năm thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae) và có lẽ là loài duy nhất trong chi P

    Tên khác: Cánh thảo

    Tên khoa học: Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC., Campanulaceae (họ Hoa chuông).

    Mô tả: Cây thảo sống lâu năm cao 50-80cm. Rễ phình thành củ nạc, đôi khi phân nhánh, vỏ màu vàng nhạt. Lá gần như không có cuống, các lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3-4 lá, các lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le; phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, dài 2,5-6cm, rộng 1-2,5cm. Hoa mọc đơn độc hoặc tạo thành bông thưa ở nách lá hay gần ngọn; đài hình chuông dài 1cm, màu lục; tràng hình chuông, màu lam tím hay trắng. Quả nang, hình trứng, nằm trong đài tồn tại; hạt nhỏ, hình bầu dục, màu nâu đen.

    Mùa hoa tháng 7-9, quả tháng 8-10. 

    Bộ phận dùng: Rễ, củ - Radix Platycodi; thường gọi là Cát cánh.

    Nơi sống và thu hái: Cây của miền ôn đới Bắc: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Được trồng nhiều ở Trung Quốc. Ta di thực vào trồng ở vùng cao như ở Lào Cai (Sapa, Bắc Hà) và Vĩnh Phú (Tam Đảo). Gần đây, cũng được trồng ở một số nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ (Thái Bình...). Cây mọc khoẻ và thích nghi với khí hậu và đất đai của nước ta. Ở đồng bằng có thể gieo trồng vào tháng 10-11, ở miền núi vào tháng 2-3. Nếu gieo vào đất quá khô hay đất quá ướt bị nén chặt thì hạt lâu mọc. Cây trồng ở vùng cao hai năm đã cho thu hoạch, còn trồng ở đồng bằng thì sau một năm đã có thể thu hoạch được. Vào mùa đông khi cây tàn lụi hay sau khi thu quả để làm giống thì chọn ngày nắng ráo, dùng cuốc đào lấy rễ củ, sau khi đã cắt bỏ thân lá, rễ con, rửa sạch đất cát, ngâm vào nước rồi lấy ra dùng dao tre nứa cạo bỏ lớp vỏ ngoài, mang phơi hay sấy khô. Có thể xông lưu huỳnh. Thông thường người ta hay dùng sống nhưng có thể tẩm mật sao qua. Nếu dùng làm hoàn tán thì thái lát sao qua rồi tán bột mịn. Cần bảo quản nơi khô ráo, tránh mốc mọt.

    Thành phần hóa học: Trong rễ Cát cánh có các saponin platicodon A, C, D, D2 polygalacin D, D2. Còn có một chất tương tự Inulin.

    Tính vị, tác dụng: Vị hơi ngọt, sau đắng, tính bình, có tác dụng thông khí ở phổi, tiêu đờm, làm cho mủ độc vỡ ra ngoài. Người ta đã chứng minh được rằng các saponin của Cát cánh có tác dụng tiêu đờm, phá huyết làm tan máu. Rễ Cát cánh có tác dụng như giảm đau, làm trấn tĩnh, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm. Đồng thời, nó có tác dụng làm dãn các mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống loét và chống viêm.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cát cánh dùng chữa ho có đờm hôi tanh, ho ra máu, viêm đau họng, khản tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, nhọt ở phổi, kiết lỵ. Ngày dùng 4-20g, dạng thuốc sắc. Người ta còn dùng Cát cánh chữa mụn nhọt và chế thuốc mỡ dùng ngoài để chữa một số bệnh ngoài da.

    Đơn thuốc:

    1. Ngoại cảm, ho mất tiếng: Cát cánh, Bạc hà, Mộc thông, Bươm bướm, Chiêu liêu, mỗi vị bằng nhau, 6g sắc uống (Bách gia trân tàng).

    2. Ho nhổ ra mủ và nước rãi hôi thối, lồng ngực căng tức: Cát cánh, Cam thảo, Chỉ xác, mỗi vị 4-6g sắc uống.

    3. Chữa ho, tiêu đờm: Cát cánh 4 g, Cam thảo 8g, nước 250ml, sắc còn 150ml, chia làm ba lần uống trong ngày.

    4. Cam răng, miệng hôi: Cát cánh, Hồi hương, mỗi vị 4g tán bột nhỏ, bôi.

    5. Bệnh ngoài da: Cát cánh 6g, Cam thảo 4g, Gừng 2g, Táo ta (quả) 5g, nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.

    Ghi chú: trường hợp phổi nóng khô háo không nên dùng Cát cánh. Nếu sắc uống phần đầu của rễ củ, nơi giáp với thân cây thì dễ bị nôn.

  • Cát sâm, Sâm nam, Sâm trâu, Sâm chào mào - Milletia speciosa Champ

    Cát sâm, Sâm nam, Sâm trâu, Sâm chào mào - Milletia speciosa Champ
    Cát sâm, Sâm nam, Sâm trâu, Sâm chào mào - Milletia speciosa Champ, thuộc họ Đậu - Fabaceae.

    Tên Khoa học: Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot

    Tên tiếng Việt: Dây cát sâm; Sâm nam; sâm trâu; sâm chào mào; sâm cheo mèo; mát to; ngưu dại lực đằngSâm gạo, Lăng yên to

    Tên khác: Millettia speciosa Champ. ex Benth.;

    Mô tả: Dây leo thân gỗ tới 5-6m. Rễ củ nạc. Cành non phủ lông mềm mịn màu trắng. Lá mọc so le, kép lông chim lẻ gồm 7-13 lá chét; lá chét non có nhiều lông. Hoa màu trắng hoặc vàng nhạt, mọc thành chùm kép ở đầu cành hay ở nách lá. Quả đậu dẹt, có lông mềm, hạt 3-5, hình gần vuông.

    Hoa tháng 6-8, quả tháng 9-12.

    Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Milletiae Speciosae.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở nhiều nơi vùng rừng núi chỗ dãi nắng ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Tây và cũng thường được trồng làm thuốc. Vào mùa đông xuân, đào rễ củ ở những cây đã lớn khoảng trên một năm tuổi, rửa sạch, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ dọc phơi hay sấy khô. Khi dùng thái mỏng, để sống hoặc tẩm nước gừng hay nước mật, sao vàng. Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, bổ hư nhuận phế.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: 

    Thường được dùng trị

    1. Đau vùng lưng chân, thấp khớp;

    2. Viêm phế quản mạn tính (lao phổi ho khan), phổi kết hạch;

    3. Viêm gan mạn tính;

    4. Di tinh, bạch đới.

    Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

    Cũng có thể tán bột uống.

    Người ta cũng thường dùng củ làm thuốc bổ mát, chữa nhức đầu, khát nước, bí đái.

    Đơn thuốc:

    1. Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, ho nhiều đờm; dùng Cát sâm (tẩm gừng sao vàng) 30g, sắc uống.

    2. Chữa nhức đầu, ho khan, khát nước, sốt về chiều, bí tiểu tiện; dùng Cát sâm (tẩm mật sao) 30g, sắc uống.

  • Cây Câu đằng, Vuốt lá mỏ - Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks.

    Cây Câu đằng, Vuốt lá mỏ - Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks.
    Hình ảnh vị thuốc Đoạn cành với hai gai móc câu - Ramulus Uncariae cum Uncis; thường gọi là Câu đằng

    Tên khác: Vuốt lá mỏ, Dây móc câu

    Tên khoa học: Uncaria rhynchophylla (Miq.) Miq. ex Havil., Rubiaceae (họ Cà phê)

    Ngoài ra, các loài Uncaria hirsuta, Uncaria machrophylla, Uncaria machrophylla cũng được sử dụng.

    Mô tả cây Câu đằng

    Cây nhỡ leo có mấu, dài 6-10m. Lá có phiến xoan thon, to vào cỡ 6 x 0,5cm, mặt trên bóng, mặt dưới mốc, gân phụ 4-6 cặp, lồi hai mặt; cuống 5-6mm. Hoa tập hợp thành dạng đầu ở ngọn nhánh, to 8-10mm; lá đài 5; cánh hoa 5, màu vàng hay trắng; ống tràng ngắn; nhị 5; bầu 2 ô. Quả nang chứa nhiều hạt.  

    Thông tin mô tả công dụng, tác dụng, Dược Liệu

    Bộ phận dùng: Đoạn cành với hai gai móc câu - Ramulus Uncariae cum Uncis; thường gọi là Câu đằng.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng thứ sinh, dọc đường đi vùng núi cao ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn. Thu hái vào tháng 7-9 cắt cả dây về, chọn các mấu có móc câu, chặt thành từng doạn dài khoảng 2cm, phía trên chặt sát móc câu, phơi nắng hoặc sấy thật khô. Thường dùng sống không cần sao chế. Nếu dùng vào thuốc thang thì nên để riêng. Sau khi thuốc sắc gần được, mới cho Câu đằng vào và để sôi 1-2 trào là được. Có thể tán bột dùng làm thuốc hoàn tán.

    Thành phần hóa học: Thân và rễ chứa 0,041% alcaloid, trong đó hoạt chất chính là Rhynchophyllin chiếm 28,9%. Còn có các chất alcaloid khác như isorhynchophyllin, corynoxein, isocorynoxcin và một ít corynanthein, dihydrocorynanthein, hirsutin và hirsutein.

    Tính vị, tác dụng: Câu đằng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong, hạ huyết áp. Câu đằng có tác dụng hạ huyết áp là do hoạt chất rhynchophyllin quyết định; nó ức chế hệ thần kinh giao cảm, làm dãn các mạch máu ngoại vi. Đối với hô hấp, dùng với liều thấp có tác dụng hưng phấn; với liều cao lại làm hô hấp bị tê liệt.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh giật, chân tay co quắp, nổi ban, lên sởi; làm thuốc hạ huyết áp dùng điều trị bệnh tăng huyết áp, nhức đầu, hoa mắt. Ngày dùng 12-15g dạng thuốc sắc.

    Đơn thuốc:

    1. Chữa sốt kinh giật của trẻ em: Câu đằng 10-15g, Kim ngân hoa 9g, Bạc hà 3g, Cúc hoa 6g. Địa long 6g, sắc uống.

    2. Chữa cao huyết áp: Câu đằng 10g, Xuyên khung 5g, Cam thảo 2g, Quế chi 3g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

  • Cây Cẩu tích - Cibotium barometz

    Cây Cẩu tích - Cibotium barometz
    Cẩu tích, Cây lông cu li - Cibotium barometz (L.) J. Sm., thuộc họ Cầu tích - Dicksoniaceae.

    Cây Cẩu tích hay lông cu li (Tên khoa học: Cibotium barometz) là một loài dương xỉ mộc trong họ Dương xỉ vỏ trai (Dicksoniaceae)[1] mà chúng ta vẫn quen gọi là họ Cẩu tích.

    Mô tả: 

    Cây có thân thường yếu, nhưng cũng có thể cao 2,5-3m. Lá lớn có cuống dài 1-2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60-80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan- ngọn giáo dài 30-60cm. Lá lông chim bậc hai hình dải - ngọn giáo, nhọn lại chia thành nhiều đoạn thuôn, hẹp; mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục lơ; trục lá không lông; các gân của các lá chét bậc hai có lông len. Ổ túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hay 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3; các túi màu nâu nâu, có 2 môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn, thuôn.  

    2. Thông tin mô tả Dược Liệu

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Cibotii, thường gọi là Cẩu tích, Lông phủ ngoài thân rễ cũng được dùng.

    Nơi sống và thu hái: Cây phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai. Hà Giang, qua Quảng Nam-Đà Nẵng đến Lâm Đồng. Thu hoạch thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa thu- đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.

    Thành phần hóa học: Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố.

    Tính vị, tác dụng: Cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Người ta đã nghiên cứu tác dụng chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính, cả tác dụng gây động dục kiểu oestrogen. Lông cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cẩu tích dung chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau dây thần kinh toạ, chứng đi tiểu són không cầm, di tinh, bạch đới. Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc.

    Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.

    Đơn thuốc:

    1. Chữa phong thấp, chân tay tê bại không muốn cử động Cẩu tích 20g, Ngưu tất 8g, Mộc qua 12g, Tang chi 8g, Tùng tiết 4g, Tục đoan 8g, Đỗ trọng 8g, Tần giao 12g, Quế chi 4g, nước 600ml, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày.

    2. Chữa thận hư, sống lưng đau mỏi, đái luôn, vãi đái, bạch đới, di tinh: Dùng Cẩu tích 15g, Thục địa 12g, Đỗ Trọng dây 10g, Dây tơ hồng (sao) 8g, Kim anh 8g, sắc uống.

    3. Chữa phong thấp đau nhức khớp xương, tay chân yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp: Dùng Cẩu tích 15g, Tục đoạn 12g, Cốt toái bổ 12g, Đương quy 10g, Xuyên khung 4g, Bạch chỉ 4g, sắc uống.

    Ghi chú: Người thận hư mà có nhiệt, bí tiểu tiện hoặc nước tiểu vàng đỏ, không nên dùng.

  • Cây Cốt khí củ, Cù điền thất - Polygonum cuspidatum Sieh. Znce

    Cây Cốt khí củ, Cù điền thất - Polygonum cuspidatum Sieh. Znce
    Rễ của Polygonum cuspidatum (Reynoutria japonica; cốt khí củ; một loài thực vật có hoa thuộc chi Reynoutria trong họ Rau răm

    Cốt khí củ, Cù điền thất - Polygonum cuspidatum Sieh. Znce, thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.

    Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao 1-1,5m. Rễ phình thành củ cứng màu vàng nâu. Thân có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, có bẹ chìa ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá. Quả khô có 3 cạnh.

    Hoa tháng 6-7, quả tháng 9-10.

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Polygoni Cuspidati; còn gọi tên là Hổ trượng

    Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Đông Á ôn đới, mọc hoang ở vùng đồi núi và thường được trồng ở nhiều nơi để lấy củ làm thuốc. Thu hái rễ củ quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu đông, rửa sạch, thái phiến, dùng tươi hay phơi khô trong râm.

    Thành phần hoá học: Rễ chứa physcin, emodin 8-0-b glucosid, b-sitosterol glucosid, 3.4.5. trihydroxystilben 3-0-b - 0 glucosid, polygonin, rheochrysin, polydatin, resveratol, cuspidatin.

    Tính vị, tác dụng: Cốt khí củ có vị đắng và chua, tính mát, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, tiêu viêm, kháng sinh, chống virus, lợi tiểu, lợi sữa, chống ho, tiêu đờm.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp 

    Thường dùng trị 

    1. Phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết; 

    2. Viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ; 

    3. Viêm amygdal, viêm hầu; 

    4. Viêm khí quản, viêm phổi nhẹ; 

    5. Viêm ruột cấp, nhiễm trùng đường niệu; 

    6. Kinh nguyệt khó khăn, vô kinh, huyết hôi không ra (đẻ xong ứ huyết); 

    7. Táo bón. 

    Ngày dùng 10-30g dạng thuốc sắc. 

    Dùng ngoài trị rắn cắn, vết đứt và bỏng, đòn ngã tổn thương, đinh nhọt, viêm mủ da, viêm âm đạo; thường dùng thuốc bột đắp.

    3. Đơn thuốc:

    1. Phong thấp, viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức: Củ cốt khí, Gối hạc, lá Bìm bìmMộc thông, mỗi vị 15-20g sắc uống.

    2. Viêm gan cấp tính, sưng gan: Cốt khí củ, Lá móng, Chút chít, mỗi vị 15-20g sắc uống. Hoặc dùng Cốt khí với Nhân trần, mỗi vị 30g, sắc uống.

    3. Thương tích, ứ máu, đau bụng: Cốt khí củ 20g, Lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.

  • Cây Cốt toái bổ, Ráng đuôi phương Fortune - Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm

    Cây Cốt toái bổ, Ráng đuôi phương Fortune - Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm
    Cốt toái bổ, Ráng đuôi phương Fortune - Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm

    Cốt toái bổ, Ráng đuôi phương Fortune - Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm., thuộc họ Ráng - Polypodiaceae.

    Mô tả: Dương xỉ mọc bò, có thân rễ dẹp, mọng nước, phủ lông dạng vẩy màu nâu sét. Lá có 2 loại: lá hứng mùn, xoan, gốc hình tim, mép có răng nhọn, dài 3-5cm, không cuống, phủ kín thân rễ; lá thường sinh sản, có cuống ngắn 4-7cm, phiến dài 10-30cm, xẻ thuỳ sâu, thành 7-13 cặp thuỳ lông chim, dày, dai, không lông. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan (ảnh số 148).

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Drynariae, thường gọi là Cốt toái bổ

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc phụ sinh trên cây gỗ và đá, ở vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội tới Nghệ An. Thu hái thân rễ quanh năm, cắt bỏ rễ con, phần lá sót lại và cạo sạch lông, rửa sạch, cắt thành từng miếng theo kích thước quy định, phơi hay sấy khô.

    Thành phần hoá học: Thân rễ chứa glucos, tinh bột 25-34,98%, hesperidin và naringenin.

    Tính vị, tác dụng: Cốt toái bổ có vị đắng, tính ấm; có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, cầm máu, khu phong thấp, sát trùng, giảm đau.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp Dùng chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), ỉa chảy kéo dài, đòn ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, phong thấp đau nhức xương, sưng đau khớp, ù tai và đau răng, chảy máu chân răng. Ngày dùng 6-12g thân rễ khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương, chỗ sưng đau hoặc dùng dược liệu khô sao cháy, tán bột rắc.

    Đơn thuốc:

    1. Chữa bị thương, gân cốt bị tổn thương, chảy máu, đau nhức và chân răng sưng viêm, lung lay chảy máu; dùng Cốt toái bổ 15g, lá Sen tươi, lá Trắc bá tươi, Sinh địa đều 10g, sắc uống.

    2. Chữa ù tai, đau lưng, thận hư răng đau; dùng Cốt toái bổ tán nhỏ 4-6g, cho vào bầu dục lợn, nướng chín ăn.

    3. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu; dùng Cốt toái bổ 16g, Cẩu tích 20g, rễ Gối hạc 12g, Củ mài 20g, rễ Cỏ xước 12g, Dây đau xương 12g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g, sắc uống.

  • Củ mài, Khoai mài - Dioscorea persimilis Prain et Burk

    Củ mài, Khoai mài - Dioscorea persimilis Prain et Burk
    Củ Mài (Dioscorea Persimilis) đã được làm khô

    Tên Khoa học: Dioscorea persimilis Prain & Burk. 1908 (CCVN, 3: 927).

    Tên tiếng Việt: Củ mài; Hoài sơn; Khoai mài; Sơn dược; Khoai sơn; Khoai chụp

    Tên khác: D. oppositifolia Lour. 1790 (FC: 624), non L. (1753).;

    Mô tả: Dây leo quấn; thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (dái mài). Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, đôi khi hình mũi tên, không lông, dài 10cm, rộng 8cm, nhẵn, chóp nhọn, có 5-7 gân gốc. Cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, dài 40cm, mang 20-40 hoa nhỏ màu vàng; hoa đực có 6 nhị. Quả nang có 3 cánh rộng 2cm. Hạt có cánh mào.

    Bộ phận dùng: Rễ củ - Rhizoma Dioscoreae Persimilis; thường gọi là Hoài sơn.

    Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung của nước ta cho tới Huế. Còn phân bố ở Trung Quốc, Lào và Campuchia. Cũng được trồng nhiều ở đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu; có thể trồng bằng gốc rễ hoặc dái mài về mùa xuân. Sau một năm đã có thu hoạch. Đào củ vào mùa hè - thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho vào lò xông lưu huỳnh 2 ngày đêm, sau đó phơi sấy cho đến khô.

    Thành phần hoá học: Củ mài chứa tinh bột 63,25%, protid 6,75% và glucid 0,45%. Còn có mucin là một protein nhớt, và một số chất khác như allantoin, cholin, arginin, men maltose, saponin có nhân sterol.

    Tính vị, tác dụng: Củ mài có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng ghế cơm để ăn như các loại khoai. Hoài sơn được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương và dùng chữa: 

    1. Người có cơ thể suy nhược; 

    2. Bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày; 

    3. Bệnh tiêu khát; 

    4. Di tinh, mộng tinh và hoạt tinh; 

    5. Viêm tử cung (bạch đới); 

    6. Thận suy, mỏi lưng, đi tiểu luôn, chóng mặt, hoa mắt; 

    7. Ra mồ hôi trộm. 

    Ngày dùng 12-24g hay hơn sắc uống hoặc tán bột uống. 

    Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

    Đơn thuốc:

    1. Chữa trẻ em gầy yếu, nhác ăn, phụ nữ có mang mỏi mệt chán cơm hay người có bệnh đái đường gầy róc, dùng Hoài sơn thái miếng đồ lên, sao già tán bột, uống mỗi lần 6-10g; ngày uống 2-3 lần vào giữa buổi lúc đói. Hoặc dùng củ mài luộc ăn.

    2. Chữa trẻ em ỉa chảy kéo dài, hoặc ỉa phân nhầy có mùi, lỵ mạn tính, phụ nữ bạch đới, nam giới di tinh, đau lưng suy yếu; dùng Củ mài 200g, Củ súng, Hạt sen, Ý dĩ sao, đều 100g, sấy khô tán bột uống mỗi ngày 20g với nước cơm.

    3. Thuốc bổ dưỡng: Hoài sơn, Quả tơ hồng, Hà thủ ô, Huyết giác, Đỗ đen sao cháy mỗi loại 1kg, Vừng đen 300g, Ngải cứu 200g, gạo nếp rang 100g, muối rang 5g, tán bột, làm viên, uống mỗi ngày 10-20g (viên Kiến thiết của Hợp tác xã Hợp châu).

  • Cây Cúc Hoa Vàng - Chrysanthemum Indicum L

    Cây Cúc Hoa Vàng - Chrysanthemum Indicum L
    Cây Cúc Hoa Vàng - Chrysanthemum Indicum L

    Cây Cúc Hoa Vàng - Chrysanthemum Indicum L

    Tên khác:  Kim cúc, Hoàng cúc, Dã cúc, Cam cúc, Cúc vàng nhỏ, Khổ ý, Bioóc kim (Tày), Dã cúc hoa

    Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L

    Tên đồng nghĩa: C. procumbens Lour., C. sabinii Lindl., Matricaria indica (L.) Desr., Pyrethrum indicum (L.) Cass., Tanacetum indicum (L.) Sch.-Bip. Dendranthema indicum (L.) Des Moul.

    Tên nước ngoài: Indian chrysanthemum (Anh), chrysanthème d’automne (Pháp)

    Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay sống dai. Thân cứng cao tới 1m phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, có thuỳ sâu, mép có nhiều răng; không cuống. Cụm hoa hình đầu, ở nách lá hay ở đỉnh cành, đường kính 1-1,5cm, cuống dài 2-5cm. Lá bắc xếp 3-4 hàng. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi xếp hai vòng, các hoa ở trong hình ống, màu vàng. Quả bế, có mào lông.

    Mùa hoa quả tháng 10-12 cho đến tháng 5 năm sau.

    2. Thông tin mô tả Dược Liệu

    Bộ phận dùng: Cụm hoa - Flos Chysanthemi Indici, thường gọi là Dã cúc hoa.

    Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở miền Đông Á, thường được trồng làm cảnh lấy hoa ướp trà và làm thuốc. Có thể trồng dễ dàng bằng đoạn thân vào mùa xuân. Lúc trời khô ráo, hái hoa đem xông lưu huỳnh kỹ, xong nén chặt độ một đêm, khi thấy nước chảy ra đen là được, sau đó phơi nắng nhẹ (khoảng 3-4 nắng) hay sấy ở 40-50oC đến khô. Nếu trời râm thì ban đêm phải sấy lưu huỳnh. Bảo quản ở chỗ khô ráo.

    Thành phần hoá học: Cây chứa tinh dầu, trong đó có chrysol, chrysanthenone; còn có yejuhualactone, artoglasin A. acaciin, linarin, chrysanthemin. Chất màu của hoa là do có chrysanthemaxanthin. Còn có luteolin dưới dạng glucosid, các hydrocarbon. Hạt chứa 15,8% chất dầu nửa khô.

    Tính vị, tác dụng: Cúc hoa vàng có vị đắng, cay, tính hơi hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa mụn nhọt sưng đau (đinh sang ung thũng), mắt đỏ sưng đau, đau đầu chóng mặt. 

    Ta thường dùng trong các trường hợp: 

    1. Phòng cảm lạnh, cúm, viêm não; 

    2. Viêm mủ da, viêm vú; 

    3. Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao; 

    4. Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt; 

    5. Viêm gan, kiết lỵ. Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương bầm giập.

    Cách dùng: Ngày dùng 8-12 g hoa hoặc 15-20g cành lá sắc uống. Dùng ngoài giã tươi đắp không kể liều lượng. Có thể hãm uống giải độc rượu.

    Đơn thuốc:

    1. Cảm mạo phong nhiệt: Cúc hoa 12g, Củ sắn dây 12g, lá Dâu tằm 12g, rễ Lau 12g, Bạc hà 5g, Cam thảo 5g, sắc uống, ngày một thang.

    2. Phòng cảm cúm: Cúc hoa (cành, lá), Diếp cá, Kim ngân dây, mỗi vị 30g, đun sôi với 500ml nước còn 200ml. Lọc lấy nước, uống mỗi lần 20ml, ngày 3 lần.

    3. Đinh nhọt: Cúc hoa, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh 30g, Kim ngân 60g, sắc uống.

    4. Các loại mụn nhọt, viêm tuyến vú, mụn nhọt sưng, nóng đỏ đau chưa lên mủ: Cúc hoa (hoa, lá, cành) 20g khô hoặc 60-80g tươi, Kim ngân (hoa hoặc dây) 12g, Bồ công anh 12g, Cam thảo 12g. Sắc kỹ, uống nóng, ngày một thang. 

    Bên ngoài, dùng một nắm lá Cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp, ngày 1 lần.

  • Ðảng sâm, sâm dây ngọc linh, Sâm dây, Sâm leo, Dùi gà - Codonopsis javanica

    Ðảng sâm, sâm dây ngọc linh, Sâm dây, Sâm leo, Dùi gà - Codonopsis javanica

    Cây Đảng Sâm Nam, Ðảng sâm, Sâm leo, Dùi gà - Codonopsis javanica (Blume) Hook f. (Campanumoea javaniea Blume), thuộc họ Hoa chuông - Campanulaceae.

    Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, thân leo dài độ 2-3m, phân nhánh nhiều, rễ phình thành củ hình trụ dài, phía dưới phân nhánh, màu vàng nhạt. Thân và củ có mủ trắng. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục, dài 3-6cm, rộng 2,5-4,5cm, mềm, mỏng, màu xanh lá mạ, mặt dưới có lông nhung trắng, mép lá có răng cưa tù; cuống lá dài 3,5-7cm. Hoa hình chuông mọc đơn độc ở nách lá, đài có 5 thuỳ, gốc hơi dính, tràng hoa màu xanh lá mạ, đỉnh có 5 thuỳ. Quả nang có 5 cạnh, khi chín màu tím mang đài hoa tồn tại. Hạt tròn nhỏ, màu nâu.

    Mùa hoa quả tháng 12-1.

    Bộ phận dùng: Củ - Radix Codonopsis javanicae, cũng dùng như củ loài Ðảng sâm Trung Quốc, lá có thể dùng ăn.

    Nơi sống và thu hái: Ðảng sâm phân bố ở nhiều nước Ðông nam á. Ở nước ta, Ðảng sâm mọc ở trong các chỗ trống, thường ở ven các rừng thứ sinh, rú bụi, có khi trong các trảng savan có ở độ cao 900-2.200m, thuộc các tỉnh từ Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình vào các tỉnh Tây Nguyên. Kontum, Lâm Ðồng (vùng Ðà Lạt). Cũng thường được trồng lấy củ làm thuốc, gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Sau 3 năm có thu hoạch.

    Nhân dân thường vào đồi cỏ đào củ về dùng, hoặc người ta thu củ trồng vào mùa thu đông, rửa sạch cát bẩn, cắt bỏ đầu rễ và các rễ con, phơi nắng nhẹ hay sấy ở nhiệt độ thấp cho khô dần rồi làm cho rễ mềm, sau đó lại phơi hay sấy nhẹ đến thật khô. Khi dùng thái miếng, tẩm nước gừng sao qua.

    Thành phần hoá học: Lá Ðảng sâm non chứa nước 77,5%, protid 4,2%, glucid 13,1%, xơ 3,3%, caroten 3,6mg%, vitamin C 85,5mg%. Sơ bộ thấy trong rễ cây có đường, chất béo; không có saponin. Còn có tinh dầu, glucosid sentellarin và vết alcaloid.

    Tính vị, tác dụng: Ðảng sâm có vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, sinh tân dịch, giải khát.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Ðảng sâm ăn được, rễ củ có thể ăn sống. Ngọn và lá non có thể dùng xào hay nấu canh ăn. Củ thường được dùng làm thuốc như Ðảng sâm Trung Quốc để chữa cơ thể suy nhược, mỏi mệt ăn không ngon, đại tiện lỏng, phế hư, phiền khát, thiếu máu, vàng da, bệnh bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau. Còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu. Liều dùng 6-12g cho tới 20-40g, dạng thuốc sắc, viên hoàn hay bột. Thường phối hợp với các vị thuốc bổ khác.

    Ðơn thuốc:

    1. Bài thuốc bồi dưỡng cơ thể, thận suy, đau lưng mỏi gối, đái dắt: Dùng Ðảng sâm 20g, Tắc kè 5g, Huyết giác 1g, Trần bì 1g, Tiểu hồi 0,5g, rượu 40o 250ml, đường đủ ngọt. Các vị cắt nhỏ ngâm rượu độ một tháng. Mỗi lần uống 30ml, ngày 1-2 lần (Theo Dược liệu Việt Nam).

    2. Chữa người già hay ốm lâu suy yếu, hoặc làm việc quá độ, ngồi đứng lâu nóng nhiều, mệt hơi háo sức, tim nhảy không đều, thở yếu ngắn hơi, mệt nhọc không muốn nói, chỉ thích nằm, suốt lưng đau ê ẩm, tay chân rũ mỏi, đi lại hoạt động hạn chế: Dùng Ðảng sâm 40g, Long nhãn, Ðương quy, Ngưu tất, Mạch môn đều 12 g sắc uống ngày một thang. Hoặc thêm sâm tốt 4-8g uống riêng, nếu bệnh nặng nguy cấp (theo Lê Trần Ðức).

    3. Ho nhiều đờm, nước tiểu có albumin: Dùng Ðảng sâm 6-12g (tới 30g), nước 750ml, sắc còn 250ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

    4. Da vàng (hay viêm gan vàng da): Dùng Ðảng sâm 12g, Nhân trần 30g, Hạ khô thảo 12g, Mã đề 12g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

  • Dành dành - Gardenia augusta (L.) Merr. (G. jasminoides Ellis)

    Dành dành - Gardenia augusta (L.) Merr. (G. jasminoides Ellis)

    Cây dành dành có tên khoa học: Gardenia jasminoides Ellis., họ cà phê (Rubiaceae). Cây được trồng làm cảnh. Quả hình chén nhỏ được gọi là “chi tử”, khi chín có màu vàng đỏ. Lá, hoa, quả, rễ dành dành đều được dùng làm thuốc.

    Mô tả: Cây nhỡ cao tới 2m, phân cành nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 cái một, hình thuôn trái xoan hay bầu dục dài, nhẵn bóng. Lá kèm mềm ôm lấy cả cành như bẹ lá. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng, rất thơm; cuống có 6 cạnh hình như cánh. Đài 6, ống đài có 6 rãnh dọc; tràng có ống tràng nhẵn, phía trên chia 6 thuỳ; nhị 6, bầu 2 ô không hoàn toàn, chứa nhiều noãn. Quả thuôn bầu dục, mang đài tồn tại ở đỉnh, có 6-7 rãnh dọc như cánh; thịt quả màu vàng da cam. Hạt dẹt.

    Hoa tháng 5-7, quả tháng 8-10.

    Bộ phận dùng: Quả - Fructus Gardeniae, thường dùng với tên Chi tử. Rễ và lá cũng được dùng.

    Nơi sống và thu hái: Cây của lục địa Đông Nam châu Á, mọc hoang ở những nơi gần rạch nước, phổ biến ở các vùng đồng bằng từ Nam Hà tới Long An. Cũng thường được trồng làm cảnh. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt vào mùa xuân - hè. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô để dùng. Quả thu hái khi chín, ngắt bỏ cuống, đem phơi hay sấy nhẹ đến khô; nếu bóc vỏ trước khi chín sẽ được Chi tử nhân.

    Thành phần hoá học: Quả chứa geniposid, gardenosid, shanzhisid, gardosid, geniposidic acid gardenin, crocin-l, n-crocetin, scandosid methyl ester. Còn có nonacosane, b-sitosterol, D-mannitol; tanin, dầu béo, pectin. Lá chứa một hợp chất có tác dụng diệt nấm. Hoa chứa nhiều hợp chất, trong đó có acid gardenic và acid gardenolic B. Có 0,07% tinh dầu.

    Tính vị, tác dụng: Chi tử có vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ huyết, mát huyết, tiêu viêm. Gardenin có tác dụng ức chế đối với sắc tố mật trong máu, làm cho nó giảm bớt xuống, nên được dùng để trị bệnh hoàng đản. Nước sắc Dành dành cũng có tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi trùng.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả thường dùng nhuộm màu vàng, nhất là để nhuộm thức ăn vì sắc tố của dịch quả không có độc. 

    Thường dùng trị: 

    1. Viêm gan nhiễm trùng vàng da; 

    2. Ngoại cảm phát sốt, mất ngủ; 

    3. Viêm kết mạc mắt, loét miệng, đau răng; 

    4. Chảy máu cam, thổ huyết, đái ra máu. 

    Cũng dùng chữa tiểu tiện ít và khó đi lỵ, viêm thận phù thũng. 

    Vỏ cây bổ, dùng chữa sốt rét, bệnh lỵ và các bệnh ở bụng. 

    Hoa thơm dùng làm dịu, chữa đau mắt, đau tử cung.

    Ở Trung Quốc, người ta còn dùng vỏ rễ làm thuốc đòn ngã, lại làm thuốc cầm máu, trị bệnh nôn ra máu, chảy máu cam. Ở Ấn Độ, người ta cho là cây Dành dành có tác dụng phòng bệnh phát lại định kỳ, tẩy nhẹ, trị giun, chống co thắt; dùng ngoài để sát trùng, rễ Dành dành được dùng trị chứng khó tiêu và các chứng rối loạn thần kinh.

    Cách dùng: Dùng quả 6-12g, rễ 20-40g dạng thuốc sắc. Nếu giải nhiệt thì dùng sống; nếu sốt cao trong nóng nhiều thì dùng sao già; nếu chữa xuất huyết thì sao đen. Dùng ngoài, nghiền quả ra và thêm nước hoặc rượu để đắp trị đinh nhọt, lở loét và bong gân. Lá cũng có thể dùng tươi giã đắp đau mắt đỏ.

    Đơn thuốc:

    1. Viêm gan nhiễm trùng vàng da: Dùng Chi tử 9g, Nhân trần 18g, Đại hoàng 6g, sắc uống. Hoặc dùng 15 quả Dành dành rang vàng và 1 chén Đậu đỏ, 20 bông Mã đề cho vào 2 bát nước đun cạn còn một bát gạn ra để uống.

    2. Viêm kết mạc mắt, mắt đỏ sưng đau: Dùng Chi tử, Kim cúc, mỗi vị 9g, Cam thảo 3g, sắc uống.

    3. Thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu: Dùng Chi tử, lá Trắc bá mỗi vị 9g, Sinh địa, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 15g, sắc nước uống.

    Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh sử dụng Dành dành sao, Hoa hoè sao, Sắn dây, mỗi vị 20g, sắc rồi hoà thêm tí muối uống chữa thổ huyết.

    4. Ỉa ra máu tươi: Lấy quả Dành dành đốt cho cháy đen gần thành than tán nhỏ cho uống một thìa con với nước để nguội. Nếu bị kiết lỵ ra máu cũng có thể uống được.

    5. Chứng mất ngủ, nóng ruột bồn chồn: Lấy 10 quả Dành dành rang vàng với lưng chén Đậu đen rang, cả hai thứ cho vào 2 bát nước đun cạn còn nửa chén gạn ra để nguội uống sẽ ngủ được.

  • Dâu Dâu, Dâu tằm - Morus alba L

    Dâu Dâu, Dâu tằm - Morus alba L

    Tên khác: Dâu tằm

    Tên khoa học: Morus alba L., Moraceae (họ Dâu tằm).

    Mô tả: Cây gỗ lớn cao tới 15m, màu nâu hay vàng vàng. Lá mọc so le, phiến xoan dài 5-10 (20)cm rộng 4-8cm, gốc hình tim hay gần như cụt, chóp tù hay hơi nhọn, có thuỳ trên các nhánh tược còn non, có răng, với răng hình tam giác, tù, khía rộng; gân gốc 3, các gân bên đạt tới chiều dài của phiến. Hoa cùng gốc hay khác gốc, các hoa cái thành bông đuôi sóc hơi dài hơn rộng, nhưng không quá 2cm. Quả trắng hay hồng, thuộc dạng quả phức gồm nhiều quả bế bao trong các lá đài đồng trưởng và trở thành mọng nước.

    Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 6-7.

    Bộ phận dùng: Lá dâu - Folium Mori, thường gọi là Tang diệp. Vỏ dâu - Cortex Mori, thường gọi là Tang bạch bì; Cành dâu - Ramulus Mori, hay Tang chi. Quả Dâu - Fructus Mori, hay Tang thầm; Tổ bọ ngựa cây Dâu - Ootheca Mantidis, hay Tang phiêu tiêu, Tầm gửi cây Dâu - Ramulus Loran thi, hay Tang ký sinh.

    Nơi sống và thu hái: Nguyên sản của Trung Quốc, được trồng rộng rãi ở các nước châu Á. Đã được trồng ở nước ta từ lâu đời khi người ta biết nuôi tằm. Nhiều bộ phận của cây Dâu được thu hái làm thuốc. Có những bộ phận có thể thu hái quanh năm. Tầm gửi chỉ gặp ở những cây gỗ lớn. Dùng tổ bọ ngựa chưa nở, phải đồ chín rồi sấy khô.

    Thành phần hoá học: Lá Dâu chứa inokosteron, ecdysteron, morocetin, umbelliferon, scopoletin, scopolin, a-, b- hexenal, trigonellin và nhiều acid amin. Còn có chất cao su, tanin, caroten, vitamin C, pentozan, đường. Vỏ rễ Dâu chứa các acid hữu cơ, tanin, pectin và những hợp chất flavonoid bao gồm morin, mulberrin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen. Quả Dâu chứa đường (glucose và fructose), acid malic và acid succinic, protein, tanin, vitamin C, caroten, sắc tố màu đỏ anthocyanidin. Tổ bọ ngựa trên cây Dâu chứa protid, chất béo, muối sắt, calcium.

    Tính vị, tác dụng: Lá Dâu (Tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính bình có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt. Người ta nhận thấy lá Dâu có tác dụng trị liệu đái đường lại ức chế trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn. Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) đã cạo sạch lớp vỏ ngoài, phơi hay sấy khô, có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thuỷ, chỉ khái, hạ suyễn, tiêu sưng. Cành Dâu non (Tang chi) đã phơi hay sấy khô có vị đắng nhạt, tính bình, có tác dụng trừ phong, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau. Quả Dâu (Tang thầm) có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong. Tầm gửi cây Dâu (Tang ký sinh) có vị đắng, tính bình, có tác dụng mạnh gân cốt, lợi huyết mạch, hạ hồng cầu, an thai, xuống sữa, lợi tiểu. Tổ bọ ngựa cây Dâu (Tang phiêu tiêu) có vị ngọt mặn, tính bình, có tác dụng ích thận, cố tinh, lợi tiểu.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp:

    1. Lá Dâu non có thể vò ra thái nhỏ nấu canh lẫn với các loại rau khác, có hương vị của rau Dền giúp ăn ngon, ngủ yên. Lá Dâu thường được dùng chữa sốt, cảm mạo do phong nhiệt, ho, viêm họng, đau răng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, đậu lào, phát ban, cao huyết áp, làm cho sáng mắt. Ngày dùng 6-18g, dạng thuốc sắc.

    2. Vỏ rễ dùng trị phế nhiệt, hen suyễn, khái huyết, phù thũng, dị ứng do ăn uống, bụng trướng to, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.

    3. Cành Dâu dùng trị phong tê thấp, đau thắt lưng, đau nhức các đầu xương, cước khí, chân tay co quắp. Ngày dùng 6-12g hay hơn, dạng thuốc sắc.

    4. Quả dùng trị viêm gan mạn tính, thiếu máu, suy nhược thần kinh. Ngày dùng 10-15g.

    5. Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, động thai, sau khi đẻ ít sữa. Ngày dùng 12-20g, dạng thuốc sắc.

    6. Tổ bọ ngựa dùng chữa đi đái nhiều lần, di tinh, liệt dương, bạch đới, trẻ em đái dầm. Ngày dùng 6-12g.

    Người ta còn dùng nấm Dâu tức là mộc nhĩ mọc trên cây dâu và sâu dâu làm thuốc.

    Dược điển Trung Quốc có ghi là lá Dâu, vỏ Dâu, cành Dâu, quả Dâu đều có công năng thanh phế nhiệt, trừ phong thấp, bổ gan thận. Người ta dùng vỏ trị phế nhiệt, thổ huyết, thủy thũng; cành trị phong thấp, thấp khớp viêm, đau lưng gối; lá trị phong nhiệt cảm mạo; vỏ rễ trị viêm gan mạn tính, thiếu máu, thần kinh suy nhược và dị ứng.

    Ở Philippin, người ta dùng Dâu chữa rò, mụn mủ, bướu và bệnh ngoài da, các vết cắn, vết thương và bệnh lậu.

    Ở Ấn Độ, người ta dùng quả làm thuốc mát trong cơn sốt và còn dùng làm thuốc chữa viêm họng, khó tiêu và bệnh u sầu; vỏ được dùng làm thuốc xổ và trị giun.

    Đơn thuốc:

    1. Ra mồ hôi trộm ở trẻ em, ra mồ hôi ở bàn tay người lớn: Lá Dâu non nấu canh với tôm, tép hoặc dùng lá dâu bánh tẻ 12g, Cúc hoa, Liên kiều, Hạnh nhân đều 12g, Bạc hà, Cam thảo đều 4g, Cát cánh 8g, Lô căn 20g, sắc uống.

    2. Dự phòng cảm cúm: Lá Dâu 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 8g sắc uống.

    3. Mắt đau, viêm màng kết mạc cấp tính: Lá Dâu nấu nước xông vào mắt; lá Dâu bánh tẻ, rửa sạch, giã nát đắp, có thể làm tan huyết khi đau mắt đỏ sung huyết.

    4. Huyết áp cao: Lá Dâu và hạt Ích mẫu nấu nước ngâm chân buổi tối 30-40 phút trước khi đi ngủ.

    5. Viêm khớp sưng phù, chân tay tê bại, cước khí, đầu ngón tay đau nhức, ngứa đỏ về mùa đông đợt lạnh nhiều: Cành Dâu, Kê huyết đằng, Uy linh tiên, mỗi vị 12g, sắc nước uống.

    6. Ho, hen suyễn: Vỏ rễ 20-40g sắc uống. Có thể thêm Địa cốt bì và Cam thảo.

    7. Khó tiêu, chân tay phù nề: Vỏ rễ Dâu sắc uống hoặc phối hợp với vỏ Gừng, vỏ Quít, vỏ quả Cam, Phục linh sắc uống.

    8. Chữa thiếu máu, da xanh người gầy khô héo, mất ngủ, đầu choáng, chóng mặt; dùng quả Dâu chế xirô hay ngâm rượu hoặc dùng quả Dâu thêm Câu Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, nhân hạt táo, mỗi vị 10g, sắc uống.

    9. Trừ phong thấp, mạnh gân cốt, can thận yếu dẫn tới đau lưng mỏi gối: Tầm gửi cây Dâu, phối hợp với Cẩu tích, Ngưu tất, sắc nước uống.

    10. Bổ huyết, an thai khi bị động thai ra máu: Tầm gửi thêm rễ Gai, Tục đoạn sắc nước uống.

    11. Di mộng tinh, hoạt tinh: 10 tổ Bọ ngựa sao cháy nghiền bột, thêm đường, uống trước khi đi ngủ, uống 3 ngày. Có thể thêm Long cốt, nghiền bột mịn, ngày 2 lần, trong 3 ngày.

    12. Đái dắt, đái nhạt: Tổ Bọ ngựa Dâu cùng với quả Kim anh, nướng cháy, tán mịn, uống với rượu lúc đói.

    13. Thuốc bổ: Sâu Dâu thêm nước cơm hấp chín, ăn tất cả.

  • Ðậu ván trắng, Bạch biển đậu - Lablab purpureus (L.) Sweet subsp, purpureus (Dolichos purpureus L.D. lablab L.)

    Ðậu ván trắng, Bạch biển đậu - Lablab purpureus (L.) Sweet subsp, purpureus (Dolichos purpureus L.D. lablab L.)

    Đậu ván có tên khoa học là Lablab purpureus, có tên tiếng Anh là Hyacinth Bean hay Indian Bean (đậu Ấn Độ, Egyptian Bean (đậu Ai Cập), Bulay (tiếng Tagalog), Bataw (tiếng Visayan).

    Đậu ván là cây họ Đậu, được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới để dùng làm thực phẩm, đặc biệt là ở châu Phi, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

    Mô tả: Dây leo sống 1-3 năm, dài tới 5m. Thân có góc, hơi có rãnh, có lông thưa. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét hình trứng chỉ có ít lông ở mặt dưới. Hoa trắng hay tím nhạt, mọc thành chùm ở ngọn cành hay nách lá. Quả đậu màu lục nhạt, khi chín có màu vàng nhạt, đầu quả có mỏ nhọn cong. Hạt hình trứng tròn, dẹt, dài 8-15mm, rộng 6-8 mm, dày 2-4mm. Vỏ màu trắng ngà,

    có khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng, ở mép có rốn lồi lên, màu trắng.

    Ra hoa kết quả chủ yếu vào mùa thu - đông.

    Bộ phận dùng: Hạt - Semen Dolichoris Album, thường gọi là Bạch biển đậu. Lá và rễ cũng được dùng.

    Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, được trồng rải rác khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp, có nhiều ở Phú Yên, Bình Thuận. Do trồng trọt mà người ta tạo ra nhiều giống trồng khác nhau; thường trồng là giống leo, cho leo giàn hoặc trồng ven hàng rào quanh nhà hay trồng xen với ngô. Quả và lá non dùng làm rau ăn, hạt già dùng làm thuốc. Khi trời khô ráo, hái các quả đậu thật già có vỏ ngoài vàng khô, bóc vỏ lấy hạt, phơi hay sấy khô, khi dùng sao vàng. Lá tươi thu hái quanh năm.

    Thành phần hoá học: Hạt chứa nước 82,4%; protid 4,5%; lipid 0,1%, glucid 10%, tro 1%, Ca 0,25%; P 0,06mg%; Fe 1,67mg%. Có các loại đường saccharoze, glucose, stachyose, maltose và raffinose. Còn có vitamin A, B2, C và nhiều B1. Các acid amin phổ biến là tryptophan, arginin, lysin và tyrosin. Ngoài ra còn có acid L-pipecolic và phytoagglutinin.

    Tính vị, tác dụng: Ðậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ấm; có tác dụng bổ tỳ vị, điều hoà các tạng, dịu phong, giải cảm nắng, trừ thấp và giải độc.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân dùng quả non và hạt non, hoa và lá còn non làm rau luộc hay xào ăn. Hạt khô luộc bỏ vỏ dùng nấu chè, làm nhân bánh ăn ngon. Hạt đậu ván trắng có thể làm tương như đậu nành, chế biến bột dinh dưỡng sau khi rang vàng bỏ vỏ hay sấy ở nhiệt độ 100-103oC trong 3-5 giờ. Ðậu ván trắng có giá trị dinh dưỡng cao thường được dùng làm thuốc bổ dưỡng và tăng sức tiêu hoá. Lại còn dùng trị cảm nắng, khát nước, bạch đới, tỳ vị hư yếu, ỉa chảy, kiết lỵ, viêm dạ dày và ruột cấp tính, đau bụng, nôn oẹ, ngộ độc rượu, nhân ngôn, ngộ độc cá nóc, ngộ độc thức ăn mà sinh nôn mửa. Lá được dùng chữa hóc xương, yết hầu sưng đau, đái ra máu và chữa rắn cắn. Rễ cũng dùng phối hợp với các vị thuốc khác chữa bệnh đậu lào; còn dùng chữa điên, đau giật, co quắp chân tay.

    Cách dùng: Hạt dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bôi, mỗi ngày 8-16g. Rễ dùng sắc uống với liều cao hơn. Lá tươi nhai ngậm với muối nuốt nước chữa yết hầu sưng đau. Lá giã nát, trộn với nước vo gạo đặc, gạn uống, còn bã dùng đắp trị rắn cắn.

    Ðơn thuốc:

    1. Chữa bệnh mùa hè thổ tả đau bụng dữ dội, nôn mửa: Dùng Ðậu ván trắng sao, tán bột, uống với giấm. Hoặc dùng lá Ðậu ván, lá Hương nhu mỗi thứ 1 nắm, giã nhỏ, chế giấm vào vắt lấy nước cốt uống hay sắc uống. Có thể dùng riêng lá Ðậu ván trắng cũng được.

    2. Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh bế lâu ngày, kém ăn mỏi mệt: Dùng Ðậu vắn trắng sao vàng tán nhỏ, uống 3 đồng cân với nước cơm; ngày uống 3 lần.

    3. Chữa ngộ độc thịt chim: Dùng Ðậu ván nghiền hoà với nước cho uống.

    Ở Trung Quốc, người ta có các cách sử dụng Ðậu ván trắng (Biển đậu) trong ăn uống để trị bệnh như sau:

    1. Sau khi trẻ em đi lỏng, đại tiện hoặc lỏng hoặc khô, không còn bình thường; đem ngâm Biển đậu vào nước qua một đêm, bóc vỏ, nấu thành cháo loãng cho ăn. Có thể làm cho dạ dày tăng cường thu nạp, đại tiện bình thường.

    2. Mùa hè nóng bức, ăn uống vô vị, thân mình mệt mỏi, có thể dùng Biển đậu, lá Sen non nấu chè uống, lợi thấp khai vị.

    3. Người già sức dạ dày yếu, thần kinh dạ dày lỏng lẻo, đại tiện ít nát; nấu canh Bạch biển đậu với mì cán lát, hàng ngày ăn sáng trưa rất có ích.

  • Dây đau xương, Tục cốt đằng – Tinospora sinensis (Lour.) Merr. (T. tomentosa Miers)

    Dây đau xương, Tục cốt đằng – Tinospora sinensis (Lour.) Merr. (T. tomentosa Miers)

    Dây đau xương, Tục cốt đằng – Tinospora sinensis (Lour.) Merr. (T. tomentosa Miers), thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.

    Mô tả: Dây leo bằng thân quấn, dài 8-10m. Thân màu xám, lúc đầu có lông, sau nhẵn, có lỗ bì sần sùi. Lá mọc so le, hình tim, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ, gân lá hình chân vịt. Hoa màu vàng lục, mọc thành chùm ở nách lá, có lông màu trắng nhạt. Quả hình bầu dục hoặc tròn, khi chín có màu đỏ.

    Mùa hoa quả tháng 2-4.

    Bộ phận dùng: Dây và lá – Caulis et Folium Tinosporae, thường gọi là Tục cốt đằng.

    Nơi sống và thu hái: Cây của Đông Dương và Ấn Độ. Ở nước ta, thường gặp mọc hoang ở vùng núi, leo lên các cây nhỡ hay cây gỗ. Có thể trồng bằng đoạn thân vào đầu mùa mưa. Cây mọc rất khoẻ. Khi dùng làm thuốc, thu hái thân già, thái nhỏ, phơi khô. Dùng sống hay tẩm rượu sao. Có thể thu hái quanh năm.

    Thành phần hoá học: Chỉ mới được biết trong cây có nhiều alcaloid.

    Tính vị, tác dụng: Dây đau xương có vị đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, thư cân, thanh nhiệt, lợi thấp. Nói cách khác, nó là loại thuốc khu phong, trừ thấp, lợi gân cốt.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa sốt rét, phong thấp, chứng đau nhức gân cốt, đau dây thần kinh hông, đòn ngã tổn thương và để bổ sức. Lá tươi cũng dùng đắp lên các chỗ nhức trong gân cốt và trị rắn cắn.

    Cách dùng: Mỗi ngày dùng 15-30g đun sôi trong nước uống. Cũng có thể ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với hạt Cốt khí và Đậu đen xanh lòng (kinh nghiệm dân gian). Cũng có thể ngâm rượu với tỷ lệ 1/5, uống ngày 3 lần, mỗi lần một cốc con. Lá thường dùng giã nhỏ vắt lấy nước cốt uống, lấy bã đắp trị rắn cắn, hoặc trộn với rượu để đắp lên chỗ sưng đau.

    Đơn thuốc:

    1. Đau dây thần kinh hông: Dùng Dây đau xương, Lấu bò, Kê huyết đằng, Ngũ vị, Kim ngân, mỗi vị 15g. Đun sôi lấy nước uống.

    2. Phong thấp gân xương đau nhức, chân gối rủ mỏi: Dùng Dây đau xương, Bưởi bung, Đơn gối hạc, Cỏ xước, Gấc (rễ), mỗi vị 20-30g sắc uống.

    3. Đòn ngã tổn thương hoặc đi chạy nhiều sưng chân hay phong thấp sưng đầu gối: Dùng lá Dây đau xương giã nát chế rượu (hoặc giấm hay nước tiểu trẻ em) vào, vắt lấy nước cốt uống, bã thì chưng nóng bóp và đắp vào chỗ đau.