HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY ĐẢNG SÂM (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.)
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY ĐẢNG SÂM (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
1. Giới thiệu chung về cây Đảng sâm
1.1. Tên: Đảng sâm
Tên khoa học: Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.
Họ: Hoa chuông - Campanulaceae.
Tên khác: Sâm dây, Sâm nam.
1.2. Đặc điểm sinh học
Đảng sâm thuộc loại cây thân leo, sống nhiều năm. Rễ hình trụ dài, đường kính trung bình 1 - 1,7cm, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân củ, nhỏ về phía đuôi; khi tươi màu trắng, phơi khô rễ có màu vàng, có nếp nhăn. Lá mọc đối có khi mọc cách hay hơi vòng, phiến lá hình tim hay hình trứng rộng, gốc lá hình tim mép nguyên hay hơi lượn sóng hoặc có răng cưa, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng nhạt. Hoa màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá, có cuống dài 2 - 6 cm, đài tràng hình chuông, gồm 5 phiến hẹp, 5 cánh có vân màu tím ở miệng, lúc sắp rụng trở thành màu vàng nhạt, chia làm 5 thùy, có 5 nhị, chỉ nhụy hơi dẹt, bao phấn đính gốc. Bầu 5 ô, quả nang, phía trên có một núm nhỏ hình nón, khi chín có màu tím đỏ. Ra hoa vào tháng 7 - tháng 8, có quả vào tháng 9 - tháng 10.
1.3. Đặc điểm sinh thái
Đảng sâm thích hợp với đất giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, tầng đất dày, tơi xốp, có khả năng giữ ẩm nhưng thoát nước tốt, có độ ẩm đầy đủ trong suốt thời gian cây sinh trưởng.
Nhiệt độ thích hợp từ 18 - 25oC, có thể chịu được nhiệt độ trên 30oC trong thời gian ngắn. Về mùa đông nhiệt độ thấp cây vẫn sống được.
Cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi ở độ cao 900 - 1.500m. Độ dốc dưới 250 (thích hợp dưới 100) và lượng mưa trung bình 1.200 - 1.500 mm.
Ở Quảng Nam, cây phân bố tự nhiên chủ yếu ở Tây Giang, Nam Trà My.
2. Kỹ thuật nhân giống
Đảng sâm được nhân giống chủ yếu bằng hạt, đây là phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay, với hệ số nhân giống tương đối cao và chi phí sản xuất cây giống thấp. Ngoài ra, còn có phương pháp nhân giống bằng mầm, nuôi cấy mô. Dưới đây giới thiệu phương pháp nhân giống bằng hạt.
2.1. Yêu cầu vườn ươm giống
- Chế độ ánh sáng: Cây con ưa râm mát; vườn gieo hạt nên làm mái che bằng lưới nylon để tránh mưa lớn, nắng gắt.
- Chế độ nước và ẩm độ: Thích hợp với ẩm độ từ 80 - 90%; đất trong vườn ươm phải có độ tơi xốp, chủ động tưới tiêu.
2.2. Nguồn giống
Chọn quả giống ở những cây đã được 3 năm tuổi trở lên. Hái những quả có vỏ màu vàng nhạt, hạt màu đen, đem về phơi cho nứt vỏ để lấy hạt. Chọn hạt già, không sâu bệnh, không lẫn tạp chất. Hạt thu được phải đem trồng ngay năm sau, nếu để chậm sẽ mất khả năng mọc, hoặc tỷ lệ mọc sẽ giảm.
2.3. Kỹ thuật ươm hạt, tạo cây con
Thời vụ gieo ươm: Gieo hạt tháng 9,10, trồng tháng 2 - 4 năm sau; hoặc gieo hạt tháng 2,3, trồng tháng 6 - 8.
Ủ hạt giống: Hạt giống được ủ trong túi vải ẩm, theo dõi đến khi hạt nhú mầm rồi đem đi gieo trồng.
Chuẩn bị bầu đất: Dùng túi bầu PE kích thước 7 x 12 cm đựng hỗn hợp ruột bầu; thành phần ruột bầu gồm 80% đất tầng AB + 20% phân hữu cơ đã hoai. Đất làm ruột bầu được đập, sàng nhỏ, trộn đều với phân và tiến hành đóng bầu. Bầu đất đóng xong được xếp đứng, thẳng hàng theo từng luống có chiều rộng 0,8 - 1 m, chiều dài tùy ý, khoảng cách giữa 2 luống là 0,4 m.
Gieo hạt: Trước khi gieo hạt, bầu đất phải được tưới nước đủ ẩm trước đó 1 ngày. Chọn những hạt nhú mầm, dùng que vót nhọn một đầu tạo lỗ giữa bầu sâu 1 - 1,5 cm rồi gieo hạt vào, mỗi bầu gieo từ 1 - 2 hạt. Gieo hạt xong phủ một lớp đất dày khoảng 1 - 2 cm, trên cùng phủ rơm, rạ. Hàng ngày tưới nước, khi cây mọc được 60% trở lên thì bỏ rơm rạ. Thời gian hạt mọc thường 5 - 10 ngày.
Chăm sóc cây con: Đảng sâm là cây thân leo nên phải cắm que làm giá thể. Thường xuyên làm sạch cỏ, xới xáo nhất là thời kỳ cây còn nhỏ, chưa leo. Đồng thời, bón thúc bằng phân hữu cơ hoai mục ủ cùng với chế phẩm Trichoderma. Giai đoạn mới mọc, cây rất yếu, cần phải có mái che bằng bạt (màu trắng) để tránh mưa trực tiếp lên cây, gây dập cây.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây con ở giai đoạn vườn ươm phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra sâu, bệnh để xử lý kịp thời (sâu có thể bắt bằng tay; cách ly cây bệnh, nhổ bỏ, tiêu hủy, xử lý vôi…).
2.4. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
Cây con được huấn luyện trong vườn ươm cho tới khi cây có chiều cao từ 15 - 20cm, cây xanh đẹp có từ 3 - 5 cặp lá, không sâu bệnh, tán lá đều là đủ tiêu chuẩn đem trồng.
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
3.1. Thời vụ trồng
Có thể trồng quanh năm trừ những tháng quá nắng nóng hoặc quá rét nhưng thời gian thích hợp nhất để trồng là tháng 2 - 4 và tháng 8 - 9.
3.2. Mật độ và cách trồng
3.2.1. Mật độ trồng
- Khoảng cách trồng thuần: Nhiều nơi trồng thuần với mật độ rất dày (trên 25.000 cây/ha). Tuy nhiên, trong điều kiện hầu hết đất nương rẫy của miền núi Quảng Nam có độ dốc cao; trồng thưa với mật độ khoảng 7.000 - 10.000 cây/ha, khoảng cách 1,2 - 1,4m (hàng cách hàng) × 0,8 - 1 m (cây cách cây) /cây, trồng xen ngô giữa 2 hàng Đảng sâm trong năm đầu, thu hoạch quả để lại thân ngô làm choái leo cho Đảng sâm.
- Mật độ trồng dưới tán rừng: Trồng theo khoảng cách trên với phần diện tích có thể khai thác dưới tán rừng.
3.2.2. Cách trồng
- Trồng thuần
+ Trồng từng hốc: Khi trồng trên đất đồi núi dốc, đất lẫn đá, không cần phải làm đất, sau khi dọn cỏ, dùng xẻng đào hốc có đường kính khoảng 20cm, sâu khoảng 20 - 25 cm. Sau đó, trồng cây đã ươm vào, mỗi cây một hốc, ấn chặt đất xung quanh gốc, vun đất tạo thành vồng có rãnh thoát nước xung quanh.
+ Trồng trên diện tích lớn: Lên luống cao 15 - 20 cm theo đường đồng mức và rạch rãnh ngang luống sâu khoảng 15 cm, đặt cây đã ươm vào trồng, lấp đất mỏng, ấn chặt đất quanh gốc.
- Trồng xen dưới tán rừng
+ Chọn loại rừng tự nhiên nghèo, rừng phục hồi sau nương rẫy, vườn nhà có tán thưa, độ tàn che dưới 50%.
+ Sau khi dọn thực bì, tiến hành đào hốc có đường kính khoảng 20cm, sâu khoảng 15 - 20 cm. Sau đó, trồng cây đã ươm vào.
+ Sau khi trồng, cần ấn chặt đất xung quanh gốc cây, vun đất tạo thành vồng có rãnh thoát nước xung quanh, phủ một lớp lá cây hoặc thảm mục của rừng lên trên bề mặt luống để giữ ẩm.
3.3. Chăm sóc
- Bón lót trước khi trồng 1kg phân hữu cơ hoai mục/hốc.
- Vun gốc: Đảng sâm là cây dây leo, để cây phát triển tốt, cần cắm choái hoặc trồng ngô, sắn để lại thân cho cây leo, tiến hành vun gốc để tăng năng suất củ. Chia làm 2 thời điểm:
+ Vun gốc lần 1, kết hợp làm cỏ vào thời điểm sau trồng khoảng 3 tháng.
+ Vun gốc lần 2, kết hợp làm cỏ vào thời điểm sau trồng 6 tháng.
3.4. Quản lý dịch hại
Để quản lý dịch hại đảm bảo năng suất đồng thời đảm bảo chất lượng dược liệu chỉ sử dụng các biện pháp thủ công, có thể sử dụng thêm các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để quản lý dịch hại, chú trọng các loại dịch sau:
Bệnh hại:
Bệnh cháy lá, thối vàng: Bệnh do nấm Fusarium. sp gây nên, thường vết bệnh xuất hiện trên chóp lá và gây cháy từ chóp lá xuống. Nếu bệnh phát triển mạnh, nấm tấn công vào nách lá, xuống củ, trên củ có vết màu nâu, phần củ nhăn nheo và tóp lại có phủ lớp tơ màu trắng làm chết cả cây.
Bệnh thối củ, thối xanh: Bệnh do vi khuẩn lưu tồn trong đất, nước hoặc côn trùng gây ra. Cây đang xanh bỗng héo đột ngột vào giữa trưa, có tươi lại vào lúc chiều mát và chết rất nhanh, thân bị nhũn nước, tách rời củ và có màu sậm, khi nhổ lên, đỉnh sinh trưởng có nước màu đục và có mùi hôi đặc trưng. Do đặc điểm bệnh lây lan nhanh, rất khó phòng trừ và gây tổn thất lớn, nên đối với những vùng hay bị bệnh, ngay từ khi làm đất cần bón lót vôi, tạo rãnh thoát nước tốt, không trồng mật độ quá dày.
Để hạn chế các loại bệnh trên, khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục để bón; cây bị bệnh chết cần nhổ bỏ tiêu hủy và dùng vôi để xử lý.
Sâu hại:
Giai đoạn cây nhỏ, có thể bị sâu xanh, sâu xám; giai đoạn cây lớn có thể bị sâu đục thân gây hại. Với sâu hại như sâu xanh, sâu khoang có thể bắt bằng tay.
4. Thu hoạch
Sau trồng 2 năm là có thể thu hoạch. Thu củ vào mùa Thu Đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá hoặc tới đầu mùa Xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi nảy lộc là có thể thu hoạch, lúc này phẩm chất tốt nhất, sản lượng cao.