Kim Túc Lan, Sói Nhật – Thảo Dược Quý Với Tác Dụng Khư Thấp, Tán Hàn Và Hoạt Huyết

Sói Nhật (Chloranthus japonicus) là cây thảo dược quý, có tác dụng khư thấp tán hàn, lý khí hoạt huyết, và giải độc. Được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa đau nhức lưng gối, cảm mạo, lao thương và mụn nhọt. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Sep 16, 2024 - 22:39
 0  7

Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Sói Nhật

Sói Nhật - Chloranthus japonicus Sieb., thuộc họ Hoa sói - Chloranthaceae.

Tên gọi khác: Kim Túc Lan.

Mô tả: Cây thảo hằng năm, cao đến 50cm, không chia nhánh. Lá thường chỉ có 4 cái mọc vòng, phiến không lông, mép có răng nhỏ nhọn. Cụm hoa hình bông đứng ở ngọn thân gồm nhiều hoa màu vàng rất thơm; hoa trần; nhị 3, trung đới rất cao, bầu 1 ô, chứa một noãn treo, vòi nhuỵ 1, ngắn. Quả hạch cứng, nhỏ, hình quả lê.

Mùa hoa tháng 3-4.

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Chlorathi Japonici.

Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở rừng thường xanh, thường gặp ở Măng Giang (Kon Tum), Ðà Lạt, Lang Bian (Lâm Ðồng), mọc lẫn với cỏ hoặc mọc riêng lẻ dưới tán rừng, chỗ râm mát. Thu hái rễ và cây vào mùa hè thu, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

Tính vị, tác dụng: Vị cay đắng, tính ấm, có ít độc; có tác dụng khư thấp tán hàn, lý khí hoạt huyết, tán ứ giải độc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc dùng chữa đau nhức lưng gối, đòn ngã, mụn nhọt, bạch đới, cảm mạo. Thường dùng trị: lao thương, đau nhức lưng gối, đòn ngã tổn thương, cảm mạo, bạch đới, mụn nhọt. Liều dùng: 10-20g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp không kể liều lượng.

Ðơn thuốc:

1. Lao thương: Dùng 15-20g ngâm trong 1kg rượu, mỗi lần uống 2-3 chén con, ngày 1-2 lần.

2. Cảm mạo: 10-15g sắc uống, ngày 1 thang.

3. Bạch đới: Dùng 40-80g rễ sắc uống.