Thiên Nam Tinh (Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis): Vị Thuốc Hóa Đàm và Khu Phong Hiệu Quả

Thiên Nam Tinh, hay Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis, là vị thuốc Đông y với vị đắng, cay và tính ôn. Quy vào kinh can, phế và tỳ, Thiên Nam Tinh chứa các hoạt chất như y-aminobutyric acid và saponins. Công dụng táo thấp, hóa đàm, khu phong, tán kết và giảm đau. Chủ trị ho đờm, đờm phong và tức ngực. Chích Thiên Nam Tinh giúp giảm độc tính và hóa đàm nhiệt. Phụ nữ có thai cấm dùng.

May 22, 2024 - 09:46
 0  13
Thiên Nam Tinh (Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis): Vị Thuốc Hóa Đàm và Khu Phong Hiệu Quả
Thiên Nam Tinh (Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis) 天南
  • Vị thuốc Thiên Nam Tinh (Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis)

    Vị thuốc Thiên Nam Tinh (Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis)
    Vị thuốc Thiên Nam Tinh

    Vị thuốc: Thiên Nam Tinh

    Tên khác: Nam tinh

    Tên Latin: Rhizoma Pinelliae seu Arisaemattis

    Tên Pinyin: Tiannanxing

    Tên tiếng Hoa: 天南星

    Xuất xứ: Thần Nông Bản Thảo Kinh

    Tính vị: Vị đắng, cay, tính ôn

    Quy kinh: Vào kinh can, phế và tỳ

    Hoạt chất: y-aminobutyric acid, ornithine, citrulline, arginine, glutamic acid, aspartic acid, leucine, saponins

    Dược năng: Táo thấp, hóa đàm, khu phong, tán kết, tán ứ, giảm đau

    Liều Dùng: 5 - 10g

    Chủ trị:

    - Ho đờm ẩm biểu hiện như đờm nhiều, loãng và trắng và cảm giác tức ngực dùng Thiên nam tinh với Bán hạ, Trần bì và Chỉ thực trong bài Đạo Đờm Thang.

    - Nhiệt đờm ở Phế biểu hiện như ho có đờm nhiều, vàng và đặc và cảm giác tức ngực dùng Thiên nam tinh với Hoàng cầm và Thiên hoa phấn.

    - Đờm phong biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, khò khè, liệt mặt, co giật và cơn co giật kiểu uốn ván dùng Thiên nam tinh với Bán hạ, Thiên ma và Bạch phụ tử.

    Chú thích:

    Chích Thiên nam tinh là Thiên nam tinh chích mật, còn được gọi là Đởm nam tinh - Dan Nan Xing (膽南星), để làm giảm bớt tính táo liệt, có vị đắng, tính lương, công dụng thiên về hóa đờm nhiệt, kiêm ổn định cơn lên kinh, định phong. Trong điều trị, nặng về can đởm.

    Độc tính:

    Có độc tính, không dùng quá liều. Dùng với sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

    Kiêng kỵ:

    Phụ nữ có thai cấm dùng

  • Cây Bán hạ Bắc-Pinellia ternata, Araceae

    Cây Bán hạ Bắc-Pinellia ternata, Araceae
    Bán hạ bắc hay bán hạ Trung Quốc (Tên khoa học: Pinellia ternata) là loài thực vật bản địa của Trung Quốc, nay mọc ở nhiều nơi, kể cả Bắc Mỹ.

    Tên khoa học: Pinellia ternata (Thunb.) Makino, Araceae (họ Ráy)

    Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, thân rễ dạng củ. Lá có cuống dài, lá đơn khi còn nhỏ, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi gợn sóng, gốc lá hình mũi tên; khi cây 2-3 tuổi lá có 3 thùy xẻ sâu tựa lá kép chân vịt có 3 lá chét hình bầu dục hay hình tim phình giữa, 2 đầu nhọn. Cụm hoa hình bông mo, có mo dài, màu xanh, trong mo có hoa tự; hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt; hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng. Quả mọng hình bầu dục hay hình trứng.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến : Thân rễ (Rhizoma Pinelliae) hay thường được gọi là củ. Thu hoạch vào mùa hè, chọn củ đào về rửa sạch đất, cắt bỏ vỏ ngoài (màu vàng tro) và rễ tơ phơi khô. Dược liệu có dạng hình cầu hay cầu dẹt, đường kính 1-1,5 cm; mặt ngoài trắng hay vàng nhạt; đỉnh có chỗ lõm là sẹo của thân, xung quanh có các vết sẹo như các chấm nhỏ của rễ, đáy tù và tròn, hơi nhẵn; chất cứng, mặt cắt màu trắng, có nhiều bột; có mùi nhẹ, hăng, vị tê và kích ứng.

    Bán hạ thường được bào chế trước khi dùng bằng cách tẩm với Cam thảo, Bồ kết hoặc tẩm Gừng và phèn chua.

    Thành phần hóa học: Thân rễ Bán hạ có alkaloid (inosin, guanosin, adenosin, uridin), lectin, acid béo (acid linoleic, acid palmitic, acid pinellic), cerebrosid (pinellosid), tinh dầu (butyl ethylen ether, 3-methyleicosan), sterol, flavonoid và các phenylpropanoid.

    Công dụng và cách dùng: Bán hạ được dùng để chữa ho có đờm, nôn mửa, ho, hen suyễn, đau dạ dày, chóng mặt, nhức đầu.

    Ghi chú: Nếu dùng sống (không qua chế biến) sẽ gây nôn, làm ho.

  • BÁN HẠ theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

    BÁN HẠ theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
    Bán hạ Trung Quốc - Pinellia ternata

    Thiên Nguyệt lịch sách Lễ ký nói: "Vị thuốc này sinh vào giữa mùa hạ nên gọi là bán hạ".

    Bán hạ là thân rễ phơi hay sấy khô và chế biến của nhiều cây khác nhau, đều thuộc họ Ráy (Araceae).

    1. Bán hạ Việt Nam gồm những cây: Typhonium divaricatum Decne (Arum divaricatum L., Arum trilobatum Lour), Typhonium trilobatum (Schott).

    2. Cây bán hạ Trung Quốc Pinellia ternata (Thunb.) Breiter hay Pinellia tuberiferan Tenore.

    3. Cây trưởng diệp bán hạ Pinellia pedatisecta (Shott).

    Ngoài ra còn một số cây khác nữa, cần chú ý khi dùng và nghiên cứu. Cũng nên biết rằng mặt dù cùng một cây nhưng tùy theo củ to nhỏ khác nhau mà cho vị thuốc tên khác nhau.

    Ví dụ tại một số vùng ở nước ta, củ nhỏ của cây bán hạ thì khai thác và dùng với tên bán hạ, còn củ to cùng cây ấy thì lại được khai thác và dùng với tên nam tinh.

    Việc sử dụng này không những lẫn lộn trong nước, mà ta còn xuất khẩu nữa, do sự lẫn lộn như vậy cho nên cũng không thể căn cứ vào vị bán hạ nhập nội mà khẳng định là do cây này vì ta có thể nhập vị bán hạ mà ta đã xuất sang Trung Quốc.

    A. MÔ TẢ CÂY

    Cây bán hạ Việt Nam (Typhonium triobatum Shott) còn gọi là củ chóc, lá ba chìa, cây chóa chuột, là một loại cỏ không có thân, có củ hình cầu đường kính tới 2cm. Lá hình tim, hay hình mác, hoặc chia 3 thùy dài 4-15cm, rộng 3,5-9cm. Bông mo với phần hoa đực dài 5-9mm, phần trần dài 17-27mm. Quả mọng, hình trứng dài 6mm.

    Cây bán hạ Trung Quốc (Pinellia ternata Thunb.) Breiter khác cây bán hạ Việt Nam ở chỗ thùy xẻ sâu rõ rệt hơn. Mặc dầu gọi là bán hạ Trung Quốc để phân biệt với bán hạ Việt Nam, nhưng có người nói đã thấy cây này mọc ở Lào Cai nhưng chưa được khai thác.

    Cây chưởng diệp bán hạ (Pinellia padatisecta Schott) khác những cây trên ở lá chia thành 9 thùy khía sâu.

    B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

    Cây bán hạ ở Việt Nam mọc hoang ở khắp những nơi đất ẩm ở nước ta từ Nam chí Bắc. Còn mọc ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.

    Người ta đào rễ (củ), rửa sạch đất cát, lựa củ to (gọi là nam tinh), củ nhỏ (gọi là bán hạ). Có thể dùng tươi (thường chỉ dùng giã đắp lên nơi rắn độc cắn), thường dùng khô có chế biến.

    Có nhiều cách chế biến mục đích theo quan niệm Đông y để giảm bớt độ độc (tẩm cam thảo) hay tăng tác dụng chữa ho (tẩm gừng hay bồ kết).

    Sau đây là một số cách chế biến thường thấy:

    1. Tẩm cam thảo và bồ kết:

    Củ chóc (bán hạ Việt Nam) rửa sạch ngâm nước trong 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần cho đến khi nước trong hẳn.

    Cứ 1kg bán hạ thêm 0,100kg cam thảo, 0,100kg bồ kết và nước cho đủ ngập rồi đun cho đến khi cạn hết nước, vớt ra phơi hay sấy khô.

    Nguyên nhân chưa rõ, nhưng chúng ta biết cam thảo có tác dụng giảm độc, trừ ho, bồ kết cũng có tác dụng chữa ho.

    2. Tẩm gừng và phèn chua:

    Củ bán hạ cũng rửa sạch và ngâm nước như trên cho tới khi nước trong.

    Cứ 1kg bán hạ thì thêm 50g phèn chua và 300g gừng tươi dã nhỏ, thêm nước vào cho ngập. Ngâm trong 24 giờ, lấy ra rửa sạch. Đồ cho chín. Thái mỏng.

    Lại tẩm nước gừng, cứ 1kg bán hạ thêm 150g gừng tươi giã nát, thêm ít nước, vắt lấy nước và cho bán hạ vào ngâm một đêm. Lấy ra sao vàng là dùng được.

    Phèn chua có tác dụng làm cho hết nhớt.

    Chúng ta biết rằng gừng cũng có tác dụng chữa ho. Còn cách chế biến có cần như vậy không, còn phải nghiên cứu thí nghiệm thêm.

    Trong "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân thấy có ghi về chế bán hạ như sau: Phàm dùng bán hạ, phải đem ngâm nước nóng chừng nửa ngày cho hết nhớt, nếu không thời có độc, uống vào ngứa cổ không chịu được.

    Trong các bài thuốc người ta dùng bán hạ kèm theo cả sinh khương (gừng tươi) là vì sinh khương chế được chất độc của bán hạ. Trong bài thuốc bán hạ "Dược điển Trung Quốc 1953" thì chỉ thấy ghi bán hạ không chế dùng cùng với sinh khương.

    Theo tài liệu cổ (Lôi học tức Lôi Công) cũng ghi theo "Bản thảo cương mục", người ta chế bán hạ như sau: Bán hạ 120g, bạch giới tử 80g, dấm chua 200g; cho bạch giới tử giã nhỏ vào dấm quấy đều, thêm bán hạ vào ngâm một đêm; lấy ra rửa sạch hết nhớt mà dùng.

    Một phương pháp khác: Rửa sạch bán hạ, dùng nước nóng ngâm, thay nước luôn cho hết nhớt, thái mỏng, tẩm nước gừng, sấy thật khô mà dùng. Có thể tán nhỏ thành bột trộn với nước ép gừng, phơi khô dùng.

    Như vậy phương pháp ghi trong sách cổ cũng gần như phương pháp ta thường làm nhưng chỉ thêm bạch giới tử cũng là một vị thuốc chữa ho.

    Do phương pháp bào chế bán hạ chưa thống nhất như vậy, cho nên khi nghiên cứu cần phải chú ý.

    Bán hạ thu hoạch từ mùa Hạ đến Thu Đông. Đào về rửa sạch đất cát, đãi sạch vỏ mỏng ngoài, ngâm nước phèn cho sạch nhớt, phơi khô là được. Chỉ khi nào bào chế để dùng mới theo nhưng phương pháp nói trên.

    C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

    Bán hạ Việt Nam và chưởng diệp bán hạ chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

    Bán hạ Trung Quốc, theo Lý Thừa Cố (Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám) có một ít tinh dầu 0,003-0,013%; một chất ancaloit, một ancol, một chất cay, phytosterrol. Ngoài ra còn dầu béo, tinh bột, chất nhầy.

    Theo Quốc lập Sơn Đông đại học, hệ hóa học (năm1934, số 3: 463-77), trong bán hạ có một chất cay dễ tan trong ête etylic, dung dịch trong ête có phản ứng ancaloit, nhiệt có tác dụng làm giảm độ cay.

    D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

    Tác dụng chữa ho: Theo báo Trung Hoa y học tạp chí (1954, 5 : 325-330) sau khi dùng 1ml cồn iốt 1% gây ho cho mèo, rồi dùng nước sắc bán hạ 20% (1ml tương ứng với 0,2g bán hạ) thì thấy với liều 0,6g bán hạ trên 1kg thân thể tác dụng chữa ho rõ rệt. Liều ấy cho kết quả tương đương với liều codêin photphat 1g/1kg.

    Theo Linh Mộc Đạt (Nhật Bản, 1931) tác dụng của bán hạ là do ancol và ancaloit bay hơi có tác dụng ức chế trung khu và mạt tiêu thần kinh.

    Tác dụng chống nôn: Kinh Lợi Bản (1935) đã thí nghiệm trrên 6 con chó nặng từ 11,5-28kg, mỗi con tiêm vào da từ 0,01g apomocphin để gây nôn. Cách 1 ngày tiêm 1 lần, tất cả tiêm 4 lần. Đến lần tiêm thứ 2 thì đồng thời tiêm 5ml dung dịch nước bán hạ (1ml tương ứng với 1g bán hạ); lần thứ 3 trước hết tiêm 5ml dung dịch bán hạ, 5 phút sau tiêm apomocphin; lần thứ 4, trước hết tiêm 5ml dung dịch bán hạ, và 15 phút sau tiêm apomocphin.

    Kết quả lần thứ nhất bình quân nôn 13 lần, tiếp tục luôn trong 31 phút 15 giây. Lần thứ 2 nôn 2 lần, liền trong 16 phút 28 giây. Lần thứ 3 nôn 3-6 lần liên tục 15 phút 40 giây. Lần thứ 4 nôn 2 lần, liên tục trong 13 phút 11giây.

    Do đó tác giả đi tới kết luận là bán hạ có khả năng ức chế gây nôn do apomocphin. Theo Linh Mộc Đạt (1931) tác dụng chống nôn là do phytosterrol của bán hạ.

    Tuy nhiên nếu uống bán hạ sống ngược lại, lại gây nôn, phải chăng đun nóng có tác dụng làm mất chất gây nôn trong bán hạ theo như sách cổ có ghi?

    Độc tính: Theo dược lý đích sinh dược học (Nhật Bản 1933) dịch chiết cồn bán hạ gây cho con vật co cắp mà chết. Tác dụng này giống như do tác dụng hưng phấn của bán hạ đối với mạt tiêu thần kinh.

    E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

    Bán hạ còn là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phụ nữ có thai bị nôn mửa hoặc chữa nôn trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính.

    Nó còn là một vị thuốc chữa ho (làm cho long đờm), chữa nhức đầu, đau dạ dày mãn tính.

    Ngày dùng 1,5-4g; có thể dùng tới liều từ 4-12g bán hạ đã chế biến hoặc hơn nữa (xem phần đơn thuốc có bán hạ dưới đây). Dùng ngoài, tùy theo liều lượng và dùng tươi, giã nát đắp lên nơi đau.

    Trong sách cổ ghi về tính chất và tác dụng của vị bán hạ như sau: Vị cay, ôn, có độc; có tác dụng táo thấp (làm khô ẩm thấp), hóa đờm, giáng nghịch (làm hạ hơi đau đưa lên) hết nôn. Dùng trong những trường hợp nôn mửa, đờm thấp, hen suyễn, đầu nhức, đầu váng, không ngủ; dùng ngoài có tác dụng tiêu thũng. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Vị bán hạ phản với ô đầu, thảo ô.

    Đơn thuốc có vị bán hạ dùng trong nhân dân:

    1. Đơn thuốc có vị bán hạ ghi trong Dược điển Trung Quốc 1953: Bột bán hạ 80g, bột gừng sống 50g, nước 3000ml đun sôi và sắc cho đến khi cạn còn 1000ml; lọc qua bông và dùng nước cất pha thêm vào cho đủ 1000ml. Đơn thuốc chỉ chế khi cần đến. Theo dược điển Trung Quốc, mỗi lần dùng 100-300ml; trung bình mỗi ngày dùng 200-600ml tương ứng với 8-24g hoặc 16-18g bán hạ. Chữa ho và nôn mửa khi có thai.

    2. Tiểu bán hạ gia phục linh thang (đơn thuốc của Trương Trọng cảnh): Bán hạ 8g, phục linh 6g, sinh khương 3g, nước 300ml, sắc còn 100ml. Uống dần trong ngày, chữa phụ nữ có thai, nôn mửa.

    3. Đơn khác dùng chữa hen suyễn, nặng mặt, nằm không được, muốn nôn ọe, bụng dưới nôn nao, cũng dùng chữa nôn: Bán hạ chế 40g, sinh khương 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia nhiều lần uống trong ngày. Liều dùng bán hạ ở đây so với đơn tiểu bán hạ có cao hơn, nên uống từ từ, vừa uống vừa nghe, thấy chịu thì uống nữa.

    4. Trẻ con ngất bất tỉnh: Sinh bán hạ 4g, bồ kết 2g, tất cả tán nhỏ thổi vào mũi.

  • BÁN HẠ - pinellia ternata (thunb) bret.

    BÁN HẠ  -  pinellia ternata (thunb) bret.
    Cây bán hạ theo Tuệ Linh

    Xuất xứ: Bản Kinh.

    Tên khác: Thủy ngọc, Địa văn (Bản Kinh), Hòa cô (Ngô Phổ Bản Thảo),  Thủ điền, Thị cô (Biệt Lục), Dương nhãn bán hạ (Tân Tu Bản Thảo), Trỉ mao ấp, Trỉ mao nô ấp, Bạch bang kỷ tử, Đàm cung tích lịch (Hòa Hán Dược Khảo), Lão nha nhãn, Thiên lạc tinh, Dả vu đầu, (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Tam bộ khiêu (Hồ Nam Dã Sinh Thực Vật), Ma vu  quả (Liễu Châu Dân Gian Phương Dược Tập),  Địa chu bán hạ (Côn Minh Dược Dụng Thực Vật Điều Tra Báo Cáo), Địa lôi công (Trung Dược Chí) .

    Tên khoa học: pinellia ternata (thunb) bret (pinellia tuberifera Ten).

    Họ khoa học: Họ Ráy (Araceae).

    Mô tả: Bán hạ là loại thân củ. Củ hình tròn cầu hoặc tròn dẹt. Lá có cuống dài, về mùa xuân cây mọc 1-2 lá, dài 3-33cm, lá đơn chia làm 3 thùy, tùy theo tuổi cây mà lá mọc có khác nhau về hình dạng, cuống lá dài lá màu xanh, nhẵn bóng không có lông, lúc cây còn nhỏ lá đơn, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi có làn sóng, gốc lá hình mũi tên, cây 2-3 tuổi lá có 3 thùy, hình bầu dục hay hình kim phình giữa, hai đầu nhọn. Cây 2-3 tuổi mới có hoa, hoa hình bông nở vào đầu mùa hạ, hoa có bao lớn, bao màu xanh, trong bao có hoa tự, hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt, hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng, đoạn trên cong hoa đài nhỏ. Quả mọng hình bầu dục, dạng trứng.

    Địa lý: Có nhiều ở Trung quốc, mọc hoang và trồng sản xuất. Nhân dân Trung quốc có tập quán cho Bán hạ sản xuất ở các tỉnh Hồ bắc, Hồ nam, An huy, Sơn đông có phẩm chất tốt nhất. Ở các tỉnh như Giang tô, Triết giang, Tứ xuyên, Vân nam, Quý châu, Giang tây, Quảng tây cũng có sản xuất vị này.

    Việt Nam còn phải nhập của Trung Quốc.

    Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào mùa hè, chọn củ đào về rửa sạch đất cắt bỏ vỏ ngoài (màu vàng tro) và rễ tơ phơi khô.

    Mô tả dược liệu: Bán hạ hình cầu tròn hoặc hình tròn dẹt, hoặc dẹt nghiêng, đường kính 0,7-2cm. Mặt ngoài mầu trắng hoặc mầu vàng nhạt, phần trên thường tròn, phẳng, ở giữa có chỗ lõm, đó là vết của thân, mầu vàng nâu, chung quanh chi chít vết rễ chấm nhỏ, mặt dưới thường hình tròn, tầy, bóng  hoặc không phẳng, mầu trắng. Chất cứng, mặt bổ dọc hình quả Thận, có bột, mầu trắng, bóng mịn. Loại củ già hoặc khô thì mầu trắng tro hoặc có vân mầu vàng, không mùi, vị cay, nhấm thấy dính, tê lưỡi, ngứa họng (Dược Tài Học).

    Bào chế:

    + Vì Bán hạ dùng sống có độc, vì vậy khi dùng uống trong, cần phải bào chế. Cách bào chế có Pháp bán hạ, Tô bán hạ (chế với váng sữa) ngoài ra còn có Bán hạ khúc để dùng có tác dụng giải uất trừ đàm. Sau đây là các phép bào chế:

    a- Bào chế Pháp Bán hạ: Lấy Bán hạ sạch ngâm nước chừng 10 ngày cho đến khi bột trắng nổi lên thì vớt ra, rồi ngâm tiếp với Bạch phàn (cứ 50kg Bán hạ cho 1kg Bạch phàn). Ngâm 1 ngày rồi lại thay nước, đến khi nhấm vào miệng không còn cảm giác tê cay thì vớt ra, phơi trong râm (tránh nắng). Ngoài ra còn có cách khác là giã dập Cam thảo hòa với nước vôi, lắng gạn bỏ cặn rồi để Bán hạ vào ngâm. Quấy trộn hàng ngày đến khi màu vàng thấm đều vào bên trong vớt ra phơi trong râm đến khô (Cứ 50kg Bán hạ thì dùng 8kg Cam thảo và 10kg vôi cục) (Dược Tài Học).

    b- Bào chế Khương Bán hạ: Bán hạ đã được bào chế theo pháp Bán hạ như trên, đến khi vị thuốc không còn tê cay thì xắt lát Gừng sống rồi cho Bạch phàn và Bán hạ vào đun cho thấm. Lấy ra phơi qua cho ráo nước, cắt thành từng miếng phơi khô (Cứ 50kg Bán hạ thì dùng 12,5 kg Gừng sống 6,5kg Bạch phàn) (Dược Tài Học).

    c- Bào chế Thanh Bán hạ: Lấy Bán hạ đã biến chế theo Pháp bán hạ như trên, đến khi vị thuốc không còn tê cay, thêm Bạch phàn và nước đun kỹ, lấy ra phơi qua cho ráo nước ủ ấm rồi xắt thành phiến, lại phơi trong râm mát (Cứ 50kg Bán hạ thì dùng 6,5kg Bạch phàn) (Dược Tài Học).

    d- Bào chế Bán hạ khúc: Dùng Bán hạ sống đồ vào nồi nước, dùng một chút phèn chua đun sôi ngâm 1 đêm,  hôm sau lại đun nước khác để thay nước cũ đi, làm 7 ngày 7 đêm như vậy, rồi phơi khô, tán bột. Dùng nước Gừng hòa với hồ làm thành Bánh sao vàng (Trung Dược Đại Từ Điển).

    + Dùng Bán hạ 160kg, Bạch giới tử 80g, giấm chua 200g. Cho Bạch giới tử giã nhỏ vào giấm khuấy đều, thêm Bán hạ vào ngâm trong 1 đêm. Lấy ra, rửa sạch hết nhớt mà dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).

    + Theo kinh nghiệm của huyện Đạt tỉnh Tứ xuyên biến chế như sau: Có thể đem củ tươi chất đống ở trong nhà 10-15 ngày, sau lấy tay bóp vỏ củ tự bóc ra thế là được. Ngoài ra để rút ngắn thời gian ủ có thể trộn thêm một ít tro, có thể rút ngắn được nửa thời gian ủ. Ngoài ra có một biện pháp ủ nhanh nữa là dùng một số lượng vôi vừa phải trộn lẫn đều với củ xếp đống ở một góc nhà, đống cao khoảng 17cm, ủ khoảng 1-1,5 ngày là có thể xát bỏ vỏ được. Sau khi ủ xong bỏ vào rổ đầy, đem xuống chỗ nước chảy, lấy chân đạp sát, chân có đi dép cỏ, đạp cho tới khi tróc hết vỏ, thành màu trắng là được, nhưng phải đề phòng da chân bị ngứa lở. Ngoài ra còn có thể dùng chổi cứng hoặc que cứng đầu có buộc rạ hoặc lưỡi ngô chọc vào rổ khoắng, trộn từ dưới lên, trong ra ngoài làm cho củ bị sát bong hết vỏ ngoài. Nếu có 1 số củ bên ngoài chưa tróc hết thì có thể chọn ra, sát lại cho sạch, nếu số lượng ít thì có thể lấy tay sát sạch, nhưng phải bôi thuốc hoặc dầu để chống bị nhiễm độc. Sau khi qua giai đoạn sát bỏ vỏ là phơi khô, sau khi sát sạch vỏ ngoài nên phơi nắng ngay, nếu bị mưa phải sấy khô, nếu không sẽ bị mốc thối. Nếu dùng lửa sấy trước hết phải dùng lửa lớn cho củ bốc nóng tỏa hơn nước, lấy vải khô lau nhẹ cho khô, trước khi củ khô hết nước không được trộn đảo, đến lúc không còn giọt nước đọng, dùng lửa nhỏ để sấy cho khô kiệt. Nói chung sấy lúc đầu lửa lớn, nhưng về sau nhỏ dần, như vậy phải qua một ngày đêm mới khô. Nếu không có dụng cụ sao sấy có thể ngâm vào trong phèn chua bão hòa (nếu đã phơi củ khô được một ít thì không cần đem ngâm, dùng Lưu hoàng xông, có thể chống được mốc thối). Nên thay nước luôn để phòng thối, đến lúc nắng phơi khô. Trong quá trình phơi khô, chú ý không dùng tay trộn đảo, tốt nhất là dùng que tre. Nếu phơi khô mà màu da củ không được trắng thì có thể dùng Lưu hoàng xông 1 ngày (Cứ 50kg Bán hạ thì dùng 0,5kg Lưu hoàng), có thể làm củ trắng trong và trừ sâu mọt, men mốc. Cứ 3-4 kg củ tươi có thể được 1kg củ khô (Kỹ Thuật Nuôi Trồng Và Chế Biến Dược Liệu).

    Cách dùng: Bán hạ qua nhiều khâu chế biến khác nhau, nên dùng cũng khác.

    . Pháp Bán hạ dùng trong trường hợp táo thấp, hóa đàm.

    . Khương Bán hạ dùng trong trường hợp giáng nghịch, chỉ ẩu.

    . Bán hạ khúc dùng trong trường hợp kiện vị tiêu thực.

    . Còn Bán hạ sống chỉ dùng bên ngoài ít khi dùng để uống.

    Bảo quản: Để nơi khô ráo không được ẩm ướt, Bán hạ ít bị mối mọt. Nếu thấy mốc có thể lấy nước rửa sạch phơi khô, dùng Lưu hoàng xông, phơi khô, cất như cũ.

    Thành phần hóa học:

    + Coniine, Protoanemonin, Homogentisic acid, Nicotine, Aspartic acid, Glutamic acid, Arginine, (-Sitosterol, Cholesterol (Trung Dược Học).

    + Ephedrine (Haruji Oshio và cộng sự, Chem Pharm Bull 1978, 26 (7) : 2096)

    + Choline, (-Sitosterol, Daucosterol (Vĩ Quan Chiếu Nhị, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1962, (82) : 766).

    + Homogentisic acid, Protocatechualdehyde (Triệu Cương, Trung Quốc Trung Dược tạp Chí 1990, 15 (3) : 146).

    Tác dụng dược lý:

    + Tác dụng cầm nôn: Bán hạ chế thành hoàn và nước sắc Bán hạ có tác dụng cầm nôn. Cao lỏng Bán hạ, bột Bán hạ (chế với nhiệt độ cao) cũng có tác dụng cầm nôn. Nhưng Bán hạ sống ngược lại, lại có tác dụng gây nôn (Trung Dược Học).

    + Tác dụng giảm ho: Nước sắc Bán hạ cho mèo được gây ho nhân tạo uống, có tác dụng giảm ho nhưng kém Codein. Thuốc cũng có tác dụng giảm ho nếu chích vào tĩnh mạch. Chế phẩm của Bán hạ cho thỏ uống, có tác dụng làm giảm bớt tiết nước miếng do chất Pilocarpine. Chế phẩm của Bán hạ cho chuột cống được gây bụi phổi uống, kết quả phân tích tế bào chứng minh thuốc có tác dụng làm chậm quá trình bệnh. Cho dùng thuốc càng sớm, kết quả càng tốt (Trung Dược Học).

    + Bán hạ có tác dụng giải độc đối với trường hợp nhiễm độc Strychnin và Acetycholin (Trung Dược Học).

    + Protein Bán hạ với liều 30mg/kg đối với chuột nhắt, có tác dụng chống việc có thai sớm. Bán hạ sống ngâm kiệt có tác dụng chống rối loạn nhịp tim đối với súc cật thực nghiệm (Trung Dược Học).

    + Cồn loãng hoặc nước ngâm kiệt Chưởng diệp Bán hạ (Pinellia pedatisect Schott) có tác dụng ức chế rõ rệt đối với ung thư và tế bào Hela trên súc vật thí nghiệm (Trung Dược Học).

    Thành phần độc của Bán hạ khó hòa tan trong nước, còn thành phần có tác dụng cầm nôn và giảm ho có thể hòa ào nước nóng. Thành phần có độc không bị phá hủy bởi  nước Gừng đơn độc mà bị Bạch phàn (Phèn chua) làm cho hết độc (Trung Dược Học).

    Độc tính: Liều LD50 của Bán hạ sống chích vào màng bụng chuột là 13g/kg. Bán hạ sống uống quá liều dễ bị ngộ độc. Ăn Bán hạ sống miệng lưỡi có cảm giác tê. Uống liều lớn làm cho miệng và họng có cảm giác tê, cay mạnh, ngứa, nóng bỏng, sưng, tiết nước miếng, muốn nôn, nôn, nói ngọng, khan tiếng, miệng há ra khó. Trường hợp nặng sẽ bị nghẹt thở, khó thở dẫn đến tử vong (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

    Tính vị:

    + Vị cay, tính bình (Bản Kinh).

    + Sống: tính hơi hàn; Chín: có độc (Biệt Lục).

    + Rất độc (Dược Tính Bản Thảo).

    + Vị cay tính ấm, có độc (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

    Quy kinh:

    + Vào kinh Phế, tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chích Luận).

    + Vào kinh thủ Dương minh Vị, thủ Thái âm Phế, thủ Thiếu âm Tâm (Bản Thảo Hối Ngôn).

    + Vào  kinh Tỳ, Vị (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

    Tác dụng:

    + Táo thấp, hóa đàm, giáng nghịch, chỉ thổ

    Chủ trị:

    + Trị ho suyễn, khí nghịch do đàm thấp thủy ẩm, thấp trệ trung tiêu, nôn mửa bụng đầy, đinh nhọt, sưng tấy, dùng sống tán bột, đắp ngoài.

    Kiêng kỵ:

    + Đàn bà có thai, chứng táo nhiệt, không được dùng. Không có hàn thấp khí cấm dùng

    + Tính nó ghét Tạo giác, sợ Hùng hoàng, Gừng sống, Gừng khô, Tần bì, Quy giáp, Phản Ô đầu, kỵ máu dê, Hải tảo, Mạch nha, Đường.

    Đơn thuốc kinh nghiệm:

    + Trị trúng phong đàm quyết: Bán hạ ngâm rửa nước sôi 320g, Chích cam thảo 80g, Phòng phong 160g. Mỗi lần dùng 20g sắc với 20 lát gừng, uống (Tỉnh Phong Thang -Kỳ Hiệu Lương phương).

    + Trị chóng mặt do phong đàm, nấc cụt, hoa mắt, sắc mặt xanh vàng, mạch Huyền: Bán hạ sống, Thiên Nam tinh sống, Hàn thủy thạch (nướng), mỗi thứ 40g, Thiên ma 20g, Hùng hoàng 8g, bột Miến 120g. Tán bột, trộn với nước làm thành bánh. Nấu sôi cho nổi lên thì lấy ra giã nát, hồ làm viên, to bằng  hạt ngô đồng lần uống 50 viên với nước gừng. Có thể trị được chứng ho do phong đàm, đại tiểu tiện không thông, đau đầu do phong đàm (Khiết Cổ Gia Trân).

    + Trị suyễn do phong đàm, muốn nôn, chóng mặt: Bán hạ 40g, Hùng hoàng 12g. Tán bột, tẩm với nước gừng làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi  lần uống 30 viên với nước gừng. Nếu đã mửa thì thêm Binh lang (Khiết Cổ Gia Trân).

    + Trị đàm kết không ra, tiếng nói không rõ, lâu năm không hết: Bán hạ 20g, Quế tâm xúc chừng một đồng tiền, Thảo ô đầu 2g. Tất cả tán nhỏ, tẩm nước gừng làm thành viên to bằng hạt súng. Mỗi lần dùng 1 viên, ngậm nuốt dần khi ngủ (Ngọc Phấn Hoàn Khiết Cổ Gia Trân).

    + Trị ho do nhiệt đàm, phiền nhiệt, mặt đỏ, miệng khô, đau tim, mạch Hồng Sác: Bán hạ, Thiên nam tinh, mỗi thứ 40g, Hoàng cầm 60g, tán bột, tẩm nước gừng làm viên, to  bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 2 muỗng canh với nước gừng sau khi ăn (Tiểu Hoàng Hoàn - Khiết Cổ Gia Trân).

    + Trị ho do khí đàm, bệnh nhân mặt trắng bệch, sợ lạnh, thở nhanh, buồn rầu,  mạch Sáp: Bán hạ, Nam tinh mỗi thứ 40g, Quan quế 20g, tán bột, làm viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với nước gừng (Ngọc Phấn Hoàn - Khiết Cổ Gia Trân).

    + Trị phong đàm, thấp đàm:  Bán hạ 1 cân, Thiên nam tinh 20g, tất cả đều ngâm nước, phơi nắng, tán bột, trộn nước gừng làm thành bánh, sấy khô. Dùng Thần khúc 20g, Bạch truật 80g, Chỉ thực 80g, hòa với bột miến và nước gừng làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi  lần uống 50 viên với nước gừng sống (Thanh Hồ Hoàn – Lâm Chứng Chỉ Nam).

    + Trị đờm nhiều, ngực đầy: Bán hạ 1 cân, ngâm rửa 7 lần tán bột. Hễ dùng Bán hạ 40g thì dùng 4g Thần sa, hòa với  nước gừng làm viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 1 muỗng canh với nước gừng (Thần Sa Bán Hạ Hoàn - Tụ Trân phương).

    + Trị ho do nhiệt đàm ở thượng tiêu: Bán hạ (chế qua) 40g, Hoàng cầm bột 8g, hồ với nước gừng làm viên, to bằng hạt đậu xanh. Mỗi  lần uống 70 viên với nước gừng, sau bữa ăn (Tụ Trân phương).

    + Trị đờm nhiều do rượu, ngực đầy trướng khó chịu: Bán hạ sống, rửa xong,  sấy khô, tán bột. Trộn với nước gừng làm thành bánh, rồi lấy giấy ướt đó gói lại nướng cho thơm, lấy 2 bát nước chín với 8g bánh, trộn với 2 phân muối, sắc còn 1 chén, uống (Đẩu Môn phương).

    + Trị đờm nhiều do rượu: Bán hạ, Thiên nam tinh mỗi thứ 80g,  tán bột, dùng 5 bát nước cho vào chậu sành ngâm 1 đêm, đổ nước đi,  sấy khô, tán bột. Mỗi  lần dùng 8g sắc với 3 lát gừng, uống (Kinh Nghiệm phương).

    + Trị đau tim do thấp đàm, suyễn cấp: Bán hạ khúc, sao, tán bột,  trộn với nước cháo lỏng làm viên, to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 20 viên với nước gừng (Đan Khê Tâm Pháp).

    + Trị thương hàn: Bán hạ 16g, Gừng sống 7 lát, sắc với 1 chén rượu (Hồ Hiệp Cư Sĩ Bách Bệnh phương).

    + Trị thương hàn ợ khan:  Bán hạ chế, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước gừng (Mai Sư phương).

    + Trị trẻ nhỏ tiêu chảy, nôn mửa do tỳ vị hư hàn: Bán hạ ngâm rửa 7 lần, Trần thương mễ, mỗi thứ 4g, gừng sống 10 lát, sắc uống nóng (Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết).

    + Trị trẻ nhỏ hay mửa ra đàm, ho phát sốt,  ăn vào nôn ra: Bán hạ (ngâm rửa) 280g, Đinh hương 4g. Lấy Bán hạ trộn với nước, bọc Đinh hương, rồi lấy miến làm bánh bao ngoài, đem nướng cho chín, xong chỉ lấy Bán hạ và Đinh hương trộn với gừng làm viên, to bằng hạt mè. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước Trần bì (Hoạt Ấu Khẩu Nghị).

    + Trị trẻ nhỏ bụng đầy: Bán hạ tán bột, trộn với rượu làm viên to bằng hạt thóc. Mỗi  lần uống 2 viên với nước gừng, nếu không thấy đỡ, lấy lửa sao nóng, tán bột, trộn nước gừng đắp lên rốn (Tử Mẫu Bí Lục phương).

    + Trị suyễn, tiểu không thông, vàng da: Bán hạ, gừng sống mỗi thứ nửa cân, sắc với 7 chén nước còn 1 chén rưỡi, chia làm 3 lần uống (Trọng Cảnh phương).

    + Trị thở mệt do mất huyết, suyễn, nôn ra đàm, đầy ứ bên trong: Bán hạ giã bẹp ra, lấy nước gừng hòa với miến, nướng vàng, tán bột, làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi  lần uống 30 viên với nước đun sôi (Trực Chỉ phương).

    + Trị bạch trọc, di tinh, mộng tinh: Bán hạ rửa 10 lần, xắt nhỏ, lấy Mộc trư  linh 80g, tất cả sao vàng để hết hỏa độc, song bỏ Trư linh.  thêm Mẫu lệ (sao qua) 40g. tán bột.  Lấy Sơn dược làm hồ, trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi  lần uống 30 viên với nước Phục linh (Bản Sự phương).

    + Trị các loại đau nhức ở đầu: Bán hạ tán nhỏ, 1 chút Bách thảo sương, lấy giấy cuốn thuốc vào đốt xông khói vào mũi, trong miệng phải ngậm nước. Khi có đờm dãi ra thì súc miệng ngậm nước khác (Vệ Sinh Bảo Giám).

    + Trị cuống họng liệt, họng sưng nghẹt: Bán hạ (sống), tán bột thổi vào mũi, khi nào có nhớt dãi ra là có hiệu quả (Tập Giản phương).

    + Trị trên mặt phong nám đen: Bán hạ sấy khô, nghiền, dùng giấm gạo bôi vào, bôi 3 ngày liền từ sáng đến chiều tối rồi dùng nước sắc Tạo giác mà rửa, kiêng gió (Trích Huyền phương).

    + Trị sinh đẻ mà rặn quá làm cho ruột sa xuống (Bàn trường sa): Bán hạ tán bột, thổi vào mũi nhiều lần có thể kéo lên được (Phụ Nhân Lương phương).

    + Trị sản hậu chóng mặt: Bán hạ tán bột, trộn với nước làm viên, to bằng hạt ngô đồng, nhét vào trong lỗ mũi (Trửu Hậu phương).

    + Trị trẻ nhỏ động kinh: Bán hạ (sống) 4g, Tạo giác 2g. tán nhuyễn,  thổi 1 chút vào mũi thì tỉnh (Thế Kinh Tán - Trực Chỉ phương).

    + Cứu các chứng chết đột ngột như: Thắt cổ, vật gì đè mà chết, ma quỷ đè mà chết, chết đuối: lấy Bán hạ tán bột, bỏ vào mũi bằng hạt đậu xanh (Tử Mẫu Bí Lục phương).

    + Trị vú sưng, cho con bú mà núm vú sưng: Bán hạ 4g, nướng rồi nghiền, uống với rượu (Lưu Trường Xuân  Kinh Nghiệm phương).

    + Trị vú sưng, cho con bú mà núm vú sưng: dùng bột Bán hạ tùy theo bên đau mà thổi vào mũi (Lưu Trường Xuân  Kinh Nghiệm phương).

    + Trị dộp phỏng chân vì đi đường xa: Dùng bột Bán hạ trộn nước bôi vào (Vĩnh Loại Kiềm Phương).

    + Trị bị vật sắc đâm vào trong thịt không ra được:Bán hạ, Bạch liễm 2 vị bằng nhau, tán bột, uống một muỗng canh với rượu, ngày 3 lần, liên tục 20 ngày (Lý Thuyên Đại Bạch Kinh phương).

    + Trị côn trùng bay vào lỗ tai: Bán hạ trộn dầu mè xức ngoài lỗ tai (Bản Sự phương).

    + Trị Bọ cạp, Ong đốt, dùng Bán hạ tán bột trộn nước xức vào (Tiền Tướng Công Khiếp Trung phương).

    + Trị bất tỉnh đột ngột:  Bán hạ tán bột thổi vào mũi (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

    + Trị lưỡi sưng cứng, lưỡi sưng lớn đầy miệng: Bán hạ sắc với giấm rồi súc miệng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

    + Trị lưỡi sưng cứng, lưỡi sưng lớn đầy miệng: Bán hạ 20 củ nấu qua, sắt lát, khi sao lấy rượu tẩm vào, có mật ong lại càng tốt, ngậm khi nóng, nguội lại thay (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

    + Trị trẻ con thóp trước bị hở (do lãnh khí):  lấy nước trộn với Bán hạ đắp dưới lòng Bàn chân (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

    + Trị mắt cá chân: Ngâm phần có mắt cá cho mềm, cắt bỏ phần sừng hóa, lấy bột Bán hạ sống đắp vào, băng lại. 5~7 ngày sẽ rụng (Thực Dụng Trung Y Học).

    Tham khảo:

    + Khi dùng Bán hạ phải đem ngâm nước nóng chừng nửa ngày cho hết nhớt nếu không sẽ còn độc uống  vào ngứa cổ không chịu được, trong các Bài thuốc người ta thường dùng Bán hạ kèm theo Sinh khương vì Sinh khương chế được độc của nó (Bản Thảo Cương Mục).

    + Công dụng Bán hạ rất nhiều nhưng chủ yếu là tiêu đàm nhưng chủ yếu cốt là chữa khí nghịch  nhưng có chất táo chứng ho mà đàm sáp không nên dùng, sở dĩ lợi được tiểu tiện là cốt ở chỗ chữa khí kiệt mà làm cho khí thông lợi. Chữa về bệnh gì cũng một mẻ là thông khí và giáng khí nhất là chứng mửa thì rất thường dùng, vì lạnh hợp với thuốc ấm (ôn), nóng hợp với thuốc mát (lương), bệnh gì có chứng mửa là dùng được. Đàn bà có thai phải kiêng dùng Bán hạ, nhưng nếu có chứng mửa vẫn có thể cho uống được (Bách Hợp).

    + Uông Cơ nói rằng: Tỳ vị thấp nhiệt nước dãi hóa thành đờm không có Bán thì không chữa được, nếu thay bằng Bối mẫu thì chỉ ngửa đầu chịu chết mà thôi, Lý Thời Trân cũng nói rằng: Tỳ không có thấp lưu trệ lại thì không có đờ, cho nên tỳ là nguồn sinh ra đờm. Bán hạ trị được đờm là vì thế, chất nó trơn hoạt vị cay tính  ấm, trơn hoạt thì nhuận, cay ấm thì tán mà cũng nhuận được cho nên hành được thấp mà không thông đại tiện, lợi khí cũng tiết tiểu tiện, vì thế nói vị cay thì tán khí, hóa như vậy. Đơn khê bảo Bán hạ có khả năng làm cho đại tiện nhuận mà tiểu tiện dài. Thành vô kỷ nói: Bán hạ hành thủy khí mà nhuận thận táo. Bài “Bán Lưu Hoàn”  của sách “Cục phương” chính người già hư bế là dùng vào tính trơn nhuận của nó. Tục thường cho Bán hạ là táo, không biết rằng lợi thủy trừ thấp mà làm cho thổ táo chứ không phải tính nó táo vậy. Có điều không phải là chứng tà khí thấp nhiệt mà dùng nó thì lại làm cho mất tân dịch thêm, thực không thích hợp. Trường hợp nên dùng thì cứ dùng đúng như Nội Kim đã dạy: Nên phạm thì cứ phạm cũng như không phạm. Người xưa dùng Bán hạ có 3 điều cấm là: Bệnh huyết, bệnh khát, và bệnh ra mồ hôi nhưng nó có công ngăn trị được nôn mửa, là thuốc của trúc dương minh, trừ đàm là thuốc của Túc thiếu dương, Giúp hoàng cầm chủ về chừng sợ lạnh, thì lại ra thuốc của Túc thiếu dương, giúp Hoàng cầm chủ về trừ nóng thì lại là thuốc của Túc dương minh, nóng rét qua lại khoảng bán biểu, bán lý cho nên dùng Bán hạ trong trường hợp này là có nghĩa được một nửa  (Dược Phẩm Vậng Yếu).

    + Cũng có chứng hư hàn mà nôn mửa, nhất thiết không được dùng Bán hạ, Trần bì, vì hễ dùng nó ắt ra mồ hôi mà vong dương (Y Trung Quan Miện – Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh).

    Lịch sử: Thiên ‘Nguyệt Lệnh’ ( sách ‘Lễ Ký’), ghi rằng: Vị thuốc này sinh ra giữa mùa hè nên gọi là Bán hạ (Bán: nửa, Hạ: mùa hè)

    Phân biệt:

    (1) Căn cứ vào báo cáo nghiên cứu năm 1960 của trại cây trồng thuốc Nam Xuyên thì hình thái của cây Bán hạ thay đổi rất lớn, qua điều tra sơ bộ có thể chia làm 4 loài:

    a-Cây Bán Hạ Phổ Thông: Cây to cao, lá đơn hình kim phình ở giữa, màu xanh sẫm, nhánh chồi mọc ở dưới cuống lá.

    b- Cây Bán Hạ Lá Rộng: Cây tương đối thấp bé, phiến lá đơn hình bầu dục, màu xanh nhạt, nhánh chồi mọc ở mé trong phần dưới cuống lá.

    c- Cây Bán Hạ Nhành Chồi: Cây tương đối thấp bé, lá đơn hình bầu dục, màu xanh nhạt, nhánh chồi mọc ở phần gốc, cuống lá có 3 lá kép.

    d- Cây Bán Hạ Lá Dài: Cây cao và nhánh trồi mọc trên cuống lá cũng giống như nhánh chồi của cây Bán hạ lá rộng, nhưng có 5 lá đơn, lá giữa khá to. Trong 4 loài trên, thường thấy nhất là loài phổ thông và lá rộng nhưng sản lượng của loài nào cao nhất, chất lượng tốt nhất cần phải nghiên cứu thêm.

    (2) Cần phân biệt với cây Bán hạ nam còn gọi là củ tróc (Typhonium trilobatum Schott).

    (3) Cũng cần phân biệt với cây Thiên nam tinh hay củ Nưa (Arisaema consanguineum Schott., Arisaema balansae Engl.. Arisaema petiolulatum Gagnep) có thân rễ hình củ tròn hơi giống hình Bán hạ bắc nhưng lớn hơn, đường kính khoảng 5cm được dùng làm thuốc có tác dụng an thần, giảm đau tiêu đàm, dùng tươi đắp ngoài chữa sưng tấy nhọt độc (Dqnh Từ Dược Vị Đông Y).

    + Bán hạ là chủ dược hoá hàn đờm, thấp đờm. Bán hạ và Bối mẫu đều có tác dụng hoá đờm. Bán hạ tính ôn, táo, Tác dụng chuyên về táo thấp, hoá đờm. Bối mẫu vào Phế, có tác dụng nhuận táo cho nên tuy hoá đờm nhưng lại khác với Bán hạ. Bán hạ khi dùng sống có độc, vì thế, khi uống trong, phải dùng loại đã chế. Thanh bán hạ (chế gừng và phèn rồi rửa nước) thiên về táo thấp, hoá đờm. Pháp bán hạ (chế với Gừng, Phèn và Cam thảo) tính hoà hoãn hơn, thiên về táo thấp, kiện Tỳ. Khương bán hạ(chế ngước Gừng), tính ôn táo hơn, thiên về giáng nghịch, chỉ ẩu. Bán hạ khúc (chế với Gừng và bột mì) thiên về kiện Vị, tiêu thực, hoá đờm, chỉ ẩu (Thực Dụng Trung Y Học).

    Trị mắt cá chân: Ngâm phần có mắt cá cho mềm, cắt bỏ phần sừng hoá, lấy bột Bán hạ sống đắp vào, băng lại. 5~7 ngày sẽ rụng (Thực Dụng Trung Y Học).