Thiên niên kiện, sơn thục (Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott)

Hiện nay, thiên niên kiện là một vị thuốc nhân dân dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức, dùng trong bệnh người già bị đau người, đau dạ dày, đau khớp xương. Kích thích giúp sự tiêu hoá. Cùng Cây thuốc vị thuốc tìm hiểu chi tiết công dụng của cây.

Oct 20, 2021 - 09:31
 0  23
Thiên niên kiện, sơn thục (Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott)
Hình ảnh cây Thiên niên kiện - Homalomena aromatica
Thiên niên kiện, sơn thục (Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott)
Thiên niên kiện, sơn thục (Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott)
Thiên niên kiện, sơn thục (Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott)

Cây Thiên niên kiện còn gọi là sơn thục.

Tên khoa học: Homalomena aromatica (Roxb), Schott (Calla aromatica Roxb), Homalomena occulta (Iowa) Schott. Thuộc họ Ráy Araceae.

Thiên niên kiện (Rhizoma Homalomenae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thiên niên kiện.
 
Tên thiên niên kiện vì người ta cho rằng uống vị thuốc này thì nghìn năm khoẻ mạnh (thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khoẻ mạnh).
 
A. Mô tả cây

Thiên niên kiện là một cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh, đường kính 1 - 2cm. Lá mọc so le, có cuống dài từ 18 đến 25cm, màu xanh, mềm, nhẵn, phía dưới cuống nở rộng thành bẹ có màu vàng nhạt. Phiến lá hình đầu mũi tên, dài 11 - 15cm, rộng 7 - 11 cm, đầu nhọn, phía dưới hình cánh tên, mép nguyên, mặt trên lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía đỉnh lá. Cụm hoa mẫm, nở vào tháng 3 - 4. Quả mọng.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Thiên niên kiện mọc hoang rất nhiều ở các miền rừng núi của ta. Cây ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối. Ta khai thác quanh năm. Một năm có thể thu mua tới 3,000 tấn.
 
Hái về rửa sạch đất, bỏ rễ con, phơi hay sấy khô là được.
 
C. Thành phần hoá học

Trong thiên niên kiện của ta có từ 0.8 – 1.0% tinh dầu, tính theo rễ khô kiệt.
 
Theo E. Gildmeister và Fr. Hoffmann, trong rễ tươi của một loài thiên niên kiện Homalomena rubescens có chừng 78 - 81% độ ẩm, 0.8 – 1.2% tinh dầu (cất theo hơi nước thường) hoặc 0.88 – 1.25% tinh dầu (cất theo hơi nước có áp suất). Như vậy, tính theo rễ khô sẽ lên tới 5%.
 
Tinh dầu thiên niên kiện có màu vàng nhạt hoặc màu nâu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu.
 
Tinh dầu có tỷ trọng ở 30oC là 0.8868 (loại 1) hoặc 0.8920 (loại 2), αD30 14o5 và 9o33, αD20 1.45908 và 1.4621.
 
Tan trong 4 thể tích cồn 70o ở nhiệt độ 30oC.
 
Tỷ lệ andehyt và xeton 15 - 20% (định lượng bằng phương pháp bisunfit).
 
Phản ứng phenol bằng clorua sắt III cho kết quả âm tính.
 
Tìm phản ứng andehyt bằng dung dịch Fehling cho kết quả dương tính.
 
Trong tinh dầu có chừng 40% l.linalola, một ít tecpineola và chừng 2% este tính theo linalyl axetat. Ngoài ra, còn sabinen, limonen, α-tecpinen, axetandehyt, andehyt propionic.
 
Theo M. R. Pallaud, tỷ lệ linalola là 60% và một ít linalyl axetat và tecpineola.
 
D. Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ, thiên niên kiện vị đắng, cay, hơi ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, mạnh gân cốt. Dùng chữa phong thấp, khớp xương đau nhức, co quắp, tê dại.
 
Hiện nay, thiên niên kiện là một vị thuốc nhân dân dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức, dùng trong bệnh người già bị đau người, đau dạ dày, đau khớp xương. Kích thích giúp sự tiêu hoá. Ngày dùng 5 - 10g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
 
Là nguyên liệu chế tinh dầu. Tinh dầu thiên niên kiện được dùng trong kỹ nghệ nước hoa và làm nguyên liệu chiết xuất linalola.
 
Chú thích: Tên khoa học của thiên niên kiện có thể chưa thật chính xác. Theo Phạm Hoàng Hộ (1970, Cây cỏ miền nam Việt Nam, 2: 726) thì những cây được Gagnepain mô tả dưới tên Homalomena aromatica trong Thực vật chí Đông Dương (tập 6: 1114) là thuộc loại Homalomena occulta (Lour.) Schott.
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)