Vị thuốc Sơn tra (Fructus Crataegi)

Sơn tra còn gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra. Tên khoa học Crataegus pinnatifida Bunge (bắc sơn tra, sơn tra), Crataegus cuneata Sieb.et Zucc. (nam sơn tra, dã sơn tra); thuộc họ Hoa hồng Rosaceae. Hiện nay đông y và tây y dùng sơn tra với hai mục đích khác nhau. Tây y coi sơn tra (hoa, quả, lá) là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau, an thần. Chi tiết và phân biệt, nhận biết đúng vị thuốc Sơn Tra dưới đây.

Oct 25, 2020 - 09:57
 0  135
Vị thuốc Sơn tra (Fructus Crataegi)
Crataegus pinnatifida, tiếng việt là Bắc Sơn tra hay Sơn tra Trung Hoa, là loài thực vật có hoa trong họ Hoa hồng. Loài này được Bunge mô tả khoa học đầu tiên năm 1835.

SƠN TRA (Fructus Crataegi)

Sơn tra là quả chín thái mỏng phơi hay sấy khô của cây Bắc Sơn tra Crataegus pinnatifida Bunge, var major N.E.Br hoặc Nam Sơn tra Crataegus cuneata sieb et Zucc. Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Bản thảo kinh tập chú" thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).

  • Ở nước ta hiện nay có dùng quả cây Chua chát hay Táo mèo làm Sơn tra, nhưng phần lớn còn nhập của Trung quốc.
  • Quả Táo mèo và Chua chát (Docynia Indica (Mall) và Chua chát còn gọi là Sán sá (Tày) Malus doumeri (Bois) hay Docynia doumeri (Bois) có giống Sơn tra Trung quốc không cần được nghiên cứu thêm.

Tính vị qui kinh:

  • Vị chua ngọt, tính hơi ôn. Qui kinh Tỳ Vị Can.

Theo các sách Y học cổ:

  1. Sách Tân tu bản thảo: vị chua lạnh, không độc.
  2. Sách Bản thảo cương mục: chua ngọt hơi ôn.
  3. Sách Nhật dụng bản thảo: vị ngọt chua không độc.
  4. Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc dương minh, thái âm kinh.
  5. Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập Tỳ Can nhị kinh.
  6. Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập Tỳ kinh.Thành phần chủ yếu:
  • Theo các nhà nghiên cứu Trung quốc, trong Sơn tra có: acid citric, acid crataegic, acid cafiic, vitamin C, hydrat cacbon, protid, mỡ, calci, phospho, sắt, acid oleanic, ursolic, cholin, acetylcholin, phytosterin.

Tác dụng dược lý:

Tiêu thực hóa tích, hoạt huyết tán ứ. Chủ trị các chứng tích trệ, bụng đau tiêu chảy, sản hậu ứ trệ đau bụng, nước ối ra không dứt, sán khí, đau tinh hoàn.

Trích đọan Y văn cổ:

  1. Sách Bản thảo kinh tập chú: "nấu lấy nước rửa lở sơn".
  2. Sách Tân tu bản thảo: " uống chủ lợi thủy, gội đầu tắm trị chàm lở".
  3. Sách Nhật dụng bản thảo: " hóa thực tích, hành kết khí, kiện vị, khoang cách, tiêu khí tích huyết cục".
  4. Sách Trấn nam bản thảo: " tiêu nhục tích trệ, hạ khí trị ợ chua".
  5. Sách Bản thảo kinh sơ: " hóa ẩm thực, kiện tỳ vị, hành kết khí, tiêu ứ huyết".
  • Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Theo các nhà nghiên cứu dược lý Trung quốc Sơn tra có tác dụng:

Cường tim, hạ áp, tăng lưu lượng máu mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim. Nước cất Sơn tra bắc trên động vật thực nghiệm có tác dụng phòng và giảm bớt thiếu máu cơ tim thực nghiệm.

Có tác dụng làm hạ lipid huyết rõ rệt và làm giảm xơ mỡ động mạch, cơ chế chủ yếu là do thuốc có tác dụng tăng nhanh bài tiết cholesterol chứ không phải chống hấp thu cholesterol.

Sau khi uống Sơn tra lượng enzym trong bao tử tăng, giúp tiêu hóa tốt hơn, lượng acid béo tăng cũng giúp tiêu hóa chất mỡ tốt hơn.

Sơn tra có tác dụng ức chế các trực khuẩn thương hàn, lî, bạch hầu, mũ xanh, liên cầu beta, tụ cầu vàng. Phương pháp bào chế khác nhau không ảnh hưởng đến tác dụng kháng khuẩn của thuốc.
Sơn tra có tác dụng an thần, làm tăng tính thẩm thẩu của mao mạch và làm co cơ tử cung.

Ứng dụng lâm sàng:

  • Trị chứng thực tích bụng đầy đau, rối loạn tiêu hóa:

Quân khí tán: Sơn tra, Thanh bì, Mộc hương lượng bằng nhau tán bột mịn. Mỗi lần 3g, ngày 2 lần uống với nước sôi nguội.

Sơn tra sống, Sơn tra sao mỗi thứ 15g sắc uống trị ợ hơi, rối loạn tiêu hóa.

Sơn tra sao cháy 10g tán bột mịn uống với nước sôi nguội trị tiêu chảy, có thể gia đường đỏ vừa đủ cho dễ uống.

Trị trẻ em tiêu chảy: Lưu đại Phát dùng Xirô Sơn tra cho trẻ uống, mỗi lần 5 - 10ml, ngày uống 3 lần. Đã trị 212 ca, kết quả đều khỏi, trong 2 - 3 ngày khỏi có 176 ca (Tạp chí Trung y Hồ bắc 1985,4:28).

  • Trị tắt kinh do ứ huyết hoặc sau sanh bụng đau do ứ trệ dùng:

Sơn tra 30g sắc bỏ xác cho trộn 25g đường mía uống. Kinh nghiệm của Chu Đan Khê chỉ dùng độc vị Sơn tra, trường hợp đau kinh, sau sanh đau bụng, nước ối ra không dứt có thể gia thêm Đương qui, Xuyên khung, Ích mẫu thảo. Trường hợp sán khí (sa ruột) bụng đau căng tức, có thể cùng dùng với Hồi hương, Quất hạch.

  • Trị kiết lî cấp, viêm đại tràng cấp :

Dùng Sơn tra 60g sao cháy nhẹ gia 30g rượu trắng trộn đều sao lại cho khô rượu, cho nước đun trong 15 phút (cho 200ml nước) bỏ xác cho đường đỏ 60g sắc sôi, uống lúc thuốc còn nóng ngày 1 thang, thường chỉ 1 thang là đủ. Trị 100 ca đều khỏi (Báo Tân y học 1975,2:111).

Với phương pháp trên một báo cáo khác dùng trị 51 ca lî cấp khỏi 41 ca, kết quả tốt hơn dùng Clorocid (Báo cáo của Chu Kiến Viễn, Báo Tân y học 1977, bìa 3).

Có tác giả dùng thang thuốc có Sơn tra sao cháy 120g và Hoa đậu ván trắng 30g, ngày 1 thang sắc uống trị lî cấp và viêm đại tràng cấp 91 ca, có kết quả 97,80% và có nhận xét Sơn tra trị lî tốt hơn, còn Hoa đậu ván trắng đối với viêm đại tràng tốt hơn (Thông tin trung thảo dưọc 197,3:31).

Sơn tra 30g, sắc nước cho vào đường mía 30g, lá trà nhỏ vào nước thuốc sôi nóng khuấy đều 30 phút, uống trị lî mới bắt đầu.

  • Trị chứng lipid huyết cao: tác giả dùng Sơn tra, Mạch nha cô chế thành dạng trà, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói 30g, mỗi liệu trình 2 tuần. Trị cholesteron cao 127 ca có kết quả 92% (Tạp chí Trung y Liêu ninh 1979,5:23).
  • Trị cơn đau thắt tim, bệnh mạch vành: tác giả dùng chiết xuất lá Sơn tra chế thành viên, mỗi viên 25mg, mỗi lần uống 4 viên, ngày 3 lần, một liệu trình 4 tuần. Dùng trị 219 ca cơn đau thắt ngực. Kết quả khỏi triệu chứng tỷ lệ 92,2%, điện tâm đồ được cải thiện 47,1% (Báo cáo của Ông Duy Lương, Báo Y học Bắc kinh 1986,2:101).
  • Trị viêm thận bể thận: mỗi ngày dùng Sơn tra sống 100g sắc với nước lạnh sôi trong 15 - 20 phút, sắc 3 lần, mỗi lần 500ml (lượng người lớn, trẻ em dùng 1/3 - lượng người lớn), một liệu trình 14 ngày, đã trị 105 ca, trong đó có 45 ca cấp tính, kết quả chung là 91,1%, số mạn tính 60 ca, tỷ lệ kết quả 88,3% (Báo cáo của Lôi chấn Giáp, Báo Tân trung y Thiễm tây 1975, 1:35).
  • Trị nấc cụt: uống nước sắc Sơn tra sống, người lớn mỗi lần 15ml, ngày 3 lần. Đã trị 85 ca nấc cụt khó khỏi, phần lớn trong một ngày khỏi.( Đoạn quần Lục và cộng sự, Báo Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,5:315).
  • Trị Polip thanh đới: mỗi ngày dùng lượng Tiêu Sơn tra 24 - 30g sắc 2 lần được 1500ml nước thuốc, để nguội từ từ uống hết. Tác giả đã trị 10 ca kết quả đều tốt (Trương hữu Quyền, Báo Y dược Thiên tân 1977,6:281).
  • Trị hóc xương cá: Sơn tra 15g sắc đặc với 200ml nước ngâm một lúc lâu rồi nuốt. Còn dùng nấu nước tắm trị ghẻ lở, lở sơn dị ứng.

Liều dùng và chú ý:

  1. Liều: 10 - 30g sắc uống.
  2. Dùng thận trọng đối với bệnh nhân tỳ vị hư nhược.