Bảo tồn và ứng dụng cây thuốc và vị thuốc nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn là địa phương được đánh giá có nguồn dược liệu phong phú và dồi dào, với nhiều loài có giá trị, nhiều họ thuộc loại quý hiếm.

May 16, 2021 - 21:44
 0  22
Bảo tồn và ứng dụng cây thuốc và vị thuốc nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, do chưa có biện pháp quản lý khai thác thích hợp cũng như chưa biết hết giá trị sử dụng của các cây thuốc mà nguồn dược liệu trong tự nhiên đang bị suy giảm, một số loài còn bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau. Do vậy, để bảo tồn và ứng dụng các loại cây thuốc và vị thuốc nam trên địa bàn, mới đây, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Hội Đông Y tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn bảo tồn và ứng dụng cây thuốc và vị thuốc nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, góp phần duy trì và bảo tồn gen các loại cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có khí hậu tự nhiên ôn hòa, rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều cây thảo dược quý, hiếm như: đẳng sâm, kê huyết đằng, xuyên khung

Do vậy, Lạng Sơn đã được đánh giá là địa phương có nguồn cây thuốc mọc tự nhiên phong phú và đa dạng. Thể hiện ở thành phần loài, dạng sống cũng như về sự phân bố của chúng rộng khắp cả tỉnh. Tập trung nhiều ở các huyện Bắc Sơn; Đình Lập; Lộc Bình; Hữu Lũng; Tràng Định. Trong đó, đã phát hiện và ghi nhận có 788 loài cây thuốc. Bao gồm 285 loài dược liệu chính và đã xây dựng được Danh mục 285 cây thuốc chính; 10 loài và nhóm loài cây thuốc tiềm năng. Một số loại cây được coi là thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn phải kể tới như:

Cẩu tích, Chè dây, Mac ca, Sa nhân…

Đây là những cây thuốc mọc tự nhiên không nằm trong danh sách bảo tồn, được phép khai thác, cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu ở nước ta. Có thể khẳng định, nguồn cây thuốc ở tỉnh Lạng Sơn là phong phú và đa dạng, không những về thành phần loài mà còn về cả dạng sống, sự phân bố và giá trị sử dụng cao.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, do tình trạng khai thác các loại cây dược liệu quý, hiếm mọc tự nhiên trong rừng với phương thức tận diệt như:

Cắt cành, nhổ cây, đào gốc, rễ nên các cánh rừng ở Lạng Sơn đã mất đi một lượng lớn những cây thuốc quý. Nhiều loài mất đi khả năng khai thác lớn hoặc một số loài còn bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau. Do vậy, việc bảo tồn các cây thuốc quý hiếm và phát huy hết giá trị của các loại cây thuốc nam đang là vấn đề cần thiết. Để giải quyết vấn đề trên, đã có nhiều nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp có tính khả thi nhằm bảo tồn những cây thuốc quý hiếm, phát triển và khai thác bền vững nguồn tài nguyên. Theo đó, việc đẩy mạnh cung cấp các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về những vị thuốc nam cơ bản và các cây thuốc quý cho các ông lang, bà mế là một trong những giải pháp thiết thực. Do đó, tại Hội nghị tập huấn bảo tồn và ứng dụng cây thuốc và vị thuốc nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Hội Đông Y tỉnh Lạng Sơn tổ chức đã thu hút đông đảo các học viên là các ông lang, bà mế đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đây là những người tâm huyết với nghề đông y, muốn gìn giữ và phát huy giá trị của các vị thuốc nam cũng như bảo tồn phát triển các cây thuốc vào chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 ông lang, bà mế đang sinh hoạt ở 11 Hội Đông y cấp huyện, thành phố, 219 Hội Đông y cấp xã, phường, thị trấn. Với mạng lưới rộng khắp 11 huyện, thị, các ông lang, bà mế đã góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến năm  2015, các ông lang, bà mế trong toàn tỉnh đã khám chữa cho trên 500.000 bệnh nhân với những bài thuốc gia truyền điều trị hiệu quả chữa khỏi bệnh nan y cho nhiều bệnh nhân. Do vậy, việc cung cấp các kiến thức cơ bản như: tổng quan về những cây thuốc trên địa bàn; tác dụng của một số cây thuốc quý; một số kỹ thuật cơ bản trong việc chăm sóc, bảo vệ một số cây thuốc, thực tế tại vườn thuốc nam,… Các ông lang, bà mế đã được củng cố thêm nhiều kiến thức bổ ích về các vị thuốc quý áp dụng trong khám chữa bệnh, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, nâng cao ý thức duy trì và bảo tồn các cây thuốc, trên cơ sở đó nhân rộng một số vườn thuốc nam tại các địa phương. Từ đó, góp phần duy trì và bảo tồn gen các loại cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng với lòng tâm huyết, tận tâm với nghề của những ông lang, bà mế, tin tưởng rằng, Lạng Sơn sẽ quy hoạch, bảo tồn hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu có giá trị và phát huy việc ứng dụng các cây thuốc và các vị thuốc nam vào khám chữa bệnh một cách tích cực, góp phần thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn./.

Theo langson