Cây Vối - Cleistocalyx operculatus

Cây vối tên khoa học là clestocalyx operculatus. Loài cây này thuộc họ sim. Cây vối giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, mát gan

Oct 16, 2020 - 03:14
 0  26
Cây Vối - Cleistocalyx operculatus

Cây Vối - Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr. et Perry (Eugenia operculata Roxb.), thuộc họ Sim - Myrtaceae.

Mô tả: Cây gỗ có kích thước trung bình. Lá bầu dục hay xoan ngược, thót nhọn ở gốc, có mũi ngắn ở đầu, nhạt màu, và hơi có chấm nâu trên cả hai mặt, dài 8-9cm, rộng 4-8cm. Hoa gần như không cuống, thành cụm hoa hình tháp trải ra ở nách những lá đã rụng. Quả hình cầu hay hình trứng, đường kính 7-12mm, nhám, nhớt.

Hoa tháng 6.

Bộ phận dùng: Nụ hoa, vỏ thân, lá - Gemma Florifera, Cortex et Folium Cleistocalycis Operculati.

Nơi sống và thu hái: Loài của Á châu nhiệt đới, Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng nhiều để lấy lá, nụ hoa làm trà uống (nước vối). Thu hái lá dùng tươi nhưng cũng có thể ủ cho lên men trước khi dùng; thông thường người ta vẫn dùng lá và nụ tươi phơi khô làm thuốc.

Thành phần hóa học: Lá chứa ít tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi, thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá được dùng làm trà, uống nóng rất thông dụng ở nông thôn Việt Nam. Hoa nhỏ thu hái vào tháng 6, cũng được dùng pha trà uống (nụ vối) có thể so sánh với nước hãm lá Bạch đàn. Người ta cũng thường phối hợp lá Vối với lá Hoắc hương làm nước hãm uống lợi tiêu hóa. Nước sắc đậm đặc của lá cây dùng như thuốc kháng sinh, sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.

Ở Ấn Độ, rễ sắc đặc dạng xirô dùng đắp vào các khớp sưng đỏ; quả dùng ăn trị phong thấp.

Ở Trung Quốc, các bộ phận của cây dùng trị cảm mạo, đau đầu phát sốt, lỵ trực khuẩn, viêm gan, bệnh mẩn ngứa, viêm tuyến sữa, ngứa ngáy ngoài da, bệnh nấm ở chân, vết thương do dao súng.

Theo kinh nghiệm dân gian thì cây vối có nhiều loại như sau:

Cây vối có mấy loại?

Có nhiều loại cây vối, điển hình nhất chính là các loại cây dưới đây sẽ được liệt kê đến với các bạn.

Cây vối nếp

Là cây vối có phần lá hơi nhỏ, màu lá hơi có màu ngả vàng. Sở dĩ gọi là cây vối nếp vì cây khi chúp, mùi quả và nụ rất thơm, thơm mùi nếp rất nhiều. Nước khi nấu cũng ngọt và đậm đà hơn nhiều.

Cây vối tẻ

Lá to bản hơn cây vối bình thường, màu lá có màu xanh đậm, trên mặt lá có nhiều vết vằn vàng hơn. Khi uống vị đậm đà cũng vừa phải hơn nhiều, không quá ngây.

Cây vối bắc

Cây vối này có nhiều ở các khu nông thôn miền Bắc, đặc điểm đó là cây rất to, thường mọc lâu đời, thuộc dạng cây đại cổ thụ. Cây có nhiều cành chĩa ra, lá mọc xum xueey. Trái nhiều.

Cây vối rừng

Thường mọc quả nhiều hơn mọc lá, quả của cây có hình dạng giống với quả sim rừng. cây thường khá mảnh khảnh, do môi trường rừng nhiều cây không thích hợp với sự sinh trưởng của cây vối.

Cây vối cảnh

Cây thường dạng cây nhỏ, có thể uốn phần thân và cành theo ý muốn của người trồng, nhiều người cũng sưu tập những cây lớn, thường là từ các vùng nông thôn, đánh cả cây trưng bày từ cành đến rễ cây rất đẹp.

Bài liên quan: Thảo dược dân gian: Tác dụng của việc uống nước lá vối, nụ vối đối với sức khỏe